TCCSĐT- Ngày 05-4-2017, tại thành phố Cần Thơ, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: Những năm gần đây, cùng với cả nước, du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Ngày 18-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2227/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là bước cụ thể hóa Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, đưa ra định hướng chiến lược cho phát triển du lịch vùng trong những năm tới.

Mục tiêu tổng quát được xác định trong quy hoạch là phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khẳng định vị trí quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với du lịch Việt Nam; từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế.

Quy hoạch xác định một số mục tiêu cụ thể:

Về khách du lịch: Đến năm 2020 đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch: Đến năm 2020 đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 111 nghìn tỷ đồng. Tạo việc làm: Đến năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 230 nghìn lao động, trong đó khoảng 77 nghìn lao động trực tiếp; phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 450 nghìn lao động, trong đó khoảng 150 nghìn lao động trực tiếp.

Về định hướng phát triển chủ yếu, từ nay đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù như: du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm chính, bao gồm: nghỉ dưỡng biển - đảo và vui chơi giải trí. Song song đó, đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử - cách mạng, du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện (MICE).

Toàn vùng sẽ có 2 không gian phát triển du lịch. Không gian du lịch phía Tây (thành phố Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau), với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội. Không gian du lịch phía Đông (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh), với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng; lưu trú tại nhà dân (homestay).

Trong những năm tới, thành phố Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ được tập trung đầu tư phát triển thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng; thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) sẽ phát triển thành trung tâm du lịch của Không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng. Ngoài các tuyến du lịch nội vùng, du lịch liên vùng, trong những năm tới, đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ chú trọng phát triển các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế. Các tuyến du lịch này dựa trên việc mở rộng các tuyến du lịch liên vùng gắn với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Cam pu chia - Rạch Giá - Cà Mau theo đường R10) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển qua các cảng biển (Cần Thơ, Phú Quốc) và các tuyến đường sông kết nối với Phnôm Pênh, Xiêm Riệp (Cam pu chia). Đồng thời, phát triển các tuyến du lịch đường không quốc tế trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc.

Hội nghị đã tập trung thảo luận các giải pháp tăng cường liên kết vùng, phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, các bộ ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ với các địa phương trong vùng để triển khai thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó các giải pháp được quan tâm là tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư vào ngành du lịch; hoàn thiện quy hoạch du lịch từng địa phương theo định hướng quy hoạch tổng thể du lịch vùng và quản lý tốt quy hoạch du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; đảm bảo quốc phòng - an ninh trong phát triển du lịch; tăng cường hợp tác, liên kết để xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; chú trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu./.