Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự khai mạc phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và gặp gỡ lãnh đạo cấp cao các nước
TCCS - Ngày 21-9-2021, theo giờ New York, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ, Phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã được khai mạc với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên hợp quốc”. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã tham dự phiên khai mạc quan trọng này.
Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng khoá 76 là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu, thu hút sự quan tâm, tham dự trực tiếp của nguyên thủ, thủ tướng và đại diện cấp cao của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, các thể chế tài chính quốc tế để cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp, đề xuất hành động đa phương nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu được quan tâm nhất hiện nay như ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển bền vững, những điểm nóng ở các khu vực và các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 76 Abdulla Shahid cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để ứng phó với đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển sau đại dịch theo hướng bền vững, dựa trên Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Chủ tịch Đại hội đồng nhấn mạnh cần thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, xoá đói nghèo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gióng lên hồi chuông báo động, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động và tăng cường hợp tác để tìm giải pháp cho hàng loạt các cuộc khủng hoảng lớn nhất thời đại như các cuộc khủng hoảng, xung đột, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tái thiết và phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh và sạch hơn, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine phòng COVID-19, thu hẹp khoảng cách số, thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ, bảo đảm bình đẳng giới, cải tổ và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc.
Phiên thảo luận chung cấp cao sẽ diễn ra đến ngày 27-9-2021. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng vào chiều 22-9-2021 theo giờ New York, trong đó đề xuất những giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, dài hạn với các vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay.
Nhân dịp tham dự phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres; gặp gỡ lãnh đạo cấp cao các nước.
Tại hai cuộc hội kiến quan trọng với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức chung hết sức to lớn hiện nay và mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc. Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đang dồn mọi nỗ lực trong cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời cảm ơn Chương trình COVAX và các tổ chức Liên hợp quốc đã hỗ trợ vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế và tư vấn chính sách về phòng, chống dịch và phục hồi sau đại dịch và đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, nhất là để hỗ trợ triển khai chiến dịch tiêm vaccine rộng rãi cho người dân.
Chủ tịch nước khẳng định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá và chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc, trong đó có việc đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, tham gia ứng cử vào các tổ chức Liên hợp quốc và đóng góp vào nỗ lực cải tổ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, các bên nhấn mạnh cần tiếp tục củng cố chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, đẩy mạnh thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nhất trí tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và các nước liên quan trong duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển.
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng và Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế; đề cao những đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam đối với công việc chung của Liên hợp quốc, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu về khí hậu.
Chia sẻ những khó khăn mà Việt Nam đang phải đương đầu trước làn sóng dịch bệnh COVID-19 do biến thể Delta, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch, đồng thời luôn sát cánh, đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Tổng thư ký cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là nâng mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính hướng tới Hội nghị COP26 tháng 11-2021 tại Glasgow (Scotland - Vương quốc Anh).
Tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, Tổng thống Hàn Quốc mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, phấn đấu đạt kim ngạch 100 tỷ USD vào năm 2023, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, sinh phẩm, tài chính... Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Tổng thống Moon Jae-In tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam hơn 1 triệu liều vaccine và sẽ chuyển cho Việt Nam vào giữa tháng 10-2021. Cảm ơn Hàn Quốc hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước cần sớm khắc phục dịch bệnh để đưa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược hiện nay phát triển sâu rộng, toàn diện hơn nữa thời gian tới, nhất là năm 2022 sẽ là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch nước đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tăng quy mô và số dự án đầu tư song song chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp ngài Micheal Martin, Thủ tướng Ireland, nước Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 9-2021, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng khi ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2020 vẫn đạt 4,2 tỷ USD. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch nước đề nghị sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, hai bên sớm nối lại việc trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong Thủ tướng Ireland quan tâm, thúc đẩy Quốc hội Ireland sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong thời gian tới. Chủ tịch nước đề nghị Ireland hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với nguồn cung vaccine, xem xét cung cấp các thiết bị y tế như máy thở, bộ kít xét nghiệm cho Việt Nam. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn sự phối hợp của Ireland tại Hội đồng Bảo an trong thời gian qua.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn tăng trưởng đều, Kế hoạch hành động Việt Nam - Đan Mạch 2019 - 2020 đã hoàn thành được hầu hết mục tiêu đề ra và hai bên đang tích cực xây dựng kế hoạch hành động 2021 - 2022. Trên tinh thần quan hệ đối tác toàn diện giữa Đan Mạch và Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị Thủ tướng Đan Mạch quan tâm hỗ trợ Việt Nam sớm tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19, bao gồm thông qua cơ chế COVAX. Thủ tướng Đan Mạch nhất trí với đề xuất của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cho biết sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Đan Mạch đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, xây dựng cảng biển, đóng tàu, chế tạo thiết bị năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, chăn nuôi, thủy sản bền vững; chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu…
Tại cuộc gặp Tổng thống Slovenia Borut Pahour, vui mừng nhận thấy quan hệ song phương thời gian qua phát triển tích cực, Tổng thống Slovenia bày tỏ mong muốn đặt Việt Nam ở vị trí cao hơn trong chính sách đối ngoại của Slovenia. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, kể cả với hình thức trực tuyến để thảo luận các phương hướng hợp tác có tiềm năng như như máy móc cơ khí, tự động hóa, logistic, chế biến thực phẩm, cảng biển… Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị COVID-19 cho Việt Nam và việc hai bên sớm nghiên cứu đàm phán để công nhận lẫn nhau hộ chiếu/chứng chỉ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tạo điều kiện cho công dân hai nước xuất nhập cảnh khi các đường bay mở trở lại. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ với EU trong phát triển nghề cá và khai thác thủy hải sản bền vững và đề nghị Slovenia, trên cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, ủng hộ và thúc đẩy sớm gỡ bỏ cảnh cáo “thẻ vàng” IUU của EU đối với hàng thủy hải sản Việt Nam. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy khai thác thủy sản có trách nhiệm và bền vững, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Chủ tịch nước cũng đã có một loạt cuộc gặp nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước Dominica, Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Latvia, Thụy Điển, Guyana, Lesotho, Costa Rica, Colombia, Uruguay trao đổi nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh, phát triển quan hệ với các nước hiệu quả và đi vào chiều sâu. Lãnh đạo các nước đánh giá cao việc Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã có những tham gia, đóng góp hiệu quả, thiết thực vào công việc chung của thế giới, thể hiện trách nhiệm, vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ tịch nước và lãnh đạo các nước khẳng định hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là quan tâm chung; nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba  (20/09/2021)
Việt Nam - Cuba tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực  (20/09/2021)
Petrovietnam: Khó khăn không chỉ từ dịch bệnh COVID-19  (14/09/2021)
Agribank giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam  (08/09/2021)
Tỉnh Bắc Ninh tăng cường triển khai xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng  (07/09/2021)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên