Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-11 đến ngày 01-12-2013

Hồng Ngọc tổng hợp
15:14, ngày 03-12-2013
TCCSĐT - Chiều 27-11, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cho biết ngành Hải quan đang xây dựng chiến lược cải cách và hiện đại hoá hải quan. Hiện có hơn 95% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử với 92% số tờ khai được thực hiện… Từ tháng 4-2014, ngành Hải quan sẽ chính thức chạy hệ thống thông quan tự động, chỉ cần 3 giây là giải quyết xong một tờ khai “luồng xanh”; không thu phí của các doanh nghiệp sử dụng phần mềm thông quan điện tử.

Trong lĩnh vực thuế, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Lê Hồng Hải cho biết đã thí điểm tự nộp thuế từ năm 2004. Ngành Thuế áp dụng cơ chế để người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, bộ phận “một cửa” của ngành Thuế cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao trong cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh việc hình thành đại lý thuế để tăng cường công tác tư vấn cho người nộp thuế, kê khai thuế qua mạng internet với 274.000 doanh nghiệp tham gia và hiện đang thực hiện thí điểm nộp thuế qua mạng, trả lời và hướng dẫn qua e-mail cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thu và nộp thuế; đã cấp gần 20 triệu mã số thuế cá nhân.

Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Quốc Vinh cho biết Kho bạc Nhà nước áp dụng thông thoáng thủ tục nhưng kiểm soát chi chặt chẽ, vẫn bảo đảm việc chi đơn giản, nhanh gọn, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ, động tích cực của Bộ Tài chính và các tổng cục và cho rằng, cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, còn nhiều yếu kém so với các nước trong khu vực; vẫn còn tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ của ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động cải cách hành chính phải có quyết tâm chính trị của người lãnh đạo và cán bộ, công chức. Bộ Tài chính cần có những đề án để cải tiến cách làm, phát hiện hạn chế và bất cập; rà soát thủ tục hành chính theo 4 nhóm trọng tâm, công bố kết quả rà soát và tổ chức thực thi; công khai, minh bạch ngay từ đầu tất cả các thủ tục hành chính và có đánh giá tác động cụ thể một cách mạnh mẽ.

Tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004

Tại Hội nghị tổng kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai bộ luật đã góp phần đưa hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đi vào nề nếp, bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành còn chồng chéo, thiếu tính tổng thể, vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục thể chế hoá định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thực thi pháp luật. Nhất là, sớm cụ thể hoá các quy định mới của Hiến pháp vừa được thông qua liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ban hành Mẫu Chứng minh nhân dân mới

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 57/2013/TT-BCA quy định về mẫu Chứng minh nhân dân.

Theo đó, mặt trước của Chứng minh nhân dân: Bên trái từ trên xuống là hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ảnh của người được cấp cỡ 20x30mm và có giá trị đến (ngày, tháng, năm). Bên phải, từ trên xuống là cụm từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; chữ "CHỨNG MINH NHÂN DÂN"; số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.

Ở mặt sau của Chứng minh nhân dân, trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: vân tay ngón trỏ trái; vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống là đặc điểm nhận dạng; ngày tháng năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp, ký tên và đóng dấu. Chứng minh nhân dân sẽ được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt.

Thông tư cũng quy định, mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân và có một số Chứng minh nhân dân riêng, gồm 12 số tự nhiên, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Trường hợp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân thì số ghi trên Chứng minh nhân dân được đổi, cấp lại vẫn giữ đúng theo số đã cấp lần đầu.

Thời hạn sử dụng Chứng minh nhân dân là 15 năm, kể từ ngày cấp, đổi, cấp lại. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29-12-2013.

TP.Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp đột phá trong cải cách hành chính

Cải cách hành chính tại TP. Hồ Chí Minh hiện đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết với mục tiêu cải cách toàn diện về thể chế, tổ chức bộ máy hành chính, hành chính công, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm phục vụ cho người dân một cách tốt nhất.

Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, kiểm tra thường xuyên giữa các sở, ngành và cơ quan quản lý. Đồng thời, nghiên cứu, tìm ra những mô hình hay để kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn. Có thể thấy, một trong những quận đi đầu trong lĩnh vực cải cách hành chính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là quận 1.

Đầu năm 2013, UBND quận 1 đã xây dựng thí điểm trung tâm công nghệ thông tin quận 1, góp phần giảm nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân khi đến làm thủ tục tại cơ quan công quyền. Đồng thời, nghiên cứu, chọn ra những lĩnh vực trọng điểm, có quy trình hoạt động ổn định, để ứng dụng tin học hóa quản lý hành chính. Đây là cơ sở để xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian tới.

Về phía cấp sở, ngành, Sở Xây dựng là một trong những đơn vị có cách làm đột phá, đổi mới, quyết liệt trên lĩnh vực cải cách hành chính. Thời gian qua, Sở đã đặt ra tiêu chí “4 không, 5 hóa” để ứng dụng sâu, rộng trong cải cách hành chính ở phạm vi toàn ngành. Qua đó, xem xét, bổ sung, điều chỉnh, loại bỏ những quy định không còn phù hợp nhằm đảm bảo tính phối hợp đồng bộ và phát huy tối đa năng lực của Sở.

Ngoài việc thống nhất biểu mẫu, giấy tờ, công khai hóa quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ, phí, lệ phí, tiến độ giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp, Sở còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, thụ lý hồ sơ, giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 100%, tỷ lệ hài lòng của người dân năm 2013 đạt 98%.

Phó Giám đốc thường trực Sở Nội vụ Thành phố Lê Hoài Trung nhìn nhận một số hạn chế trong công tác cải cách hành chính hiện nay do quy định pháp luật chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính phức tạp, gây phiền phức cho nhân dân. Ngoài ra, còn vấn đề trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm chưa được rõ ràng, còn bất hợp lý và chậm điều chỉnh cũng là tồn tại cần khắc phục.

Một vấn đề nữa là việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt là trên một số lĩnh vực quan trọng như quy hoạch, đầu tư, tài chính, quản lý cán bộ công chức, viên chức chưa rõ ràng, bất cập; một bộ phận cán bộ công chức viên chức còn phiền hà, nhũng nhiễu, chưa có cơ chế để hấp dẫn người tài vào làm việc trong công vụ. Cơ chế phối hợp liên thông, ngang dọc chưa đáp ứng yêu cầu tương thích, phục vụ tốt nhất cho người dân…

Quận 3 không ngừng nỗ lực cải cách hành chính

UBND quận 3 cho biết, thực hiện chương trình hành động “cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng Chính quyền đô thị”, trong 3 năm qua (2011 - 2013), quận đã có nhiều bước tiến và đồng bộ hơn trên các mặt: thể chế, tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và tài chính công.

Quận tập trung tiếp nhận và trả hồ sơ trên các lĩnh vực: nhà đất, xây dựng, tư pháp - hộ tịch, lao động - tiền lương, dạy nghề, kinh doanh... bằng hình thức “một cửa liên thông”.

Kết quả đã tiếp nhận hơn 30.000 hồ sơ, trong đó, giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt gần 99%. Trong năm 2013, quận 3 đã triển khai phối hợp với Bưu điện Thành phố phát trả kết quả hồ sơ hành chính tận nhà cho người dân. Đến nay, có 90% hồ sơ hành chính được trả đúng hạn thông qua dịch vụ này.

Quận Bình Thạnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Qua 3 năm thực hiện chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị từ năm 2011 -2013, quận Bình Thạnh đã đẩy mạnh thực hiện đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo quy định.

Quận đã niêm yết công khai tại đơn vị 339 thủ tục hành chính của quận và 122 thủ tục hành chính của phường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Từ nay đến năm 2015, quận Bình Thạnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng “công khai, minh bạch, đúng luật và đúng hẹn”. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng với yêu cầu xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Thu hút đầu tư ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong thu hút đầu tư, tỉnh Đồng Tháp được coi là “khuất nẻo” bởi vị trí địa lý bất lợi, giao thông khó khăn. Nhưng bằng những nỗ lực không mệt mỏi, Đồng Tháp đã dần cải thiện môi trường đầu tư, để đến năm 2012, vươn lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quan điểm “đồng hành cùng nhà đầu tư, xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh” được thực thi một cách thực chất đã mang lại hiệu quả. Tỉnh Đồng Tháp đi đầu thực hiện mô hình một cửa cấp phép đầu tư./.