Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc mừng Tết cổ truyền Bunpimay của Lào; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Lễ khánh thành biểu tượng tri ân của học sinh miền Nam với nhân dân Vĩnh Phúc; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
* Nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào 2019, ngày 11-4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Bộ Ngoại giao đến chúc Tết Đại sứ quán Lào tại Hà Nội.
Trong bầu không khí phấn khởi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tặng hoa và dành những lời chúc tốt đẹp nhất đến Đại sứ Thongsavanh Phomvihane cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Lào và gia đình nhân dịp đón Tết cổ truyền năm nay tại Việt Nam.
Qua Đại sứ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao chuyển lời chúc mừng năm mới tới Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng nhận thấy rằng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển tốt đẹp. Hai bên đã duy trì thường xuyên các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Đặc biệt, chuyến thăm Lào mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, vì sự phát triển của Việt Nam và Lào, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn xem Tết cổ truyền dân tộc của Lào là Tết của mình và ngược lại, vì vậy việc dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới là biểu hiện sinh động của tình anh em, đồng chí trong tổng thể mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết Việt Nam đang tích cực tổ chức triển khai hiện thực hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhằm thúc đẩy quan hệ Việt - Lào ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn, mong muốn Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cùng quan tâm, thúc đẩy.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Lào triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy và mở rộng hơn nữa cơ hội hợp tác giữa hai nước, giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Lào đã đạt được sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân Lào anh em sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến chúc Tết tại Đại sứ quán và gửi lời chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền của Lào đến Bộ trưởng Saleumxay Kommasith, Đại sứ Thongsavanh Phomvihane chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và bày tỏ sự tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội 12 của Đảng đề ra.
Đại sứ Thongsavanh Phomvihane cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để Đại sứ quán Lào hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Đại sứ khẳng định Đại sứ quán Lào sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc theo dõi, thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Đại sứ Thongsavanh Phomvihane cảm ơn sâu sắc về sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn mà Việt Nam đã dành cho Lào từ trước đến nay và cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa việc giáo dục truyền thống về mối quan hệ Lào - Việt Nam kết hợp với các sự kiện kỷ niệm trọng đại giữa hai nước, trong đó có dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Lào (ngày 30-10-1949).
Tết đón năm mới của Lào có tên là Bunpimay diễn ra từ ngày 14 đến 16-4 hằng năm, còn gọi là Tết “Buộc chỉ cổ tay” hay lễ hội “Hốt Nậm” (Té nước). Người dân té nước vào nhau để cầu may, cầu sự bình yên cho cả năm.
** Ngày 12-4, tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Vĩnh Yên, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Vĩnh Phú tổ chức Lễ khánh thành biểu tượng tri ân của học sinh miền Nam với nhân dân Vĩnh Phúc và khai mạc Triển lãm “Học sinh miền Nam Vĩnh Phú 50 năm ký ức và nghĩa tình”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Biểu tượng tri ân của học sinh miền Nam với nhân dân Vĩnh Phúc là một tặng phẩm tinh thần quý giá của tình cảm Bắc Nam, của đạo lý nghĩa tình mà dân tộc ngàn đời lưu giữ như báu vật và phát huy qua mọi thời kỳ phát triển.
Gần 65 năm trước, sau khi Hiệp định Genever được ký kết, với tầm nhìn sáng suốt, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là xây dựng lại miền Nam khi nước nhà hòa bình, thống nhất.
Từ chủ trương đúng đắn đó, những con em miền Nam ra miền Bắc ở nhiều thời kỳ khác nhau và bằng nhiều con đường khác nhau, tổng số học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954 - 1975 với hơn 32.000 người sống và học tập trong hệ thống hàng chục trường miền Nam nội trú đóng trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh của miền Bắc có trường học sinh miền Nam trú đóng trong 7 năm với khoảng 4.000 học sinh. Trong thời kỳ gian khó khăn, học sinh là con em người dân miền Nam đã được người dân Vĩnh Phúc chăm sóc, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ với tình cảm yêu thương như con em của mình…
Sau những năm tháng học tập ở miền Bắc nhiều học sinh đã trở về miền Nam công tác, lao động, cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, góp sức xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. Nhiều người đã trở thành tướng lĩnh, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước...
Từ những kỷ niệm, dấu ấn tươi đẹp đọng lại trong tâm trí, ký ức của những người con đồng bào miền Nam đã từng sinh sống, học tập trên đất miền Bắc, trong đó có Vĩnh Phú xưa, nay là Vĩnh Phúc, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Vĩnh Phúc đã tổ chức sáng tác và thi công tại Thành phố Hồ Chí Minh biểu tượng tri ân của học sinh miền Nam với nhân dân Vĩnh Phúc theo đúng mẫu đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Việc làm này còn thể hiện tình cảm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta…
Biểu tượng bằng chất liệu đá hoa cương của vùng Bửu Long (thành phố Biên Hòa), cao 3,5 m, nặng 15 tấn. Tác giả của biểu tượng này là điêu khắc gia Nguyễn Thành Thi - một cựu học sinh miền Nam Vĩnh Phú. Biểu tượng mang tên “Lòng Mẹ” được sáng tác trên cảm hứng từ hình ảnh của hai người mẹ miền Bắc và miền Nam ôm những đứa con miền Nam bé bỏng trên vai mình; trong lòng mẹ là hạt giống thế hệ tương lai được ươm mầm trên những trang sách và trên bệ đỡ của hai tấm lá (lá cọ Vĩnh Phú và lá sen Nam Bộ) thể hiện cách điệu. Hình tượng và ngôn ngữ thể hiện tình nghĩa Bắc Nam gắn bó keo sơn và tình người nhân ái.
Trong ngày, Bảo tàng Vĩnh Phúc đã phối hợp cùng những học sinh miền Nam, học viên Trường đào tạo cán bộ An ninh miền Nam E 1171 Triển lãm ”Học sinh miền Nam Vĩnh Phú 50 năm ký ức và nghĩa tình” với hơn 250 bức ảnh và hiện vật lưu giữ từ 50 năm qua…
** Chiều 12-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp Đoàn tham khảo điều IV Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF do ông Alex Mourmouras làm Trưởng đoàn đang làm việc tại Việt Nam.
Trưởng đoàn tham khảo Điều IV cho biết trong thời gian làm việc tại Việt Nam, Đoàn đã đánh giá sơ bộ về tình hình kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ, ngân hàng và hoạt động doanh nghiệp nhà nước.
Ông Alex Mourmouras cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế tư nhân làm động lực của phát triển. Do đó, nền kinh tế vẫn duy trì khả năng chống chịu tốt và tăng trưởng trong điều kiện căng thẳng thương mại và biến động tài chính toàn cầu, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai tích cực tiến trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại và lĩnh vực tín dụng nhưng vẫn bảo đảm cho tăng trưởng. Thâm hụt ngân sách và nợ công đã giảm mạnh trong 3 năm qua. Từ đó, ông Mourmouras đánh giá các chính sách của Chính phủ đang đi đúng hướng để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Tuy nhiên, Trưởng Đoàn Alex Mourmouras cũng cho rằng xung đột thương mại trên thế giới đang gia tăng có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra là các nguy cơ về ổn định vĩ mô chưa thật sự vững chắc, rủi ro an ninh mạng, cải cách hành chính còn chậm cũng là rào cản đối với Việt Nam trong năm 2019. Đoàn cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, tăng cường tiềm lực của các ngân hàng thương mại,... trong thời gian tới.
Cho rằng các đánh giá của Đoàn khảo sát Điều IV Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF là sát thực với tình hình của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng liên quan tới các cải cách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm qua.
Phó Thủ tướng đề nghị Đoàn tiếp tục nghiên cứu thực tiễn điều hành thị trường chứng khoán, điều hành giá và các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ gần đây để đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, Chính phủ coi trọng việc minh bạch, công khai việc xây dựng, thực thi các chính sách kinh tế nhằm củng cố hơn nữa lòng tin của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp với Chính phủ, góp phần quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường mối quan hệ hợp tác với IMF, đồng thời mong nhận được nhiều hỗ trợ của IMF trong đào tạo, tư vấn chính sách cho các bộ, ngành./.
Chú trọng truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia  (12/04/2019)
Ngăn chặn một "cuộc khủng hoảng kinh tế" do Brexit "không có thỏa thuận"  (12/04/2019)
Bạc Liêu: Cả hệ thống chính trị cùng “chạy nước rút”  (12/04/2019)
Bạc Liêu: Cả hệ thống chính trị cùng “chạy nước rút”  (12/04/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên