Kiểm soát quyền lực nhằm chống tha hóa quyền lực trong xây dựng Nhà nước ta hiện nay
Ở nước ta hiện nay, công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập, sự phát triển mọi mặt đời sống chính trị - xã hội một mặt tạo ra những nhân tố tích cực cho xây dựng củng cố chính quyền, mặt khác, cũng có những phần tử thoái hóa, biến chất lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành ý chí cá nhân để trục lợi. Những bất cập trong tổ chức, điều hành, quản lý ở các cấp độ; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được tối ưu hóa làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng. Như vậy, kiểm soát nhằm kiềm chế, ngăn chặn xu hướng tự phát chệch hướng của quyền lực là vấn đề cần thiết.
Tuy nhiên, cần cụ thể hóa, xác lập tính pháp lý, tính độc lập và tính hiệu quả cao trong hoạt động của tổ chức này, tránh khuynh hướng tự phát, trở thành cơ quan siêu quyền lực; hay trở thành công cụ quyền lực cho nhóm lợi ích; hay bị vô hiệu hóa bởi tính pháp chế của các quyết định của các cơ quan này không cao.
Hệ thống chính trị nước ta được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, nên kiểm soát quyền lực nhà nước phải là kiểm soát của cả ba lực lượng trên.
Kiểm soát quyền lực của Đảng đối với Nhà nước
Đảng ta là đảng cầm quyền, thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, điều này đã được khẳng định rõ trong Điều 4, Hiến pháp năm 1992. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ta là khách quan, là nhân tố bảo đảm cho Nhà nước ta hoạt động theo đúng định hướng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, trước những yêu cầu ngày càng cao của xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo đối với Nhà nước, trong đó phát huy vai trò của Đảng trong kiểm soát quyền lực nhà nước là một nội dung rất quan trọng.
Thực tế hiện nay, một số cơ quan, tổ chức đảng các cấp bị động trong phát hiện tiêu cực, lạm quyền. Công tác kiểm tra, giám sát chỉ phát hiện tiêu cực khi có đơn thư tố cáo, đã làm cho vai trò, uy tín cấp ủy đảng giảm sút, tiếng nói bị thu hẹp; qua đó, một số tổ chức đảng đã tự hạ thấp vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức chính quyền nhà nước. Cho nên, chống tha hóa quyền lực hiện nay cần thiết phải phát huy tốt năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp.
Trước tiên phải khắc phục triệt để tính bị động trong phát giác tiêu cực. Suy cho cùng, để làm được tốt điều này phải nâng cao giác ngộ, trách nhiệm chính trị, đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Cần ngăn chặn tình trạng bàng quan, dĩ hòa vi quý, sợ va chạm, sợ trù úm... của một số cán bộ, đảng viên làm cho tổ chức đảng tê liệt, thiếu sức sống.
Tổ chức đảng các cấp cần tăng cường và thực hiện nghiêm các nguyên tắc kiểm tra giám sát đối với cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện vi phạm. Đặc biệt, cần chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân nhân, những cán bộ, đảng viên trong những ngành, lĩnh vực nhạy cảm: quản lý tài nguyên, đất đai, năng lượng, đầu tư công, bất động sản... nơi dễ phát sinh tiêu cực, lạm quyền. Mặt khác, “công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan”(1); tiếp tục “hoàn thiện quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra đảng với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên”(2).
Cần thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, đặc biệt nguyên tắc tập thể lãnh đạo phân công cá nhân phụ trách. Hiện nay, “nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức…; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”(3), khiến xảy ra tình trạng tranh công đổ lỗi, không ai chịu trách nhiệm trước sai phạm, làm suy yếu sức mạnh thực thi quyền lực nhân dân. Cho nên, cần khắc phục bệnh hình thức trong phân công trách nhiệm dẫn tới việc lỏng lẻo trong thực hiện nguyên tắc trên. Phân công trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên phải gắn với thực tiễn yêu cầu, chức năng nhiệm vụ của công việc từng người đảm trách, trong đó có trách nhiệm về Đảng và trách nhiệm về chính quyền, lấy Điều lệ Đảng, trách nhiệm pháp lý làm cơ sở cho việc giám sát thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Đặc biệt, phải đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu; khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng; phải đề cao sự minh bạch và trách nhiệm cao của người cầm quyền.
Kiểm soát quyền lực của nhân dân đối với Nhà nước
Đây là mối quan hệ kiểm soát quyền lực của người chủ đối với Nhà nước. Để thực hiện được tốt sự giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước, cần thực hiện tốt một số vấn đề:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm và bảo vệ người dân trong giám sát quyền lực. Sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt sự phát triển của ý thức pháp luật, sự bùng nổ các phương tiện truyền thông cũng như trình độ dân chủ ở nước ta được nâng lên... đã làm cho người dân nhận thức ngày càng rõ hơn về trách nhiệm, quyền hạn của mình trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, một bộ phận nhân dân hiện nay chưa thực sự nhận thức rõ, hoặc cố tình lợi dụng để khiếu kiện kéo dài, vượt cấp mặc dù đã được trả lời, giải đáp. Mặt khác, cơ chế để bảo vệ, biểu dương người tố cáo vi phạm còn thiếu chặt chẽ, nhiều người dũng cảm tố cáo tiêu cực, tham nhũng bị trả thù, bị gây khó dễ và trở thành những người “đặc biệt”, thậm chí lập dị so với cách ứng xử thông thường của số đông, điều đó đã làm giảm ý chí của nhiều người. Cho nên hiện nay, khuyến khích người dân giám sát quyền lực nhà nước chỉ có hiệu quả khi họ hiểu, họ biết và họ dám lên tiếng, và họ được bảo vệ trước pháp luật.
Thứ hai, nâng cao hơn nữa hiệu quả các cơ quan đại diện của dân trong giám sát. Đây là vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là cơ quan đại diện của nhân dân cần phát huy tốt hơn vai trò trong giám sát và phản biện xã hội không chỉ quá trình hoạch định các quyết sách chính trị, mà cả quá trình tổ chức thực hiện các quyết sách đó.
Thứ ba, hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế nhân dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với quyền lực nhà nước. Nhân dân không chỉ tuyệt đối ủy quyền cho các cơ quan đại diện, mà còn trực tiếp tham gia vào xây dựng chính quyền, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước ở mọi cấp. Sự tham gia trực tiếp của nhân dân không đơn thuần là vấn đề quan điểm lý luận, mà là một vấn đề thực tiễn. Nhiều vụ tiêu cực trong các lĩnh vực khác nhau được người dân và dư luận phanh phui, lên án thời gian qua là những bằng chứng hùng hồn nói lên điều đó. Trong thời gian tới, cần phải phát huy hơn nữa hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân theo hướng: “hoàn thiện chế định bầu cử, quyền bãi nhiệm đại biểu của nhân dân; hoàn thiện cơ chế để nhân dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền dân chủ trực tiếp ở cơ sở, thảo luận các vấn đề quan trọng; xây dựng cơ chế để nhân dân thực hiện quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”(4).
Kiểm soát quyền lực giữa các yếu tố bên trong quyền lực Nhà nước
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta khẳng định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(5). Quan điểm đó được tiếp tục khẳng định trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992. Việc khẳng định cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động của bộ máy nhà nước là sự phát triển nhận thức lý luận cũng như thực tiễn của Đảng ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện tốt sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước theo quan điểm trên, thiết nghĩ, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề:
Phân định rõ chức năng của từng cơ quan lập pháp - hành pháp - tư pháp. Nhà nước pháp quyền thì đòi hỏi trước tiên là phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của bộ máy nhà nước. Trước đây, chúng ta đã phân định nhưng chưa rạch ròi ba cơ quan lập pháp - hành pháp - tư pháp, cho nên, trong thực tế còn lẫn lộn chức năng, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Bước tiến đáng kể trong lập hiến ở nước ta là, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã phân định rõ ba cơ quan lập pháp - hành pháp - tư pháp. Đây là cơ sở cho việc xác định rõ chức trách nhiệm vụ của mỗi cơ quan.
Phát huy tốt vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan giám sát độc lập trong bộ máy nhà nước như Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước được ghi rõ “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Phân cấp quản lý phù hợp gắn với quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Hiện nay, “cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập; một số quy định thiếu nhất quán, thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng “xin-cho””(6). Thực tế đáng buồn: có đến mấy cơ quan chủ quản đối với một đối tượng nhưng không thể quy trách nhiệm rõ ràng cho ai. Ví dụ, một loại thực phẩm có ba đến bốn cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm khác nhau. Cho nên, hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, tranh công đổ lỗi còn diễn ra nhiều; việc quy trách nhiệm tập thể, cá nhân do đó còn nhiều kẽ hở, thực hiện các chế định về vai trò, quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức còn nhiều bất cập. Vì vậy, cần tạo đột phá trong quản lý vĩ mô nhằm nâng cao hiệu lực quản lý xã hội.
Hoàn thiện hệ thống luật pháp gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Nhà nước pháp quyền lấy luật pháp làm tối thượng, nên để kiểm soát quyền lực nhà nước cho tốt, thì việc hoàn thiện pháp luật và thực thi nghiêm pháp luật là đòi hỏi tất yếu và là yêu cầu cao đối với xây dựng và hoàn thiện nhà nước ta hiện nay. Hiện nay, chúng ta đặc biệt “còn thiếu những cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học để chủ động ngăn ngừa những vi phạm”(7). Cho nên, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt các chế định về kiểm soát quyền lực nhà nước: kê khai tài sản, chống tham nhũng; thuế thu nhập... để nâng cao hiệu quả trong ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ, củng cố kỷ cương làm việc,... để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tăng cường hiệu quả thực thi quyền lực nhân dân.
Kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các chủ thể nói trên không phải là những hoạt động độc lập tách rời nhau mà có sự thâm nhập, quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng phát huy hiệu quả đối với một đối tượng: quyền lực nhà nước. Chỉ có thực hiện toàn diện, chặt chẽ sự kiểm soát của cả ba lực lượng mới bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước vận hành nhịp nhàng, ăn khớp và thông suốt, ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực, để tư tưởng “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” trở thành hiện thực./.
--------------------------------------------
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr. 263
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2012, tr. 22-23
4. Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2012, tr. 18
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sđd, tr. 85
6. Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, sđd, tr. 58
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, sđd, tr. 23
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam thời gian tới  (03/12/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-11 đến ngày 01-12-2013  (03/12/2013)
Mít tinh kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự  (03/12/2013)
Mít tinh kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự  (03/12/2013)
Văn phòng Chính phủ: Họp báo thường kỳ tháng 11-2013  (02/12/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên