Chủ tịch Hạ viện Maroc đón, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Sáng 28-3, tại Nhà Quốc hội Maroc ở thủ đô Rabat, Vương quốc Maroc, Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã diễn ra trọng thể với sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki. Sau lễ đón hai bên đã tiến hành hội đàm.
Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Maroc.
Nhấn mạnh chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam diễn ra vào đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 58 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (27-3-1961 - 27-3-2019), Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki cho rằng điều này rất có ý nghĩa, là dịp để nhớ về thời điểm lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập, bảo vệ lãnh thổ của hai đất nước, sự tương đồng đã gắn kết hai dân tộc Maroc và Việt Nam.
Chia sẻ về chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 12-2017, Chủ tịch Hạ viện Maroc cho biết mặc dù với chương trình nghị sự làm việc trong thời gian ngắn nhưng ông thấy rõ Việt Nam đã trở thành một đối tác rất đáng được tin tưởng, có uy tín trên phạm vi khu vực cũng như trên trường quốc tế. Việt Nam đã trở thành một nhân tố đóng góp cho hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á cũng như trên thế giới. Chính vì những lý do đó, cuối tháng 2-2019 vừa qua, Việt Nam đã được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.
Chủ tịch Hạ viện Maroc bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã tạo cảm hứng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cho rất nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Maroc. Chủ tịch Hạ viện Maroc nhận định trong chuyến thăm Việt Nam, ông thấy rõ “có một điều thần kỳ Việt Nam”. Việt Nam đã kết nối, tạo ra được sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập; nhận ra rằng một dân tộc đấu tranh giành chính nghĩa sẽ luôn chiến thắng. Những giá trị mà Việt Nam bảo vệ cũng chính là những giá trị hết sức quan trọng mà người dân Maroc trân quý.
Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki hoan nghênh và bày tỏ vui mừng về sự phát triển mới trong quan hệ hai nước. Việt Nam là cửa ngõ vào Đông Nam Á, vị trí địa chính trị làm cho Maroc trở thành cửa ngõ vào châu Phi. Chủ tịch Hạ viện Maroc bày tỏ hy vọng sự tương đồng này góp phần để hai nước có điều kiện thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương và cùng nhau xem xét tất cả các cơ hội, tất cả các khả năng có thể phát triển hơn nữa quan hệ hai nước.
Nhấn mạnh những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, trong đó có các cuộc họp Ủy ban hỗn hợp hai nước, Chủ tịch Hạ viện Maroc cho rằng giao lưu văn hóa góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Bày tỏ vui mừng về sự hợp tác trên trường quốc tế, hai nước luôn có sự tham vấn, trao đổi quan điểm với nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực, Chủ tịch Hạ viện Maroc cho rằng đây là điều quan trọng để hai bên có thể có những quan điểm, lập trường chung về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Về hợp tác giữa Nghị viện/Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã mời Maroc tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), là bước thực hiện Thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã ký kết. Trong chuyến thăm Maroc của Đoàn lần này có sự tham dự một số thành viên Chính phủ Việt Nam để ký kết 4 văn bản hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước. Đây là những văn bản sẽ có những tác động tích cực lên mối quan hệ song phương. Những điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao giữa lãnh đạo, Nghị viện/Quốc hội cũng như nhân dân hai nước, với quyết tâm đi lên phía trước.
Nhấn mạnh Việt Nam đã thực hiện những thành tựu kinh tế đáng khâm phục về mở cửa kinh tế, hội nhập quốc tế. Con số tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 7% của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay là rất đáng khâm phục và Maroc có nhiều điều học hỏi từ Việt Nam. Việt Nam đã tiếp nhận gần 15 triệu khách du lịch quốc tế. Điều đó thể hiện sự mở cửa, vẻ đẹp của đất nước cũng như sự mến khách của con người Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện cho rằng có một phần lịch sử đã gắn kết hai dân tộc vì vậy phải làm sao để những yếu tố đó cho phép mối quan hệ hợp tác nghị viện trở thành hợp tác kiểu mẫu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng lần đầu tiên dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Vương quốc Maroc tươi đẹp, thanh bình và giàu lòng mến khách; ấn tượng với văn hóa đặc sắc và đa dạng của Maroc với sự giao thoa văn hóa châu Âu, châu Phi và Arab.
Cảm ơn Ngài Chủ tịch Hạ viện đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình và chu đáo ngay từ phút đầu tiên đặt chân đến đất nước Maroc, Chủ tịch Quốc hội cho biết chuyến thăm của Đoàn đến Maroc lần này với mong muốn thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Maroc nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Maroc nói riêng.
Cùng chung nhận định của Chủ tịch Hạ viện Maroc cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp cả về chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông báo tình hình chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tổ chức các hội nghị quốc tế đã khẳng định sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm và có khả năng đóng góp vào hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới. Việt Nam cũng sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (AIPA) vào năm 2020 và đang ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi, trong đó Maroc là một đối tác ưu tiên tại khu vực Bắc Phi; mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao. Việt Nam rất mong được đón Quốc vương Maroc thăm Việt Nam trong thời gian tới nhằm thảo luận về hợp tác song phương; đồng thời tăng cường tình đoàn kết và sự hiểu biết giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước những thành tựu quan trọng mà nhân dân Maroc đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế thời gian qua. Tăng trưởng GDP đạt mức 3,6% năm 2018 giúp Maroc phát triển kinh tế năng động ở khu vực và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khách du lịch quốc tế (trung bình 11 triệu lượt khách/năm).
Đánh giá cao vai trò của Maroc trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Maroc hoàn thành tốt vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 (9-2017 - 9-2018), được sự ghi nhận và đánh giá cao của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của Maroc trong khu vực và trên thế giới. Nổi bật nhất trong đó có việc chủ trì Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển, tạo đà cho việc thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên - văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng cảm ơn sự phối hợp, ủng hộ của Maroc dành cho Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương (Maroc ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế Xã hội, công nhận kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam); khẳng định Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Maroc tại các diễn đàn quốc tế (ủng hộ Maroc vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Luật pháp quốc tế, Hội đồng điều hành Liên minh Bưu chính thế giới; ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN tháng 07-2016).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim bày tỏ hy vọng Maroc sẽ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Phi (AU). Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối quan trọng trong quan hệ giữa Maroc với các nước ASEAN.
Nêu rõ hai bên đã thiết lập cơ chế Ủy ban hỗn hợp và tham vấn chính trị giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban hỗn hợp và tham vấn chính trị lần thứ 5 (tháng 4-2018).
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí trong thời gian tới, hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn lãnh đạo cấp cao. Hai bên tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết. Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp và các cơ chế tham vấn chính trị giữa hai nước. Ngoài ra, hai bên cần thúc đẩy hợp tác địa phương, hướng tới việc xây dựng mối quan hệ hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh - Casablanca, Đà Nẵng - Tangier, Nha Trang - Agadir.
Về hợp tác kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước mới chỉ ở con số khiêm tốn (thương mại hai chiều chỉ đạt 212,7 triệu USD năm 2018), chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên; mong muốn trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường hợp tác nhiều mặt với Maroc. Việt Nam luôn mở cửa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi và an toàn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Maroc làm ăn, kinh doanh ổn định tại Việt Nam.
Để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên thúc đẩy, hỗ trợ kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt giữa các hiệp hội kinh doanh, trong lĩnh vực tiềm năng như: thương mại, du lịch, tài chính, hướng tới thành lập một Hội đồng kinh doanh chung giữa hai nước. Cùng với đó, hai bên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường gặp gỡ, tổ chức hội thảo, diễn đàn, hội chợ quốc tế tại mỗi nước, trong các lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác như: nông nghiệp, khai khoáng, vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may, giầy dép, chế biến thực phẩm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên thúc đẩy ký kết bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số Maroc về việc thành lập Ủy ban hợp tác về thương mại, công nghiệp; thúc đẩy hợp tác ngân hàng, hệ thống thanh toán trực tiếp giữa ngân hàng thương mại hai nước và thông qua mạng lưới ngân hàng của Maroc tại châu Phi để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và làm cầu nối thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở châu Phi (Maroc đang thúc đẩy kết nối Hiệp hội Ngân hàng hai nước). Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hệ thống tài chính của Maroc với sự phát triển của Casablanca là trung tâm tài chính lớn thứ hai châu Phi.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Chủ tịch Quốc hội khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp chủ quyền cũng như lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)…
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chính phủ và Hạ viện Maroc đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Maroc ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội sở tại; khẳng định cộng đồng người Việt Nam tại Maroc đã và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Về quan hệ giữa hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ Việt Nam - Maroc, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; đánh giá cao Quốc hội hai nước đã trao đổi nhiều Đoàn cấp cao và cấp Ủy ban; nhấn mạnh việc ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Maroc vào năm 2017, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động hợp giữa hai bên trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội mong hai bên tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao hai Quốc hội đã trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện; duy trì tiếp xúc, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như: Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF); cảm ơn Ngài Chủ tịch và Hạ viện Maroc quan tâm thúc đẩy quan hệ với Quốc hội Việt Nam và các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua cử các đoàn cấp cao tham dự các hội nghị tổ chức tại Việt Nam và các nước ASEAN (02 Phó Chủ tịch Hạ viện tham dự APPF-26 tại Việt Nam tháng 01-2018). Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Maroc đối với Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà APPF-26.
Để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành đề xuất Chủ tịch Hạ viện Maroc. Thời gian tới Việt Nam sẽ sớm xúc tiến việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Maroc, góp phần tăng cương giao lưu nhân dân cũng như làm phong phú nội dung của hợp tác Nghị viện. Hai bên có thể thực hiện thăm hai năm một lần và tổ chức hội thảo theo chủ đề nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa hai cơ quan lập pháp hai nước. Bên cạnh đó, hai bên có thể xây dựng một số cơ chế hợp tác trao đổi thông tin một cách thường xuyên. Theo Chủ tịch Quốc hội, trước mắt, trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác đã ký năm 2017, Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Maroc có thể thực hiện thông tin thường xuyên hơn, qua đó thúc đẩy khả năng trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật cũng như công tác quản trị Nghị viện/Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao, các ủy ban, nhóm Nghị sĩ hữu nghị và nghị sĩ nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; phối hợp rà soát, giám sát việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết giữa Chính phủ và các bộ, ngành hai nước; tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như: IPU, APPF, APF và các tổ chức liên nghị viện khác.
Ngay sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và thẳng thắn, tại hội đàm hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Maroc đang thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác đã ký từ năm 2017.
Chia sẻ mục đích chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ tốt đẹp đi vào thực chất trong các lĩnh vực hợp tác, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa… làm cho nhân dân hai nước ngày càng hiểu biết, tin cậy và hai nước ủng hộ lẫn nhau trên tất cả diễn đàn khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thời gian qua Maroc luôn ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam cũng dành sự ủng hộ đối với Maroc. Thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục trao đổi, tham vấn những vấn đề cùng quan tâm.
Trong hội đàm, hai bên đã thống nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi những đoàn cấp cao, các cấp của Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Maroc cũng như thúc đẩy giao lưu nhân dân. Mỗi lần trao đổi đoàn sẽ chọn chủ đề cụ thể.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hội đàm đã thành công tốt đẹp, cùng khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc Vương quốc Maroc ngày càng thịnh vượng, đời sống nhân dân Maroc ngày càng phát triển, hạnh phúc. Đất nước Maroc ngày càng có vị trí xứng đáng trên khu vực cũng như trường quốc tế; chúc quan hệ Việt Nam - Maroc tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki cho biết chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu trùng với ngày kỷ niệm 58 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hai nước đã phát triển rất tốt đẹp, cả hai nước đang phát triển rất năng động, cùng mở cửa, cùng hội nhập quốc tế năng động. Trong những năm qua, khách du lịch quốc tế đến Maroc và Việt Nam không ngừng gia tăng…
Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki nhấn mạnh chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lần này là cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác Thỏa thuận giữa hai bên đã ký kết vào năm 2017. Chuyến thăm cho thấy Việt Nam rất chú trọng phát triển quan hệ hai nước. Việt Nam coi Maroc là cửa ngõ để vào châu Phi và Maroc coi Việt Nam là cửa ngõ để vào ASEAN. Hai bên có nhiều điểm chung trên nhiều vấn đề và nhất trí sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Sáng cùng ngày, tại Thủ đô Rabat, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Vua Mohammed V./.
Luân chuyển gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương ở tỉnh Quảng Ninh: Thực tiễn và kinh nghiệm  (28/03/2019)
Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất  (28/03/2019)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Chăm lo cho gia đình chính sách là trách nhiệm của toàn xã hội  (28/03/2019)
Hoạt động trong ngày của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  (28/03/2019)
“Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”  (28/03/2019)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên