TCCS - Mỗi cộng đồng dân cư, mỗi dân tộc đều luôn mang trong mình bản sắc văn hóa đặc trưng, gắn liền với vùng đất, điều kiện phát triển trong tiến trình khẳng định bản sắc văn hóa của mình. Hành trình văn hóa của các dân tộc, của mỗi cộng đồng dân cư, tổng hòa các tương tác xã hội, văn hóa, lịch sử, năng lực sáng tạo,… luôn có ảnh hưởng lớn đến sự định hình bản sắc văn hóa. Là một tỉnh địa đầu biên giới Đông Bắc của Tổ quốc, trong quá trình lao động, gìn giữ quê hương, Quảng Ninh đã tạo dấu ấn riêng của mình, hình thành một bản sắc văn hóa, vừa chứa đựng bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, lại khó lẫn với các địa phương khác.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm quân và dân huyện đảo Cô Tô_Ảnh: Cổng thông tin huyện Cô Tô

Trong thời đại toàn cầu hóa, toàn cầu hóa về văn hóa trở thành một xu thế không thể đảo ngược, nhất là khi nó được xúc tác bởi sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu khoa học - công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây... Việc nhận diện chính xác, toàn diện bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc của con người Quảng Ninh nói riêng, ngày càng có ý nghĩa và tầm quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập thế giới, chỉ có như thế, người dân Quảng Ninh mới có thể nhận biết mình là ai, từ đâu đến, mới không bị nhạt nhòa bản sắc khi tiếp xúc và giao lưu văn hóa với cộng đồng thế giới. Nhà chính trị nổi tiếng của La Mã cổ đại Xi-xe-rông đã cho rằng: “Lịch sử là người thầy của cuộc sống”. Có thể hiểu là, lịch sử cho chúng ta biết về quá khứ, về cội nguồn và truyền thống văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia/dân tộc trong tiến trình phát triển, định hình bản sắc. Từ đó, hình thành và nuôi dưỡng các thế hệ ngày nay lòng biết ơn tổ tiên, để rồi, mỗi cá nhân, biết trân trọng những gì mình đang có, nhận thức được trách nhiệm của mình trong gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại. Đồng thời, lịch sử giúp cho các thế hệ sau có thể đúc kết những bài học kinh nghiệm (cả thành công và thất bại) để kiến tạo cuộc sống hiện tại và tương lai.

Quảng Ninh ngày nay có trên 6.000 km2 diện tích mặt nước biển. Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo, có trên 2.700 hòn đảo lớn, nhỏ, chiếm hơn 2/3 số đảo của cả nước (2.077/2.779), hơn 40.000ha bãi triều và 20.000ha eo vịnh, trải dài theo đường biển hơn 250km. Đặc biệt, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới; có nhiều bãi biển đẹp như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), Trà Cổ (thành phố Móng Cái) và các vườn quốc gia, khu bảo tồn như Ba Mùn, Bái Tử Long và Cô Tô(1). Xét về vị trí, địa hình, có thể thấy một thế đứng cao, có chiều sâu, điểm tựa vững cho tầm nhìn hướng ra biển của Quảng Ninh, với 132,8km đường biên giới giáp với Trung Quốc ở phía bắc; phía đông giáp vịnh Bắc Bộ; phía tây giáp các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang và Hải Dương; phía nam giáp thành phố Hải Phòng(2). Vị trí địa lý đặc thù đó có ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến tiến trình phát triển của Quảng Ninh mà còn tác động đến sự định hình bản sắc con người Quảng Ninh, văn hóa Quảng Ninh trong suốt chiều dài lịch sử. Ngay từ thế kỷ XV, trong tác phẩm Dư địa chí, Nguyễn Trãi - Nhà chiến lược quân sự - ngoại giao lớn của đất nước - đã khẳng định về tầm quan trọng của Quảng Ninh đối với Đại Việt, khi ông cho Hải Đông là “vùng phên giậu trọng yếu thứ hai của đất nước ở phương Đông”(3). Có thể thấy, vùng đất, biển đảo Đông Bắc đã che chở, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long nói riêng và Việt Nam nói chung trong suốt chiều dài lịch sử. Các sử gia của vương triều Nguyễn cũng đánh giá rất cao tầm quan trọng của tỉnh Quảng Yên - khi khẳng định “Đất nhân thế núi làm thành, chỗ dựa cao mà giữ hiểm, có núi để tựa, có biển vòng quanh địa thế, xa lánh mà xung yếu, trong thì giữ vững cương vực, ngoài thì khống chế đất Thanh. Núi cao có Lôi Âm, sông lớn có Bạch Đằng, 22 cửa biển, hơn 10 đồn ải, hải đảo quanh co, sông bến khuất khúc, cũng là nơi then chốt ở ven biển”(4). Theo quan điểm của GS, TS Nguyễn Văn Kim thì “sau khi giành được quyền lực chính trị trung tâm, phục hưng quốc thống, các triều đại từ Ngô (939 - 967), Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009), Lý (1009 - 1225), Trần (1226  - 1400), Hồ (1400 - 1407), Lê sơ (1428 - 1527), đến Mạc (1527 - 1593), Lê Trung Hưng (1583 - 1788) và vương triều Nguyễn (1802 - 1945),... đều coi trọng và thực thi nhiều chủ trương, chính sách để kiến lập ở miền Đông Bắc một vùng biên cương về chính trị song song với dải biên cương về văn hóa. Các đường biên chính trị, văn hóa đó không chỉ khẳng định cương vực đất nước mà còn tạo dựng cơ sở pháp lý, xây dựng ý thức về sự toàn vẹn, thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc Việt Nam”(5).

Có thể thấy, tài nguyên vị thế có tác động rất lớn đến bản sắc văn hóa và tính cách của con người Quảng Ninh. Khác với các tỉnh biên giới phía Bắc khác, như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu..., Quảng Ninh có chung biên giới cả trên đất liền và trên biển với các tỉnh vùng Đông Nam Trung Quốc. Vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược này vừa là thế mạnh, song cũng là thách thức đối với Quảng Ninh trong lịch sử, là nhân tố mà Quảng Ninh cần phải tính đến, khi xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển của tỉnh, sao cho hạn chế được tối đa sự bất lợi, phát huy cao nhất những thế mạnh và lợi thế của địa phương, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Trong suốt chiều dài lịch sử, cư dân nơi đây luôn phải đối phó với những biến đổi khó lường của môi trường chính trị khu vực nói riêng, quốc tế nói chung. Các đế chế phương Bắc nhiều lần sử dụng đường thủy thực hiện mưu đồ bành trướng xuống phương Nam, vì thế, các đạo quân xâm lược thường đi qua vùng biên giới, biển đảo Đông Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng). Dựa vào địa hình hiểm yếu tự nhiên, các lực lượng trung ương và địa phương, bộ binh và thủy binh đã “xây dựng thế trận nhiều tầng, nhiều lớp để chặn đánh, tiêu hao sinh lực địch, tạo đà cho các trận phản công, quyết chiến chiến lược. Điều kiện, cảnh quan tự nhiên, đời sống xã hội, môi trường chính trị khu vực đó vun bồi nên các đặc trưng văn hóa và thực tế đã góp phần tôi rèn cho cư dân vùng Đông Bắc - Quảng Ninh những phẩm cách, bản sắc văn hóa đặc thù người Đông Bắc - Quảng Ninh kiên cường, bộc trực nhưng cũng giàu bản lĩnh, năng động và tư duy thực tế”(6). Đến những năm đầu thế kỷ XXI, Quảng Ninh là tỉnh có vị trí địa - chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam - Trung Quốc; hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN với Trung Quốc; Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore. Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất của cả nước có 4 thành phố trực thuộc tỉnh. Nhờ có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại hình đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao mà nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước không có được (than đá, cao lanh, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi...). 

Một lợi thế lớn của Quảng Ninh đó là tỉnh có nguồn tài nguyên tự nhiên đặc sắc vào bậc nhất Việt Nam, với vịnh Hạ Long (hai lần được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa  (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; quần thể vịnh Bái Tử Long bao gồm khoảng 600 hòn đảo đất và đảo đá. Có thể khẳng định “những tiềm năng khác biệt này tạo cho quảng Ninh có điều kiện để phát triển du lịch, hướng đến phát triển dịch vụ văn hóa - giải trí”(7). Con người và xã hội Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng (22 dân tộc anh em cùng chung sống), có truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân vùng mỏ với “di sản” tinh thần vô giá “kỷ luật và đồng tâm”. Đây chính là “một điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh xây dựng khối đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”(8).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký với đồng bào các dân tộc tại Lễ gắn biển công trình chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: baoquangninh.vn

Vị trí hiểm yếu của Quảng Ninh trong lịch sử đã được khẳng định. Để giành chiến thắng trước quân xâm lược Nam Hán năm 938, Ngô Quyền đã đánh giá chính xác vị trí chiến lược của vùng đất biên cương này. Theo quan điểm của GS Phan Huy Lê, “trên cơ sở phân tích và đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của ta và của địch, Ngô Quyền bày một thế trận hết sức kiên quyết, chủ động và lợi hại để nhanh chóng phá tan quân giặc”(9). Cũng theo GS Phan Huy Lê thì: “Thủy quân Nam Hán theo đường biển vào nước ta, tiến lên thành Đại La, tất phải qua cửa sông Bạch Đằng. Đây là cửa biển nối liền với con đường biển từ Trung Quốc vào nước ta. Con đường này đi theo ven biển, phía trong là đất liền, phía ngoài là một loạt đảo lớn nhỏ của vịnh Hạ Long và Bái Tử Long ngăn cách với biển cả, tạo thành như một dải nước rất thuận lợi và an toàn cho tàu thuyền đi lại. Vì vậy, trong thư tịch cổ Trung Quốc, nhiều tác giả coi con đường biển này như một con sông và gọi là Đông Kênh. Vào đầu Công nguyên, Mã Viện đã mở thông con đường này, đem 2 vạn quân cùng 2.000 thuyền, xe theo đường ven biển và đường ven bộ đường biển, tiến vào đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nhiều tác giả Trung Quốc đời Tống, Minh, Thanh miêu tả khá cụ thể thủy trình từ Quảng Đông qua cửa biển Bạch Đằng vào kinh thành Thăng Long. Theo họ, con đường ven biển này vừa nhanh, an toàn, có thể đi lại trong mọi thời tiết, vừa có thể kết hợp quân thủy với quân bộ trên bờ”(10). Từ nhận xét của GS Phan Huy Lê, có thể thấy, tầm quan trọng đặc biệt của Quảng Ninh trong lĩnh vực quân sự. Quảng Ninh chính là “lá chắn thép” để bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay trước những kẻ xâm lược. Tâm thế của người dân nơi đây đã được tôi luyện theo thời gian.

Kể từ khi Việt Nam giành lại được độc lập sau chiến thắng năm 938 của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng trước quân Nam Hán, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, Quảng Ninh - một tỉnh biên giới của một nhà nước độc lập, có chủ quyền - có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế, đưa đến sự hưng thịnh của thương cảng Vân Đồn trong những năm sau đó. Theo dòng lịch sử, đến thời Lê Trung Hưng, rồi vương triều Nguyễn, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt là với các tỉnh giáp biên giới phía Bắc Việt Nam, như Vân Nam (Điền), Quảng Tây (Quế) và Quảng Đông (Việt). Cùng với quan hệ buôn bán trên biển, các mối giao lưu kinh tế, văn hóa trên đất liền vẫn tiếp tục được duy trì và có những bước phát triển mới(11). Không chỉ có tầm quan trọng về quân sự, mà nhờ vị thế là vùng đất biên cương, vừa có đường biên giới đất liền và biển, lại giàu tài nguyên, nên vùng đất Đông Bắc - Quảng Ninh có điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại. Điều này đã được Phan Huy Chú khẳng định khi ông viết về phủ Hải Đông vào thế kỷ XIX, theo tác giả của Lịch triều hiến chương loại chí thì vùng đất này phong thổ và nhân vật đông đúc, giàu thịnh, việc buôn bán lưu thông tấp nập, cũng là chỗ phồn hoa ở trấn ngoài, mà cũng là nơi hình thắng của nước Nam(12). Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vùng Đông Bắc nói chung, Quảng Ninh nói riêng luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn của chính quyền trung ương. Đặc biệt, dưới thời vương triều Trần, từ các vùng núi cao đến miền duyên hải, từ miền quê Đông Triều đến những nơi diễn ra các trận quyết chiến với quân thù, ở đâu cũng có thể tìm thấy hay được nghe người dân nhắc đến những di tích lịch sử và văn hóa, thể hiện tài năng của vua tôi nhà Trần, những chiến công hiển hách của các võ tướng tài ba.

Khi khảo cứu về bản sắc văn hóa của Quảng Ninh, phẩm chất và nhân cách của con người Quảng Ninh, một số nhà nghiên cứu đánh giá cao sự tác động của vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược của vùng đất biên cương trọng yếu này(13). Theo quan điểm của GS, TS  Nguyễn Văn Kim, kết quả nghiên cứu khảo cổ học, sử học và nhân học,... nhiều thập niên qua đã cho thấy mối quan hệ rộng lớn, tính chất chuyên nghiệp, truyền thống văn hóa kinh doanh, tư duy năng động có phần nổi trội của các thế hệ cư dân vùng Đông Bắc - Quảng Ninh(14). Nhờ thường xuyên tiếp xúc hay phải đối phó với mưu đồ bành trướng của phương Bắc (thông qua các hoạt động kinh tế, giao lưu văn hóa, kháng chiến, nên người Quảng Ninh nói riêng, vùng Đông Bắc nói chung hiểu rõ tâm tính, đặc trưng văn hóa của cư dân bên kia đường biên giới của Tổ quốc, để từ đó có cách ứng xử phù hợp, có lợi nhất cho cộng đồng và cho quê hương. Do đặc thù của một không gian chính trị - văn hóa vùng biên, vùng Đông Bắc - Quảng Ninh luôn là nơi tôi rèn chí khí, bản lĩnh, tài năng, nhân cách của các bậc anh kiệt(15). Sự hiện diện của đền thờ Trần Quốc Nghiễn ở Cửa Lục, đền thờ Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông (Cửa Suốt) và những chiến công của Phó tướng Trần Khánh Dư (với sự tham gia, phối hợp của các lực lượng trên bộ, trên biển) trong việc diệt trừ đoàn quân lương của Trương Văn Hổ năm 1288,... là những minh chứng tiêu biểu về điều đó.

Quảng Ninh cũng là một địa phương giàu có về tài nguyên văn hóa. Đây vừa là vốn quý để Quảng Ninh phát triển xanh và bền vững, song nó cũng phản ánh những đặc sắc của văn hóa Quảng Ninh, tiêu biểu là 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được xếp hạng, đó là lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái); lễ hội truyền thống đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn); Hát nhà tơ (thành phố Móng Cái); Hát Then (huyện Bình Liêu); lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên và lễ hội đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả).

Khi đề cập đến quá trình hình thành, định diện bản sắc văn hóa Quảng Ninh, GS, TS Nguyễn Văn Kim nhận định: Vương triều Lý có vai trò nổi bật, tiêu biểu là vua Lý Anh Tông (cầm quyền: 1138 - 1175). Tầm nhìn của vua Lý Anh Tông thể hiện ở chỗ đã khai mở thương cảng quốc tế Vân Đồn năm 1149. Đây chính là quyết định lịch sử thể hiện bản lĩnh văn hóa, chính trị của một triều đại(16). Việc nhà Lý mở trang Vân Đồn, thành lập một thương cảng quốc tế, biến nơi đây thành một đầu mối trung tâm kinh tế đối ngoại của quốc gia Đại Việt trước một đế chế Tống hùng mạnh. Vua Lý Anh Tông đã hai lần đi tuần du vùng biển đảo Đông Bắc (điều tra, khảo sát vào năm 1171 và 1172). Nhà vua đã cho vẽ bản đồ vùng biển đảo, xem xét hình thế núi sông, tình hình đường sá vùng đất trọng yếu này. Chính nhờ tầm nhìn xa, trông rộng, quyết sách này, mà Quảng Ninh có điều kiện để phát triển thương mại biển từ rất sớm, tạo nên bản sắc văn hóa biển rất riêng của cư dân nơi đây. Bản sắc văn hóa này dần được định hình cùng sự phát triển của thương cảng quốc tế Vân Đồn, nhất là khi Vân Đồn trở thành một mắt xích của mạng lưới thương mại của khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung. Vì vậy, “có thể khẳng định, trong lịch sử Việt Nam, Lý Anh Tông là người có ý thức sớm và rất mạnh mẽ, sâu sắc về chủ quyền biển đảo. Đức vua là người đầu tiên đề ra các quyết sách, chủ trương quan trọng về phát triển kinh tế biển, đồng thời là người triển khai trên thực tế công cuộc khai thác, xác lập không gian sinh tồn, khẳng định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền trên biển của đất nước ta”(17).

Khi đề cập đến “đặc tính phát triển văn hóa” của vùng Đông Bắc - Quảng Ninh, GS, TS Nguyễn Văn Kim có nhận xét rằng, vùng đất này “sớm thể hiện rõ tư duy hướng biển, tính chất biển, tầm nhìn khu vực và quốc tế của các triều đại quân chủ và cư dân”(18). Nhờ vậy, thương cảng quốc tế Vân Đồn là điểm đến, trung tâm chuyển giao kinh tế của các thương nhân Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Tây Nam Á và đến các thế kỷ XVII, XVIII, có thêm sự hiện diện của Công ty Đông Ấn Anh, Công ty Đông Ấn Hà Lan, Công ty Đông Ấn Pháp... “Trong lịch sử, vùng Đông Bắc - Quảng Ninh luôn là một trong những địa bàn tiếp giao và hơn thế là không gian đối thoại, đối diện đồng thời cũng là nơi diễn ra những chà sát văn hóa lớn với các thế lực chính trị, đế chế khu vực”(19). Sau ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thắng lợi, vua Trần Dụ Tông (cầm quyền 1341 - 1369) đã cho nâng tầm hành chính của Vân Đồn, từ trang thành trấn (1349), đồng thời cho đặt Quan trấn, Quan lộ, Sát hải sứ và Bình hải quân để trông coi, trấn giữ vùng biên giới, hải đảo(20).

Một trong những tài nguyên văn hóa độc đáo của Quảng Ninh chính là khu di tích Phật giáo đậm bản sắc Việt Nam. Nhà Trần sau khi dựa vào Phật giáo để kháng chiến, với tầm nhìn xa, trông rộng đã tiếp tục mở rộng, lan tỏa và củng cố Phật giáo trong đời sống tâm linh của cư dân Đại Việt. Những người anh hùng của ba cuộc kháng chiến đã cho lập một trung tâm Phật giáo lớn ở vùng núi cao Yên Tử để thể hiện hào khí của dân tộc, kết tụ xã hội và xoa dịu nỗi đau chiến tranh của người dân, đồng thời mở ra một kênh đối thoại và giao lưu văn hóa với các quốc gia trong khu vực(21).

Con người, nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định là nguồn lực và động lực cho sự phát triển của Quảng Ninh, cũng có nhiều tố chất, phẩm chất nổi bật. Quảng Ninh là nơi hội tụ (về) của cả giới tinh hoa và cả những người quả cảm đến đây xông pha mở cõi; cả những anh hùng trận mạc rời chiến bào lại tìm về một cõi tâm linh; đồng bào các dân tộc bám trụ nơi rừng núi, hải đảo hàng ngàn năm và cả những lớp người đến theo luồng thương mại, mà Quảng Ninh là vùng đất đi đầu; những cộng đồng dân tộc giàu bản sắc truyền thống, là chủ nhân của nhiều sản vật và những thế hệ công nhân, nhất là công nhân mỏ với tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”. Hào sảng và trầm tĩnh, cởi mở và sâu sắc, thẳng thắn và tinh tế, quyết đoán và cẩn trọng, năng động và văn hóa,... dường như đều là những phẩm chất rõ nhận biết về con người Quảng Ninh.

Vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược có ảnh hưởng rất lớn đến sự định hình của bản sắc văn hóa con người Quảng Ninh xưa và nay. Có thể nhận thấy, đặc trưng văn hóa biển, tính chất đại dương hiện hữu rất sâu đậm trong truyền thống văn hóa của con người Quảng Ninh, cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhờ vai trò của thương cảng quốc tế Vân Đồn xưa và các cảng biển hiện nay, Quảng Ninh trở thành nơi giao tiếp, sinh sống của nhiều tộc người, nhiều dòng văn hóa. Sự giao thoa và tiếp biến văn hóa tạo nên sự đặc sắc, khác biệt của con người và truyền thống văn hóa Quảng Ninh. Có bốn đặc trưng tiêu biểu của con người, truyền thống văn hóa rất riêng của Quảng Ninh. Đó là: (i) Chất hào hiệp, hào sảng, chất biển sâu đậm trong máu thịt, tính cách người Quảng Ninh; (ii) Chất khoan dung, năng động và sáng tạo trong văn hóa Quảng Ninh; (iii) Chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong lối sống phẩm chất của các thế hệ công nhân vùng mỏ; (iv) Chất trí tuệ, giàu năng lực, phân tích và tư duy thực tiễn, giàu khát vọng vươn lên trong văn hóa chính trị Quảng Ninh hiện đại(22).

Diện mạo thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hôm nay_Nguồn: baoquangninh.vn 

Trong một thế giới mà ranh giới “mềm” giữa các quốc gia ngày càng mờ, lại đặt trong bối cảnh tác động đa chiều, phức tạp của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thiết lập một trật tự thế giới mới hậu Chiến tranh lạnh..., văn hóa lại càng cần được coi trọng, bởi lẽ “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa là cái phân biệt mình với người khác, dân tộc mình với dân tộc khác. Tinh thần của bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 “Dân tộc, Đại chúng, Khoa học” vẫn còn nguyên giá trị. Bởi lẽ, văn hóa không thể chỉ vị nghệ thuật mà còn phải vị nhân sinh, hòa cùng vào hơi thở, nhịp sống của mỗi người dân Quảng Ninh, góp phần xứng đáng vào khẳng định vị thế của Quảng Ninh, phải làm Quảng Ninh thịnh vượng hơn, người dân nơi đây được hạnh phúc hơn, tự hào về nơi mình gắn bó và hăng say lao động, sẵn sàng hiến dâng máu xương, nếu cần, để bảo vệ. Kể từ năm 1986 đến nay, cùng với đất nước, Quảng Ninh “ngày càng thay da, đổi thịt”, song càng phát triển về kinh tế, ngày càng thêm thịnh vượng thì người dân Quảng Ninh lại cần nhận thức chính xác và đầy đủ, toàn diện về vai trò của văn hóa, mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa, chính trị và xã hội, cần gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái (nhất là sinh thái biển - gắn với du lịch biển nói riêng, kinh tế biển nói chung - một thế mạnh của Quảng Ninh so với các tỉnh thành khác). Trong thời đại ngày nay, văn hóa không chỉ có vai trò định hướng cho sự phát triển của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung, mà nó còn là nguồn lực để kiến tạo nền kinh tế tri thức, là điểm tựa vững chắc để bảo vệ bản sắc con người Việt Nam trong tiến trình hội nhập thế giới, là cái để nhận diện Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, là “sức mạnh mềm” trong tổng thể sức mạnh quốc gia/dân tộc./.

------------------------------

(1) Xem: Phát triển kinh tế biển đảo - bước tiến đột phá của Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, ngày 26-9-2010, https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=44705
(2) Xem: “Vị trí địa lý tỉnh Quảng Ninh”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, https://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietBVGioiThieu.aspx?bvid=457
(3) Nguyễn Trãi, Dư địa chí (trong Nguyễn Trãi toàn tập tận biên), Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2001, tr. 465
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, 1997, t. 4, tr. 13
(5), (6) Nguyễn Văn Kim, Việt Nam tiềm năng và vị thế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2021, tr. 64, 64
(7), (8) PGS. TS Đào Tuấn Thành (Chủ biên), Khánh Hòa hội nhập quốc tế, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2022, tr. 66, 66

(9) Phan Huy Lê, Lịch sử và văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr. 213
(10) Xem: Phan Huy Lê, Lịch sử và văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận, Sđd, tr. 214
(11) Xem: Phạm Đức Dương, Châu Thị Hải (Chủ biên), Bước đầu tìm hiểu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt - Hoa trong lịch sử, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1998, tr. 11 - 49
(12) Xem: Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 161
(13) Xem: Nguyễn Văn Kim, Việt Nam tiềm năng và vị thế, Sđd; Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970
(14), (15), (16), (20) Xem: Nguyễn Văn Kim, Việt Nam tiềm năng và vị thế, Sđd, tr. 66, 66, 75, 76
(17), (18), (19), (22) Nguyễn Văn Kim, Việt Nam tiềm năng và vị thế, Sđd, tr. 75 - 76, 75, 75, 79
(21) Xem: Nguyễn Văn Kim, Việt Nam trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế, NXB. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2019, tr. 82 - 83