Các nước trên thế giới lên án hoạt động do thám của Mỹ
Nhiều nước yêu cầu Mỹ giải thích về hoạt động do thám
Ngày 31-10, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Pa-ki-xtan và Hà Lan đã yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích sau khi Tập đoàn truyền thông Fairfax Media và tờ “Sydney Morning Herald” của Ô-xtrây-li-a đưa tin các đại sứ quán của Ô-xtrây-li-a ở châu Á được dùng làm địa điểm để phục vụ chương trình gián điệp của các cơ quan an ninh Mỹ. Dẫn tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Ét-uốt Xnâu-đơn (Edward Snowden) tiết lộ, để thiết lập mạng lưới do thám, các đại sứ quán của Mỹ, Anh, Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a bí mật lắp đặt các thiết bị giám sát để thu thập các thông tin điện tử, theo đó có thể ngăn chặn các cuộc gọi điện thoại hoặc dữ liệu in-tơ-nét trên toàn châu Á.
Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a Ma-ti Na-ta-le-ga-oa (Marty Natalegawa) khẳng định Gia-các-ta không thể chấp nhận và kịch liệt phản đối trước những thông tin về việc Mỹ lắp đặt các thiết bị nghe trộm điện thoại tại Đại sứ quán Mỹ ở nước này. Cùng ngày, Pa-ki-xtan cho biết đã đề cập tới vấn đề nghe lén điện thoại với Mỹ sau khi có các báo cáo rằng Oa-sinh-tơn đã do thám các cuộc điện thoại tại nước này. Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Rô-nan Pla-xtếch (Ronald Plasterk) cho biết, ông đã nhận được một lá thư từ NSA khẳng định nước này đang bị theo dõi và giám sát các cuộc gọi điện thoại và thư điện tử. Phát biểu trên truyền hình, ông R. Pla-xtếch khẳng định những báo cáo về việc 1,8 triệu cuộc gọi điện thoại và thư điện tử tại nước này bị NSA chặn hồi tháng 12 năm ngoái là có thật. Ông khẳng định không thể chấp nhận một nước đồng minh không tôn trọng luật pháp Hà Lan.
Trước đó, ngày 30-10, sau cuộc gặp với quan chức ngoại giao cấp cao các nước thành viên Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Ngoại trưởng Vê-nê-xu-ê-la, Ê-li-át Gia-u-a (Elias Jaua) cho biết, tổ chức này đã nhất trí lên án mạng lưới gián điệp toàn cầu của Mỹ. Tờ Bưu điện toàn cầu của Mỹ nói rằng, NSA từng đột nhập các trung tâm dữ liệu liên lạc của Yahoo và Google trên khắp thế giới. Chương trình mang tên MUSCULAR, được Mỹ phối hợp với Cơ quan Tình báo Thông tin của Vương quốc Anh (GCHQ) thực hiện thông qua kỹ thuật chặn thu dòng dữ liệu từ hệ thống cáp quang. Tờ Bưu điện toàn cầu dẫn tài liệu tối mật đề ngày 09-01-2013 nêu rõ, trong vòng 30 ngày, chương trình MUSCULAR đã thu thập 181 triệu hồ sơ từ thư điện tử, các văn bản, file âm thanh, video.
Trong phản ứng đầu tiên, Yahoo khẳng định luôn thực thi những biện pháp kiểm soát chặt chẽ bảo vệ an ninh các trung tâm dữ liệu của mình và tập đoàn này không cho phép NSA hay các cơ quan chính phủ của Mỹ, truy cập vào các trung tâm dữ liệu đó. Giám đốc pháp lý của Google, ông Đa-vít Đrăm-mân (David Drummond), cũng phản ứng tức giận trước thông tin trên, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc nhanh chóng cải cách hệ thống an ninh dữ liệu.
Cũng trong ngày 30-10, giới chức tình báo cấp cao của Ðức và các đồng nghiệp an ninh Mỹ đã nhóm họp tại Thủ đô Oa-sinh-tơn để hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh, sau khi có những tin tức được tiết lộ nói rằng các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đã chặn thu và nghe lén điện thoại di động của hàng chục nguyên thủ quốc gia, trong đó có Thủ tướng Đức An-giê-la Mác-ken (Angela Merkel).
Phái đoàn Đức do ông Gu-en-tơ Hây-xơ (Guenter Heiss), điều phối viên tình báo của Thủ tướng A. Mác-ken dẫn đầu, đã gặp các đồng nghiệp Mỹ, trong đó có Giám đốc Tình báo quốc gia Giêm Cláp-pơ (James Lapper) và Cố vấn An ninh quốc gia Xu-dần Rai-xơ (Susan Rice). Trong cuộc điện đàm, bà A. Mác-ken đã chính thức phản đối các hành động bí mật do thám bạn bè và đồng minh của Mỹ, cho rằng hành động này là không thể chấp nhận được. Đức cùng với Pháp và một số nước châu Âu khác muốn Mỹ phải đàm phán và ký thỏa thuận cam kết không do thám lẫn nhau giữa các đồng minh vào trước cuối năm nay.
Dự luật tăng cường giám sát các chương trình do thám điện tử
Trước phản ứng của các nhà lãnh đạo trên thế giới về hoạt động do thám, ngày 29-10, tại Oa-sinh-tơn, phát biểu trong cuộc điều trần, Giám đốc NSA Kết A-lếch-xan-đơ (Keith Alexander) nói rằng việc chặn thu và nghe lén điện thoại của các công dân Mỹ và hàng chục nhà lãnh đạo trên khắp thế giới là “nằm trong khuôn khổ luật pháp nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố”. Tướng K. A-lếch-xan-đơ đồng thời phủ nhận cáo buộc NSA chặn thu hàng triệu cuộc nói chuyện điện thoại ở châu Âu, khẳng định đó là thông tin “phóng đại và không chính xác”. Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Giêm Cláp-pơ (James Clapper) không xác nhận những cáo buộc về nghe lén điện thoại. Ông cho biết, các đồng minh cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động do thám lãnh đạo và cơ quan tình báo Mỹ; tình báo Mỹ chỉ do thám những đối tượng có giá trị về thông tin tình báo, “tuyệt đối không có chuyện do thám bừa bãi, không có sự phân biệt”.
Trước đó, phát biểu mở màn phiên chất vấn, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mai-cơ Rô-giơ (Mike Roger) cũng cho rằng việc thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài là điều cần thiết mà mọi quốc gia trên thế giới đều thực hiện. Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Giôn Bâu-nơ (John Boehner) khẳng định với báo giới rằng Nhà Trắng cần phải ngay lập tức xem xét lại chương trình do thám các nhà lãnh đạo của các nước đồng minh. Thượng nghị sĩ Đai-an Phên-xtên (Dianne Feinstein), chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, vốn luôn đứng ra bảo vệ NSA, giờ cũng xác định việc thu thập tin tức về các đồng minh “không nên tiếp tục”. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Vi-vi-vên Rê-đinh (Viviane Reding) nhấn mạnh “bạn bè và đối tác không do thám nhau”.
Trước làn sóng chỉ trích ngày càng mạnh mẽ này, ngày 31-10, Nhà Trắng thông báo đã ngừng việc theo dõi các cơ quan tài chính của thế giới có trụ sở tại Thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ. Lệnh ngừng này là một phần trong cuộc rà soát lại tổng thể các hoạt động thu thập tin tức tình báo của các cơ quan an ninh và tình báo của Mỹ. Cách đây vài tuần, Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng đã ra lệnh chấm dứt các hoạt động do thám điện tử của NSA đối với trụ sở Liên hợp quốc.
Chiều tối 31-10, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật theo đó tăng cường giám sát các chương trình do thám điện tử tràn lan của Chính phủ Mỹ, đang gây phản đối mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước. Bà Đ. Phên-xtên nói rằng chương trình của NSA ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại là “hợp pháp, chịu sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và góp phần vào việc bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc cần làm lúc này là phải tăng cường sự minh bạch và giữ được sự riêng tư của các cá nhân”. Để chính thức có hiệu lực, dự luật trên còn phải đưa ra Thượng viện và Hạ viện để thảo luận và phê chuẩn. Một số nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện, đã lên tiếng phản đối cho rằng dự luật vừa được Ủy ban Tình báo Thượng viện thông qua vẫn chưa chấm dứt được việc thu thập thông tin một cách tràn lan, do vậy vẫn chưa bảo vệ được các quyền tự do cá nhân của các công dân Mỹ./.
Thông cáo số 15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII  (08/11/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc UNDP  (08/11/2013)
UNDP đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả với Việt Nam  (08/11/2013)
Việt Nam từng bước tiếp cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân  (08/11/2013)
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga  (08/11/2013)
Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 8  (08/11/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên