Công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2017
TCCSĐT - Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày 13-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2017.
Bộ chỉ tiêu được thực hiện dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2017 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện và các nguồn thông tin cập nhật từ cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh, cơ sở dữ liệu thuế.
Chủ trì họp báo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Vương Đình Huệ nhắc lại thư của Bác Hồ viết cho giới doanh nhân khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh vào ngày 13-10-1945. Trong thư Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thực hiện các nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động chất lượng, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh cao, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ và hội nhập kinh tế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao, biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã ban hành được Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2017.
Phó Thủ tướng cho biết, việc công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2017 là một trong những hoạt động nhằm tiến tới hoàn thành mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 35, đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ chỉ tiêu này giúp Chính phủ, các cấp ủy Đảng, địa phương biết được tình hình phát triển doanh nghiệp hiện nay, cũng như việc phát triển doanh nghiệp của từng địa phương. Từ đó, các địa phương thấy được đang ở vị trí, quy mô nào trên bản đồ phát triển doanh nghiệp của Việt Nam để có hướng phát triển doanh nghiệp tại địa phương một cách chính xác. Đây cũng là một bức tranh nói lên tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua số liệu về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách...
Đây cũng là cơ sở để Chính phủ, cơ quan nhà nước tham khảo, từ đó đề ra các chính sách phù hợp để hoàn thành mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trực tiếp là Tổng cục Thống kê tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu Bộ chỉ tiêu đã có, nâng cao năng lực, chất lượng thông tin, bảo đảm có số liệu xác thực; sau khi hoàn thiện cần gửi cho các bộ, ngành, địa phương và công bố trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ; sớm xuất bản cuốn sách trắng nêu toàn cảnh doanh nghiệp hàng năm.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở Bộ chỉ tiêu này, Phó Thủ tướng yêu cầu có phân tích, đánh giá, rà soát lại tình hình doanh nghiệp tại địa phương mình, từ đó có phương án, giải pháp phù hợp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ số liệu, thông tin cần thiết cho lực lượng chức năng theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê để phục vụ kịp thời cho công tác tổng hợp, biên soạn và ban hành Bộ chỉ tiêu này.
Theo Phó Thủ tướng, sau khi công bố Bộ chỉ tiêu này, khoảng cuối quý 4/2018, Cuốn sách trắng nêu toàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam hàng năm sẽ được công bố. Từ năm 2019, Bộ chỉ tiêu và cuốn sách trắng sẽ được công bố vào ngày 13-10 - Ngày Doanh nhân hàng năm.
Báo cáo tóm tắt Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Tính đến thời điểm ngày 31-12-2017, cả nước có 560.417 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, tăng 11% so với thời điểm ngày 31-12-2016.
Trong số này, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ có số lượng nhiều nhất với hơn 390 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,3% so với năm 2016; tiếp theo là các doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng với hơn 164 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với hơn 5.400 doanh nghiệp, tăng 22,8%. Cũng theo Bộ chỉ tiêu, có 40/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó: Bắc Giang tăng 33,7%; Hà Nội tăng 32%; Bắc Ninh tăng 28,6%...
Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Trong đó, có 34/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 so với năm 2016 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Điển hình như: Bến Tre tăng 272,6%; Hà Giang tăng 55,4%; Tuyên Quang tăng 52,7%; Bắc Giang tăng 49,3%; Vĩnh Phúc tăng 45,9%...
Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là trên 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016.
Cũng theo số liệu từ Bộ chỉ tiêu, năm 2017, tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp đạt trên 20 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016. Trong khi đó, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt trên 876 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016; đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt trên 954 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2016.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2017, mỗi năm, số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động tăng 10,2%; khu vực doanh nghiệp thu hút thêm 5,9% lao động; thu hút thêm 15,4% vốn sản xuất kinh doanh vào khu vực doanh nghiệp; doanh thu của các doanh nghiệp tăng lên 15,6%; thu nhập bình quân tháng một lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp tăng bình quân 10,5%/năm...
Tại họp báo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về các vấn đề doanh nghiệp như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ưu đãi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.../.
Phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi  (13/10/2018)
Quyền Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu Nông dân Việt Nam xuất sắc  (12/10/2018)
Bộ Y tế chỉ đạo nhằm tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện nhi đồng  (12/10/2018)
Thủ tướng tham dự khai mạc Hội nghị thường niên IMF-WB năm 2018  (12/10/2018)
Thủ tướng Campuchia chỉ đạo sắp xếp cuộc sống của Việt kiều ở Biển Hồ  (12/10/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia chủ trì họp báo  (12/10/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển