Thủ tướng Cộng hòa Séc chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
TCCSĐT - Sáng 17-4, Lễ đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Séc đã diễn ra trang trọng tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô Prague.
Đúng 8 giờ 15 sáng 17-4 (theo giờ địa phương), tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Séc đã diễn ra trang trọng tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô Prague.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã chủ trì lễ đón.
Thủ tướng Andrej Babis chào mừng và bắt tay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại nơi đỗ ôtô, đầu khu vực thảm đỏ đại sảnh Phủ Thủ tướng Séc; trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến vào thảm đỏ.
Ngay khi hai Thủ tướng di chuyển tới hàng đội danh dự, Quân nhạc đã cử quốc thiều Việt Nam và Séc. Sỹ quan Đội trưởng Đội danh dự Cộng hòa Séc tới chào hai Thủ tướng theo nghi thức dành cho lãnh đạo cấp cao.
Thủ tướng Andrej Babis trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng duyệt đội danh dự. Hai Thủ tướng nghiêng mình chào quốc kỳ hai nước và cùng giới thiệu thành phần quan chức hai nước có mặt tại lễ đón.
Kết thúc lễ đón, hai Thủ tướng cùng tiến vào khu vực bắt tay chào mừng và dẫn đầu Đoàn Cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.
Nằm ở khu vực Trung Âu, Cộng hòa Séc là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định, có uy tín trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ thế kỷ 19.
Quốc gia xinh đẹp này có dân số chỉ hơn 10 triệu người, thu nhập Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người hằng năm ở mức hơn 20.000 USD.
Các ngành công nghiệp chính của Séc là sản xuất ôtô, luyện kim, khai mỏ, chế tạo máy, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, hóa dầu, xây dựng nhà máy nhiệt điện và thủy điện, sản xuất đầu máy xe lửa, xử lý môi trường, dệt may, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, gốm sứ, bia và pha lê.
Cộng hòa Séc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1950. Hiện, hai nước đang chuẩn bị phối hợp tổ chức các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ vào năm 2020.
Thương mại giữa hai nước những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng, ở mức 307 triệu USD vào năm 2018. Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính.
Việt Nam nhập khẩu từ Séc hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thủy tinh.
Tính đến nay, Séc có 38 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 90 triệu USD, tập trung vào các các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng.
Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.
Năm 2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.
** Ngay sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã tiến hành hội đàm.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Séc trong gần 70 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950.
Thủ tướng Andrej Babis khẳng định coi trong quan hệ với Việt Nam, nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và vai trò ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và thế giới, mong muốn quan hệ hai nước có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng Andrej Babis nhấn mạnh, là người bạn thân thiết của Việt Nam đồng thời là thành viên tích cực của Liên minh châu Âu (EU), Séc ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là sẽ thúc đẩy EU sớm hoàn tất các thủ tục để ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) trong vòng 1, 2 tháng tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng Andrej Babis và cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chân tình của Thủ tướng và các bạn Séc dành cho đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Séc là quốc gia có quan hệ bạn bè truyền thống với Việt Nam, Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu và hợp tác hiệu quả của Cộng hòa Séc dành cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dưng, phát triển đất nước. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, Thủ tướng đề nghị một số biện pháp cụ thể như tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội thảo kinh tế, tham gia các hội chợ, triển lãm ngành hàng của nhau. tạo điều kiện để hàng hóa của hai nước tiếp cận thị trường của nhau...
Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao cũng như giữa các ngành, các địa phương hai nước.
Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Séc (1950 - 2020) với những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực.
Hai Thủ tướng đánh giá hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Séc phát triển năng động, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Andrej Babis thống nhất cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam - Séc, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, công nghệ, khai khoáng, du lịch, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu thị trường, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu, như xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải công cộng, chế tạo máy móc nông nghiệp, thuỷ tinh - pha lê, bia, chế biến thực phẩm, nông thủy sản, hàng dệt may, thiết bị điện tử...
Thủ tưởng Andrej Babis bày tỏ vui mừng và tin tưởng việc sớm mở đường bay thẳng Hà Nội - Praha sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước.
Thủ tướng Andrej Babis đánh giá cao vai trò và đóng góp của cộng đồng người Việt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Séc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đề nghị Thủ tướng Andrej Babis và Chính phủ Séc tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Séc sinh sống, làm ăn hợp pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.
Bên cạnh các vấn đề song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Andrej Babis cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn và cam kết thúc đẩy hợp tác song phương tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, trong các cơ chế Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU và WTO.
Thủ tướng Andrej Babis khẳng định Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Séc thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Andrej Babis vui vẻ nhận lời và khẳng định sẽ sớm thu xếp thăm Việt Nam vào năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Andrej Babis đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực địa chất khoáng sản giữa Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Môi trường Cộng hòa Séc; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng giữa Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam với Văn phòng Tiêu chuẩn, Đo lường và Thử nghiệm Cộng hòa Séc.
** Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đồng chủ trì họp báo quốc tế.
Thông tin với báo giới, Thủ tướng Andrej Babis chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Cộng hòa Séc; bày tỏ vui mừng được gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Praha kể từ cuộc gặp hồi tháng 02-2008.
Thủ tướng Andrej Babis nhấn mạnh Cộng hòa Séc và Việt Nam có truyền thống quan hệ hợp tác từ lâu đời, gần 70 năm. Những năm vừa qua, hai bên đã duy trì các hoạt động trao đổi đoàn.
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại. Việt Nam là đối tác lớn thứ 3 của Cộng hòa Séc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hai bên có sự phát triển tốt trong hợp tác về thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác. Hiện xuất khẩu của Cộng hòa Séc sang Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 30%. Các doanh nghiệp của Cộng hòa Séc luôn mong muốn tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.
Thủ tướng Andrej Babis cho biết tại hội đàm, hai Thủ tướng đã thảo luận về nhiều lĩnh vực hợp tác là tiềm năng của mỗi nước như khai thác mỏ, hợp tác phát triển du lịch, mở đường bay thẳng Việt Nam - Cộng hòa Séc; văn hóa - giáo dục.
Hai bên cũng trao đổi về vấn đề thị thực. Cộng hòa Séc ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA).
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Cộng hòa Séc tươi đẹp, thủ đô Praha cổ kính; cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị cùng những tình cảm hữu nghị, nồng ấm, thân tình mà Ngài Thủ tướng và người dân Séc dành cho Đoàn cấp cao Việt Nam.
Khẳng định kết quả hội đàm rất hiệu quả và thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai bên đã nhất trí một số giải pháp thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước thời gian tới.
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đánh giá cao việc Cộng hòa Séc ủng hộ sớm ký, phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Đây là những hiệp định có ý nghĩa quan trọng mang tính chiến lược về hợp tác kinh tế-thương mại giữa EU và Việt Nam, đặc biệt giúp các doanh nghiệp Cộng hòa Séc và EU tiếp cận thị trường trên 90 triệu dân và mở cửa thuận lợi cho hợp tác về dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, tiếp cận thị trường mua sắm công...
EVFTA giúp nâng cao vị thế, vai trò của EU tại châu Á, và Việt Nam sẽ là cánh cửa để các doanh nghiệp Cộng hòa Séc tiếp cận thị trường ASEAN, Đông Á...
Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là về giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, văn hóa - du lịch, hỗ trợ sớm mở đường bay trực tiếp Hà Nội - Praha.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Cộng hòa Séc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc sinh sống, học tập, hòa nhập tốt vào xã hội sở tại; đồng thời tin tưởng cộng đồng người Việt Nam tại đây sẽ tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
** Kết thúc buổi họp báo quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc đồng chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp hai nước
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam là Diễn đàn Doanh nghiệp Cộng hòa Séc - Việt do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp và giao thông Cộng hòa Séc phối hợp tổ chức tại thủ đô Praha.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis cùng dự và phát biểu trước lãnh đạo khoảng hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước. Dự diễn đàn còn có các quan chức Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Trong phát biểu chào mừng, ông Jaroslav Hanak, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và giao thông Cộng hòa Séc, đã chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của Việt Nam những năm qua; đồng thời cho biết, Cộng hòa Séc có những thế mạnh về công nghiệp, khoa học và công nghệ và sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp và đối tác Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc Marta Novakova nhấn mạnh đến tiềm năng hợp tác về giáo dục, đào tạo và nhắc đến vai trò cầu nối tình hữu nghị của các lưu học sinh Việt Nam đã từng nghiên cứu, học tập tại Cộng hòa Séc.
Bà Marta Novakova đánh giá cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; cho biết, Cộng hòa Séc ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA).
Bộ trưởng cũng gợi ý một số mặt hàng, lĩnh vực như công nghiệp ôtô, sản xuất pha lê - những thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao của Cộng hòa Séc và mong muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đề cập đến những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nước sở tại; góp phần quan trọng vào thúc đẩy quan hệ hai nước.
Vui mừng vì mối quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Séc đang ngày càng phát triển theo hướng hiệu quả và thiết thực hơn, Thủ tướng Andrej Babis bày tỏ hy vọng EVFTA sẽ sớm được ký kết trước kỳ bầu cử Hội đồng EU sắp tới; qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp EU và Cộng hòa Séc vào Việt Nam.
Thủ tướng Andrej Babis cũng đề nghị doanh nghiệp hai nước thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của mỗi bên; khẳng định chính phủ và các doanh nghiệp hai nước đang nỗ lực tạo điều kiện để hoàn tất việc mở đường bay thẳng Hà Nội - Praha trong năm 2019.
Thủ tướng Andrej Babis cũng cho biết hai bên đã thảo luận về việc đơn giản hóa thị thực cho công dân hai nước qua lại lẫn nhau. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường rất lớn, hấp dẫn và là cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Cộng hòa Séc đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn sau cơ hội gặp mặt này, các doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục duy trì kết nối, tiếp xúc để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư.
Nhắc lại kết quả thành công của cuộc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai bên mong muốn các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực tương xứng với tiềm năng mỗi bên. Hai chính phủ cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối các ý tưởng, các dự án kinh doanh với môi trường thuận lợi.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam và Cộng hòa Séc đều có những lợi thế kinh tế mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh, đây là tiềm năng quan trọng để hai nước đưa quan hệ hợp tác tiến xa hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Cộng hòa Séc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam có môi trường chính trị xã hội ổn định; nền nông nghiệp nhiệt đới, công nghiệp chế biến chế tạo phát triển nhanh, xuất khẩu nhiều khu vực trên thế giới.
Thủ tướng cũng cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, hiện có gần 28.000 dự án đầu tư FDI với số vốn đăng ký trên 345 tỷ USD. Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu (GCI/WEF) của Việt Nam năm 2018 ở vị trí 77/137 quốc gia. Đầu tháng 4-2019, S&P đã nâng hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB - mức ổn định tích cực.
Đặc biệt, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi 12 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đang cùng với EU nỗ lực thúc đẩy ký và phê chuẩn EVFTA. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - EU, trong đó có Cộng hòa Séc.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn lao động trẻ, 65% dân số là người dưới 35 tuổi, năng động và có khả năng nắm bắt và vận hành tốt các công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh cùng với đó, Việt Nam là một thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân, là cơ hội to lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Cộng hòa Séc kinh doanh và đầu tư thành công tại Việt Nam./.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (17/04/2019)
Tiếp tục nội dung Phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (17/04/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc  (17/04/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên