Một số điểm nổi bật qua khảo sát chỉ số PAPI 2016

Tin và ảnh: Anh Nguyễn
21:39, ngày 04-04-2017
TCCSĐT - Sáng 04-4-2017, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) kết hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân.
Năm 2016 là năm thứ tám của chặng đường hợp tác giữa các đối tác thực hiện dự án PAPI và là năm thứ sáu liên tục triển khai chỉ số PAPI trên phạm vi toàn quốc. Phát biểu tại Hội nghị công bố chỉ số PAPI, ông Ka-ma Man-hô-tra (Kamal Malhotra), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy một bức tranh đa chiều. Một mặt, cung ứng dịch vụ công được cải thiện bền vững trong suốt 6 năm qua. Mặt khác, hầu hết các tỉnh, thành phố có thể làm tốt hơn để cải thiện năng lực và thái độ của công chức, viên chức; tăng tính minh bạch, khả năng phản hồi và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước”.

 
 Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016

Là cơ quan sử dụng chỉ số PAPI phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng cán bộ chiến lược của Việt Nam, PGS,TS. Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao ý nghĩa của chỉ số PAPI và những đề xuất, kiến nghị có tính thực tiễn, ứng dụng nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong Báo cáo PAPI 2016, đồng thời bày tỏ mong muốn công cụ điều tra, khảo sát chỉ số PAPI ngày càng được hoàn thiện hơn, phù hợp hơn nữa với điều kiện, hoàn cảnh và tâm lý của người Việt Nam.

Trong Báo cáo PAPI 2016 có thể thấy, biến đổi tích cực nhất qua kết quả khảo sát là chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” tiếp tục được cải thiện trong năm 2016, giữ vững xu hướng gia tăng ổn định trong 6 năm qua. Về cung ứng dịch vụ công, hiệu quả cung ứng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố năm 2016 bắt đầu có mức chênh lệch lớn hơn so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2016 không có địa phương nào bị giảm điểm khi so với năm bản lề 2011; có 35 tỉnh, thành phố có những bước cải thiện đáng kể khi so sánh với kết quả năm 2011.

Điều đặc biệt là trong cấu thành của chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” nổi bật lên sự đánh giá tích cực của người dân đối với dịch vụ y tế công lập (tăng 0,08 điểm so với năm 2015). Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 55% số người được hỏi cho biết bảo hiểm y tế “có tác dụng rất tốt” (năm 2015 con số này là 51%); chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi có xu hướng được đánh giá cao hơn: 32% người khảo sát cho biết dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi là "rất tốt", cao hơn so với tỷ lệ 23% năm 2015. Theo phân tích trong Báo cáo, những đánh giá tích cực này của người dân là do những nỗ lực của ngành y tế trong việc cải thiện chất lượng và điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế thông qua chính sách linh hoạt hơn về về bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, điểm của chỉ số “Công khai, minh bạch” cũng tăng lên đáng kể trong năm 2016. Người dân ghi nhận có những chuyển biến tích cực hơn về mức độ minh bạch hóa thông tin về quy hoạch sử dụng đất và khung giá đất đền bù.

Điều đáng lưu ý là, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, nhưng đa số người dân được hỏi cho biết điều kiện kinh tế hộ gia đình của mình ở mức bình thường hoặc khá và tin rằng, điều kiện kinh tế của hộ gia đình mình sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Nếu như năm 2015, có 60% số người được hỏi cho rằng kinh tế của hộ gia đình mình có được cải thiện, thì đến năm 2016, con số này là 64%. Số người dược hỏi tự đánh giá kinh tế hộ gia đình của mình là bình thường chiếm 72%; trong khi đó số người dược hỏi tự đánh giá kinh tế hộ gia đình của mình là “kém” hoặc “rất kém” giảm từ 19% năm 2015 xuống còn 14% năm 2016.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn những chỉ số chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí còn giảm điểm. Điểm chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm so với năm 2015. Trong chỉ số “Thủ tục hành chính công” các tỉnh/thành phố ít có sự chuyển dịch về điểm số trong một số bộ phận cấu thành, như thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ hành chính. Hiệu quả thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân trong chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” còn hạn chế trong năm 2016…

Báo cáo PAPI 2016 cũng cho thấy, 3 vấn đề mà người dân quan tâm nhất trong năm 2016 lần lượt là: môi trường, đói nghèo và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có trên 24% số người được hỏi cho rằng đói nghèo là vấn đề quan trọng nhất; 12% (tăng 10% so với năm 2015) cho rằng môi trường là vấn đề quan trọng nhất. Nhóm dân cư có điều kiện kinh tế hộ gia đình còn kém đánh giá đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất của đất nước, trong khi nhóm dân cư có điều kiện kinh tế khá hơn thường coi trọng bảo vệ môi trường hơn tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đói nghèo vẫn được xem là một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất đối với người trả lời ở tất cả các nhóm thu nhập.

Nhìn chung, điểm tổng hợp chỉ số PAPI 2016 cho thấy, mức độ hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh có nhiều mặt liên quan mật thiết với tính chủ động của các cấp chính quyền địa phương trong thực thi chính sách pháp luật và đáp ứng yêu cầu của người dân.

 Chỉ số PAPI thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp. Sáu trục nội dung của PAPI là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở cấp địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công. Hơn 14.000 người dân từ tất cả 63 tỉnh thành của cả nước được chọn để phỏng vấn ngẫu nhiên trong năm 2016./.