Khi nước Mỹ chọn vị tổng thống thứ 45
TCCSĐT - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 8-11-2016. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tổ chức đại hội trong tháng 7-2016 để chọn ứng cử viên chính thức đại diện cho đảng mình tranh cử tổng thống. Hiện nay, các nhà quan sát đang đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi nước Mỹ chọn được vị tổng thống thứ 45 của mình?
Khoảng cách bám đuổi sít sao
Kết quả thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos công bố ngày 26-7-2016 cho biết, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, ông Đ. Trăm (Donald Trump) đang vượt lên dẫn trước 2 điểm phần trăm so với ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn (Hillary Clinton). Theo Reuters, đây là lần đầu tiên kể từ hồi đầu tháng 5, tỷ phú Đ. Trăm dẫn trước bà H. Clin-tơn trong các cuộc thăm dò dư luận. Theo một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành từ ngày 22 đến 26-7, có 39% số người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ ông Đ. Trăm trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra tháng 11 tới, trong khi số cử tri ủng hộ bà H. Clin-tơn là 37%, và 24% số cử tri còn lại sẽ không ủng hộ cả hai cử tri nói trên.
Khoảng cách chênh lệch 4 điểm phần trăm được coi là không chắc chắn vì cử tri có sự dao động về lòng tin. Kết quả cuộc thăm dò trên nằm trong khoảng cách đó, điều này còn có nghĩa là hai ứng cử viên cần tính đến khả năng có số phiếu ủng hộ bằng nhau. Trong cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 22-7, bà H. Clin-tơn đã dẫn trước ông Đ. Trăm 3 điểm phần trăm - cũng nằm trong khoảng cách không chắc chắn. Trên thực tế, ứng cử viên của Đảng Dân chủ luôn dẫn điểm trước ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trong suốt mỗi chặng đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông Đ. Trăm đã đảo chiều kể từ khi ông chấp nhận đề cử làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa tại Đại hội toàn quốc đảng này được tổ chức tại Cle-vơ-len (Cleveland) từ ngày 18 đến 21-7.
Ngày 26-7, bà H. Clin-tơn đã chính thức trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới, trở thành nữ ứng viên đầu tiên giành tấm vé ứng cử viên của một đảng lớn tại Mỹ ra tranh cử tổng thống. Theo các nhà phân tích, các ứng cử viên tổng thống thường giành được thêm sự ủng hộ của cử tri sau đại hội toàn quốc của mỗi đảng. Tuy sẽ còn có nhiều thay đổi diễn ra trong 6 tháng tới, nhưng kết quả cuộc thăm dò dư luận nói trên cho thấy chiến lược tranh cử “khác người” của ông Đ. Trăm không phải là điều mà bà H. Clin-tơn có thể xem nhẹ, mặc dù ông Đ. Trăm phải đối mặt với không ít khó khăn. Hãng Reuters nhận định, ông Đ. Trăm sẽ đối mặt với áp lực phải “dịu giọng” và làm sáng tỏ lập trường chính sách của mình trong cuộc gặp với các nghị sỹ Cộng hòa. Nhiều nhân vật Cộng hòa quan trọng vẫn đang quay lưng lại với ông vì những tuyên bố gây tranh cãi, đi ngược với truyền thống của đảng mà ông đưa ra kể từ khi tham gia tranh cử.
Kênh truyền hình CNN ngày 31-7 cho biết, giống như các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đây, ứng viên của Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn cạnh tranh chủ yếu tại các bang còn do dự và năm nay, báo chí dự đoán con số này là 11 bang. Theo các điều tra dư luận mới nhất, bà H. Clin-tơn đang có phần chiếm ưu thế trước tỷ phú Đ. Trăm tại các bang còn do dự. Còn xét trên toàn quốc, điều tra dư luận của hãng tin Reuters công bố hôm 29-7 cho thấy bà H. Clin-tơn đang dẫn trước ông Đ. Trăm 6 điểm. Cụ thể trong số 1.426 người được hỏi từ ngày 25 đến 29-7 có 41% tuyên bố sẽ ủng hộ bà H. Clin-tơn, 35% tuyên bố ủng hộ ông Đ. Trăm và 24% tuyên bố sẽ ủng hộ người khác.
Một trong những vấn đề nổi lên là khả năng ông Đ. Trăm tham dự các cuộc tranh luận với bà H. Clin-tơn trên truyền hình. Ông Đ. Trăm cho rằng, bà H. Clin-tơn và Đảng Dân chủ đã tác động tới việc bố trí lịch tranh luận khiến hai trong ba cuộc tranh luận dự kiến sẽ diễn ra cùng giờ với các trận đấu trong khuôn khổ giải bóng bầu dục Mỹ. Tuyên bố này khiến dư luận lo ngại ông Đ. Trăm có thể sẽ bỏ không tham gia tranh luận như giai đoạn bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa.
Nước Mỹ sẽ thế nào với vị tổng thống thứ 45
Để có thể hình dung nước Mỹ sẽ thế nào khi chọn được vị tổng thống thứ 45 của mình từ 1 trong hai ứng cử viên là bà H. Clin-tơn và ông Đ. Trăm, cần điểm qua các điểm nhấn trong chiến dịch vận động tranh cử của hai ứng cử viên này.
Với bà H. Clin-tơn
Trong cuộc bầu cử mà cử tri Mỹ khát khao sự thay đổi, thì bà H. Clin-tơn là ứng viên đại diện cho quá khứ và đối mặt với nhiều thách thức để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp Mỹ mong muốn bà H. Clin-tơn là tổng thống bởi họ cho rằng, bà Clin-tơn cởi mở hơn và sẽ lắng nghe họ nhiều hơn so với ứng viên còn lại.
Thứ hai, đối với vấn đề thương mại. Có 63% số người được hỏi khẳng định họ tin bà H. Clin-tơn đang đưa ra chính sách có lợi cho doanh nghiệp dù năm 2015 bà đã tuyên bố phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được nhiều doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng. Tuy nhiên, họ hy vọng với tư tưởng cởi mở, bà H. Clin-tơn sẽ thay đổi quan điểm về TPP khi trở thành Tổng thống Mỹ.
Thứ ba, về chính sách nhập cư. Bà H. Clin-tơn nhận được rất nhiều sự ủng hộ, có tới 71% số người trả lời cho biết họ hoàn toàn không thích quan điểm của Đ. Trăm về vấn đề này, bởi vì ông từng nói sẽ xây tường rào với Mê-hi-cô để chặn người nhập cư. Doanh nghiệp Mỹ đang hy vọng sẽ thu hút thêm lao động nhập cư để nâng cao chất lượng của lao động trong các doanh nghiệp nói chung.
Thứ tư, về các vấn đề xã hội. Bà H. Clin-tơn là người được xem là năng động, hoạt động vì cộng đồng, tích cực tham gia các ủy ban và chương trình cải cách, chăm sóc sức khỏe nên chắc chắn rằng trên cương vị tổng thống nước Mỹ, chính sách Obamacare sẽ tiếp tục được triển khai. Đây chính là điều mà một bộ phận người dân Mỹ kỳ vọng vào ứng cử viên của Đảng Dân chủ.
Thứ năm, Mỹ sẽ tiếp tục một chính sách đối ngoại truyền thống, cứng rắn. Nếu đúng như dự đoán này, bà H. Clin-tơn sẽ là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có nhiều khả năng nhất theo đuổi một chính sách đối ngoại truyền thống so với bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào trong thế kỷ này. Bà H. Clin-tơn nổi tiếng với cách điều hành ôn hòa và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong Bộ Ngoại giao Mỹ trong thời kỳ bà là Ngoại trưởng, có khả năng phối hợp tốt với những nhà ngoại giao và các sỹ quan quân đội chuyên nghiệp.
Thứ sáu, đối với thế giới, bà H. Clin-tơn sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại truyền thống nên giống các tổng thống Mỹ trước đây, bà tin vào tầm quan trọng của sức mạnh quân sự - để đối phó với khủng bố, khẳng định tầm ảnh hưởng của Mỹ. Niềm tin của bà với giới quân sự dựa trên quan điểm của chủ nghĩa hiện thực là sức mạnh quân sự đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, rằng chủ nghĩa can thiệp của Mỹ có lợi nhiều hơn có hại, rằng Mỹ có thẩm quyền tới mọi ngóc ngách trên thế giới. Do đó, bà sẽ coi giải pháp quân sự như một lựa chọn thực tế. Các nhà quan sát cho rằng, nếu trở thành tổng thống, bà H. Clin-tơn sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn về Biển Đông. Tại Diễn đàn ASEAN về vấn đề Biển Đông năm 2010, bà H. Clin-tơn nhấn mạnh, Oa-sinh-tơn không tham gia vào vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng khẳng định Mỹ có lợi ích tại Biển Đông, gồm lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do hàng hải, cách tiếp cận mở trước các vấn đề chung về hàng hải ở châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ khi đó nhấn mạnh, “đường 9 đoạn” nuốt gần trọn Biển Đông mà Trung Quốc vẽ ra là tuyên bố “bất hợp pháp”.
Với ông Đ. Trăm
Thứ nhất, ông Đ. Trăm thu phục được hàng triệu người ủng hộ bởi họ nghĩ sự thẳng thắn của ông chính là sự cởi mở và chân thành. Đ. Trăm có thể được xem như một người “ngoại đạo” trên chính trường Mỹ. Ông chưa từng giữ chức trong chính quyền và cũng không chịu ơn của bất kỳ nhà tài trợ nào. Nói cách khác, ông là người duy nhất không thể bị mua chuộc trong cuộc chạy đua, còn những người khác về cốt lõi vẫn là phát ngôn viên cho một đoàn thể và về tổng số tiền phải trả cho những người tài trợ.
Thứ hai, về vấn đề nhập cư. Ông Đ. Trăm khẳng định, nước Mỹ cần phải từ bỏ chính sách nhập cư đã lỗi thời, không còn ý nghĩa và không xác định được họ từ đâu đến. Điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử của ông Đ. Trăm là kế hoạch xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ - Mê-hi-cô để chặn những người di cư bất hợp pháp, tội phạm và những kẻ buôn ma túy. Ông kêu gọi cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Những người ủng hộ Đ. Trăm đổ lỗi cho người nhập cư cạnh tranh với họ trong cùng một lĩnh vực công việc. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ Đ. Trăm cho rằng, người nhập cư làm xã hội suy yếu. Ông Đ. Trăm từng tuyên bố nếu trở thành tổng thống sẽ trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Thái độ cứng rắn của ông Đ. Trăm đối với người nhập cư bất hợp pháp đã dập tắt cuộc tranh luận mà các doanh nghiệp lớn của Mỹ muốn khởi xướng để phục vụ cho việc cải tổ chính sách nhập cư của nước này nhằm giúp các công ty có thêm nguồn nhân công cần thiết.
Thứ ba, về vấn đề thương mại. Ông Đ. Trăm cho rằng, Mỹ đang bị chèn ép về thương mại, vì thế đã không ít lần cảnh báo ông sẽ phá vỡ các thỏa thuận thương mại và áp thuế quan cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, ông Đ. Trăm còn khẳng định sẽ xử lý các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, như hãng công nghệ Apple, nhà sản xuất điều hòa không khí Carrier và hãng bánh kẹo Mondelez. Điều khiến các doanh nghiệp Mỹ lo ngại nhất ở ông Đ. Trăm là những lời đe dọa mang nặng tính bảo hộ thương mại.
Thứ tư, về chính sách đối ngoại, Đ. Trăm khẳng định quan điểm bao trùm chính sách đối ngoại của mình sẽ là “Mỹ trước tiên”. Theo ông, Mỹ cần gắn kết chính sách đối nội và đối ngoại, phát triển kinh tế trong nước, giảm thâm hụt thương mại để bảo đảm vị thế quốc gia. Trong quan hệ với các nước, ông cho rằng Mỹ chỉ có thể thỏa hiệp nếu có lợi cho Mỹ. Ông cũng chỉ trích chính sách đối ngoại của Tổng thống B. Ô-ba-ma và cựu Ngoại trưởng H. Clin-tơn, cho rằng đây là những chính sách tùy tiện, không có mục tiêu rõ ràng, gây nên những sai lầm tại I-rắc, Xy-ri, Li-by, I-ran, Cu-ba và tạo nên sự lớn mạnh của Tổ chức Nhà nước Hồ giáo tự xưng (IS).
Ngoài ra, ông Đ. Trăm cũng cảnh cáo về khả năng có thể rút khỏi Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) với lý do các nước thành viên trong khối quân sự này không thực hiện nghĩa vụ đóng các chi phí liên quan đến bảo đảm an ninh. Ông nói, trong NATO hiện nay, chỉ có 04 trong số 28 quốc gia thành viên cộng thêm Mỹ thực hiện nghĩa vụ đóng góp chi phí quốc phòng tối thiểu ở mức 2% tổng GDP cho việc bảo đảm an ninh. Hằng năm, nước Mỹ chi hàng nghìn tỷ USD để trang bị máy bay, tên lửa, tàu chiến và các khí tài quân sự khác nhằm cung cấp cho việc bảo vệ châu Âu và một nước châu Á. Vì vậy, nếu các nước thành viên không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết, nước Mỹ sẽ rút khỏi NATO để các quốc gia còn lại tự lo việc bảo vệ họ.
Còn hơn 3 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cho đến nay vẫn chưa thể đoán được ai sẽ là vị chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng. Tuy nhiên, những vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt và tâm trạng của cử tri Mỹ sẽ quyết định sự lựa chọn của họ thông quá lá phiếu bầu. Có một điều chắc sẽ rất khó thay đổi là dù bà H. Clin-tơn hay ông Đ. Trăm trở thành tổng thống, nước Mỹ vẫn chưa thể thoát ra khỏi những khó khăn về kinh tế, những vấn đề xã hội, những rắc rối gây nên sự chia rẽ hiện nay trong lòng nước Mỹ cũng như ảnh hưởng tới vị trí siêu cường duy nhất lãnh đạo toàn cầu của quốc gia này./.
Đồng Tháp: Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận  (10/08/2016)
Đồng Tháp: Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận  (10/08/2016)
Đồng Tháp: Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận  (10/08/2016)
Festival sinh viên Việt Nam tại châu Âu lần hai diễn ra ở Pháp  (10/08/2016)
Kiến nghị đầu tư hệ thống thám sát bão bằng máy bay, tên lửa  (10/08/2016)
Dành gần 700 triệu đồng cứu trợ người dân bị lũ quét ở Lào Cai  (10/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên