Mở đường 20 - Quyết Thắng
13:19, ngày 26-04-2009
Trong những năm chiến đấu giải phóng miền nam, tuyến 20 - Quyết Thắng đã được tôn vinh là Con đường kỳ diệu - một trục quan trọng trong mạng đường chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu - vượt Trường Sơn chi viện cho miền nam ruột thịt. Xin gửi tới bạn đọc một số thông tin để tiện tìm hiểu, ghi nhớ.
Lý do mở tuyến?
Như nhiều sách báo lâu nay đã đăng tải: Hệ thống đường Trường Sơn thời chống Mỹ, cứu nước được mở từ năm 1959 do Bộ đội Ðoàn 559 thực hiện dưới sự chỉ huy của Ðại tá Võ Bẩm. Tuyến "đường mòn" ấy bắt đầu từ Khe Hó (làng Ho miền tây khu vực Vĩnh Linh) thuộc vùng giới tuyến quân sự tạm thời hồi đó. Từ Khe Hó (làng Ho) 497 chiến sĩ đã bí mật vận chuyển theo cách gùi và vác chuyến vũ khí đầu tiên gồm hơn 1.400 khẩu súng các loại kèm theo 17 vạn viên đạn, vượt giới tuyến vào tới Tà Riệp (miền tây Thừa Thiên - Huế) ngày 20-8-1959, kịp thời chi viện cho quân dân Liên khu V chiến đấu. |
Cũng từ đó, hệ thống đường giao liên và vận tải bí mật ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu chi viện của hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến lớn miền nam cả về người và của.
Sau tuyến đường gùi trên đất Việt từ làng Ho vào Tà Riệp, Bộ đội Ðoàn 559 được phép của hai chính phủ Việt và Lào mở tuyến vận tải bằng ô-tô theo đường 12A từ Khe Ve qua Mụ Dạ sang đất Lào, đến ngã ba Lằng Khằng (Ba Na Phào) rồi mở các tuyến 129, 128 xuôi về phía nam gặp đường số 9 - nam Lào; xuôi tiếp và rẽ ngang sang các vùng căn cứ kháng chiến của Trị Thiên và Liên khu V.
Nhưng đến đầu năm 1965 thì mùa mưa Lào đã dâng nước ngập hàng chục ki-lô-mét đường mở ven suối, hình thành "túi nước" Xiêng Phan, việc vận chuyển của Ðoàn 559 bị bế tắc hoàn toàn.
Trước tình hình đó, Trung ương quyết định cử đồng chí Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vào Trường Sơn làm Tư lệnh Ðoàn 559 để tìm cách giải tỏa bế tắc.
Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã huy động một đội ngũ cán bộ kỹ thuật hàng đầu của Bộ GTVT làm tham mưu, hiến kế và đưa một đội hình thi công cơ giới mạnh nhất vào Trường Sơn đợi lệnh triển khai thi công.
"Phải mở bằng được một con đường từ miền Tây tỉnh Quảng Bình, vượt đỉnh Trường Sơn sang Lào và đường phải sử dụng được cả bốn mùa, bất kể thời tiết xấu...". Ðó là mục tiêu cụ thể được nêu ra ngay sau khi bàn bạc tập thể.
Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ giao cho Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải phụ trách việc khảo sát tuyến từ Phong Nha (Bố Trạch - Quảng Bình) đến biên giới Việt - Lào. Ðồng chí Phan Trầm - Vụ trưởng Vụ Xây dựng cơ bản - chịu trách nhiệm khảo sát phần đường từ ngã ba Lùm Bùm (trên đất Lào) trở về biên giới. Hai mũi khảo sát cùng nhằm một điểm gặp là đỉnh U-Bò (biên giới Việt Lào) vào ngày 13-6-1965. Sau khi khớp nối tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải và đồng chí Phan Trầm thấy đoạn tuyến từ Phong Nha đến U-Bò cần cân nhắc giữa hai phương án: từ Phong Nha đi vòng khu núi đá qua Ðoòng về Khe Tum lên U-Bò, tuyến dài thêm 30 km nhưng là tuyến nền đất, quân ta có thể bắt tay thi công ngay được; từ Phong Nha vượt dốc Ba Thang lên U-Bò (phía Việt Nam) đi Khe Tum - Biên giới phải vượt qua khu núi đá tai mèo Phong Nha, quân ta chưa có kinh nghiệm thi công.
Sau khi trao đổi ý kiến, tuyến nền đất được chọn. Thời gian thi công quy định chỉ trong vòng ba tháng. Ðồng chí Phan Trầm được Bộ trưởng giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban chỉ huy công trường. Con đường được gọi là Ðường 20 với ý nghĩa: Lực lượng thi công đều ở lứa tuổi 20, về sau, được bổ sung gọi là "Ðường 20 - Quyết Thắng".
Vượt qua thử thách
Tôn trọng vị Thứ trưởng là cấp trên trực tiếp nhưng kỹ sư Phan Trầm, Trưởng Ban chỉ huy công trường vẫn băn khoăn về việc chọn tuyến nền đất dài thêm 30 km vì khối lượng không nhỏ, dễ bị lầy lội, qua nhiều khe suối sẽ phải làm nhiều cầu và ngầm. Thêm nữa, không có gì bảo đảm là bóc lớp đất trên mặt sẽ gặp đá ở dưới thì càng khó khăn hơn. Vả lại, với tuyến đất dài thêm 30 km khối lượng lớn không dễ gì bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.
Sự "động não" của kỹ sư Phan Trầm đã kịp thời thu hút sự "động não" của nhiều cán bộ kỹ thuật chung quanh ông. Họ chia sẻ niềm băn khoăn, cùng tính toán cân nhắc và nghiêng về phương án vượt dốc Ba Thang đi qua 41 km núi đá, tuy khó khăn khi mở tuyến nhưng sau này lại thuận lợi trong việc bảo đảm giao thông vì đường đá ít cầu ngầm, địch khó đánh phá.
Sau khi xác định quyết tâm theo phương án tuyến vượt núi đá với một triệu mét khối đá cần phá nổ trên phần đường 41 km, kỹ sư Phan Trầm đã đề xuất và kiến nghị với cấp trên thay đổi phương án tuyến so với quyết định ban đầu. Cuối cùng, phương án vượt núi đá tai mèo được chấp nhận. Theo tính toán cần 150 tấn thuốc nổ nhưng đã được cấp tới 270 tấn.
Kế hoạch huấn luyện, đào tạo lực lượng phá nổ được triển khai cấp tốc, bắt đầu từ việc sưu tầm tài liệu và học tập. Cán bộ giảng dạy là đại úy Thọ, thượng úy Quảng và một tổ bộc phá của Công trường 6 Bộ GTVT được điều động vào. Lớp huấn luyện 15 ngày được mở cho toàn thể cán bộ kỹ thuật thi công từ cơ quan công trường đến các đại đội. Học xong, thí điểm thực hành ngay tại dốc Ðồng Tiền với một quả 1,5 tấn thuốc nổ, hiệu quả công phá đạt yêu cầu. Nhưng để bảo vệ cây cối lớn ngụy trang con đường, sự "động não" của anh em lại dẫn đến phương pháp hợp lý là "nổ bộc phá nhỏ liên tục", như vậy, vừa đạt tốc độ thi công vừa giữ được bí mật cho tuyến đường và lực lượng.
"Chọc thủng" Trường Sơn, mở đường thắng lợi
Ðường 20 - Quyết Thắng dài 124 km, có 65 km nằm trên đất Việt, 59 km trên đất Lào đã được mở thông với tiến độ được coi là "thần tốc" chưa từng có.
Lực lượng được huy động từ nhiều binh chủng: Bộ Tư lệnh Ðoàn 559 bổ sung cho công trường Trung đoàn 10 công binh, hai trung đoàn bộ binh đi B dừng lại làm đường. Trung đoàn 10 công binh được bố trí phá đoạn dốc Ba Thang một vạn mét khối. Bộ GTVT điều động 4.000 thanh niên xung phong (TNXP) vào đội hình thi công, được bố trí dọc tuyến theo thứ tự: Ðội 4 Ninh Bình (từ km 4 Cửa Rừng đến Chà Ang); đội 25 Nam Hà (từ Chà Ang đến Ba Thang); đội 3 Nghệ An (từ Cù Mẹ lên U-Bò), đội 23 Hà Tĩnh (từ Khe Tum lên Kà Roòng).
Trung đoàn 4 và Trung đoàn 5 bộ binh được bố trí mở nền đất từ Kà Roòng lên biên giới. Từ biên giới đến ngã ba Lùm Bùm cuối tuyến do bộ đội thi công.
Ðể bảo đảm bí mật, công trường quyết định thực hiện nguyên tắc: Các đơn vị mở đường đến đâu phải ngụy trang ngay đến đó. Riêng đoạn 4 km cửa rừng từ Phong Nha vào vì trống trải chỉ lót "rông đanh" đi tạm, khi mở xong toàn tuyến mới làm đường. Do đó, suốt thời gian thi công, máy bay địch không phát hiện được.
Ðúng 17 giờ ngày 30 Tết Bính Ngọ (1965), Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân thay mặt Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Ðoàn 559 hạ lệnh nổ bộc phá đầu tiên để đón xuân và hưởng ứng chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi" do Bộ Tư lệnh phát động.
Toàn công trường hừng hực khí thế lao động, giữ vững tốc độ mỗi tháng mở thông 15 - 20 km đường, là tốc độ chưa từng có trong lịch sử thi công, mở đường đá.
Sau 77 ngày đêm liên tục lao động không nghỉ, hai mũi thi công đã gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn tại km 65 biên giới Việt Lào ngày 27-4-1966.
Sau khi thông đường, bộ đội rút đi, chỉ còn bốn đội TNXP làm công việc hoàn thiện nền đường, lát mặt đường và bảo đảm giao thông.
Ðến tháng 9-1966, theo lệnh cấp trên, công trường tổ chức lại hai đội TNXP 23 và 25 bàn giao cùng tuyến đường 20 sang Binh trạm 14.
Ngày 23-4-1967, Bộ trưởng Bộ GTVT ra quyết định thành lập Ban Xây dựng 67 bên cạnh Tổng cục Tiền phương với nhiệm vụ tiếp nhận toàn bộ các lực lượng công nhân, TNXP trên các tuyến 12A, 15A, 16 và toàn bộ cơ quan công trường 20 - Quyết Thắng trở thành bộ máy của Ban Xây dựng 67.
Năm mươi năm đã qua nhưng ấn tượng đặc biệt về con đường mang tên 20 - Quyết Thắng vẫn sâu đậm trong tâm trí mỗi CBCNVC và TNXP từng tham gia khảo sát, thi công và quản lý. Tuyến vận tải chiến lược này có vai trò quyết định đối với kết quả chi viện của hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến lớn miền nam, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của cả nước./.
Tuyên bố chung Việt Nam – Lào  (26/04/2009)
Tuyên bố chung Việt Nam – Lào  (26/04/2009)
Bộ Chính trị kết luận Về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025  (26/04/2009)
22 tác phẩm được tôn vinh trong cuộc thi viết: "Những tấm gương bình dị mà cao quý"  (25/04/2009)
22 tác phẩm được tôn vinh trong cuộc thi viết: "Những tấm gương bình dị mà cao quý"  (25/04/2009)
Ðánh giá tác động sau hai năm Việt Nam gia nhập WTO  (25/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển