Hoạt động trong ngày của các Phó Thủ tướng
TCCSĐT - Ngày 19-3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham gia “Lễ phát động chiến dịch ATGT #3.500 sinh mạng” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Liên đoàn Ô tô quốc tế tổ chức; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp đoàn Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào do ông Bouasone Bouphavanh, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Viện trưởng dẫn đầu.
* Tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Liên đoàn Ô tô quốc tế tổ chức “Lễ phát động chiến dịch ATGT #3.500 sinh mạng”, công bố “Việt Nam cam kết thực hiện các Mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông của Liên hợp quốc”.
Tham dự Lễ phát động có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; ông Jean Todt, Chủ tịch Liên đoàn Ô tô quốc tế; Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn đường bộ; đại diện Quỹ thương vong châu Á…
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu và hưởng ứng thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ, Liên đoàn Ô tô quốc tế đã xây dựng và phát động chiến dịch #3500 sinh mạng. Đây là chiến dịch có quy mô toàn cầu nhằm nâng cao ý thức của người dân trên toàn thế giới về tầm quan trọng của an toàn giao thông đường bộ.
Ra đời năm 2017, chiến dịch này được truyền tải thông điệp như một lời nhắc nhở tới tất cả mọi người: Mỗi ngày trôi qua, trên thế giới có 3.500 thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Chiến dịch này thể hiện một phần cam kết của Liên đoàn Ô tô quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu bền vững của Liên hợp quốc với mục tiêu giảm một nửa số ca tử vong vì tai nạn giao thông mỗi ngày từ nay đến năm 2020. Chiến dịch đã lan tỏa ra hơn 900 thành phố tại gần 80 quốc gia và trở thành chiến dịch vận động an toàn đường bộ lớn nhất lịch sử.
Tại Việt Nam, lễ phát động sẽ là sự kiện chính thức đầu tiên nhằm triển khai các hoạt động của chiến dịch #3500 sinh mạng với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về những “nguyên tắc cứu mạng” khi tham gia giao thông với thông điệp “Giao thông an toàn, cứu nghìn sinh mạng”.
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chiến dịch này khuyến khích các chính phủ gia tăng cam kết trong việc bảo đảm an toàn hạ tầng giao thông cho người sử dụng, cũng như tìm kiếm, áp dụng các giải pháp đối phó với các thách thức trong vấn đề an toàn giao thông đường bộ.
Đây là chương trình có ý nghĩa đối với Việt Nam, nơi vấn đề an toàn giao thông đang rất bức xúc. Hằng năm, tai nạn giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, đã cướp đi sinh mạng hàng nghìn người, làm bị thương hàng chục nghìn người. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách và chương trình hành động thiết thực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đến nay, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực và hiệu quả trong việc kiềm chế, kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Theo đó, liên tục từ năm 2012 - 2018, tai nạn giao thông đã được kéo giảm ở cả 3 tiêu chí trên. Trong 2 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông tiếp tục giảm. Toàn quốc xảy ra 2.822 vụ, làm chết 1.356 người, bị thương 2.169 người, so với cùng kỳ năm 2018 số vụ giảm giảm 523 vụ, số người chết giảm 150 người chết và giảm 348 người bị thương.
Kết quả nêu trên cho thấy nỗ lực rất lớn của Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và người dân trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao an toàn giao thông.
Tuy nhiên, tình hình trật tự nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp. Thiệt hại do tai nạn giao thông ở Việt Nam gây ra còn cao so với nhiều nước trên thế giới, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục quyết tâm cao hơn, triển khai đồng bộ và mạnh mẽ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn Năm An toàn giao thông với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, mục tiêu phấn đấu là giảm từ 5% - 10% trên cả 3 tiêu chí. Vì vậy, lễ phát động chiến dịch 3.500 sinh mạng hôm nay càng có ý nghĩa thiết thực hơn.
Đây sẽ là sự kiện chính thức triển khai các hoạt động nhằm kêu gọi và nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là giới trẻ, tập trung vào 12 nguyên tắc vàng của xe động cơ thế giới khi tham gia giao thông, đặc biệt là những nguyên tắc cứu mạng khi lưu thông và khi xảy ra va chạm. Cụ thể là các hành vi “không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “không lái xe khi đã uống rượu bia”, “đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”, “thắt dây an toàn, dùng ghế chuyên dụng cho trẻ em trên xe ô tô”…
“Sự kiện quan trọng này sẽ vừa là động lực, vừa đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, văn minh, hiệu quả, tiến tới môi trường an toàn giao thông ‘nhân văn, thân thiện’. Chiến dịch không chỉ là bước đi nhằm giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông, mà còn thể cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong tiến trình quảng bá với thế giới hình ảnh về một đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, văn minh”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn sự nỗ lực của Liên đoàn Xe động cơ quốc tế và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã xây dựng và phát động chiến dịch này tại Việt Nam. Đây là sự kiện nhằm truyền tải thông điệp và như một lời nhắc nhở tới tất cả cả mọi người “mỗi ngày trôi qua, trên thế giới có 3.500 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông”. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân Việt Nam nói riêng và người dân trên thế giới nói chung về tầm quan trọng của an toàn giao thông đường bộ.
Việt Nam vinh dự là đại diện của châu Á mở màn chiến dịch, cam kết thực hiện các mục tiêu an toàn giao thông của Liên hợp quốc tại cuộc họp của tổ chức này ở Thuỵ Điển năm 2020 nhằm tổng kết các kết quả đạt được cho thập kỷ hành động vì an toàn giao thông giai đoạn 2010 - 2020 và hướng tới giai đoạn tiếp theo 2020 - 2030.
“Chính phủ Việt Nam tin tưởng rằng, với sự chung tay của cộng đồng quốc tế, chính phủ các nước trên thế giới, sự đồng hành hỗ trợ của các tổ chức trên toàn cầu và sự vào cuộc mạnh của các cấp, các ngành và người dân, tình hình trật tự giao thông tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung sẽ tiếp tục được cải thiện. Tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam và sự phát triển thịnh vượng, bình yên của thế giới”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
** Tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp đoàn Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào do ông Bouasone Bouphavanh, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Viện trưởng dẫn đầu đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng được trở lại Hà Nội sau 2 năm, ông Bouasone Bouphavanh đánh giá cao sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam. Ông cho biết, trong chuyến làm việc tại Việt Nam lần này, Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào muốn tìm hiểu kinh nghiệm về đổi mới doanh nghiệp nhà nước và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới của Việt Nam để góp phần đổi mới mô hình kinh tế trong nước.
Theo ông Bouasone Bouphavanh, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới nợ công của Lào. Bên cạnh đó, quan hệ sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém, chưa có tính liên kết chặt chẽ và theo các nguyên lý của kinh tế thị trường. Trong chuyến công tác tại Việt Nam, Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào sẽ làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực trên.
Vui mừng được đón tiếp Đoàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị cho tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2021, đây là dịp quan trọng để hai bên tăng cường chia sẻ các kinh nghiệm quản trị kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Lãnh đạo Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan của Việt Nam không chỉ chia sẻ các kinh nghiệm thành công mà cả các thất bại trước đây để hai bên cùng thảo luận, đánh giá, tìm ra giải pháp phù hợp để áp dụng trong thực tiễn.
Theo Phó Thủ tướng, sau 15 năm Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, hợp tác xã của Việt Nam đã có bước thay đổi tích cực.
“Hợp tác xã kiểu mới không làm triệt tiêu kinh tế hộ mà gia tăng giá trị cho kinh tế hộ. Hợp tác xã của chúng tôi đã thoát khỏi tình trạng yếu kém, từ tỷ lệ 10% hợp tác xã làm ăn tốt thì nay đã có 60% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Bài học của chúng tôi là nếu cực đoan sẽ thất bại” - Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nếu bỏ mặc hộ nông dân bươn trải mà không có giải pháp để hỗ trợ thành lập hợp tác xã kiểu mới, hỗ trợ đầu vào cho các thành viên thì không thành công. Áp dụng mệnh lệnh hành chính cưỡng ép họ vào hợp tác xã cũng thất bại. Phải hoàn toàn dựa trên lợi ích kinh tế để hình thành và phát triển hợp tác xã, đồng thời hợp tác xã phải đặt trong quá trình tổng thể tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp, gắn với đó là xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Việt Nam là thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo thông lệ của thị trường để minh bạch hoạt động của khối này, đồng thời tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng mong muốn Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào sẽ tham khảo được nhiều kinh nghiệm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội để thúc đẩy đổi mới mô hình kinh tế của Lào trong thời gian tới, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai quốc gia./.
Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới  (19/03/2019)
Trách nhiệm của trí thức trước yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước  (19/03/2019)
Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Cao Bằng  (19/03/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-3-2019)  (19/03/2019)
Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông kỷ niệm 10 năm thành lập công ty và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng  (19/03/2019)
Giáo dục vùng dân tộc thiểu số chuyển mình  (19/03/2019)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên