Lời Tuyên thệ - Điểm tựa niềm tin của nhân dân cả nước
Hơn 100 ngày đã qua, từ Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, cử tri và đồng bào cả nước tiếp tục được chứng kiến Lời Tuyên thệ của những người được bầu vào các chức danh đứng đầu Nhà nước, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Các nhà lãnh đạo đã khẳng định trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với tư cách những người được nhân dân ủy thác thực hiện quyền quản lý, điều hành đất nước, cam kết trung thành tuyệt đối với Hiến pháp, với Nhân dân và Tổ quốc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.
Quyết tâm và trách nhiệm trong những Lời Tuyên thệ, phát biểu tâm huyết trước Quốc hội, cử tri, đồng bào của lãnh đạo Nhà nước từ Hội trường Diên Hồng đang hừng hực lan tỏa tạo thành nguồn năng lượng mới, khí thế mạnh mẽ cổ vũ tinh thần đoàn kết, ra sức phấn đấu, thi đua trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, quyết tâm đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách lập nên những kỳ tích trong cả nhiệm kỳ mới 2016-2021.
Lịch sử dân tộc đã từng chứng kiến những lời thề hạ quyết tâm lập nên những chiến công hiển hách của cha ông và các bậc tiền nhân thuở mang gươm đi mở cõi như Hội thề Đông Quan của nghĩa quân Lam Sơn giành lại độc lập cho quốc gia Đại Việt; Hội thề Lũng Nhai khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa hay sự kiện Tháng 8-1945, tại đỉnh Tân Trào (Tuyên Quang), thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng bên Hòn đá thề đọc lời thề bất hủ đi vào huyền thoại giải phóng dân tộc: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Nhà nước pháp quyền, Chính phủ kiến tạo, liêm chính
Nghi lễ Tuyên thệ trang trọng được tổ chức tại Quốc hội hiện nay cùng với những hình tượng trong lịch sử quốc gia và thế giới đưa Diễn đàn cao nhất của người đại biểu nhân dân trở lại với truyền thống và giá trị phổ quát của nhân loại và quan trọng hơn, những Thông điệp của các nhà lãnh đạo phát đi từ Hội trường Diên hồng đã và đang trở thành một điểm tựa vững chắc để củng cố lòng tin của người dân, tạo nền tảng quan trọng cho việc huy động sức mạnh toàn dân cùng chung ý chí xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại hơn bốn tháng qua, người dân đã có thể nhìn nhận nhiều sự thay đổi từ những Lời Tuyên thệ của Lãnh đạo Nhà nước với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ để thực thi bổn phận trước Đảng, trước nhân dân và cử tri cả nước.
Thời gian qua, cũng là giai đoạn mà rất nhiều những khó khăn, sức ép đặt lên vai bộ máy Nhà nước, nhất là Chính phủ. Nhưng qua đó, người dân cả nước cũng đã được chứng kiến bản lĩnh và hành động của các nhà lãnh đạo mới.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là giai đoạn 5 năm tới với những khó khăn không chỉ đang mà sẽ hiện hữu là thử thách vô cùng lớn để những lời hứa trở thành hiện thực, những niềm tin được hiện hữu.
Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới vinh dự đón nhận bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các định hướng lớn bao trùm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Tổng Bí thư mong muốn cơ quan lập pháp tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và phát huy hiệu quả phương thức hoạt động và chế độ làm việc.
Nhiều đại biểu cho rằng những vấn đề được Tổng Bí thư nêu ra cũng là những định hướng quan trọng cho Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ mới, đáp ứng ngày một tốt hơn sự tin tưởng của Đảng, cũng như sự kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước.
Là nhân sự lãnh đạo đầu tiên được Quốc hội bầu tại kỳ họp, ngay sau nghi lễ nhậm chức, phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra thông điệp: “Quốc hội khóa XIV sẽ đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân” và "chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cam kết sẽ cùng các đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, để Quốc hội thực sự là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuyên thệ trước cử tri và đồng bào, chiến sỹ cả nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định sẽ kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, nỗ lực làm hết sức mình phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết sẽ chủ động tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong bài phát biểu ngay sau Lễ Tuyên thệ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cử tri và người dân đã cảm nhận được “sức nóng” của lòng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao cả từ người đứng đầu cơ quan hành pháp trước Đảng, trước Nhân dân. Không tô hồng và né tránh, Thủ tướng của nhiệm kỳ mới thẳng thắn nhìn nhận thứ hạng còn ở mức thấp của kinh tế-xã hội đất nước trên bảng xếp hạng phát triển thế giới.
Cùng với đó là những khó khăn chồng chất mà Chính phủ mới phải đối mặt, giải quyết như nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp.
“Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Dẫn lại những tuyên ngôn bất hủ của các bậc tiền nhân và đề cao sự phát triển bền vững của đất nước, Người đứng đầu Chính phủ đặt ra cho cương lĩnh hành động của mình nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ; đặc biệt phải bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; "quyết không vì phát triển mà hủy hoại môi trường".
Đáng chú ý, Thủ tướng một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng một "Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân"; không để cho các nhóm lợi ích thao túng; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân...
Còn trong phần phát biểu Tuyên thệ của mình, đại diện cho hệ thống cơ quan Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cam kết đề cao kỷ luật, xây dựng tòa án trong sạch, liêm chính; thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
Biến quyết tâm chính trị thành hành động
Như vậy với những cam kết của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, cử tri và nhân dân đã có thể thấy rõ những mục tiêu lớn của các Nhà lãnh đạo trong việc thực hiện phận sự của mình trong giai đoạn 5 năm tới.
Những Lời Tuyên thệ dù ngắn gọn nhưng súc tích, bao quát và hội tụ được những tư tưởng, sách lược, có ý nghĩa như cương lĩnh, đường lối phát triển và quản lý đất nước trong cả nhiệm kỳ 5 năm tới 2016-2021.
Việc Tuyên thệ là thực hiện một quy định được ghi trong Hiến pháp, tức là thực hiện một việc có giá trị pháp lý. Người Tuyên thệ phải thực hiện đúng Lời Tuyên thệ của mình, nếu quá trình có gì không đúng thì có thể căn cứ vào Hiến pháp để xem xét.
Mặc dù Lời Tuyên thệ không phải là một đạo luật, không phải một pháp lệnh, không phải một nghị quyết của Quốc hội, nhưng với ý nghĩa hết sức thiêng liêng, Lời Tuyên thệ sẽ trở thành chuẩn mực, tiêu chí với giá trị danh dự và pháp lý cao cả để những nhà Lãnh đạo phấn đấu, coi đó là kim chỉ nam trong mọi hành động, quyết định của mình với lòng mong mỏi lớn nhất là phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.
Thực tế cũng cho thấy khi các Nhà Lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của người dân thì tất yếu sẽ nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân.
Có một điểm đáng chú ý và được nhấn mạnh trong các bài phát biểu của các Nhà Lãnh đạo đó là việc phát huy vai trò của Nhân dân trong việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước.
Những cam kết và ưu tiên hành động ấy dường như đang tạo ra một dấu ấn mới trong bộ máy Nhà nước ngay từ đầu nhiệm kỳ bởi những cam kết này đã chỉ ra được những mong muốn, những vấn đề mà người dân hết sức quan tâm và bức xúc.
Với bộ máy lãnh đạo mới, cử tri và nhân dân cả nước có quyền kỳ vọng đất nước sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh hơn, nhanh hơn để sớm đuổi kịp các nước phát triển khác trong khu vực.
Đại biểu Quốc hội và người dân coi Lời Tuyên thệ của các nhà Lãnh đạo Nhà nước như một lời cam kết trước Quốc hội, trước Nhân dân về trách nhiệm của họ trước những vấn đề trọng đại của đất nước.
Cử tri mong muốn những người lãnh đạo mới rất cần có tư duy đổi mới, sáng tạo vượt bậc, nếu không sẽ khó vượt qua được nếp nghĩ và cách làm cũ.
Hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành đất nước, suy cho cùng, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập trong lễ Tuyên thệ nhậm chức của mình, phải lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo.
Vấn đề đặt ra là phải làm cách nào để những lời hứa đó không chỉ là sự biểu thị một quyết tâm chính trị mà sẽ được chuyển biến thành hành động cụ thể; phải làm sao để mọi cấp, mọi ngành, mỗi cán bộ công chức thực sự thấm nhuần tinh thần hành động mà các Nhà Lãnh đạo đã phát đi.
Tuyên thệ và hành động, nói đi đôi với làm, mọi cử tri và mỗi một người dân tin tưởng và kỳ vọng vào đội ngũ những người lãnh đạo mới của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ sẽ có những đột phá mới trong chỉ đạo, điều hành và lãnh đạo đất nước; mở ra một thời kỳ mới đưa nước ta tiếp tục phát triển ổn định và vững chắc trong giai đoạn hội nhập và phát triển sâu rộng.
Nếu bộ máy Nhà nước được giám sát để tuân thủ pháp luật tốt đó là đường hướng của một Nhà nước pháp quyền như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề cập đến trong Lễ Tuyên thệ của mình.
Để có thể chuyển hóa những cam kết cấp cao ấy thành hành động cụ thể, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước phải bắt tay ngay vào công việc với tinh thần, thái độ kiến tạo và liêm chính thay vì những khẩu hiệu, phong trào thường thấy và phải xây dựng kế hoạch, lộ trình hành động cụ thể và công khai hóa nó để tạo tiền đề cho người dân theo dõi và giám sát.
Không có cơ chế nào giám sát Lời Tuyên thệ nhưng đằng sau đó là danh dự, là lịch sử hào hùng của dân tộc và sự kỳ vọng, niềm tin của người dân. Cử tri ghi nhận những lời hứa của những người đứng đầu đất nước, nhưng cử tri cũng sẽ giám sát việc thực thi những cam kết ấy.
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, của nhiệm kỳ mới đã qua, cử tri và nhân dân cả nước cùng kỳ vọng từ Lời Tuyên thệ, những người đứng đầu đất nước sẽ “đốt lửa,” tạo động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn./.
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất  (29/07/2016)
Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014  (29/07/2016)
Quyết định về ban hành Quy định chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở  (29/07/2016)
Những thông điệp nóng và giải pháp “hạ nhiệt” bội chi ngân sách nhà nước  (29/07/2016)
Những thông điệp nóng và giải pháp “hạ nhiệt” bội chi ngân sách nhà nước  (29/07/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên