Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Các nhà khoa học vào cuộc, doanh nghiệp cùng chung tay với nông dân và Nhà nước tiêu thụ lúa một cách chủ động sẽ là giải pháp hữu hiệu để hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, và Việt Nam, nói chung, có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Khâu chọn giống lúa còn bất cập
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long mới sử dụng khoảng 34% giống xác nhận trong gieo sạ. Trên thực tế, hàng năm đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 400.000 tấn giống lúa xác nhận, nhưng nguồn giống từ các viện, trường, trung tâm... chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng trên 100 giống lúa, trong đó chủ lực chừng 20 giống và 80% giống có nguồn gốc từ Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đang thực hiện dự án nhân giống lúa để phục vụ mục tiêu có 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam đến năm 2010. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trong gieo sạ ở Đồng bằng sông Cửu Long được cải thiện rất nhiều. Trên thực tế, giống xác nhận chính quy có quy trình kiểm định, kiểm nghiệm đạt chuẩn chỉ khoảng 9%. Số còn lại do các cơ quan, trung tâm giống tự chứng nhận khi kiểm tra đúng qui trình sản xuất được khuyến cáo.
Trên thực tế, bình quân diện tích canh tác trên nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long nhỏ lẻ, manh mún, do vậy, việc chọn giống lúa canh tác phụ thuộc rất lớn vào “sở thích” của nông dân. Vì thế mới có tình trạng có địa phương gieo sạ trên 100 giống lúa. Trong khi đó, việc thu mua lúa hàng hóa phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Khi đưa vào nhà máy xay xát, thương lái chỉ phân loại gạo hạt dài, hạt ngắn và bán cho doanh nghiệp để xuất khẩu, dẫn đến tình trạng một bao gạo có gần một chục giống lúa. Đây không chỉ là rào cản cho việc xây dựng thương hiệu hạt gạo mà còn ảnh hưởng đến giá cả và sức cạnh tranh trên thị trường. Các nhà khoa học chuyên ngành về giống lúa khẳng định: “Tăng cường đầu tư công nghệ để tăng năng suất lúa, trong đó coi đầu tư công nghệ cho khâu chọn giống có ý nghĩa quan trọng và quyết định năng suất, phẩm chất hạt gạo”.
Muốn tăng năng suất phải tăng đầu tư
Hiện tại, bình quân năng suất lúa vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long đạt 5-6 tấn/ha, vụ đông xuân đạt 7-8 tấn/ha. Một số ý kiến cho rằng, năng suất này đã “đội trần”. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: “Hiện tại, năng suất trung bình từ 6-8 tấn/ha, tuy nhiên, vẫn có thể đạt mức năng suất tiềm năng 8-10 tấn/ha. Điều này phụ thuộc vào trình độ canh tác của nông dân, khả năng tài chính của nông dân để quyết định mức đầu tư phù hợp”. Để đạt năng suất tiềm năng, nông dân phải tăng chi phí đầu tư, nhưng hiệu quả kinh tế chưa hẳn cao hơn hiện tại. Trước đây, vụ lúa hè thu năng suất chỉ 3 tấn/ha, nhưng hiện nay đã tăng 5-6 tấn/ha và kỹ thuật canh tác của nông dân cũng đã nâng cao rất nhiều.
Hằng năm, đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng gần 4 triệu ha lúa. Những năm gần đây, một số địa phương đã trồng thử nghiệm giống lúa ưu thế lai, năng suất trung bình 8-10 tấn/ha, nhưng diện tích không nhiều và chưa phổ biến. Cũng theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, giống ưu thế lai hoàn toàn thích hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long, năng suất cao, nhưng cũng nhiều nhược điểm. Cách đây hơn 10 năm, Viện đã nghiên cứu giống lúa ưu thế lai, nhưng không đẩy mạnh và nhân rộng, bởi ưu điểm của giống lúa này là người sản xuất có thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ giống đầu dòng, năng suất cao, nhưng khả năng chống chịu sâu bệnh kém hơn lúa thuần, chất lượng hạt gạo không cao, nhiều sâu bệnh. Nông dân phải bỏ chi phí đầu tư rất lớn.
Ở đồng bằng sông Cửu Long có đến 95% diện tích gieo sạ là giống cao sản, ngắn ngày, giống lúa thơm chỉ chiếm khoảng 5% (các loại giống dài ngày, gạo thơm, dẻo... ) tập trung ở vùng nước lợ. Việc gieo trồng lúa cao sản ngắn ngày có lợi thế là độ thuần hạt gạo cao và nếu không mua được giống xác nhận để gieo sạ, nông dân có thể dùng giống thương phẩm để sạ trở lại cũng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.
Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo
Xuất khẩu gạo Việt Nam đứng hàng thứ 2 trên thế giới, trong đó, 90% sản lượng gạo xuất khẩu có nguồn gốc từ đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà khoa học cho rằng, khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam còn thua kém xa Thái Lan cả về chất lượng và giá thành, do hạt gạo Thái Lan đã có thương hiệu từ lâu và 70% diện tích trồng lúa là lúa mùa, 30% lúa cao sản. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giống lúa mùa Thái Lan dài ngày, việc khống chế dịch bệnh cũng tốt hơn so với quy trình canh tác ở Việt Nam. Giá trị thương phẩm của hạt gạo Thái Lan cao hơn Việt Nam từ 100- 200 USD/tấn do chỉ gieo sạ một vài giống chủ lực, sản lượng lớn, đồng nhất.
Theo các nhà khoa học chuyên ngành giống lúa, không nhất thiết phải phát triển diện tích lúa mùa để xuất khẩu, vì khó có khả năng cạnh tranh so với Thái Lan. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã thu mua lúa thơm này để phục vụ thị trường nội địa (tiêu thụ ở khách sạn, nhà hàng), giá thành khá cao và ổn định. Còn canh tác giống lúa cao sản ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, thời gian thu hoạch ngắn, khống chế dịch bệnh dễ và có thể tăng vòng quay của đất để tăng sản lượng, thay vì trồng lúa mùa, một năm chỉ được 1 vụ. Do tốc độ đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp giảm, việc tăng vòng quay của đất để tăng sản lượng lúa là cần thiết. Cùng với đó, phải ưu tiên đầu tư công nghệ sinh học cho chọn giống và chọn giống kháng chống chịu sâu bệnh.
Hiện nay, 70-80% giống lúa của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đưa ra đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo giống lúa sử dụng để phục vụ 1 triệu ha lúa chất lượng cao xuất khẩu gồm: IR 64, VND 95-20, OMCS 2000, OM 2517, OM 2717, OM 3536. Ngoài ra, có thể sử dụng giống Jasmine 85, ST 5 nhưng phải khống chế diện tích không quá 20% diện tích gieo sạ ở mỗi địa phương. Bên cạnh việc chọn giống thì cơ giới hóa khâu thu hoạch và sau thu hoạch cần được chú trọng.
Ngoài ra, cần có chính sách dài hơi để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung. Việc xây dựng thương hiệu để khẳng định giá trị hạt gạo Việt Nam, cần được bắt đầu từ doanh nghiệp; sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn.
Cần tổ chức lại sản xuất theo hướng “Cánh đồng một giống” ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã. Điều này sẽ thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và thực hiện quy trình cơ giới hóa một cách đồng bộ. Có chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân và doanh nghiệp trong việc bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Chỉ như vậy, hạt gạo Việt Nam mới có được thương hiệu trên thị trường thế giới./.
Tìm hướng đi trong giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta hiện nay  (27/04/2009)
Tìm hướng đi trong giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta hiện nay  (27/04/2009)
Công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa và các quận, huyện khác thuộc thành phố Ðà Nẵng  (26/04/2009)
Mở đường 20 - Quyết Thắng  (26/04/2009)
“Huyền thoại Trường Sơn”  (26/04/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam