Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-5 đến 03-6-2018)
TCCSĐT - Bảy mươi năm qua, hình ảnh những người lính “mũ nồi xanh” tại các vùng xung đột trên thế giới đã không còn xa lạ. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ người dân, tuần tra, giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp.
Chung tay gìn giữ hòa bình thế giới
Ảnh minh họa. Ảnh: peacekeeping.un.org
Hằng năm, ngày 29-5, Liên hợp quốc kỷ niệm Ngày quốc tế lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm ca ngợi tính chuyên nghiệp, sự cống hiến và lòng dũng cảm của các binh lính gìn giữ hòa bình vốn phải hoạt động trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc, những năm qua, Việt Nam cũng đã có đóng góp đáng kể vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới của Liên hợp quốc.
Khái niệm và mục tiêu về hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được các nghị quyết của Hội đồng Bảo an xác định: “Hoạt động gìn giữ hòa bình là sự phối hợp đa dạng các hoạt động từ lĩnh vực dân sự đến lĩnh vực quân sự của các nước, các tổ chức quốc tế (cao nhất là Liên hợp quốc), khu vực trên phạm vi toàn thế giới dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc nhằm kiến tạo hòa bình ở những nơi xung đột, giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các bên xung đột thông qua biện pháp hòa bình”.
Kể từ khi bắt đầu được thành lập năm 1948, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã chứng minh là một trong những công cụ hiệu quả nhất để cộng đồng quốc tế xử lý các cuộc xung đột phức tạp đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Đến nay, đã có hơn 70 phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được thành lập, với hơn 1 triệu binh sĩ, dân thường và cảnh sát đến từ 125 nước trên thế giới đã mang bộ đồng phục của Liên hợp quốc. Những con số ấn tượng này đã phản ánh niềm tin của cộng đồng quốc tế vào các giá trị của các hoạt động gìn giữ hòa bình để bảo đảm an ninh chung.
Tại những điểm nóng trên thế giới, sự hiện diện của các lực lượng “mũ nồi xanh” đa quốc gia (dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc), thực sự là nhân tố bảo đảm môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ. Ghi nhận sự nỗ lực và những thành tích to lớn đó, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, hiện nay, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đang phải đối phó với những thách thức nghiêm trọng, nhất là ở 4 nơi triển khai quân đông nhất, đó là Mali, CHDC Congo, CH Trung Phi và Nam Sudan. Các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hiện phải hoạt động trong những môi trường phức tạp, nguy hiểm hơn rất nhiều do những mối đe dọa từ các tổ chức vũ trang, tội phạm và khủng bố sở hữu vũ khí tối tân. Trong khi đó, binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thường xuyên không được trang bị đầy đủ, thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng để triển khai tới những môi trường mới nguy hiểm. Ngoài ra, còn nhiều thiếu sót trong khâu chỉ huy và kiểm soát, trang bị, đào tạo và cả hiểu biết văn hóa.
Từ năm 1948 đến nay, đã có hơn 3.500 nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng khi phục vụ trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó 943 người thiệt mạng trong các tình huống bạo lực. Trước thực tế này, nhiều nước đã hoan nghênh các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực, bảo đảm năng lực thực thi của các sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Các nước khẳng định, việc tập trung vào các công cụ ngoại giao, trung gian, hòa giải, tìm kiếm các giải pháp chính trị tiếp tục là ưu tiên trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngoài ra, cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác giữa Hội đồng Bảo an, Ban Thư ký Liên hợp quốc và các nước cử binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cũng như thắt chặt quan hệ giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy hiệu quả của hoạt động gìn giữ hòa bình trên thực địa.
Ấn Độ mở rộng cơ hội hợp tác với các nước Đông Nam Á
Thủ tướng Ấn Độ N. Modi. Ảnh: indianexpress.com
Trong ba ngày từ 29 đến 31-5-2018, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã thực hiện chuyến thăm ba nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Indonesia, Malaysia và Singapore. Chuyến thăm lần này cho thấy Ấn Độ mong muốn tăng cường sự gắn kết với ba nước này nói riêng và ASEAN nói chung, từng bước hiện thực hóa chủ trương “Hành động hướng Đông” mà Ấn Độ đã đề ra.
Tại chặng dừng chân đầu tiên tới Indonesia của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi, hai nước thông qua “Tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Ấn Độ và Indonesia”, trong đó nêu bật những quan tâm chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thịnh vượng. Ấn Độ và Indonesia đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Với Malaysia, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi khẳng định tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Malaysia. Tại chặng dừng chân cuối cùng ở Singapore, Thủ tướng N. Modi khẳng định khi Ấn Độ mở cửa ra thế giới và hướng về phía Đông, Singapore đã trở thành một đối tác và là cây cầu nối giữa Ấn Độ và ASEAN. Theo ông, quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Singapore là một trong những mối quan hệ vững mạnh nhất và hai bên đang xây dựng “quan hệ đối tác của thời đại”.
Quan hệ đối tác đối thoại Ấn Độ - ASEAN được đánh giá là “chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh”. Ấn Độ coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách “Hành động hướng Đông”, trong khi ASEAN coi Ấn Độ là trọng tâm trong chính sách “Hành động hướng Tây”. Giới phân tích nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động hiện nay, Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với ASEAN trên 3 bình diện là kinh tế, ngoại giao và quân sự vì lợi ích chung.
Hội nhập kinh tế sâu hơn với khu vực ASEAN năng động là một khía cạnh quan trọng của Ấn Độ. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, chiếm hơn 10% tổng thương mại của Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn của ASEAN.
Về ngoại giao, trong bối cảnh chính sách “ưu tiên nước láng giềng” của Thủ tướng N. Modi gặp phải trở ngại, Ấn Độ một mặt tăng cường quan hệ với các nước phương Tây, mặt khác chuyển đổi chính sách “Nhìn sang phía Đông” thành “Hành động hướng Đông”, nhấn mạnh đến tính cấp thiết triển khai hành động cụ thể để tăng cường phát triển quan hệ với các nước ASEAN.
Về quân sự, Ấn Độ đang cần tìm kiếm đối tác hợp tác mạnh mẽ để mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó thể hiện vai trò của mình trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời đối phó với các thách thức chung.
Với những ý nghĩa đó, chuyến công du Indonesia, Malaysia và Singapore của Thủ tướng Ấn Độ lần này sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn nữa giữa Ấn Độ với 3 nước Đông Nam Á, có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình tăng cường kết nối Ấn Độ với ASEAN.
Triển vọng của đồng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu
Ảnh minh họa. Ảnh: nghiencuuquocte.org
Trong khi đồng USD mất giá nhiều so với các đồng tiền mạnh khác và sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, ngày càng có nhiều ý kiến xung quanh việc đa dạng hóa các đồng tiền dự trữ mới trong năm 2018. Và đồng NDT đã được giới phân tích đánh giá sẽ dần đóng vai trò lớn hơn trên thị trường thế giới.
Con đường vươn ra quốc tế của đồng NDT của Trung Quốc đã rẽ sang một bước ngoặt mới khi đồng tiền này được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ tháng 10-2016. Đây được coi là bước tiến dài để đồng NDT trở thành đối thủ thực sự của USD vốn đang giữ vai trò chi phối lớn trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng thị trường, cũng như thúc đẩy các hoạt động đầu tư và thương mại tự do toàn cầu.
Theo giới quan sát, trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và Khu vực đồng Euro hiện đang gặp khó khăn, các đồng tiền như USD, Yên và Euro chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nước đã xem xét lựa chọn NDT làm đồng tiền thanh toán và dự trữ. Một số nước châu Á như: Malaysia, Philippines, Thái Lan đã đưa NDT vào hệ thống dự trữ quốc gia.
Sau khi IMF tuyên bố sẽ đưa đồng NDT vào giỏ SDR, rất nhiều nước như Singapore, Tanzania… đã tuyên bố đưa đồng NDT vào dự trữ ngoại hối. Hàn Quốc cũng đang xem xét đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình, trong đó có tính đến đồng NDT. 14 quốc gia thuộc Đông Phi và Nam Phi (MEFMI) cũng đang thảo luận về khả năng sử dụng đồng NDT như một đồng tiền dự trữ của các khu vực này.
Ngoài ra, nhiều tín hiệu cho thấy ngày càng xuất hiện thêm các tổ chức quốc tế đang quan tâm tới đồng NDT. Tháng 01-2018, Ngân hàng trung ương Pakistan đã chấp thuận sử dụng đồng NDT trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Các ngân hàng trung ương ở châu Âu, trong đó có Pháp và Đức, đã đưa đồng NDT vào dự trữ ngoại hối của họ. Trong khi đó, đối với các công ty nước ngoài, ngày càng có xu hướng sử dụng đồng NDT trong giao dịch bởi việc này sẽ giúp họ dễ dàng và bớt tốn kém hơn khi hoạt động kinh doanh với đối tác Trung Quốc. Việc đưa đồng NDT vào danh mục đầu tư cũng sẽ giúp tối ưu hóa cơ cấu đầu tư và lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng hiện diện của đồng NDT sẽ mang lại một cơ chế tiền tệ quốc tế cân bằng và đa dạng hơn, qua đó giảm rủi ro từ sự phụ thuộc vào một đồng tiền và những bất ổn địa chính trị.
Việc mở cửa thị trường vốn của Trung Quốc đã cho thấy xu thế quốc tế hóa đồng NDT đang tiến triển ngày càng ổn định. Hiện đồng NDT trở thành một trong 5 đồng tiền “có thể sử dụng tự do” được IMF công nhận. Trung Quốc có thể dùng đồng NDT để trực tiếp nộp định mức cho IMF, đồng thời, các nước thành viên khác cũng có thể lựa chọn đồng NDT để nộp định mức cho IMF. Điều này sẽ làm tăng vai trò và vị thế của NDT trong kho dự trữ toàn cầu.
Bước đi tích cực đối với tiến trình hòa bình Libya
Tướng Khalifa Haftar, lãnh đạo một chính quyền đối lập tại miền Đông Lybia (ở giữa) và Aguila Saleh Issa, người đứng đầu quốc hội tại thành phố miền Đông Lybia (bên phải). Ảnh: Tobrukthenational.ae
Sau một ngày nhóm họp, Hội nghị quốc tế về Libya do Pháp đăng cai tổ chức tổ chức tại Paris ngày 29-5, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã kết thúc với việc các bên đối địch tại Libya đạt được thỏa thuận tiến hành tổng tuyển cử. Đây được coi là bước đi tích cực đối với tiến trình hòa bình Libya.
Tham dự Hội nghị Paris có sự tham dự của đại diện các bên gồm Thủ tướng Fayez al-Sarraj - người đứng đầu chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA), Tướng Khalifa Haftar - lãnh đạo một chính quyền đối lập tại miền Đông nước này, Aguila Saleh Issa - người đứng đầu quốc hội tại thành phố miền Đông Tobruk, Khalid Al-Mishri - người đứng đầu một Hội đồng cấp cao quốc gia, cùng đại diện của 20 nước, trong đó có 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), cùng các nước như Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Nga, Ai Cập và Saudi Arabia.
Tại Hội nghị, các bên đối địch tại Libya đã nhất trí tiến hành bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào ngày 10-12 tới. Đại diện các bên đối địch tại Libya đã ký Tuyên bố chung, theo đó, nhất trí đặt ra nền tảng hiến pháp cho cuộc bầu cử và thông qua những luật lệ bầu cử cần thiết vào ngày 16-9. Tuyên bố chung nhấn mạnh các bên cam kết chấp nhận kết quả bầu cử và bảo đảm các thỏa thuận an ninh cũng như nhất trí cải thiện bầu không khí nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới và thống nhất Ngân hàng trung ương Libya.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị, Tổng thống Pháp E. Macron khẳng định việc các bên đối địch tại Libya đạt thỏa thuận về tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 12-2018 tới là bước đi quan trọng hướng tới sự hòa giải tại quốc gia đang bị tàn phá này. Ông nhấn mạnh sự hội ngộ của 4 nhà lãnh đạo đối địch của Libya tại hội nghị là “cuộc gặp lịch sử” dưới sự ủng hộ của toàn cộng đồng quốc tế.
Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo M. Gaddafi hồi năm 2011. Các cuộc biểu tình mang tên “Mùa xuân Arab” của người dân Libya ban đầu diễn ra để phản đối việc giá cả hàng hóa tăng cao và tình trạng thất nghiệp khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, sau hơn 7 năm chính biến, dù được sự trợ giúp của quốc tế song Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.
Trong hàng loạt những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libya, tháng 02-2017, trong vai trò trung gian tích cực trong tiến trình hòa bình của Libya, Ai Cập đã tổ chức cuộc đàm phán giữa Chính phủ Libya và lực lượng đối lập tại thủ đô Cairo. Tại cuộc đàm phán, hai phe phái đối địch tại Libya đã đạt được “nhận thức chung” có thể tạo nền tảng cho một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở Libya.
Và lần này, tiếp nối những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Hội nghị do Pháp đăng cai tiếp tục được xem là cơ hội để các phe phái ở Libya đi đến xây dựng một lộ trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài hơn 7 năm qua ở Libya. Tại hội nghị này, việc Chính phủ Libya và lực lượng đối lập đạt được thỏa thuận tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 12 tới được kỳ vọng sẽ là giải pháp chính trị quan trọng nhằm khôi phục hòa bình và ổn định cho quốc gia Bắc Phi này.
Trừng phạt Iran sẽ gây tổn hại tới tất cả các bên
Ngoại trưởng Iran J. Zarif. Ảnh: sputniknews.com
Sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nước này. Các chuyên gia nhận định, việc đơn phương áp đặt trừng phạt Iran của Mỹ có thể đe dọa lợi ích kinh tế của tất cả các bên liên quan.
Ngày 27-5-2018, phát biểu trong cuộc họp với một số nghị sĩ Iran, Ngoại trưởng Iran J. Zarif cho rằng có một sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế về việc ủng hộ thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015 giữa Tehran và Nhóm P5+1, và quyết định của Tổng thống Mỹ D. Trump rút khỏi thỏa thuận không ảnh hưởng tới sự đồng thuận này.
Trước đó, ngày 21-5, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đòi hỏi Iran phải dừng làm giàu urani và đe dọa áp đặt “những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử” với Tehran nếu nước Cộng hòa Hồi giáo không thay đổi quan điểm. Ngày 22-5, Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 5 công dân Iran mà Washington cho là liên quan đến Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC). Tiếp đó, ngày 24-5, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty của Iran cùng một số máy bay của 4 hãng hàng không Iran gồm Mahan Air, Meraj Air, Caspian Airlines và Pouya Air.
Phía Iran đã chỉ trích những yêu sách của Mỹ là “không thể chấp nhận”, và là sự lặp lại những chiến thuật “vô ích” mà Washington từng áp dụng trong quá khứ. Những chiến lược mới của Mỹ chống Iran sẽ chỉ khiến Mỹ bị cô lập hơn trên sân chơi quốc tế khi đe dọa đến lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Thực tế cho thấy, JCPOA đã đem lại cơ hội lớn để nền kinh tế Iran, vốn kiệt quệ do nhiều năm bị cấm vận, có cơ hội phục hồi. Bên cạnh đó, thông qua thỏa thuận này, Tehran có thể mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Với Trung Quốc (khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran) và Nga (một đồng minh thân cận của Tehran), đây là những nước có lợi ích cả trước mắt và lâu dài về kinh tế, chính trị khi duy trì quan hệ với Iran dù có hay không thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Pháp, Đức, Anh hay nhiều nước EU khác là những nhà đầu tư tích cực nhất vào Iran kể từ khi JCPOA có hiệu lực đầu năm 2016.
Chính vì vậy, mọi biện pháp cấm vận của Mỹ sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên liên quan. Đối với Iran, với một danh sách dự kiến đầy đủ các biện pháp trừng phạt, bao gồm trừng phạt hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Iran, tình hình kinh tế của Iran chắc chắn sẽ trở nên khó khăn. Còn với các nhà đầu tư Mỹ và phương Tây, rủi ro liên quan tới những hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD đã ký với Iran sau khi JCPOA có hiệu lực là khó tránh khỏi. Trước mắt có thể thấy cả Boeing và Airbus đều bị thiệt hại khi thỏa thuận cung cấp máy bay dân dụng cho Iran trị giá 40 tỷ USD phải tạm ngừng do lệnh trừng phạt của Mỹ. Đồng thời, việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sẽ tác động lớn tới thị trường dầu mỏ bởi Iran là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Nhằm duy trì JCPOA, trong thời gian qua, cả Iran và Nhóm P5 +1 đều đã có hàng loạt cuộc gặp gỡ ngoại giao. Đặc biệt, tại cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này vào ngày 25-5, các quan chức Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đã thảo luận với Ngoại trưởng Iran J. Zarif để vạch ra một chiến lược cụ thể nhằm cứu vãn thỏa thuận thông qua việc bảo đảm các dòng chảy đầu tư và trao đổi thương mại không bị gián đoạn, đồng thời tìm cách “vô hiệu hóa” những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, cả Iran, Nga, Trung Quốc và đặc biệt là các nước EU đều hiểu việc “vô hiệu hóa” các biện pháp cấm vận của Mỹ là hoàn toàn không dễ dàng./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-5 đến ngày 03-6-2018  (04/06/2018)
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn Quốc hội  (04/06/2018)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo thăm chính thức Việt Nam  (04/06/2018)
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được vinh danh Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện” năm 2018  (04/06/2018)
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn  (04/06/2018)
Đoàn đại biểu Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại Lào  (04/06/2018)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên