Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý và phát triển du lịch
TCCS - Hà Nội là nơi hội tụ và hiện thân của văn hóa Việt Nam với những giá trị đặc sắc. Trong những năm qua, Hà Nội luôn chú trọng và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tiếp tục phát triển du lịch Thủ đô bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở khu vực phía Bắc và cả nước, vừa là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Những kết quả đạt được thời gian qua
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế có mức phục hồi, tăng trưởng thấp, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng cao, vượt các kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế với mức tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2023, tổng thu từ du lịch tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4 - 5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn tăng cả về số lượng, chất lượng.
Đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu trong khu vực và thế giới. Các tổ chức, chuyên gia, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế tiếp tục đề cử, vinh danh Hà Nội tại các giải thương uy tín, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Du lịch Hà Nội tiếp tục được Tổ chức Du lịch thế giới (WTA) đề cử ở 2 hạng mục Asia's Điểm đến kỳ nghỉ ngắn ngày tại thành phố hàng đầu châu Á (Leading City Break Destination 2024) và Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á (Asia's Leading City Destination 2024); nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor vinh danh Hà Nội ở hạng mục Điểm đến hàng đầu thế giới 2024 và Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024.
Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình xúc tiến du lịch cũng được đổi mới, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và du khách. Các sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên, theo chuỗi từ đầu năm đến cuối năm với nhiều hoạt động, nội dung đặc sắc, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ mới, như 3D, Mapping, Drone. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá được chú trọng. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.
Thời gian qua, ngành du lịch Hà Nội đã tích cực tham mưu, đề xuất hoàn thiện một số cơ chế, chính sách trình Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố xem xét, quyết định, như: Báo cáo số 18-BC/BCSĐ, ngày 31-1-2024 của Ban Cán sự đảng thành phố về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”; Thông báo số 146-KL/TU, ngày 11-3-2024, của Ban Thường vụ Thành ủy, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025; Quyết định số 2195/QĐ-UBND, ngày 25-4-2024, của UBND thành phố, về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình, tổ chức, phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 123/KH-UBND, ngày 22-4-2024, của UBND thành phố, về tổ chức lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024… Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động ban hành các văn bản, kế hoạch, báo cáo tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy, UBND thành phố, như: Kế hoạch số 55/KH-SDL, ngày 17-4-2024, về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2024; Báo cáo số 31/BC-SDL, ngày 8-3-2024, về 2 năm kết quả thực hiện Kế hoạch số 73/KHUBND, ngày 4-3-2022, của UBND thành phố Hà Nội, về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo số 65/BC-SDL, ngày 23-4-2024, về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố trong lĩnh vực du lịch…
Sở Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-SDL, ngày 27-3-2024, về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều sản phẩm tour du lịch đêm được các địa phương, khu, điểm du lịch đẩy mạnh hoạt động và thu hút sự tham gia, đánh giá cao của du khách, như: tour du lịch Đêm Thiêng Liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”; tour du lịch đêm tại đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm với chủ đề “Ngọc Sơn - đêm huyền bí”; khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài; tour Tìm về kinh đô người Việt cổ… Các tuyến phố đi bộ tiếp tục thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân và du khách, nhất là dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Thủ đô cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Việc khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch chưa xứng với tiềm năng sẵn có; thiếu sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa; chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Tiến độ một số đề án, dự án phát triển du lịch lớn, trọng điểm triển khai còn chậm, như: Dự án công viên Hoàng Thành Thăng Long, dự án quy hoạch làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc; các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp. Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu sự phối hợp chặt chẽ để tạo thành chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh giữa các vùng, các địa phương, chưa kết nối được với các làng nghề. Hệ thống thông tin quảng cáo chưa được phát huy tác dụng để quảng bá du lịch. Nguyên nhân là do nhận thức, sự quan tâm của một số ngành, chính quyền địa phương và một bộ phận cán bộ, người dân về phát triển du lịch còn chưa đầy đủ. Chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng chung của Thủ đô và các vùng phụ cận chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao. Việc đầu tư các nguồn lực cho phát triển du lịch còn thấp. Việc triển khai hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội với các địa phương trong nước và quốc tế chưa thường xuyên, chưa khai thác được lợi thế mỗi bên để tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến Hà Nội có chất lượng cao, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô cần chú trọng thực hiện một số công việc sau:
Một là, hoàn thành trình UBND thành phố ban hành một số chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, như: Kế hoạch thực hiện Kết luận số 146-KL/TU, ngày 11-3-2024, của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016; ban hành Kế hoạch quảng bá hình ảnh điểm đến và kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024 nhằm hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2024); Chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Việt Nam tôi yêu” và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của thành phố Hà Nội. Tổ chức nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá, điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu khách du lịch, điểm đến và dịch vụ du lịch để đánh giá tác động của ngành du lịch đối với kinh tế - xã hội Thủ đô, phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sát với thực tiễn. Tổ chức các hội nghị, tọa đàm chuyên đề về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, truyền thông, quảng bá, nhân lực... nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia phát triển du lịch.
Hai là, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về du lịch. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính của Sở Du lịch. Xây dựng và trình UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và phương án điều tra tài nguyên du lịch của Hà Nội theo Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành đầy đủ nội dung, xâu chuỗi và tích hợp quy hoạch cụm du lịch trọng điểm, mạng lưới các điểm đến du lịch trọng điểm gắn với không gian quy hoạch chung của Thủ đô trong Quy hoạch thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Xây dựng, triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - đền thờ Chử Đồng Tử.
Ba là, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các phương tiện truyền thông xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”. Tổ chức các chuỗi sự kiện, chương trình hấp dẫn, đặc sắc, quảng bá du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp, như: Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2024 (tháng 8-2024), Festival Áo dài Hà Nội 2024 (tháng 10-2024). Phối hợp các cơ quan, lực lượng chức năng và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công các sự kiện, chương trình hướng đến kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2024). Chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và quốc tế theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Đối với thị trường quốc tế, do tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp có tác động đến du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch Thủ đô, nên ảnh hưởng đến tâm lý khách du lịch ở các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng. Ngành du lịch Thủ đô xác định công tác xúc tiến du lịch năm 2024 tập trung xúc tiến thu hút các thị trường khách quốc tế trọng điểm gần, như: Đông Bắc Á, ASEAN, Ấn Độ và tổ chức xúc tiến tại các thị trường trọng điểm xa nếu đủ điều kiện như: EU, Úc, Mỹ... Chủ động đề xuất, tham mưu với cấp có thẩm quyền tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ quốc tế, như: Hội chợ du lịch WTA tại Anh, Hội chợ du lịch TOPRESA tại Pháp… Phối hợp với các hãng hàng không tổ chức đón các đoàn FAM kết hợp trong các dịp tham gia Hội chợ du lịch quốc tế hoặc các chương trình quảng bá của thành phố.
Đối với thị trường nội địa, triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, ở khu vực phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... nhằm xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách du lịch. Tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên tổ chức CPTA, TPO, Liên minh hợp tác các thành phố du lịch Mê Kông - Lan Thương và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác. Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội.
Bốn là, tiếp tục thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 3600 và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa. Xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nghiên cứu nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội theo hướng có tính ứng dụng cao, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao, như 3D, FLYCAM, Mapping, công nghệ thực tế ảo trong phát triển sản phẩm du lịch.
Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính lĩnh vực du lịch, như: thu thập, thống kê thông tin, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ khách du lịch góp phần xây dựng môi trường du lịch Thủ đô an ninh, an toàn, thân thiện, văn minh. Triển khai kiểm tra, thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên hoạt động du lịch; quản lý chất lượng dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa, bảo đảm an toàn môi trường hoạt động du lịch các sự kiện lớn năm 2024. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội./.
Hà Giang chú trọng khai thác giá trị văn hóa nhằm phát triển du lịch  (23/10/2023)
Ngành du lịch Hà Nội tăng cường cải cách thủ tục hành chính  (16/10/2023)
Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá giữa Thái Lan và các nước Tiểu vùng sông Mekong  (10/10/2023)
Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa - một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của Thủ đô Hà Nội  (22/07/2023)
Thực trạng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay  (14/07/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên