TTXVN và Đài Tiếng nói Việt Nam vừa công bố 10 sự kiện nổi bật trong nước trong năm 2008, theo sự bình chọn của mình. Sự bình chọn của hai cơ quan báo chí lớn khá tương đồng khi trùng hợp tới 9 sự kiện, tuy đặt các sự kiện này ở các vị tri khác nhau trong Top 10.
10 sự kiện theo bình chọn của TTXVN
 
1. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động
Cuộc vận động đã bước sang năm thứ 2, với các nội dung thiết thực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sửa đổi lề lối làm việc ở nhiều ngành, địa phương; các Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, tác động tích cực trong đời sống xã hội.
2. Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Ngày 5-8, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt kết quả bước đầu quan trọng

Tám nhóm giải pháp Chính phủ đề ra, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khó khăn trong nước, đã đạt kết quả bước đầu quan trọng, duy trì mức tăng trưởng GDP cao, khoảng 6,5%, GDP bình quân đầu người lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 22%, cao nhất trong 10 năm qua, và những tháng cuối năm nền kinh tế đối mặt với tình trạng suy giảm.

4. Việt Nam đảm nhận tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Lần đầu tiên được bầu làm  Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam hoàn thành tốt chức trách của mình và cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 7-2008, thể hiện và bảo vệ quan điểm, lập trường mang tính nguyên tắc của Đảng, Nhà nước  trong giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

5. Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô

Từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội được mở rộng theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Hà Nội mới với 29 đơn vị hành chính, bao gồm toàn bộ Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), có diện tích tự nhiên 3.345km2, dân số trên 6 triệu người, tạo tiềm năng phát triển toàn diện cho Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

6. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng kỷ lục

Năm 2008, có trên 60 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tăng gấp 3 lần so với năm 2007, đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, nâng tổng vốn FDI vào Việt Nam tiến gần đến con số 150 tỷ USD. Tổng vốn thực hiện đạt trên 10 tỷ USD.

7. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam

Đại lễ Vesak 2008 diễn ra tại Hà Nội từ 14-17/5, với sự tham dự của đại diện hơn 70 nước và vùng lãnh thổ, là sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam và thế giới, tôn vinh những giá trị văn hóa, tâm linh, đạo đức của Phật giáo, gửi tới toàn thế giới thông điệp về hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam. Đại lễ có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về tôn giáo.

8. Đợt mưa, lụt lịch sử tại Hà Nội

Mưa bất thường từ đêm 31/10 đến sáng 3/11 tại Hà Nội, lớn nhất trong vòng 24 năm qua, gây hậu quả nghiêm trọng: ngập lụt nhiều ngày trên diện rộng, kể cả các tuyến phố lớn, làm 22 người chết, và thiệt hại trên 3.000 tỷ đồng. Đây là một trong những thảm họa thời tiết nghiêm trọng không được dự báo chính xác.

9. Phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm

 Điển hình là vụ Công ty Vedan Việt Nam tại Đồng Nai, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, xả trực tiếp nước thải độc hại chưa qua xử lý ra sông Thị Vải từ năm 1994, hủy hoại môi trường sinh thái. Các cơ quan chức năng cũng phát hiện một số sản phẩm sữa cũng như chế phẩm từ sữa nhập ngoại có chứa chất melamine, vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tác hại tới sức khỏe, tác động tiêu cực đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.

10. Lần đầu tiên Việt Nam có vệ tinh thông tin

Vệ tinh VINASAT 1, vệ tinh thông tin đầu tiên của Việt Nam, được phóng thành công lên quỹ đạo vào 19 giờ 16 phút ngày 18/4 từ đảo Guyana thuộc Pháp, góp phần xác định chủ quyền của Việt Nam trên không gian vũ trụ. Việc đưa VINASAT 1 vào sử dụng giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc - truyền thông của Việt Nam, nâng cao năng lực và độ an toàn cho mạng truyền dẫn viễn thông quốc gia.

 

10 sự kiện theo bình chọn của Đài Tiếng nói Việt Nam
1. Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Các giải pháp Chhín phủ đưa ra đã dần phát huy hiệu quả (Ảnh minh hoạ:IE)

Việt Nam đã kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao: 6,7%.

Trên cơ sở 3 Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp, điều hành linh hoạt, điều chỉnh phù hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới và tiếp tục triển khai 5 giải pháp chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế.

2. Xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và vấn đề “Tam nông”

Niềm vui được mùa (Ảnh:travel)

Hội nghị lần thứ 6, thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ra Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ trí thức và công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt là Nghị quyết về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn khẳng định vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giải quyết đồng bộ cả 3 lĩnh vực gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Chính phủ đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

3. Mở rộng địa giới hành chính Hà Nội

Việc mở rộng Hà Nội đảm bảo để Thủ đô phát triển nhanh và ổn định (Ảnh:Lê Bích)

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 12 ra Nghị quyết mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội trên cơ sở hợp nhất thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Tây và 1 phần huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đây là sự kiện trọng đại của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Việc mở rộng Hà Nội đảm bảo để Thủ đô phát triển nhanh và ổn định, bền vững, thực sự trở thành “trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.

4. Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐBA Liên hợp quốc

Đại sứ Lê Lương Minh tại Liên Hợp Quốc (Ảnh:AP)

Từ ngày 1-7 - 31-7, Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã giải quyết tốt các vấn đề của quốc tế và Liên hợp quốc nhằm giữ gìn hoà bình, an ninh thế giới, giải quyết các điểm nóng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

5. Thu hút hơn 60 tỉ USD vốn FDI

Công nghiệp và bất động sản là hai dự án thu hút nhiều vốn FDI. (Ảnh: VNN)

Vốn cam kết đầu tư nước ngoài đạt hơn 60 tỉ USD - cao nhất từ trước đến nay.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện hơn 10 tỉ USD. Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự ổn định và tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trên thế giới ngày càng giảm.

Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra đầu tháng 12, cộng đồng quốc tế tiếp tục cam kết tài trợ cho Việt Nam hơn 5 tỉ USD vốn ODA trong năm 2009.

6. Phóng thành công vệ tinh VINASAT-1

Tên lửa mang vệ tinh Vinasat-1 rời bệ phóng

Vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 được phóng lên quỹ đạo vào lúc 22 giờ 16 phút ngày 18/4/2008 (theo giờ quốc tế).

Ngoài ý nghĩa kinh tế, nâng cao năng lực thông tin, việc phóng vệ tinh VINASAT-1 nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có vệ tinh riêng trên quỹ đạo 

7. Thiên tai, dịch bệnh bất thường

Hà Nội đã phải chịu một trận lụt lịch sử (Ảnh: Ngọc Thành)

Thiên tai, dịch bệnh bất thường xảy ra từ đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân cư của hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 11.500 tỷ đồng. Đặc biệt tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 xảy ra đợt mưa to bất thường làm Hà Nội bị ngập nặng nhiều ngày.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, triều cường lớn nhất từ nhiều năm qua cũng làm ngập lụt nhiều tuyến phố. Hiện tượng biến đổi khí hậu của trái đất bước đầu đã ảnh hưởng đến nước ta.

8. Phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng huỷ hoại môi trường

Sông Thị Vải bị ô nhiễm

Điển hình là Công ty trách nhiệm hữu hạn Vedan ở tỉnh Đồng Nai 14 năm liên tục xả nước thải ra sông Thị Vải không qua xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng con sông này, làm thiệt hại lớn tới sản xuất và đời sống, sức khỏe của người dân khu vực ven sông.

Vụ việc gióng thêm một hồi chuông báo động nữa về việc phải bảo vệ môi trường- 1 trong 3 yếu tố chính đảm bảo phát triển bền vững

9. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2008

Hơn 600 phái đoàn Phật giáo với 5.000 đại biểu tham gia Đại lễ Vesak 2008

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2008 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Hơn 600 phái đoàn Phật giáo với 5.000 đại biểu tham gia Đại lễ năm nay. Đại lễ Vesak là Đại lễ kỷ niệm tam hợp Đức Phật (ngày Phật đản sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập diệt).

10.  Lần đầu tiên cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2008 tổ chức tại Việt Nam

Nha Trang đón chào 80 người đẹp trên khắp thế giới

80 hoa hậu trên khắp thế giới đã tụ hội về Nha Trang, Khánh Hoà tham gia cuộc thi. Trong năm cũng diễn ra nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng có nhiều sự cố, gây tai tiếng./.