Nhật Bản với bài toán chống suy thoái kinh tế
13:42, ngày 11-04-2009
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua cuộc suy thoái được coi là tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV-2008 của Nhật Bản giảm 3,2% so với quý trước, mức giảm mạnh nhất trong 35 năm qua.
Xuất khẩu, khu vực chủ lực thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng, chịu tác động trực tiếp từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong tháng 2-2009 giảm chỉ còn một nửa so với một năm trước, mức thấp nhất kể từ năm 1980. Hàng tồn kho tăng nhanh, nhất là vào cuối năm 2008, buộc các công ty ô-tô và công nghệ lớn của Nhật Bản phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm hàng chục nghìn việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 2-2009 tăng lên 4,4%, mức cao nhất trong ba năm qua.
Suy thoái cũng làm lộ rõ những yếu kém bên trong lâu nay của nền kinh tế. Do mạng lưới an sinh xã hội mỏng, để bảo vệ việc làm, các công ty và ngành công nghiệp yếu được nhà nước bảo hộ khỏi sức cạnh tranh bên ngoài bằng một loạt điều luật và liên kết giữa các công ty. Hệ thống này hạn chế năng suất và tiềm năng tăng trưởng. Trong khi đó, sức mua của các hộ gia đình giảm vì thu nhập ít đi theo đà GDP thực tế giảm. Trước tình trạng này, chính phủ hạ thấp lãi suất tiền vay nhằm thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp, nhưng hậu quả là xuất hiện chứng khoán mất giá và nợ xấu.
Ở tất cả các khu vực, nợ nần và sức sản xuất thừa tăng nhanh trong khi lợi nhuận vẫn thấp. Các dự án xây dựng ngốn nhiều tiền nhưng hiệu quả thấp, được gọi là "dự án voi trắng", từ cầu đường, các tòa cao ốc văn phòng tới nhà máy ô-tô, mọc lên từ tiền vay ngân hàng với "lá bùa" là nếu gặp khó khăn, chính phủ và ngân hàng sẽ giải cứu các con nợ. Nhưng các ngân hàng có mức vốn quá thấp, không thể xóa các khoản nợ xấu tích tụ từ năm 1993 đến năm 2005 lên tới gần 20% GDP. Ở Mỹ, trục trặc trong khu vực tài chính đã gây suy thoái kinh tế. Ở Nhật Bản thì ngược lại, những trục trặc trong nền kinh tế dẫn tới khủng hoảng ngân hàng.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng, Nhật Bản đã quá chậm trong việc giảm lãi suất, bơm tiền vào các ngân hàng và tăng chi tiêu của chính phủ. Hiện các nhà chính trị nước này không dễ chi tiền thuế của dân vì sự bất mãn rộng khắp trong xã hội đối với giới đầu cơ và chủ ngân hàng đã tạo ra "bong bóng" kinh tế. Dư luận cho rằng, một số ngân hàng đã được cứu vẫn tiếp tục bê bết, cần để phá sản chứ không nên cố duy trì tình trạng "sống dở chết dở" và tiếp tục ngốn tiền của dân.
Các chuyên gia khuyến nghị, chính phủ nên dùng các khoản cứu trợ kinh tế để đầu tư vào môi trường, y tế, giáo dục, nông nghiệp và rót cho các hộ gia đình là những khu vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh, có thể giúp tăng năng suất và tạo nhiều việc làm, đem lại hiệu quả cao nhất trong kích thích hồi phục kinh tế bền vững, hơn là vào các "dự án voi trắng". Chính phủ có thể nới lỏng các quy định về đất nông nghiệp giúp nông dân dễ dàng hơn trong bán đất, tăng hiệu quả sử dụng đất. Hiện 10% đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang. Ðầu tư cho y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân cũng cần được tăng vì đây là những nơi đang thiếu lao động.
Trong nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), tỷ lệ đầu tư cho y tế của Nhật Bản thấp nhất trong khi tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất, vấn đề dân số già dẫn tới số bệnh nhân vào viện tăng nhanh. Gói cứu trợ cũng nên cải thiện mạng lưới an sinh cho những người mất việc làm. 77% người thất nghiệp ở Nhật Bản không được trợ cấp, trong khi ở Mỹ là hơn 57% và ở Ðức chỉ có 13%.
Trước nhiều sức ép đối với đầu tàu kinh tế thứ hai thế giới, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chi bổ sung mười nghìn tỷ yên (100 tỷ USD) để kích thích kinh tế trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4-2009, bằng 2% GDP, mức mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi các quốc gia chi để chống lại suy thoái toàn cầu. Chính phủ nước này cho biết, gói cứu trợ mới sẽ gồm các biện pháp trợ cấp công nhân mất việc, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tín dụng, cải thiện y tế và khuyến khích sử dụng công nghệ "xanh" năng lượng mặt trời. Các biện pháp cứu trợ công bố từ tháng 10-2008 đến nay trị giá 75 nghìn tỉ yên, trong đó đã thực chi 12 nghìn tỉ yên.
Các chuyên gia dự báo kinh tế Nhật Bản tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên đã xuất hiện những dấu hiệu sáng sủa hơn ở các thị trường xuất khẩu. Ðơn đặt hàng mới từ Mỹ trong tháng 2 với các mặt hàng của Nhật Bản tăng lần đầu trong bảy tháng qua. Dự báo sản xuất công nghiệp sẽ chạm đáy trong quý II và bắt đầu tăng trở lại trong quý III-2009. Mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu ra khỏi đáy nhưng tốc độ hồi phục không thể nhanh vì cầu ở thị trường nước ngoài vẫn yếu./.
Nhiều nước tiếp tục nỗ lực khắc phục khủng hoảng kinh tế - tài chính  (10/04/2009)
Đại hội thành lập Hội Phát hành Báo chí Việt Nam  (10/04/2009)
Một số vấn đề cần chú trọng trong công tác tư tưởng hiện nay  (10/04/2009)
Trật tự thế giới mới – Chủ đề chính của hội nghị Pat-tay-a  (10/04/2009)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay