TCCSĐT - Ngày 18-4, tại Thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức buổi họp mặt kiều bào Khmer thuộc 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ. Cùng dự cuộc họp mặt có đại diện lãnh đạo Thành phố Cần Thơ và Ủy ban Dân tộc Trung ương.

Trong dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây năm nay, đồng bào Khmer các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đón hơn 350 kiều bào Khmer về quê ăn Tết.

Trong không khí thân mật, phấn khởi của buổi họp mặt, đồng chí Sơn Song Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phát biểu chúc mừng năm mới toàn thể kiều bào Khmer, với những lời chúc tốt đẹp nhất. Đồng chí kêu gọi đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer không phân biệt tôn giáo, giai cấp đang sinh sống trong nước cũng như ngoài nước phát huy truyền thống đoàn kết, ra sức học tập, lao động sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình, giúp đỡ người thân, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Tại buổi họp mặt, các kiều bào đã được nghe thông báo tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Về thăm quê, kiều bào rất phấn khởi trước những đổi thay nhanh chóng của quê hương, đất nước trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Trong những năm gần đây, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau đã triển khai nhiều biện pháp, huy động tổng hợp các nguồn lực giúp đồng bào phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao hiệu quả kinh tế. Riêng năm 2008, gần 500 tỉ đồng mà các địa phương đã đầu tư để thực hiện các dự án phục vụ nhu cầu an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm cho đời sống của bà con tiếp tục được cải thiện. Cũng trong năm 2008, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có hơn 8.700 hộ đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ nhà mới từ Chương trình 134 của Chính phủ, có hơn 5.000 hộ đồng bào Khmer trong vùng đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 giảm từ 40% xuống còn 34% năm 2008; hơn 80% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch thông qua các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước.

Chất lượng giáo dục trong vùng có đông đông bào Khmer đang từng bước được nâng cao. Trong năm học 2008 - 2009, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt hơn 90%. Tự do tín ngưỡng của đồng bào luôn được chính quyền địa phương tôn trọng và tạo điều kiện hoạt động. Tinh thần đoàn kết trong thi đua lao động sản xuất và học tập giữa các dân tộc đã góp phần tạo nên sự chuyển biến khá toàn diện cả về kinh tế, chính trị, xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng./.