TCCSĐT - Nhân dịp công tác tại Hà Tĩnh, ngày 21-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc tại huyện Đức Thọ; làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; chứng kiến lễ ký kết Khung hợp tác Chiến lược giữa tỉnh Hà Tĩnh và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2018 - 2022.

Đức Thọ - mảnh đất giang sơn tụ khí - là quê hương đã sản sinh ra nhiều anh hùng nghĩa liệt, nhiều danh nhân văn hóa mà đặc biệt là đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người chiến sỹ Cộng sản lỗi lạc đã làm rạng danh quê hương, đất nước.

Sau 8 năm triển khai, đến nay, Đức Thọ đã huy động được gần 2,6 ngàn tỷ đồng, 9.680 hộ hiến đất ở và đất nông nghiệp với tổng diện tích gần 837 ngàn m2 tương đương 64 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 18/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đáng chú ý nông nghiệp chỉ còn chiếm 22,2% trong cơ cấu kinh tế ở Đức Thọ, lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ cao với 45,8%; thu nhập bình quân đầu người của Đức Thọ năm 2017 đạt 35,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%.

Nét nổi bật trong thành tựu xây dựng nông thôn mới của Đức Thọ là tiêu chí thứ 20 với việc phát triển khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Đây là nét đặc trưng, sáng tạo của Hà Tĩnh. Đức Thọ đã triển khai xây dựng 147 khu dân cư mới kiểu mẫu, 755 vườn mẫu. Quá trình thực hiện cho thấy đây là tiền đề để xây dựng nông thôn mới bền vững, huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc, phát huy vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng. Xây dựng vườn mẫu đã làm thay đổi được tập quán của người dân từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường, khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn. Nhiều vườn cho thu nhập trên 75 triệu đồng/năm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Không chỉ có vậy, xây dựng khu dân cư mẫu còn khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Đức Thọ đã xây dựng Đề án sáp nhập xã đến 2025, toàn huyện còn lại 13 đơn vị hành chính, giảm 15 đơn vị so với hiện nay, góp phần giảm chi 25 tỷ đồng/năm so với hiện nay.

Tới thăm Đức Thọ, Thủ tướng đã tới thăm hỏi, chuyện trò, tìm hiểu đời sống, lao động của người dân tại mô hình khu dân cư mẫu tại thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh – địa phương thực hiện tốt việc chỉnh trang, nâng cấp khu dân cư phù hợp yêu cầu phát triển song song với gìn giữ, phát huy những nét văn hóa độc đáo của làng quê Việt Nam. Tùng Ảnh còn được gọi là “làng khoa bảng, đất danh thắng”, nơi còn lưu giữ được những nét văn hóa, hồn quê xưa với cây đa, giếng làng được gìn giữ, tôn tạo; hàng rào xanh được cắt tỉa công phu... Thời gian qua, cán bộ và nhân dân thôn Châu Nội tiếp tục huy động hàng nghìn ngày công, hàng trăm triệu đồng để củng cố, nâng cấp xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu đạt chuẩn.

Hệ thống giao thông thôn Châu Nội được khép kín bê tông gắn với hệ thống mương thoát nước và hàng rào xanh, cây bóng mát đảm bảo đạt tiêu chuẩn Khu dân cư mẫu. Để hoàn thành các hạng mục chỉ tiêu này, cán bộ, đảng viên trong thôn luôn gương mẫu, tự giác làm trước. Gia đình nào neo người, điều kiện kinh tế khó khăn thì cán bộ đoàn thể của xã, thôn cùng chung tay giúp dọn dẹp nhà cửa, di dời công trình phụ, chỉnh trang vườn. Một số hộ có điều kiện nhưng vẫn còn ngần ngại thay đổi đã được cán bộ thôn, đoàn thể xã đến tuyên truyền, hướng dẫn và xắn tay giúp thực hành các ứng dụng mới vào sản xuất.

Nhiều vườn hộ ở thôn Châu Nội đã được xây dựng đạt chuẩn 5 tiêu chí vườn mẫu: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường - cảnh quan; thu nhập ngày càng được nâng cao. Nhờ sự chung tay, góp sức của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng, đến nay, thôn Châu Nội đã có 100% vườn hộ được chỉnh trang sạch sẽ. Song song với chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, thôn Châu Nội tập trung nâng cấp, mở rộng và trồng cây xanh trên các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự sáng tạo, đổi mới của Hà Tĩnh và huyện Đức Thọ trong công tác xây dựng nông thôn mới mà điển hình là tiêu chí xây dựng mô hình Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đã nâng cao và ổn định thu nhập cho người dân. Vui mừng nhắc lại những ấn tượng tốt từ chuyến thăm hỏi, tiếp xúc các gia đình ứng dụng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu tại xã Tùng Ảnh, Thủ tướng cho rằng, qua triển khai các mô hình này đã gìn giữ, tôn tạo nét văn hóa truyền thống trong cộng đồng; đồng thời nâng cao hiệu quả gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn.

Nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, “xây dựng nông thôn mới là xây dựng một xã hội dân chủ cho người dân, do người dân làm chủ thể” đi liền với đó là xây dựng một xã hội an toàn cho người dân.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh và Đức Thọ tiếp tục tổng kết kết quả xây dựng nông thôn mới từ đó đề ra các biện pháp để làm sao nâng cao hơn nữa đời sống của người dân; giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo theo tinh thần phát triển bền vững, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau, đó cũng là mục đích cần hướng tới trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh nâng cao thu nhập cho người nông dân, xây dựng nông thôn mới còn phải hướng đến việc gìn giữ, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, không phân biệt lương giáo, giữ gìn tình làng nghĩa xóm.

Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả huy động của Đức Thọ phục vụ xây dựng nông thôn mới theo hướng phù hợp với người dân, không quá mức, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thủ tướng mong muốn: Từ giờ đến cuối năm, Đức Thọ cần phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Tĩnh.

Một thành tích nữa của Đức Thọ được Thủ tướng đánh giá cao chính là việc thực hiện cải cách bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế mà cụ thể là huyện đã làm tốt việc nhất thể hóa Chủ tịch và Bí thư cấp huyện - một mô hình tương đối mới trên cả nước. Đức Thọ cần tổng kết, để nhân rộng cách làm này trong tỉnh và cả nước.

Nhắc đến truyền thống cách mạng sâu sắc của Đức Thọ, Thủ tướng đề nghị địa phương cần phát huy làm tốt hơn nữa việc xây dựng, củng cố bộ máy chính trị, hoàn thiện tốt bộ máy theo hướng vững mạnh từ xã đến thôn. Thủ tướng lưu ý việc giảm số lượng thôn cần bám sát tiêu chí bền vững, tinh gọn, đồng bộ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá cán bộ. Cùng với đó, cần chú ý những mặt trái trong tiến trình giảm đầu mối, giảm biên chế.

Thủ tướng cũng cho biết, Trung ương sẽ hỗ trợ, hoàn thiện về mặt thể chế cho bộ máy ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các địa phương triển khai trên cả nước.

* Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sỹ và về thăm huyện Đức Thọ, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hoa, dâng hương tại Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng nằm trên ngọn núi Quần Hội (xã Tùng Ảnh - Đức Thọ).

Đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng năm 26 tuổi. Giữa lúc phong trào đang lên, đồng chí bị địch bắt. Sự tra tấn dã man của kẻ thù và bệnh tật đã cướp mất đồng chí lúc mới 27 tuổi (1931) tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Đồng chí Trần Phú hy sinh để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước, lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, chí khí kiên cường, tinh thần học tập sáng tạo, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.

Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 11-6-1992. Quần thể khu di tích được chia làm 3 phần bao gồm: nhà thờ, nhà trưng bày và khu mộ. Nhà trưng bày với hơn 200 hiện vật, những kỉ vật về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú.

** Sau khi thăm, thị sát kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện Đức Thọ, chiều 21-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lấy lại đà tăng trưởng. Còn nhớ năm 2016 ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, thiên tai, lũ lụt đã “đánh sập” đà bứt phá mạnh mẽ của Hà Tĩnh với việc kéo giảm GRDP gần 17%, thu ngân sách không hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, ngành thủy sản và dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp.

Tình hình khó khăn này cũng đã trở thành luồng “hoàn lưu” tác động mạnh đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2017. Song, với những nỗ lực toàn diện của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Hà Tĩnh đã từng bước phục hồi và tăng trưởng. Kinh tế của địa phương vốn được coi là giàu tiềm năng nhất khu vực Bắc miền Trung này đã lấy lại được đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Sáu tháng đầu năm 2018, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao, đạt gần 33%; trong đó, ở vị trí dẫn dắt là khu vực công nghiệp - xây dựng tăng gần 96% và vươn lên chiếm hơn 44% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tổng thu ngân sách đạt gần 6.000 tỷ đồng, tương đương gần 70% dự toán. Nông nghiệp được mùa toàn diện. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 170,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Từ thực tiễn trong triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vẫn chưa thực sự bền vững, còn thiếu chiều sâu, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, Hà Tĩnh đã mạnh dạn nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và đạt được những kết quả ban đầu khả quan.

Đến nay, tỉnh đã đưa mô hình này thành tiêu chí số 20 trong xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2018, Hà Tĩnh sẽ có 268 thôn đạt tiêu chí Khu dân cư mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Tổng số vườn mẫu hiện nay của tỉnh là 9.202 vườn. Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn năm 2017 đạt 28 triệu đồng.

Công tác xây dựng Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế cũng là một nội dung được triển khai tốt tại Hà Tĩnh. Trong giai đoạn 2011 - 2017, Hà Tĩnh đã sáp nhập, tinh gọn các cơ quan, đơn vị, giảm 24 đơn vị; giải thể, sáp nhập 167 đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của tỉnh đã giảm 2.092 người; giảm 24.000 cán bộ không chuyên trách và người làm việc ở thôn, tổ dân phố; giảm tổng chi thường xuyên trên 370 tỷ đồng.

Từ nay đến trước thời điểm Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh đang chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập 58/262 xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn.

Nhận xét về nhiệm vụ này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, kết quả công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của Hà Tĩnh đạt kết quả tốt. Bộ máy sau sắp xếp hoạt động ổn định, giảm gánh nặng ngân sách và góp phần cải cách tiền lương.

Hà Tĩnh cũng là một trong số ít tỉnh sắp xếp lại tổ dân phố. Điều này thể hiện sự quyết liệt, dám làm, dám đi tiên phong trong lĩnh vực rất khó này. Hà Tĩnh cũng nằm trong tốp 10 tỉnh của cả nước về chất lượng điều hành, phục vụ người dân.

Sự hồi sinh đã về trên mảnh đất Hà Tĩnh. Đánh giá kết quả phát triển của Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Tĩnh đang ở vị thế mới trong bản đồ phát triển Việt Nam, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ sau sự cố môi trường biển 2016. “Sự hồi sinh đã về trên mảnh đất Hà Tĩnh”, Thủ tướng nói.

Cho rằng Hà Tĩnh đã phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn, nhất là với việc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh còn bước đầu đạt kết quả tốt trong việc sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết của Trung ương từ thôn đến tỉnh, tạo sự thống nhất cao trong chính quyền và nhân dân.

Cho rằng với quy mô chiếm 1,1% kinh tế cả nước, Thủ tướng đánh giá đã đến lúc Hà Tĩnh tự tin là một cực tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước. Tăng trưởng các ngành và lĩnh vực của tỉnh đều vượt trội so với trước và các địa phương khác. Mặc dù công nghiệp phát triển mạnh nhưng tỉnh vẫn coi trọng lĩnh vực nông, lâm thủy sản theo phương châm “phi nông bất ổn, phi thương bất phú” như câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn. Đây là quan điểm phát triển phù hợp với Hà Tĩnh, với đặc thù một địa phương có tỷ lệ nông thôn, miền núi rất cao.

Thủ tướng tin tưởng Hà Tĩnh sẽ hoàn thành vượt mức ngân sách do Trung ương giao trong năm 2018. Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước lâm vào tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, vốn ngân sách Nhà nước thì Hà Tĩnh hoàn thành tốt các hạng mục chi ngân sách đạt 21,43% dự toán. Điều này thể hiện tính năng động, tinh thần dám nghĩ, dám làm của địa phương, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh phấn đấu sớm tự chủ ngân sách. Đây sẽ là một kết quả rất ấn tượng của một địa phương có điều kiện hết sức khó khăn “mưa thối đất, nắng nóng như đổ lửa” như Hà Tĩnh.

Nhìn nhận kết quả công tác sắp xếp bộ máy từ thôn đến tỉnh tại Hà Tĩnh, Thủ tướng cho rằng “đây là cố gắng lớn và là mô hình cách nghĩ, cách làm rất đáng hoan nghênh”.

Nêu ra một số gợi ý để Hà Tĩnh đạt kết quả phát triển vượt bậc trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến ba trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và lưu ý Hà Tĩnh cần giảm nghèo nhanh hơn để phát triển bền vững, tránh tái nghèo, thực hiện tốt chính sách cung cấp phúc lợi xã hội, tái sản xuất hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận giáo dục để làm chủ tương lai.

Thủ tướng gợi ý Hà Tĩnh cần tăng nhanh tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động tương xứng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lực lượng sản xuất và nền kinh tế. Công nghiệp hóa cần đi liền với đô thị hóa là xu hướng tất yếu, nhất là với các đô thị ven biển.

Căn dặn Hà Tĩnh một mặt cần tạo điều kiện cho Formosa trong phát triển sản xuất nhưng Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý tỉnh cần giám sát chặt chẽ, kiên quyết về bảo vệ môi trường và phát triển công nghiệp sau sản xuất. Thủ tướng cũng lưu ý các cấp, các ngành và tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt chú ý đến việc xử lý tro xỉ trong quá trình sản xuất thép tại Formosa Hà Tĩnh.

Nhấn mạnh đến vấn đề quy hoạch để phục vụ phát triển, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh chú trọng hơn nữa đến công tác này trong bối cảnh tỉnh đang phát triển nhanh và nóng. Cùng với đó, tỉnh cũng cần chú trọng đến nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; làm tốt công tác tư tưởng, an dân, không để xảy ra điểm nóng; kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn.

*** Sau buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết Khung hợp tác Chiến lược giữa tỉnh Hà Tĩnh và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2018 - 2022. Cùng dự lễ ký có ngài Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Trong những năm qua, Ngân hàng Thế giới luôn là tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng trong tài trợ, hỗ trợ và phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình phát triển. Đến nay, Ngân hàng Thế giới đã và đang cho vay, tài trợ, hỗ trợ Hà Tĩnh nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế, giáo dục đào tạo..., với tổng số vốn trên 5.718 tỷ đồng.

Các chương trình, dự án này đã đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực quản lý..., góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.

Khung hợp tác Chiến lược giữa tỉnh Hà Tĩnh với Ngân hàng Thế giới được ký lần này nhằm thiết lập một quan hệ đối tác toàn diện cho hợp tác chiến lược trong giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ cam kết hướng đến tăng trưởng, phát triển toàn diện bền vững và cạnh tranh trong tỉnh; ghi nhận sự cần thiết phải có cách tiếp cận rõ ràng, toàn diện và cơ chế giữa các bên để định kỳ thảo luận chiến lược nhằm rà soát các chương trình đang thực hiện, thiết lập định hướng chiến lược trong tương lai về quan hệ đối tác chiến lược.

Hai bên sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kiến thức, tham gia học tập và nghiên cứu chung, đối thoại chính sách tập thể và phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật trong các sáng kiến đã đồng ý liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Nông nghiệp và an toàn thực phẩm; phát triển đô thị và tài nguyên nước; Chiến lược hàng hải, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp; rà soát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc ký kết Khung hợp tác Chiến lược sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, nâng mối quan hệ lên tầm chiến lược trong giai đoạn phát triển giai đoạn 2018 - 2022 để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đòi hỏi trong thực tiễn của giai đoạn mới, giải quyết những thách thức trong quá trình phát triển. Tỉnh sẽ thực hiện tốt những nội dung đã ký kết và xây dựng Hà Tĩnh thành hình mẫu điển hình về các mô hình hợp tác phát triển, lan tỏa rộng và sâu sắc hơn nữa các giá trị mà Ngân hàng Thế giới theo đuổi tại Việt Nam./.