Nông thôn Trung Quốc - chặng đường 30 năm cải cách
TCCSĐT - Cải cách nông thôn đã mở màn cho tiến trình cải cách mở cửa của Trung Quốc. 30 năm qua, Trung Quốc không ngừng tìm tòi, thử nghiệm cải cách, phát triển nông thôn và đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện. Tuy nhiên, “tam nông” vẫn là khâu yếu trong tiến trình cải cách của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc coi xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa giai đoạn mới là nhiệm vụ chiến lược, là khởi điểm cho tiến trình cải cách giai đoạn mới ở Trung Quốc.
1. Quá trình cải cách nông thôn Trung Quốc
Cho đến nay, quá trình cải cách nông thôn Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn, sau mỗi giai đoạn, quá trình cải cách thu được những kết quả nhất định.
Giai đoạn xây dựng thể chế kinh tế mới ở nông thôn (1978-1991) được bắt đầu từ việc thực hiện chế độ khoán trách nhiệm sản xuất tới hộ gia đình. Có thể nói, đây là giai đoạn “cởi trói”, với việc từng bước tháo gỡ những chính sách, biện pháp làm hạn chế sự phát triển của sức sản xuất xã hội, xây dựng thể chế kinh tế mới trong nông nghiệp và nông thôn, giải phóng sức sản xuất xã hội nông thôn.
Đến năm 1990, cơ cấu GDP theo ngành ở Trung Quốc lần lượt là: nông nghiệp: 27,1%, công nghiệp: 41,6%, dịch vụ: 31,3%. Cơ cấu GDP của nông thôn theo ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ lần lượt là 46,1%; 46,3%; 7,6%. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 708 NDT năm 1991. Số người nghèo đói trong giai đoạn này đã giảm xuống còn khoảng 80 triệu người. Đến năm 1992, Trung Quốc đã có 517 thành phố.
Trong giai đoạn cải cách và phát triển nông thôn trong bối cảnh xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa 1992-2000: Trung Quốc nêu nhiệm vụ xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tiếp tục công cuộc cải cách mở cửa; đi sâu cải cách nông nghiệp nông thôn, ổn định và hoàn thiện chế độ khoán; xây dựng hệ thống thị trường nông thôn; phát triển ngành nghề hoá nông nghiệp; chuyển biến chức năng của chính quyền; đẩy nhanh đô thị hoá nông thôn. Đến năm 2006, Trung Quốc tiến hành xóa bỏ thuế nông nghiệp.
Có thể thấy, khi kết thúc giai đoạn này, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn: từ sản xuất lương thực đơn thuần trước đây đã chuyển sang sản xuất nhiều chủng loại lương thực, thực phẩm; ngành nghề kinh doanh đa dạng, nhiều thành phần, chế độ thu mua lương thực và lưu thông hàng hoá ở nông thôn được cải cách, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch rõ nét, mức độ thị trường hoá của nông thôn mở rộng hơn; các giai tầng ở nông thôn có sự phân hoá.
Giai đoạn cải cách và phát triển nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế (2001-2008) được khởi đầu bằng sự kiện Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2001, đánh dấu quá trình hội nhập toàn diện vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế khu vực và thế giới.
Việc Trung Quốc tham gia sâu rộng vào thị trường nông sản thế giới, có lợi cho phát triển nông nghiệp, tạo môi trường và điều kiện để đẩy nhanh hiện đại hoá nông nghiệp, thế nhưng, “tam nông” vẫn là khâu yếu trong tiến trình cải cách, xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Từ năm 2003, vấn đề “tam nông” trở thành trọng tâm trong công tác của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Cải cách nông thôn bước vào giai đoạn mới khi Trung Quốc đưa ra chủ trương xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa giai đoạn mới với nội dung và yêu cầu nêu trong “Ý kiến về thúc đẩy xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa” (Văn kiện số 1 năm 2006) và “Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ XI”: “sản xuất phát triển, đời sống sung túc, thôn làng văn minh, thôn xã gọn gàng, quản lý dân chủ ”. Trong giai đoạn này, Trung Quốc thực hiện “lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, thành thị lôi kéo nông thôn”, nhất thể hóa phát triển kinh tế - xã hội thành thị - nông thôn. Cải cách nông thôn với cách nhìn nhận “lấy con người làm gốc”, coi trọng giải quyết vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Có thể thấy rằng, qua 30 năm cải cách nông thôn, Trung Quốc đã giành được những thành tựu to lớn và toàn diện: an ninh lương thực cho hơn 1,3 tỉ dân được bảo đảm; sản lượng lương thực tăng từ 304,7 triệu tấn năm 1978 lên 501,5 triệu tấn năm 2007; số người nghèo đói nông thôn giảm từ 250 triệu người năm 1978 xuống 14,9 triệu người năm 2007; đời sống của cư dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập của nông dân cũng tăng từ 133,6 NDT năm 1978 lên lên 4761 NDT năm 2008(1). Cải cách nông thôn đã góp phần to lớn, tạo cơ sở cho tiến trình xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa giai đoạn mới tiếp tục đạt được những thành tựu mới.
2. Bài học kinh nghiệm
Từ quá trình cải cách và phát triển nông thôn ở Trung Quốc có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đáng chú ý như:
- Không ngừng nâng cao nhận thức về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đặc biệt là vấn đề nông dân, đặt vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quy hoạch tổng thể quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội. Không ngừng tổng kết và hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm chỉ đạo giải quyết vấn đề “tam nông”. Thường xuyên rà soát các chính sách, quán triệt thực hiện nghiêm túc các biện pháp, quyết không buông lỏng giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Từ khi cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc đã đưa ra 11 Văn kiện số 1 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đồng thời, cũng ban hành nhiều văn bản pháp quy về nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, Trung Quốc đã hình thành về cơ bản hệ thống các quan điểm chỉ đạo giải quyết vấn đề “tam nông”. Cải cách nông thôn được tiến hành theo hướng xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa giai đoạn mới, phát triển phối hợp giữa công nghiệp với nông nghiệp, thành thị và nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn liền với những tiến bộ xã hội nông thôn.
- Phối hợp các nguồn lực giải phóng và phát triển sức sản xuất nông thôn, thực hiện chế độ khoán, phát triển xí nghiệp hương trấn, thúc đẩy ngành nghề hóa nông nghiệp để giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội. Phát huy ưu thế của mỗi địa phương, kết hợp nguồn lực vùng miền, gắn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn với tiến trình xây dựng hiện đại hoá đất nước.
- Phối hợp công nghiệp - nông nghiệp, thành thị - nông thôn, giải quyết vấn đề cơ cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn, quan hệ không hài hoà giữa công nghiệp - nông nghiệp. Trung Quốc đang nỗ lực để hạn chế và xoá bỏ dần sự phân cách giữa thành thị và nông thôn, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa công nghiệp và nông nghiệp, chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ xã hội. Chế định các chính sách phát triển hài hoà, phối hợp giữa thành thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp; xoá bỏ các chính sách kỳ thị nông dân, nông thôn.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Trung Quốc tập trung giải quyết các vấn đề xã hội cơ bản như xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; đẩy mạnh giáo dục nông thôn, thực hiện giáo dục nghĩa vụ 9 năm, coi đẩy mạnh giáo dục là khâu quan trọng trong nâng cao tố chất cư dân, chuyển dịch lao động; đẩy mạnh ứng dụng các thành quả khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, cải tạo giống cây trồng và vật nuôi, phổ biến tri thức kỹ thuật và thông tin thị trường cho nông dân. Đặc biệt là tìm mọi cách nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn. Việc giải quyết các vấn đề xã hội cũng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
- Giải quyết kịp thời những khúc mắc của nông dân, xây dựng người nông dân kiểu mới. Phát huy vai trò tích cực của chính quyền các cấp địa phương trong đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Quy phạm và phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Đồng thời, phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp trong xây dựng thôn làng giàu mạnh và văn minh. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp thu các thành quả của văn minh nhân loại. Nắm vững và ứng phó kịp thời với những biến động thị trường nông sản quốc tế.
Quá trình cải cách và phát triển nông thôn Trung Quốc 30 năm qua là quá trình không ngừng tìm tòi, thử nghiệm và đã đạt được những thành tự to lớn và toàn diện. Sau 30 năm cải cách và phát triển, nông thôn Trung Quốc tiếp tục được coi là bước khởi đầu cho cải cách và phát triển của Trung Quốc giai đoạn mới.
Hội nghị Trung ương 3 khóa XVII (tháng 10-2008) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng thúc đẩy cải cách phát triển nông thôn, đưa ra mục tiêu tới năm 2020, thu nhập thuần của nông dân tăng gấp đôi so với năm 2008, thể chế kinh tế nông thôn được kiện toàn hơn nữa, xây dựng về cơ bản cơ chế thể chế nhất thể hóa phát triển kinh tế xã hội thành thị nông thôn; xây dựng nông nghiệp hiện đại đạt tiến triển rõ nét, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp tổng hợp; tổ chức cơ sở nông thôn được tăng cường hơn nữa, chế độ tự trị nông thôn càng hoàn thiện, quyền lợi dân chủ của nông dân được bảo đảm thiết thực; văn hóa nông thôn phồn vinh hơn nữa; thể chế quản lý xã hội nông thôn không ngừng hoàn thiện,.. Nghị quyết cũng đưa ra các nhóm giải pháp: (1) Ra sức thúc đẩy cải cách đổi mới nông thôn (2). Tích cực phát triển nông nghiệp hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp tổng hợp; (3) Đẩy nhanh phát triển sự nghiệp công cộng nông thôn, thúc đẩy tiến bộ toàn diện xã hội nông thôn; (4). Tăng cường hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nông thôn.
Ngày 31-12-2008, Trung ương Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa ra Văn kiện số 1 năm 2009 về thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm nông dân tăng thu(2). Đây là Văn kiện số 1 thứ 11 của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Trung Quốc. Văn kiện đưa ra 5 nhóm giải pháp thúc đẩy: (1). Tăng trợ giúp và bảo hộ nông nghiệp; (2). Phát triển ổn định sản xuất nông nghiệp; (3). Tăng cường hệ thống hỗ trợ và phục vụ cho nông nghiệp hiện đại; (4). ổn định và hoàn thiện chế độ kinh doanh cơ bản nông thôn; (5). Thúc đẩy phát triển nhất thể hóa kinh tế-xã hội thành thị nông thôn.
Có thể thấy, cải cách và phát triển nông thôn Trung Quốc trong thời gian tới sẽ diễn ra theo hướng: tiếp tục điều chỉnh phân phối thu nhập quốc dân để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp với nòng cốt là nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nông nghiệp; thúc đẩy giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tôn trọng và giải quyết đúng đắn quyền lợi của nông dân; tiếp tục đẩy nhanh thị trường hóa nông thôn, làm cho nông dân trở thành chủ thể của thị trường; thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội nông thôn; cải cách quản lý xã hội nông thôn; phát triển phối hợp công nghiệp - nông nghiệp, thành thị - nông thôn.
3. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình cải cách nông thôn Trung Quốc
- Số lao động dôi dư ở nông thôn còn nhiều, lao động nông nghiệp còn đông. Quan hệ giữa công nghiệp - nông nghiệp; thành thị - nông thôn mất cân đối, không hài hòa. Quá trình chuyển hoá gia công nông sản chậm, giá trị ngành nuôi trồng còn thấp. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển chưa bền vững. Ngoài ra, chênh lệch giữa nông thôn miền Đông với nông thôn miền Tây Trung Quốc cũng còn khá lớn.
- Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động mất cân đối. Năm 2006, cơ cấu ngành kinh tế lần lượt là nông nghiệp:11,7% (I); công nghiệp: 48,9 % (II); dịch vụ: 39,4% (II), trong khi cơ cấu lao động theo ngành kinh tế lần lượt là 42,6%: 25,2%; 32,2%(3). Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động mất cân đối là nét đặc trưng nhất của cơ cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn ở Trung Quốc.
Cơ cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn là hiện tượng phổ biến tại các nền nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn của Trung Quốc có tính đặc thù và rõ nét. Trung Quốc đã lấy nhiều nguồn lực từ nông nghiệp nông thôn, dồn nhiều nguồn lực phát triển công nghiệp, đô thị, hạn chế dịch chuyển các yếu tố sản xuất giữa nông thôn và thành thị. Do vậy đã tạo thành hai mảng kinh tế độc lập, khác tính chất, hai nhóm lợi ích khác nhau. Cơ cấu trên thường được gọi là cơ cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn(4). Đây là một trong những trở ngại chính của tiến trình cải cách nông thôn ở Trung Quốc trong thời gian tới./.
(1) http://www.stats.gov.cn/tjgb/ndtjgb/qgndtjgb/t20090226_402540710.htm
(2) http://www.gov.cn/jrzg/2009-02/01/content_1218759.htm
(3) Niên giám thống kế Trung Quốc năm 2007
(4) Nguyễn Xuân Cường, Cơ cấu nhị nguyên thành thị nông thôn ở Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5-2006.
Không bỏ lệnh cấm vận Cu-ba, Mỹ không thể lấy được niềm tin của người dân Mỹ La-tinh  (23/04/2009)
Tăng cường và phát triển quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á  (23/04/2009)
Tăng cường và phát triển quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á  (23/04/2009)
Những câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ: Quân lệnh như sơn  (23/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển