TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được một số kết quả ban đầu, cụ thể như: Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15-01-2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02-02-2018 về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, đã giảm khoảng 95% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Để cải cách thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị từng đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội, do đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15-8-2018, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải gắn mã HS; một sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý; phương thức quản lý chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch.

Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 01 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành. Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ và kịp thời thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành, đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư và các quy định liên quan. Nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đề cao trách nhiệm trong quá trình thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; kịp thời phát hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền để ngăn chặn việc ban hành những quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý hoặc làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ công bố kết quả cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh cùng lợi ích kinh tế mang lại ngay sau khi các văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa được cấp có thẩm quyền ban hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp điều kiện đầu tư kinh doanh để công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Định kỳ hàng quý, các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và số lượng điều kiện kinh doanh. Trong đó, cần nêu rõ sự tăng, giảm và nguyên nhân của việc tăng, giảm số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh trong kỳ báo cáo.

Quy định mới về trợ cấp người có công với cách mạng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Nghị định quy định rõ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng như sau: Mức trợ cấp đối với Người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945: Diện thoát ly là 1.693.000 đồng; diện không thoát ly 2.874.000 đồng.

Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ 1.515.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ 3.030.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên 4.545.000 đồng.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ) và hưởng mức phụ cấp 1.270.000 đồng.

Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình hưởng mức trợ cấp 1.515.000 đồng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng mức trợ cấp 1.270.000 đồng.

Trường hợp Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% - 50%, mức trợ cấp 1.581.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% - 90%, mức trợ cấp 3.465.000 đồng…

Trợ cấp ưu đãi hằng năm được quy định như sau: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng là 500.000 đồng.

Trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là 300.000 đồng.

Về trợ cấp ưu đãi một lần, Nghị định quy định: Trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn; hỗ trợ chi phí báo tử 1.000.000 đồng.

Đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến được truy tặng, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27-8-2018.

Nghị định số 70/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2018.
Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01-7-2018.

Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam

Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Theo đó, danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:

- Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U (gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Khai khoáng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…);

- Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;

- Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;

- Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;

- Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.

Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó bao gồm những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế; loại trừ những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác./.