Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam
TCCS - Hướng tới kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), ngày 7-10-2021, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Khoảng 100 đại biểu là doanh nhân tại điểm cầu Hà Nội và trên 300 đại biểu doanh nhân tại nhiều điểm cầu các chi nhánh, văn phòng đại diện VCCI trên cả nước cùng tham dự.
* Tạo lập môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân
Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất kịp thời, nhanh chóng vào cuối tháng 9-2021 vừa qua ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời kiến nghị nhiều nội dung, trong đó mong muốn Quốc hội ban hành sớm các chính sách hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chịu tác động của dịch COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận, thực tế, phù hợp với đặc điểm điều kiện của doanh nghiệp, với ngành nghề, lĩnh vực; tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch…
Sau khi lắng nghe báo cáo của VCCI, ý kiến của các doanh nhân, đại diện một số ủy ban của Quốc hội…, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với những khó khăn mà đội ngũ doanh nhân, các doanh nghiệp gặp phải do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; đánh giá cao tinh thần kiên cường của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong chống chịu, ứng phó với dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Hơn lúc nào hết, giờ là lúc thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân. Chúng tôi rất mong doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam “thắng không kiêu, bại không nản”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, vững niềm tin vì nền tảng vĩ mô của nước ta còn rất tốt, tin rằng đó chỉ là những khó khăn trước mắt, tạm thời. Với truyền thống đoàn kết, kiên cường của dân tộc ta, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những khó khăn như vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng cần rà soát lại năng lực quản trị, tăng cường sức mạnh và khắc phục điểm yếu, nâng cao sức chống chịu hơn nữa để đứng vững và phát triển.
Đánh giá về VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau 17 năm thành lập, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW, ngày 9-12-2011, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, nhận thức của toàn xã hội đối với đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn. Đảng, Nhà nước ta xác định, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng; là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng góp phần tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, thu ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta và các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện rõ rệt. Hệ thống pháp luật được cải thiện nhiều, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và thể hiện thực chất hơn về quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, thay đổi tư duy về con dấu, minh bạch về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh…
Chỉ trong giai đoạn 2011 - 2020, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó hiến định rõ vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 72 luật, pháp lệnh cũng như các nghị quyết có nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân, trong đó có những luật rất quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự, Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, giúp phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt và lành mạnh các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường khoa học và công nghệ, tạo môi trường sản xuất và kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp và doanh nhân.
Trong 10 năm qua, doanh nghiệp đã phát triển rất nhanh cả về số lượng, tăng về quy mô, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín, một số sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc tế, nhiều doanh nhân lọt vào tốp xếp hạng tỷ phú của thế giới.
VCCI có đóng góp lớn về đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh doanh nhân; là tổ chức đi đầu trong phát động chương trình quốc gia khởi nghiệp; chủ động xây dựng chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Việt Nam; tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị hoàn tất các đề xuất trình Chính phủ chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của hàng hóa giai đoạn 2020 - 2030…
* Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch
Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để bổ sung vào báo cáo thẩm tra về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. VCCI làm đầu mối để hiến kế cho chiến lược tổng thể về phát triển doanh nghiệp và phục hồi, phát triển kinh tế trong, sau đại dịch, để tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và kích thích, phục hồi kinh tế.
Thay mặt VCCI và giới doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, cũng như những gợi ý quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng thời khẳng định VCCI sẽ phát huy trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện những “đặt hàng” đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội. Đây không chỉ là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, mà còn là cơ hội để bứt phá vươn lên sau khi khống chế cơ bản đại dịch COVID-19./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Lễ công bố nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp  (02/10/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ  (01/10/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội  (28/09/2021)
Bế mạc phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (23/09/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự khai mạc phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và gặp gỡ lãnh đạo cấp cao các nước  (22/09/2021)
Bộ Chính trị cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước  (17/09/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên