Chủ động ứng phó với bão số 1

BTV/TTXVN
21:03, ngày 03-01-2018

TCCSĐT - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (bão Bolaven - cơn bão số 1 năm 2018). Để chủ động ứng phó với bão, tránh tư tưởng chủ quan, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công điện số 01 và 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, tăng cường cập nhật thông tin, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Đó là chỉ đạo của ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của thường trực Ban Chỉ đạo với Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, sáng 03-01 tại Hà Nội.

Ông Trần Quang Hoài yêu cầu các địa phương ảnh hưởng bởi bão số 1 kiểm tra, rà soát sẵn sàng các phương án ứng phó bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tiếp tục cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác vùng ảnh hưởng của bão để cơ quan chức năng và nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó. Bộ Ngoại giao chủ động có Công hàm gửi các nước trong vùng ảnh hưởng bão để tạo điều kiện cho tàu Việt Nam tránh trú, bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát bản tin dự báo, cảnh báo để các cấp chính quyền và người dân biết.

Ông Nguyễn Văn Vỹ, Phụ trách Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết: Các tỉnh trong khu vực đã chủ động các biện pháp ứng phó với bão, chỉ đạo các chủ tàu, thuyền tìm nơi neo đậu, tránh trú an toàn.

Tại cuộc họp, ông Đoàn Thanh Chung, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam nhấn mạnh: Chi cục tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng phối hợp, ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 03-01, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 170 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 10 giờ ngày 04-01, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 130 km tính từ vùng tâm bão.

Vùng biển khu vực giữa Biển Đông (bao gồm khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão; gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 04-01, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần.

* Sáng 03-01, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp khẩn với các địa phương trong tỉnh về việc triển khai giải pháp ứng phó với bão Bolaven - cơn bão số 1 trong năm 2018. Tại cuộc họp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phát lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi trên toàn địa bàn từ 10h ngày 03-01-2018.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, để ứng phó với bão số 1, đơn vị đã thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tin về hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Tính đến 7 giờ ngày 03-01, tổng số tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động trên biển có 1.551 chiếc với 7.969 lao động; trong đó tàu đánh bắt xa bờ 147 chiếc. Hiện nay còn 634 tàu thuộc thị xã La Gi đang đánh bắt trên biển chưa liên lạc, Đồn biên phòng Phước Lộc (thị xã La Gi) đã cử cán bộ đến từng nhà dân yêu cầu kết nối thông tin, hướng dẫn di chuyển phòng tránh bão.

Tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Hiện 11 hồ chứa trên địa bàn đang mở nước qua cổng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã phân công trực 24/24h tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi; huy động lực lượng ứng trực tại những điểm xung yếu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương thành lập đoàn kiểm tra an toàn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, theo dõi, chỉ đạo vận hành hồ theo đúng quy trình.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi; bằng mọi cách kêu gọi tàu thuyền vào bờ; thông báo, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn... nhằm hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ gây gió mạnh, sóng lớn, kết hợp mưa to gây lũ và xả lũ các hồ. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tiếp tục chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học, bệnh viện, chặt tỉa cây xanh, biển quảng cáo, pano… đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ; đồng thời rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở. Ngành chức năng kiểm tra, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, sạt lở; hướng dẫn người dân triển khai biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

* Chiều 03-01, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cùng các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố của tỉnh tổ chức họp khẩn lên phương án ứng phó với bão số 1.

Tỉnh Ninh Thuận cấm tàu, thuyền ra biển từ 18 giờ ngày 03-01. Toàn tỉnh hiện có 2.651 phương tiện tàu, thuyền với 16.474 lao động. Số tàu, thuyền đang hoạt động trên biển là 508 tàu với 3.619 lao động đã liên lạc được, còn 2.143 tàu, thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật thông tin để thông báo kịp thời cho chủ các tàu, thuyền và thuyền trưởng biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Ban Quản lý các cảng cá tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu tránh, trú bão ven biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. Ngành chức năng, các huyện, thành phố ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, đề phòng gió to, sóng lớn và triều cường do ảnh hưởng của bão số 1 để chủ động lên phương án đảm bảo an toàn cho người, nhà cửa, các công trình ven biển, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, các vị trí tuyến đê xung yếu ven biển có nguy cơ sạt lở cao.

Tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh tăng cường phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các hồ chứa đã tích đầy nước, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn cho công trình và khu vực vùng hạ du. Các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức kiểm tra độ an toàn các bảng hiệu, pano quảng cáo khu vực ven biển, tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trong trường hợp xảy ra gió mạnh, bão đổ bộ vào bờ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm biển; tiếp tục kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi neo đậu, tránh trú để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Các đơn vị chức năng tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1 để có phương án ứng phó kịp thời.

* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 03-01, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 717 chiếc với 4.122 lao động, trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ là 38 chiếc (trong vùng nguy hiểm 1 chiếc/9 lao động hoạt động tại Trường Sa); tàu đánh bắt gần bờ là 679 chiếc (ngoài vùng nguy hiểm).

Hiện có 26 tàu/171 lao động ở địa bàn thị xã La Gi (ngoài khu vực nguy hiểm) chưa kết nối liên lạc được. Đồn biên phòng Phước Lộc đang triển khai cán bộ tới từng nhà chủ tàu để yêu cầu kết nối thông tin, hướng dẫn di chuyển phòng tránh bão. Tổng số bè nuôi trồng thủy sản trên biển là: 795 lồng bè/177 lao động (số lao động trên các lồng bè sẽ vào bờ trước 10 giờ ngày 04-01). Toàn tỉnh dự kiến có 34 điểm dân cư với 31.610 khẩu/7.135 hộ, của 7 địa phương ven biển phải di dời khi bão đổ bộ trực tiếp.

Ủy ban Nhân dân các huyện cũng đã thông báo cho Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn và phát trên sóng phát thanh, truyền hình của địa phương về diễn biến thời tiết, bão số 1 để người dân chủ động theo dõi, có biện pháp triển khai ứng phó, phòng tránh, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học; bảo đảm an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển. Tiến hành rà soát các khu dân cư ven biển, vùng trũng, ngập lụt sẵn sàng phương tiện, lực lượng sơ tán khi có lệnh, chuẩn bị tốt theo phương châm 4 tại chỗ ở các cấp, ngành để ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra.

Hiện tại, thời tiết ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh không mưa, mực nước trên tất cả các sông trong tỉnh đều thấp hơn dưới báo động cấp 1. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường, có 11 hồ chứa đang tiến hành mở nước qua cổng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã phân công trực 24/24 giờ tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi; phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các địa phương thành lập đoàn đi kiểm tra an toàn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, theo dõi, chỉ đạo vận hành hồ theo đúng quy trình./.