Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 30-3-2009 đến 5-4-2009)
TCCS ĐT - 1. Mỹ từ bỏ khái niệm "Cuộc chiến chống khủng bố"
Ngày 30-3-2009, trên đường đến Hà Lan tham dự hội thảo quốc tế về Áp-ga-ni-xtan, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary R.Clinton) tuyên bố, Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã từ bỏ khái niệm "cuộc chiến chống khủng bố". Bà Hi-la-ri cho rằng việc không sử dụng cụm từ "cuộc chiến chống khủng bố" đã tự nói lên tất cả mục đích của Mỹ hiện nay. Bà Hi-la-ri cho rằng, một trong những vai trò chính của bà trên cương vị nhà ngoại giao số một của Mỹ là cải thiện hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài, vốn bị xấu đi nghiêm trọng sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tại I-rắc năm 2003.
2. Chuyến công du châu Âu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma
Ngày 31-3-2009, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma bắt đầu chuyến công du châu Âu đầu tiên qua 5 nước trong thời gian 1 tuần. Việc chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du đầu tiên đến châu Âu của Tổng thống Ô-ba-ma mang nhiều hàm ý, vừa thông qua Xtam-bun tác động đến cuộc đàm phán nhiều gay cấn giữa I-xra-en với Xi-ri, vừa gửi thông điệp chung đến hai châu lục, vì từ lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được coi là cầu nối giữa châu Âu và châu Á. Khác với chuyến công du nước ngoài chớp nhoáng đầu tiên đến Ca-na-đa khẳng định quan hệ đối tác thương mại chiến lược láng giềng của Mỹ, lần này Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma gặp gỡ với nhiều nguyên thủ quốc gia G20 để bàn thảo về kế hoạch vượt qua khủng hoảng và giải pháp cho những vấn đề quốc tế phức tạp.
3. Hội đàm Nga - Đức: an ninh năng lượng là nhân tố chính bảo đảm ổn định nền kinh tế thế giới.
Ngày 31-3-2009, trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức A.Méc-ken và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đang ở thăm nước này, các nhà lãnh đạo Nga và Đức coi việc củng cố an ninh năng lượng như một nhân tố cơ bản ổn định nền kinh tế thế giới. Đề cập tiến trình xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc”, chạy qua đáy biển Ban-tích, bỏ qua các nước vận chuyển trung gian, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức chú trọng trao đổi ý kiến về những biện pháp bổ sung, nhằm thực hiện đúng thời hạn dự án này vào năm 2011. Động thái này không chỉ đơn thuần là một tín hiệu tốt đối với sự bình ổn trong tương lai của thị trường năng lượng thế giới, mà còn khẳng định rằng Nga và Đức đã nhận về mình một phần trọng trách nhanh chóng khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay.
4. Nga - Mỹ cam kết mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương
Ngày 1-4-2009, cuộc gặp đầu tiên diễn ra tại Luân Đôn giữa Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hai tổng thống đã cam kết mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Mỹ và Nga, đồng thời đặt nền móng cho vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân vốn bất đồng từ lâu giữa hai nước. Trong thông cáo chung đưa ra sau cuộc gặp, Mỹ và Nga thỏa thuận bắt đầu cuộc đàm phán liên chính phủ về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược và ký hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) trước tháng 12-2009, thời điểm START-I hết hiệu lực. Tại cuộc gặp, hai tổng thống Nga và Mỹ đã nhất trí thúc đẩy mục tiêu lâu dài về một thế giới "phi hạt nhân".
5. Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vết thăm I-ran
Ngày 1-4-2009, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét bắt đầu chuyến thăm I-ran trong khuôn khổ chuyến công du qua một số nước. Đây là chuyến thăm I-ran lần thứ 6 kể từ khi trở thành Tổng thống Vê-nê-du-ê-la của ông Hu-gô Cha-vét. Tổng thống Hu-gô Cha-vét tiến hành hội đàm với Tổng thống I-ran, ông Mác-mut Ác-ma-đi-nê-dát, và Thủ lĩnh Hồi giáo tối cao A-li Kha-mê-ni. Những người đứng đầu nhà nước Vê-nê-du-ê-la và I-ran bàn thảo về tình hình thực hiện các Hiệp định đã ký giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Cũng trong dịp này, hai nước ký Thoả thuận về việc thành lập Ngân hàng liên quốc gia Vê-nê-du-ê-la - I-ran để bảo đảm tăng cường đầu tư song phương.
6. Trung Quốc và Mỹ đạt được nhiều sự đồng thuận mới
Ngày 1-4-2009, trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Luân Đôn (Anh), hai bên đã trao đổi ý kiến một cách sâu rộng về quan hệ Mỹ - Trung và các vấn đề toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm cũng như thống nhất nhiều điểm liên quan tới việc tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế - tài chính. Hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, môi trường và biến đổi khí hậu, tiếp tục và mở rộng việc tham vấn trong vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt và các vấn đề an ninh khác, đồng thời cam kết cải thiện và tăng cường quan hệ giữa các lực lượng vũ trang hai nước.
7. Trung Quốc và Pháp cam kết nỗ lực đẩy mạnh quan hệ song phương
Ngày 1-4-2009, Trung Quốc và Pháp đã ra thông cáo chung cam kết nỗ lực đẩy mạnh quan hệ song phương. Đây được coi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự cải thiện trong quan hệ hai nước sau một thời gian bị rạn nứt. Thông cáo chung tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Trung Quốc - Pháp, đồng thời nêu rõ hai bên sẵn sàng củng cố mối quan hệ chiến lược trên mọi lĩnh vực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tính đến các lợi ích cơ bản của nhau. Hai bên thỏa thuận khôi phục các cuộc tiếp xúc cấp cao, nhất trí tăng cường hoạt động tham vấn về những vấn đề liên quan đến những lợi ích cơ bản của hai nước, sẵn sàng tăng cường phối hợp trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu, bao gồm cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay. Thông cáo chung cũng tái khẳng định lập trường của Pháp ủng hộ chính sách "một nước Trung Quốc" và tôn trọng nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nhau.
8. Hội nghị thượng đỉnh G-20 kết thúc với gói cứu trợ kinh tế khổng lồ
Ngày 2-4-2009, sau những bất đồng sâu sắc tưởng như không thể vượt qua cho tới trước giờ khai mạc, Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Luân Đôn (Anh) kết thúc thành công khi lãnh đạo các nước đạt được thoả thuận về nhiều vấn đề nhằm tái khởi động đà tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu. Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Gô-đân Brao cho biết lãnh đạo các nước G-20 đã thống nhất được một gói cứu trợ kinh tế khổng lồ, trong đó quyết định tăng thêm hàng trăm tỉ USD cho các thể chế tài chính quốc tế; lên danh sách đen và trừng phạt những nước áp mức thuế thu nhập thấp không chia sẻ thông tin với những nước khác và cam kết chi 5.000 tỉ USD cho nền kinh tế thế giới với hy vọng tăng sản lượng thế giới thêm 4% vào cuối năm 2010. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và lãnh đạo 20 nước khác đã nhất trí đóng góp thêm để tăng quỹ mới cứu trợ các nền kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) lên 1.000 tỉ USD.
9. NATO cam kết triển khai thêm 5.000 quân tại Áp-ga-ni-xtan
Ngày 5-4-2009, Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, liên minh đạt được sự thống nhất cam kết ủng hộ sứ mệnh của liên minh tại Áp-ga-ni-xtan và triển khai thêm 5.000 binh lính tới nước này. Phát biểu với báo giới, Tổng thư ký NATO Sếp-phơ cho biết, bên cạnh việc xây dựng các quỹ cho quân đội Áp-ga-ni-xtan, 5.000 binh lính này sẽ có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống nước này vào tháng 8-2009 và thực hiện nhiệm vụ đào tạo các lực lượng an ninh tại quốc gia Nam Á này. Hai thành viên mới của NATO là Crô-ti-a và An-ba-ni đều đã triển khai binh lính tại Áp-ga-ni-xtan. Crô-ti-a và An-ba-ni trở thành thành viên của NATO ngày 2-4-2009, ngay trước thời điểm liên minh quân sự này tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 60 năm thành lập.
10. CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa
Ngày 5-4-2009, CHDCND Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng tên lửa bất chấp sự phản đối của nhiều nước mặc dù trước đó Bình Nhưỡng thông báo đây là một vụ phóng vệ tinh viễn thông. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung tâm xử lý khủng hoảng của Nhật Bản xác nhận tên lửa Triều Tiên được phóng vào lúc 11h32' (giờ địa phương - tức 9h32' giờ Việt Nam) từ bãi phóng Musudan-ri ở vùng duyên hải phía Đông bán đảo Triều Tiên và hướng về phía Thái Bình Dương. Trước đó, Triều Tiên đã thông báo phóng vệ tinh Kwangmyongsong-2 nhờ tên lửa đẩy Unha-2 và đã thực hiện các thủ tục pháp lý cho vụ phóng vệ tinh như thông báo cho các cơ quan hàng không và vận tải quốc tế về thời gian phóng từ ngày 4 đến 8-4. Tên lửa Unha-2, hay Taepodong-2, về mặt lý thuyết có tầm bắn tối đa có thể tới khu vực A-lat-xca hoặc Ha-oai. Nhiều nước cho rằng sự kiện này sẽ ảnh hưởng tới hòa bình và làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 23-3-2009 đến 29-3-2009)
Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống và đào tạo nghề cho thanh niên  (06/04/2009)
Doanh nghiệp hội nhập và phát triển  (05/04/2009)
Liệu có một quyết định trừng phạt CHDCND Triều Tiên ?  (05/04/2009)
Tên lửa của Triều Tiên đã rời bệ phóng  (05/04/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên