Cuộc xung đột I-xra-en-Pa-lét-xtin: Lịch sử vấn đề
Mối hiềm khích giữa người Ả-rập với người Do Thái là một vấn đề lịch sử phức tạp, chủ yếu xoay quanh việc tranh chấp đất đai: mảnh đất hiện nay người I-xra-en ở có phải là của họ hay là của người Ả-rập Pa-lét-xtin? Suốt 60 năm qua, cộng đồng quốc tế đã hết sức quan tâm giải quyết vấn đề này song tình hình ngày một phức tạp, vùng đất này chưa bao giờ có hòa bình lâu dài.
Theo ghi chép của Cựu Ước trong Kinh Thánh, cách đây 5.000 năm, tổ tiên người Do Thái, ngày ấy gọi là người Hơ-briu (Hebrew) đang sống du mục trên bán đảo Ả-rập thì được Thượng Đế trao cho xứ Ca-na-an – một dải đất hẹp phía tây chạy dài giáp Địa Trung Hải, phía đông giáp sông Gioóc-đan và Biển Chết, phía bắc giáp dãy núi Hơ-mon biên giới với Li-băng, phía nam giáp bán đảo Si-ai.
Vào khoảng giữa thiên niên kỷ III và II trước công nguyên, người Do Thái đến Ca-na-an định cư. Nhưng năm 1710 trước công nguyên, do nạn đói, họ phải tạm lánh sang Ai Cập cho tới năm 1251 trước công nguyên mới trở về Ca-na-an, lúc này đã bị người Phi-lít-xtin (Philistine) chiếm.
Hai bên đánh nhau, người Do Thái thắng và xây dựng vương quốc Do Thái ở Ca-na-an. Tại đây có cả người Ả-rập sống chung, nhưng người Do Thái chiếm đa số trong suốt 1.600 năm (1000 trước công nguyên - 636 sau công nguyên). Thời kỳ 1000 - 597 trước công nguyên, vương quốc Do Thái phát triển phồn vinh, tuy có những thời gian bị người Assour, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, Ai Cập và La Mã xâm lược.
Năm 168 trước công nguyên, đế quốc La Mã chiếm vương quốc Do Thái trong sáu thế kỷ và đổi tên là Giu-ê-đa (Judea) Pa-lét-xtin theo cách gọi của người Phi-lít-xtin. Xứ Ca-na-an được gọi là Pa-lét-xtin; người Ả-rập sống ở đây được gọi là người Pa-lét-xtin. Người Do Thái buộc phải phân tán sống lưu vong ở nhiều nước châu Âu. Đầu công nguyên, đạo Ki-tô ra đời và phát triển mạnh, đạo Do Thái bị coi là dị giáo, người Do Thái bị các tín đồ Ki-tô giáo nhiều nơi hắt hủi xua đuổi, vì thế họ lại trở về Pa-lét-xtin định cư.
Năm 637 sau công nguyên, người Ả-rập chiếm xứ Pa-lét-xtin. Trong 1.300 năm tiếp theo, tiếng Ả-rập và đạo I-xlam (Islam) (ta thường gọi là Hồi giáo*) chiếm ưu thế ở xứ này, nhưng người Do Thái vẫn tồn tại như một dân tộc thiểu số; quan hệ giữa hai dân tộc này không căng thẳng.
Thời gian 1099-1291, xứ Pa-lét-xtin bị Thập tự quân Ki-tô giáo chiếm; người Do Thái ở đây bị ngược đãi, tàn sát. Thập tự quân vấp phải sự chống đối của người Ả-rập và Do Thái. Năm 1291, người Ma-mê-lúc (Mameluk) theo đạo I-xlam (Islam) đánh đuổi Thập tự quân rồi cai trị Pa-lét-xtin.
Từ năm 1517, xứ này bị đế quốc Ốt-tô-man của Thổ Nhĩ Kỳ cai trị trong bốn thế kỷ; người Do Thái vẫn bị ngược đãi. Tuy vậy họ vẫn tiếp tục từ châu Âu, chủ yếu từ Nga, di cư về Pa-lét-xtin. Thời gian 1880-1914, có 60 nghìn người Do Thái đến đây; họ mua đất của người địa phương với giá cực cao để sống trên mảnh đất mà Kinh Thánh nói là của họ. Năm 1909, họ xây dựng một thành phố mới là Ten A-vít. Năm 1914, ở Pa-lét-xtin có 500 nghìn người A-rập và 90 nghìn người Do Thái.
Năm 1917, sau khi thắng cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, đế quốc Anh chiếm vùng Trung Đông, trong đó có xứ Pa-lét-xtin. Sau đó Chính phủ Anh ra Tuyên ngôn Balfour hứa ủng hộ việc lập nhà nước của người Do Thái trên xứ này; điều đó đã kích thích chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (tức Zionism, đòi lập nhà nước Do Thái) phát triển.
Tổ chức Zionism trình lên Hội nghị Hoà bình Pa-ri (1-6-1919) bản đồ yêu cầu lãnh thổ của họ, nhưng bị bác bỏ. Năm 1920 Hội Quốc Liên thừa nhận Anh quốc được quyền uỷ trị xứ Pa-lét-xtin. Từ đó, người Do Thái khắp nơi đẩy mạnh di cư về đây. Thời gian 1920-1925, Quỹ Dân tộc Do Thái chi 1 triệu đồng bảng Ai Cập mua đất vùng thung lũng Giê-ren (Jezreel) để định cư. Năm 1928, xứ Pa-lét-xtin có 590 nghìn người Ả-rập và 150 nghìn người Do Thái.
Lo ngại trước dòng người Do Thái đến đây ngày một tăng, từ năm 1920, người Ả-rập ở xứ Pa-lét-xtin bắt đầu tấn công họ; người Do Thái tổ chức tự vệ. Cảnh sát Anh ngăn cấm hai bên đánh nhau, nhưng không thành công, vì hai cộng đồng này sống xen kẽ nhau.
Sau năm 1917, người Do Thái ở châu Âu ủng hộ cách mạng vô sản Nga, vì thế họ bị người châu Âu tẩy chay, xua đuổi, giết hại ngày một nhiều, nhất là sau khi Hít-le lên cầm quyền ở Đức (1933) và thi hành chính sách dùng bạo lực thẳng tay đàn áp, xua đuổi, tàn sát người Do Thái. Họ phải di cư sang các nước khác. Chỉ trong ba năm kể từ 1933, người Do Thái ở Pa-lét-xtin đã tăng từ 230 nghìn lên 400 nghìn, bằng 1/3 số người Ả-rập, và đến năm 1940 đã gần bằng nhau. Người Ả-rập càng tăng cường tấn công và phá ruộng vườn nhà cửa của người Do Thái. Cảnh sát Anh ngăn cấm và đàn áp các cuộc xung đột, nhưng bị người Ả-rập đánh trả.
Năm 1937, Chính phủ Anh kiến nghị tách Pa-lét-xtin ra làm hai nước, một của người Ả-rập, một của người Do Thái, riêng hành lang từ Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) đến Gia-pha (Jaffa) sẽ do Anh kiểm soát. Người Do Thái miễn cưỡng tán thành, người Ả-rập phản đối đề nghị này. Xung đột leo thang; người Do Thái kháng cự ngày càng mạnh và dần dần thắng thế.
Bản đồ I-xra-en và Nhà nước Pa-lét-xtin năm 2007.
Tháng 11-1947, Đại Hội đồng Liên hợp quốc biểu quyết nhất trí quyết định tách Pa-lét-xtin thành hai nhà nước, một của người Ả-rập, một của người Do Thái, và lập Liên minh Kinh tế hai nước .
Thành phố Giê-ru-xa-lem được xác định là khu vực quốc tế; và vẫn có một số khu định cư của người Do Thái nằm trong vùng đất chia cho người Ả-rập; nghĩa là vẫn sống xen kẽ nhau. Người Do Thái tán thành, người Ả-rập phản đối quyết định trên. Tháng 5-1948, quân đội Anh rút khỏi Pa-lét-xtin.
Ngày 14-5-1948, nhà nước I-xra-en của người Do Thái tuyên bố thành lập. Ngay lập tức, quân đội Ai Cập, Gioóc-đan, Si-ri, A-rập Xê-út và Li-băng lập tức tiến công I-xra-en, nhưng vấp phải sự chống trả mạnh.
Năm 1949, I-xra-en ký hiệp định ngừng bắn riêng rẽ với các nước A-rập; theo đó, Gioóc-đan chiếm phía Tây sông Gioóc-đan, Ai Cập chiếm dải Ga-da; nhưng không bên nào bảo đảm sự tự trị của người Pa-lét-xtin.
Thời gian 1951-1956, các nhóm khủng bố Pa-lét-xtin được các nước Ả-rập giúp đỡ ra sức tấn công I-xra-en. Liên Xô tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông bằng việc viện trợ quân sự cho các nước Ả-rập. Mỹ cũng thay dần vai trò của Anh, Pháp tại vùng này và viện trợ mạnh cho I-xra-en.
Tháng 10-1956, I-xra-en xâm phạm vùng Si-ai của Ai Cập. Quân đội Anh, Pháp can thiệp giúp I-xra-en. Ngày 6-11-1956, Liên hợp quốc tổ chức ngừng bắn giữa hai bên dưới sự giám sát của Lực lượng Khẩn cấp Liên hợp quốc; lực lượng này ở đây cho tới ngày 19-5-1967.
Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Pa-lét-xtin (PLO) ra đời với nòng cốt là lực lượng Fa-ta của ông A-ra-phát, nhằm đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của I-xra-en. Trụ sở của PLO mới đầu đặt ở Gioóc-đan, nhưng sau một cuộc nội chiến đẫm máu, PLO bị trục xuất, phải chuyển sang Li-băng, rồi các nước A-rập khác. Năm 1974, Liên hợp quốc công nhận PLO là đại diện của nhân dân Pa-lét-xtin.
Tháng 5-1967, theo yêu cầu của Ai Cập, Lực lượng Liên hợp quốc rút khỏi Si-ai. Sau đó Ai Cập chiếm dải Ga-da và phong toả cảng A-ka-ba của I-xra-en. Ngày 5-6-1967, I-xra-en tiến hành cuộc “Chiến tranh sáu ngày”, chiếm dải Ga-da, bán đảo Si-ai sát kênh đào Xu-ê (Suez), khu Đông Giê-ru-xa-lem, cao nguyên Golan của Si-ri và vùng Bờ Tây sông Gioóc-đan. Cuộc chiến kết thúc ngày 10-6 theo các thoả thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc thu xếp. I-xra-en chiếm được một vùng đất rộng của các nước đối địch.
Ngày 6-10-1973, đúng ngày Lễ Chuộc Tội – Lễ thiêng liêng nhất của người Do Thái – Ai Cập và Si-ri bất ngờ tấn công I-xra-en. Quân đội I-xra-en phản công thắng lợi, vượt qua kênh Xu-ê. Ngày 24-10, hai bên ngừng bắn và Lực lượng Gìn giữ Hoà bình Liên hợp quốc tiến vào khu vực này. Theo Hiệp định 18-1-1974, I-xra-en rút quân ra khỏi bờ Tây kênh Xu-ê.
Tháng 11-1977, Tổng thống Ai Cập Xa-dát (Sadat) thăm Giê-ru-xa-lem. Ngày 26-3-1979, Ai Cập và I-xra-en ký Hoà ước kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Năm 1982, I-xra-en trả lại bán đảo Si-ai cho Ai Cập.
Tuy vậy người Ả-rập các nước khác vẫn tiếp tục tấn công I-xra-en. Để trả đũa các phần tử khủng bố người Li-băng, tháng 3-1978, I-xra-en tấn công nước này. Về sau, tuy I-xra-en có rút quân ra khỏi Li-băng nhưng vẫn giúp đỡ các lực lượng vũ trang Ki-tô giáo ở đây chống lại các nhóm vũ trang đạo I-xlam.
Tháng 6-1981, máy bay I-xra-en ném bom phá huỷ Lò phản ứng nguyên tử của Iraq ở gần Bát-đa. Năm sau, I-xra-en lại tiến vào Li-băng, phá trụ sở của PLO, khiến PLO phải chuyển sang nước khác. Quân I-xra-en tiến vào Tây Bây-rút sau khi Tổng thống mới bầu của Li-băng là Bát-xi Gơ-mây-ơ (Bashir Gemayel) bị ám sát ngày 4-9-1982.
Năm 1988, PLO tuyên bố thành lập nhà nước Pa-lét-xtin độc lập trên Bờ Tây sông Gioóc-đan và dải Ga-da (bị I-xra-en chiếm từ 1967). I-xra-en và Mỹ phản đối tuyên bố này. Người Pa-lét-xtin nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của I-xra-en. Bạo lực lại leo thang.
Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu năm 1991, tháng 9-1993, PLO tuyên bố thừa nhận quyền tồn tại của I-xra-en và I-xra-en thừa nhận PLO là đại diện của người Pa-lét-xtin. Ngày 13-9-1993, hai bên ký thoả thuận về quyền tự trị có hạn chế của người Pa-lét-xtin ở vùng Bờ Tây và dải Ga-da . Ngày 25-7-1994, I-xra-en và Gioóc-đan ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh 46 năm giữa hai nước.
Được Tổng thống Mỹ Clin-tơn đạo diễn, ngày 23-10-1998, lãnh tụ Pa-lét-xtin A-ra-phát và Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu (Netanyahu) ký thoả thuận, theo đó, I-xra-en đồng ý trả thêm đất Bờ Tây cho Pa-lét-xtin theo chính sách “đổi đất lấy hoà bình”.
Ngày 24-5-2000, I-xra-en rút quân khỏi Li-băng. Tháng 6-2001, ông Xa-rôn (Sharon), một người theo đường lối cứng rắn đã lên làm Thủ tướng I-xra-en. Người Pa-lét-xtin tăng cường đánh bom tự sát giết dân thường Do Thái. I-xra-en đáp trả bằng vũ khí hiện đại và bao vây trụ sở làm việc của ông A-ra-phát. Hai bên đều có thương vong, phía Pa-lét-xtin chết nhiều hơn.
Tháng 6-2003, Tổng thống Mỹ G.W.Bush gặp Thủ tướng I-xra-en Sharon và Thủ tướng Pa-lét-xtin Abbas, đưa ra sáng kiến “Lộ trình Hoà bình” khu vực Trung Đông. Tuy lãnh đạo hai bên thoả thuận ngừng bắn, nhưng các phần tử quá khích của hai bên vẫn tiếp tục chiến đấu theo kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”.
Chú thích : (*) Hồi Giáo là “Tôn giáo của dân tộc Hồi”. Đây là cách dùng từ ngày xưa của Trung Quốc. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, chính phủ Trung Quốc đã có văn bản cấm dùng từ này mà dùng “I-xlam giáo”, vì đây không phải là tôn giáo của riêng dân tộc Hồi mà có nguồn gốc từ xứ Ả-rập, mãi sau mới truyền vào Trung Quốc, trước tiên qua vùng dân tộc Hồi sinh sống (ở miền Tây bắc Trung Quốc) nên lầm tưởng là tôn giáo của người Hồi .
Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng 7-1-1979: Biểu tượng của tình đoàn kết Cam-pu-chia - Việt Nam  (07/01/2009)
Ngày 7-1-1979, một ngày đẹp nhất về tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia  (06/01/2009)
Nhập khẩu năm 2009 sẽ không tăng đột biến  (06/01/2009)
Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh  (05/01/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 29-12-2008 đến 4-1-2009)  (05/01/2009)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay