Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội
TCCS - Hà Nội, với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước, luôn đặt ra yêu cầu cao về quản lý trật tự xây dựng để bảo đảm phát triển bền vững. Tuy nhiên, vi phạm trật tự xây dựng vẫn đang là một trong những thách thức lớn, làm giảm mỹ quan đô thị, phá vỡ quy hoạch và gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền mà còn cần sự chung tay của người dân và các nhà đầu tư.
Thực trạng kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Việt Nam
Kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành là yếu tố nền tảng để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của các đô thị. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự xây dựng, và thiếu ý thức giao thông đang là những vấn đề gây nhức nhối tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam. Để xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành.
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và từng bước đi vào nền nếp, ý thức chấp hành của người dân dần được nâng cao, diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế - xã hội.
Các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần giảm thiểu về số lượng và quy mô.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, công tác quản lý trật tự xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 đạt được một số kết quả tích cực, dần đi vào nền nếp, các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được củng cố, nâng cao.
Đạt được kết quả như trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã cơ bản hoàn thiện, nhất quán, xuyên suốt. Sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể tại địa phương, của doanh nghiệp và người dân, công tác xử lý vi phạm được nhanh chóng, kịp thời, triệt để.
Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán và xây dựng không phép vẫn diễn ra phổ biến. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây cản trở giao thông, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Các quy định pháp luật hiện hành chưa được thực thi nghiêm túc, dẫn đến việc vi phạm vẫn diễn ra.
Với vai trò là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Việt Nam, hiện nay, Hà Nội đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong quản lý trật tự xây dựng. Mặc dù số lượng vi phạm có xu hướng giảm trong những năm gần đây, thực trạng vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội vẫn phức tạp. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2022, thành phố ghi nhận 320 công trình vi phạm trong tổng số 19.211 công trình, tương ứng tỷ lệ 1,67%. Con số này đã giảm nhưng vẫn phản ánh những bất cập trong công tác quản lý. Điển hình, tại phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm), nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị biến thành sân bóng, quán ăn trái phép, gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung. Một số trường hợp dù bị phát hiện nhưng lại xử lý chưa triệt để, thậm chí có dấu hiệu “hợp thức hóa” sai phạm.
Cũng trong những tháng đầu năm 2024, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác cấp phép xây dựng, quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng trên địa bàn đã đạt được một số kết quả tích cực. Số công trình được cấp giấy phép xây dựng tăng, các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết.
Cụ thể, đã tiến hành kiểm tra 8.854 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 125 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,41%; đã xử lý đứt điểm 55/125 trường hợp, chiếm tỷ lệ 44%; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 70/125 trường hợp, chiếm tỷ lệ 56%. So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng đã giảm 119 công trình (tỷ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%); tỷ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết giảm 2,26%.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6,6 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước gần 5 tỷ đồng. 7 quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm (gồm Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn); 8 địa phương có tỷ lệ công trình vi phạm thấp (gồm Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì và Đông Anh).
Qua báo cáo của ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Thanh tra Sở Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận, một số cơ quan, tổ chức thiếu chủ động hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt đối với những công trình vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn, dễ gây khiếu kiện phức tạp.
Thực tế cho thấy, việc tiếp tục thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội sẽ giúp các quận, huyện, thị xã có một đơn vị chuyên trách kiểm tra, đảm bảo tính khách quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về xây dựng thành phố văn minh, trật tự đô thị theo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021, của Thành ủy, Về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 26-7-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP, đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền về mô hình tổ chức quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục. Đặc biệt là các vi phạm về trật tự xây dựng có liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn diễn biến phức tạp (đối với các loại hình nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nguy cơ ảnh hưởng đến an sinh xã hội; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh). Theo đó, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố luôn đối diện với những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn nếu không nhận diện, kiểm soát tốt có thể gây ra hậu quả khó khắc phục.
Theo các nhà nghiên cứu đô thị, vi phạm trật tự xây dựng không chỉ là hiện tượng “lách luật” của một bộ phận người dân và doanh nghiệp, mà còn xuất phát từ những kẽ hở trong quản lý. Việc xử lý mang tính hình thức, như “phạt cho tồn tại,” khiến các vi phạm có xu hướng lặp lại. Điều này cho thấy một phần trách nhiệm từ các cơ quan chức năng trong việc giám sát và thực thi pháp luật.
Tại quận Hà Đông, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân quận Hà Đông đã cấp 1.884 giấy phép xây dựng, qua kiểm tra, giám sát 1.474 công trình, phát hiện 16 trường hợp vi phạm, đã cơ bản xử lý 8 trường hợp; 8 trường hợp đang trong quá trình thiết lập hồ sơ để xử lý.
Còn tại quận Cầu Giấy, theo đại diện Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy, khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng là chủ đầu tư lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ hoặc làm đêm để cố tình vi phạm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Biện pháp ngăn chặn áp dụng cho lĩnh vực trật tự xây dựng chưa đạt hiệu quả...
Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và việc thực thi pháp luật còn chưa nghiêm. Một số địa phương thiếu lực lượng chuyên môn, hoặc có tình trạng né tránh trách nhiệm khi xử lý các vụ vi phạm phức tạp. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, cùng với sự thiếu minh bạch trong quản lý, đã tạo điều kiện cho các vi phạm xảy ra. Việc xử phạt chưa nghiêm và chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những lý do khiến tình trạng này kéo dài. Ngoài ra, lợi ích kinh tế lớn từ các công trình trái phép cũng là động lực khiến các chủ đầu tư chấp nhận rủi ro.
Một số giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị
Theo đại diện của Sở Xây dựng, công tác quản lý trật tự xây dựng luôn được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản để giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… Do đó, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nói chung và tình hình xử lý các vụ việc vi phạm nổi cộm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Tỷ lệ các công trình vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian gần đây đã giảm xuống; ý thức chấp hành của người dân dần được nâng cao; diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.
Thời gian tới, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu, Sở Xây dựng, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thống nhất cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp, như kiên quyết xử lý đối với các vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh; không để phát sinh các vi phạm mới như tự ý thiết kế nâng tầng, xây dựng, cải tạo, chuyển đổi công năng không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các điều kiện an toàn về thoát nạn, ngăn cháy; giải quyết dứt điểm việc cơi nới, chiếm dụng lối đi chung, cản trở đường giao thông và lối thoát nạn.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công trình trên địa bàn quản lý, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả và xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện ngay tại cơ sở, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, nổi cộm gây bức xúc dư luận.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trong thời gian tới, Sở Xây dựng đề xuất 9 biện pháp cụ thể. Trong đó, ưu tiên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24-6-2024, Về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, xác định đây là nhiệm vụ có tính thường xuyên, liên tục, lâu dài. Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng cũng rất quan trọng, nhằm tạo nên một môi trường sống văn minh, lành mạnh. Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; tăng cường hoạt động kiểm tra công vụ để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Song song với công tác tuyên truyền, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công trình trên địa bàn, phấn đấu 100% các công trình xây dựng được kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả và xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện ngay tại cơ sở, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, nổi cộm gây bức xúc dư luận. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đô thị không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một đô thị hiện đại và đáng sống. Sự chung tay của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp là yếu tố quyết định để đạt được mục tiêu này.
Cần hoàn thiện khung pháp lý với các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Hà Nội cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật với các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. Hội đồng nhân dân thành phố gần đây đã thông qua nghị quyết áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm, một động thái được đánh giá cao trong việc ngăn chặn sai phạm từ sớm. Tuy nhiên, cần bổ sung các biện pháp giám sát thông minh, như sử dụng công nghệ drone và AI để kiểm tra công trình xây dựng theo thời gian thực, giúp phát hiện và xử lý nhanh các sai phạm.
Đồng thời, cần tăng cường vai trò giám sát từ cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia vào việc phát hiện các hành vi vi phạm. Khi người dân có ý thức hơn về tầm quan trọng của trật tự xây dựng, kết hợp với một hệ thống quản lý minh bạch và quyết liệt, tình trạng này mới có thể được cải thiện.
Quản lý trật tự xây dựng không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Hà Nội cần một lộ trình cụ thể, kết hợp giữa công nghệ hiện đại, pháp luật nghiêm minh và ý thức cộng đồng để giải quyết triệt để bài toán này, hướng tới mục tiêu xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại./.
Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xây dựng đô thị thông minh  (29/11/2024)
Khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa xứ Đoài nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) giàu mạnh, phát triển  (29/11/2024)
Khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa xứ Đoài nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) giàu mạnh, phát triển  (29/11/2024)
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội  (28/11/2024)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý đô thị và trật tự xây dựng  (28/11/2024)
Hà Nội quy hoạch phát triển hài hòa, đồng bộ giữa đô thị và nông thôn  (27/11/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay