Tiếp tục thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, ngày 06-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Bến Lức.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Bến Lức đã thẳng thắn nêu những vấn đề bức xúc của đất nước cũng như tại địa phương như về kinh tế - xã hội, chính sách hỗ trợ cho nông dân; an toàn vệ sinh thực phẩm đang gây lo lắng cho nhân dân, làm thế nào để không còn tình trạng đưa chất cấm vào chăn nuôi? Chương trình xây dựng nông thôn mới với việc “chạy đua thành tích” dẫn đến không ít xã nợ nần khi được công nhận xã nông thôn mới; chính sách thu hút nhân tài cần quan tâm đến những người tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi các trường đại học cũng như thực trạng sinh viên đi làm công nhân; chế độ chính sách đối với người có công; thực thi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia,...

Đại diện lãnh đạo tỉnh Long An đã ghi nhận các ý kiến của cử tri và trả lời nhiều vấn đề cụ thể về chế độ, chính sách như hỗ trợ cho nông dân, xây dựng nông thôn mới, chính sách đối với người có công, chính sách tái định cư cho người bị thu hồi đất... Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Long An cũng giao cho các sở, ngành sau buổi tiếp xúc cử tri này cần về ngay các xã để tìm hiểu, xem xét và đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc của bà con cử tri kịp thời, đúng pháp luật, không để quyền lợi hợp pháp của bà con cử tri bị ảnh hưởng.

Trao đổi với cử tri huyện Bến Lức về những vấn đề nhân dân quan tâm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nghiêm túc tiếp thu và ghi nhận những ý kiến đóng góp, tâm tư và nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội thông qua các đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn kiên định lập trường, quan điểm rõ ràng là chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Phó Thủ tướng cho rằng, một yêu cầu hết sức khách quan đặt ra cho tất cả các nước có hoạt động liên quan tới Biển Đông là phải tuân thủ pháp luật chung của cộng đồng quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định. Các quốc gia cần tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ các cam kết trong DOC, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cùng chung sức xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tự do hàng hải,...

Đề cập đến hậu quả do Công ty Formosa gây ra đối với môi trường biển nước ta, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Công ty này đã nhận rõ sai phạm và đang bồi thường để khắc phục hậu quả môi trường biển, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, đóng mới tàu lớn để đánh bắt xa bờ, thực thi chủ quyền trên biển, chế biến thủy - hải sản... Hiện nay, trước yêu cầu về bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý và rà soát lại các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo hướng chặt chẽ hơn, giám sát Công ty Formosa thực hiện đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Chia sẻ những lo lắng của cử tri về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm hiện nay ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đồng thời tăng cường xây dựng thể chế pháp luật để xử lý vi phạm một cách nghiêm minh, phân công rõ trách nhiệm của bộ, ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã tiếp xúc cử tri huyện Đức Huệ, Đức Hòa./.