Ông Mahathir Mohamad tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia
Thông báo chính thức của Ủy ban bầu cử Malaysia vào sáng 10-5 cho biết Liên minh Hy vọng đối lập của ông Mahathir Mohamad đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 14, khi giành được 113 trong tổng số 222 ghế, trong khi đó, BN chỉ nhận được 79 ghế. Đảng Hồi giáo liên Malaysia giành được 18 ghế và 12 ghế còn lại thuộc về các đảng phái khác. Thắng lợi bất ngờ nói trên của PH đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957, BN với nòng cốt là đảng UMNO, không còn là lực lượng lãnh đạo đất nước. Với kết quả trên, PH có đủ số ghế để thành lập chính phủ liên bang. Tân Thủ tướng ngày 11-5 đã công bố danh sách 10 bộ chủ chốt của chính phủ mới. Đây là động thái đầu tiên của ông Mahathir và Liên minh Hy vọng của ông để thành lập nội các sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Mahathir nêu rõ: "Chúng tôi không muốn có một nội các lớn, tuy nhiên, có những bộ cần được bổ nhiệm ngay lập tức", đồng thời, cho biết ông sẽ để cho các đảng thành viên trong liên minh có thời gian thảo luận muốn lãnh đạo bộ nào. Theo đó, ông Mahathir công bố 10 bộ chủ chốt của chính phủ mới, trong đó có các bộ tài chính, ngoại giao, quốc phòng, nội vụ, giáo dục, đường sá và truyền thông đa phương tiện và khoa học. Trước đó, ông Mahathir tuyên bố sau khi nhậm chức sẽ bổ nhiệm Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân Wan Azizah Wan Ismail làm Phó Thủ tướng. Theo đó, bà Wan Azizah sẽ là nữ Phó Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Malaysia.
Kết quả bầu cử cũng cho thấy lãnh đạo PH, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad vẫn là chính trị gia được đông đảo người dân Malaysia tín nhiệm. Dưới sự lãnh đạo trước đây của ông, đất nước Malaysia đã có những thay đổi to lớn và căn bản. Từ hệ thống giao thông, nền công nghiệp ôtô nội địa, đến những công trình xây dựng như Tháp đôi, thủ đô hành chính Putrajaya…, đều mang đậm dấu ấn nhà lãnh đạo Mahathir. Trong suốt thời gian vận động tranh cử vừa qua, ông liên tục xuất hiện, thông qua cả mạng xã hội và diễn thuyết trước đám đông để trình bày quan điểm về nhiều vấn đề mà Malaysia đang phải đối mặt và người dân đang quan tâm.
Nhậm chức ở tuổi 92, ông Mahathir Mohamad trở thành người đứng đầu chính phủ cao tuổi nhất trên thế giới.
Lãnh đạo thế giới chúc mừng tân Thủ tướng Malaysia
Ngày 11-5, nhiều lãnh đạo thế giới đã chúc mừng tân Thủ tướng của Malaysia Mahathir Mohamad, bày tỏ mong muốn hợp tác với chính phủ mới của Malaysia.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chúc mừng Thủ tướng Mahathir về một kỳ bầu cử thành công. Tuyên bố của người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết, Tổng thư ký Guterres cũng hoan nghênh thông báo thành lập chính phủ mới của ông Mahathir, đồng thời gửi lời cám ơn tới Thủ tướng mãn nhiệm Najib Razak. Ông Guterres cho biết Liên hợp quốc mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Malaysia trong các vấn đề thuộc lợi ích chung.
Cùng ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng gửi lời chúc mừng tới ông Mahathir. Theo người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc, tân Thủ tướng Mahathir là một chính trị gia giàu kinh nghiệm tại Malaysia cũng như khu vực và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Malaysia cũng như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, quan hệ Malaysia - Trung Quốc cũng như hợp tác tại Đông Á.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hoan nghênh quan hệ láng giềng thân thiết truyền thống giữa Trung Quốc-Malaysia đang duy trì đà phát triển tích cực trong thời gian qua. Ông bày tỏ mong muốn hợp tác với tân Thủ tướng Mahathir để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên trong thời gian tới.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng đã chúc mừng ông Mahathir đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Malaysia. Trong bức thư gửi tới tân Thủ tướng Malaysia, ông Wickremesinghe hoan nghênh mối quan hệ thân thiết truyền thống lâu dài giữa hai nước đồng thời bày tỏ tin tưởng mối quan hệ này sẽ được tiếp tục củng cố trong thời gian tới.
Các nước Mỹ, Anh và Singapore đã chúc mừng người dân Malaysia, đồng thời thể hiện mong muốn hợp tác với chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad.
Ngày 11-5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng ông Mahathir Mohamad nhậm chức Thủ tướng Malaysia, bày tỏ hy vọng sẽ hợp tác với ông Mahathir để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Giai đoạn mới trong lịch sử Malaysia
Chiến thắng bất ngờ của Liên minh Hy vọng đối lập, do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo, trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 09-5 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của Malaysia. Một giai đoạn được cho là sẽ có nhiều thay đổi trong cả đường lối đối nội lẫn đối ngoại và cũng có không ít những thách thức.
Dù bất ngờ, song việc PH vượt qua liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử vừa qua xuất phát từ nhiều yếu tố và cho thấy lực lượng này đã chuẩn bị khá kỹ cho cuộc bầu cử. Thứ nhất, phải kể đến việc cử tri Malaysia mong muốn sự thay đổi để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những cam kết của PH trong cương lĩnh tranh cử được cho là đáp ứng các nhu cầu trực tiếp của cử tri, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến “miếng cơm manh áo” của người dân. Cụ thể, trong cương lĩnh tranh cử của mình, liên minh PH đã cam kết xóa bỏ thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST), loại thuế 6% đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ và là tâm điểm chỉ trích của tuyệt đại đa số cử tri Malaysia đối với chính phủ của Thủ tướng Najib Razak. PH đã biết khai thác đúng tâm lý của cử tri qua đó giành được sự ủng hộ của họ.
Tiếp theo, phải kể tới ảnh hưởng từ vụ lùm xùm thất thoát tài sản của Quỹ Phát triển 1 Malaysia (1MDB) do chính phủ của ông Najib thành lập và điều hành để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp. Quỹ 1MDB do Thủ tướng Razak thành lập năm 2009 và làm chủ tịch ban cố vấn cho đến cuối năm 2017. Quỹ này là trung tâm vụ bê bối rửa tiền dẫn đến một loạt các cuộc điều tra ở một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc. Mặc dù trước cuộc bầu cử, Tòa án Tối cao Malaysia đã ra phán quyết rằng không có bằng chứng buộc tội Quỹ 1MDB gây thất thoát 3,7 tỷ USD và không có bằng chứng buộc tội các thành viên ban lãnh đạo của công ty có các hành động sai phạm, song vụ việc này cũng khiến người dân Malaysia phần nào giảm lòng tin đối với ông Najib và liên minh cầm quyền. Bên cạnh đó, đời sống khó khăn do giá cả sinh hoạt leo thang trong khi chính phủ thực thi một số chính sách không hợp lòng dân cũng là yếu tố tác động tới lá phiếu cử tri.
Cũng không thể không kể đến sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad với vai trò là lãnh đạo của liên minh đối lập. Với kinh nghiệm 22 năm từng lãnh đạo đất nước, ông Mahathir đã rất biết tận dụng, xoáy vào những điểm yếu của chính phủ đương nhiệm để kêu gọi sự ủng hộ thay đổi từ cử tri. Bản thân ông Mahathir đã có nhiều đóng góp to lớn không thể phủ nhận đối với Malaysia. Hình ảnh vị cựu Thủ tướng tích cực đi lại vận động, diễn thuyết dù tuổi cao đã có sức lôi kéo và thuyết phục nhất định đối với người dân nước này, nhất là các cử tri ở nông thôn. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn, đã đem lại lợi thế cho phe đối lập trong cuộc bầu cử năm nay.
Cam kết của PH và thực hiện cam kết: Còn nhiều khó khăn
Cam kết và đã giành chiến thắng, đương nhiên ông Mahathir và chính phủ của mình sẽ phải nhanh chóng tìm cách hiện thực hóa những chương trình đã đề ra. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, PH cam kết trong vòng 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện 60 lời hứa, được chia thành 5 trụ cột, nhằm tạo dựng một đất nước Malaysia tốt đẹp hơn trên các khía cạnh kinh tế, quan hệ sắc tộc, đối ngoại và quản trị chính phủ. Những điều này sẽ định hình cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Malaysia trong thời gian tới.
Theo đó, ngay trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền, PH cam kết sẽ thực hiện 10 lời hứa, và điều đầu tiên là xóa bỏ thuế GST như đã cam kết. Tuy nhiên, đây là nguồn thu quan trọng của chính phủ, đóng góp trên 10 tỷ USD vào ngân sách hàng năm. Muốn xóa bỏ thuế để đáp ứng mong mỏi của cử tri, chính phủ mới phải tìm kiếm nguồn thu thay thế nếu không muốn ngân sách bị thâm hụt, mà điều này không hề dễ dàng. Ngoài ra, PH còn cam kết thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội khác, như cho phép tạm dừng đóng phí học đại học cho những người có thu nhập dưới 4.000 ringgit/tháng, tăng lương tối thiểu cho người lao động, trợ cấp giá xăng dầu… Tất cả đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Đây là bài toán không dễ đối với chính phủ mới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Malaysia vẫn chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn hiện nay.
Đặc biệt, Chính phủ của ông Mahathir sẽ phải nhanh chóng giải quyết bài toán liên quan đến chi phí sinh hoạt cho người dân. Đây là vấn đề khá nhức nhối hiện nay tại Malaysia và cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Giá cả sinh hoạt tại Malaysia gần đây tăng lên, nhất là giá cả nhiên liệu và một số nhu yếu phẩm khác, như đường. Chính phủ của ông Najib thời gian qua từng bước giảm trợ cấp cho những mặt hàng chủ chốt này khiến các cử tri Malaysia không hài lòng. Để giải quyết được vấn đề này, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với thách thức tìm đâu ra nguồn thu để hỗ trợ giá. Đây cũng không phải là vấn đề đơn giản khi mà Malaysia là nước tiêu thụ đường hàng đầu khu vực, đồng thời cũng là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ nhiên liệu.
PH cũng cam kết sẽ tiến hành các cuộc điều tra những vụ bê bối chính trị và kinh tế trong thời gian vừa qua tại Malaysia, trong có vụ lùm xùm thất thoát tài sản của Quỹ 1MDB. Các cuộc điều tra này sẽ dính líu tới nhiều quan chức và cựu quan chức cấp cao, nên sẽ không phải là công việc dễ dàng.
Một cam kết đáng chú ý khác mà PH đưa ra liên quan đến những dự xây dựng án lớn, đặc biệt là những dự án đầu tư của Trung Quốc. Ông Mahathir đã nhiều lần phát biểu thẳng thừng rằng những dự án này, trong đó có dự án Đường sắt kết nối khu vực bờ biển phía Đông Malaysia, hay dự án khu siêu đô thị ở bang Johor, là những dự án “bán rẻ chủ quyền đất nước” bởi lo ngại về những tác động bất lợi, từ thị trường lao động tới thảm họa môi trường. Một khi chính phủ mới có những động thái quyết liệt, như hủy bỏ dự án, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Malaysia với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn công ăn việc làm được tạo ra từ các dự án.
Trong quan hệ với hai bang Sabah và Sarawak, PH cam kết sẽ trả lại vị thế cho hai bang này như trong tinh thần của Hiệp định Malaysia 1963. Nếu được thực hiện, đây sẽ là một thay đổi lớn trong cơ chế tự trị của hai bang có diện tích lớn nhất Malaysia này.
Về quan hệ đối ngoại, ông Mahathir cũng đặt mục tiêu cải thiện hình ảnh đất nước mà ông đánh giá là đã bị "sa sút" trong những năm gần đây.
Chiến thắng của phe đối lập trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này đã tạo ra một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Malaysia. Một giai đoạn mới với những thay đổi rất lớn sẽ diễn ra trên chính trường Malaysia và thời gian sẽ chứng minh nhà lãnh đạo kỳ cựu Mahathir Mohamad có thực hiện được cam kết mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Malaysia hay không.
Cựu Thủ tướng Najib Razak bị cấm xuất cảnh
Trong một diễn biến liên quan, Cục nhập cư Malaysia ngày 12-5 thông báo cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak cùng phu nhân là bà Rosmah Mansor đã nằm trong danh sách bị cấm rời khỏi Malaysia.
Tổng Giám đốc Cục nhập cư Malaysia Mustafar Ali xác nhận đã nhận được chỉ thị về việc này trong sáng 12-5, đồng thời cho biết thêm chỉ thị có hiệu lực ngay lập tức. Cũng theo ông Mustafar Ali, hiện chưa có thông tin về lý do của việc ông Najib Razak cùng vợ bị đưa vào danh sách cấm xuất cảnh.
Ngay sau động thái trên, trên tài khoản Twitter của mình, ông Najib Razak cho biết ông đã được nhận được thông báo ông và gia định bị cầm rời khỏi Malaysia. Ông khẳng định ông sẽ tôn trọng lệnh cấm và sẽ ở lại Malaysia cùng gia đình. /.
Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện  (13/05/2018)
Thông báo Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII  (12/05/2018)
Bế mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII  (12/05/2018)
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Brazil thăm chính thức Việt Nam  (12/05/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên