TCCSĐT - Ngày 05-4-2017, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản JICA tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề “Sáng tạo tri thức ở Việt Nam” do Giáo sư Kazuo Ichijo, hiệu trưởng Trường Chiến lược Hợp tác Quốc tế (ICS) thuộc Đại học Hitotsubashi thuyết trình.

Buổi thuyết trình nhằm mục đích bổ sung kiến thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược về “kinh tế tri thức”, “nền công vụ tri thức” nhằm phát huy nhân tố con người, xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường làm việc văn hóa lành mạnh.

Đến dự Hội thảo có các đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Fjjita Sasua - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam; tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và cán bộ của 28 tỉnh; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản và các giảng viên của Trường Chiến lược hợp tác Quốc tế; các phóng viên, biên tập viên các báo, đài Trung ương cùng tham dự và đưa tin về Hội thảo - thuyết trình.

Thay mặt Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Mai Văn Chính đánh giá tầm quan trọng của buổi thuyết trình “Sáng tạo tri thức ở Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng dự án cải cách tổ chức bộ máy, tổ chức chính trị; đào tạo cán bộ quản lý các cấp; đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ với các khóa ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Mục đích của buổi thuyết trình cập nhật, bổ sung kiến thức về “kinh tế tri thức”, “nền công vụ tri thức”; phát huy nhân tố con người về các mặt đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc. Xây dựng môi trường lành mạnh sáng tạo tri thức trong các tổ chức và ứng dụng trong các lĩnh vực công, lĩnh vực Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò của các nhà lãnh đạo, quản lý trong sáng tạo tri thức. Ông Fujita Sasua, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, với vai trò là một cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản; nhằm giúp đỡ Việt Nam có lý thuyết về sáng tạo tri thức; góp phần tăng thêm sự hiểu biết cho các nhà lãnh đạo, quản lý tại Việt Nam tìm kiếm mô hình kinh tế mới, cải cách kinh tế để Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới trong xã hội tri thức và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư vào quá trình cải cách kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Thuyết trình của Giáo sư Kazua Ichijo đã cung cấp những kiến thức hữu ích nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam; làm thế nào để tác động tới quá trình đổi mới ở Việt Nam; sao cho những tri thức thực hành do nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sáng tạo trở thành tài sản của một quốc gia sáng tạo. Lý thuyết của Giáo sư Ichijo nghiên cứu trong lĩnh vực tư nhân nhưng có những gợi dẫn rất hữu ích cho lĩnh vực công - nhà nước của Việt Nam.

Theo Giáo sư Ichijo, chúng ta đang sống trong thời đại thông tin toàn cầu; tài nguyên thiên nhiên đã bị thay thế bởi vốn tri thức và máy tính điện tử. Tri thức không còn là sáng tạo của riêng con người, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng chiếm lĩnh những vị trí dành cho lao động cấp thấp, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của các quốc gia. Vì thế, cần phải phát triển con người để sáng tạo ra tri thức. Bài học của Nhật Bản cho thấy phải sáng tạo tri thức và làm sao để sáng tạo tri thức trở thành học thuyết mới có thể ứng dụng vào thực tiễn kinh tế các quốc gia khi chúng ta sống trong xã hội thông tin. Mỗi quốc gia không thể sao chép các bài học thành công từ các nền kinh tế phát triển trước, Việt Nam là một thị trường mới nổi phải có con đường phát triển riêng mà sáng tạo tri thức có thể trở thành động lực của quá trình đổi mới; đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và đóng góp cho cả thế giới từ đặc thù của Việt Nam.

Sáng tạo tri thức chính là mô hình của thế kỷ XXI; Việt Nam từ lý thuyết đến thực tiễn phải đề cao vai trò của từng con người, từng địa phương để phát triển năng lực ở từng con người và giải quyết vấn đề của từng địa phương một cách sáng tạo, hợp lý và hiệu quả. Trong quá trình sáng tạo tri thức ở mỗi con con người cần kết hợp giữa khoa học nhân văn và công nghệ để tạo ra niềm tin và khát vọng của mỗi công dân trong quá trình sáng tạo tri thức. Theo Giáo sư, Việt Nam có thể áp dụng quy trình sáng tạo tri thức như sau: tạo dựng tinh thần khẩn trương; hình thành một liên minh (nhóm) dẫn dắt có đủ quyền hạn; xây dựng tầm nhìn; truyền bá chia sẻ tầm nhìn này; trao quyền cho người khác hành động hướng tới tầm nhìn; lập kế hoạch thực hiện và tạo ra thành công ngắn hạn; củng cố thành tựu đạt được và tạo ra thêm sự thay đổi; thể chế hóa (chuẩn hóa) những cách tiếp cận mới.

Những lý thuyết của Giáo sư Ichijo qua buổi thuyết trình chỉ ra tầm quan trọng của sáng tạo tri thức đối với một con người, một tổ chức hay một quốc gia. Nó cho phép phát huy tính năng động, tích cực của mỗi con người, gắn với tinh thần trách nhiệm và ước mơ vươn đến những tầm cao, đồng thời đòi hỏi những nhà lãnh đạo, quản lý phải vươn lên đủ trình độ để dẫn dắt tổ chức/quốc gia sáng tạo tri thức; nắm bắt cơ hội của xã hội thông tin và kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, lần thứ tư vào quá trình đổi mới ở Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Mai Văn Chính cảm ơn Giáo sư Ichijo và tổ chức Hợp tác hợp tác quốc tế Nhật Bản đã có những đóng góp về lý thuyết sáng tạo tri thức, những lý thuyết đó là những tri thức hữu ích cho đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý của Việt Nam ở các bộ, ban, ngành, các địa phương. Và trên nền tảng tri thức Giáo sư Ichijo truyền đạt tại buổi thuyết trình, Việt Nam sẽ có những sáng tạo riêng của mình, đón bắt những thành quả mới của nền kinh tế tri thức đang tạo nên giá trị về vật chất và tinh thần to lớn; Hy vọng Việt Nam sẽ không để lỡ cơ hội phát triển trong thời đại mới.

Đồng chí Mai Văn Chính cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Đại sứ quán Nhật Bản, tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản; Giáo sư Ichijo; hy vọng trong tương lai Nhật Bản sẽ có nhiều chương trình, hành động giúp đỡ Việt Nam và đưa quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới./.