Thành phố thông minh và những vấn đề đặt ra đối với Hà Nội trong xây dựng thành phố thông minh
TCCS - Trong những năm gần đây, xu hướng xây dựng thành phố thông minh ngày càng phổ biến trong khu vực và trên thế giới. Hòa nhập vào xu thế chung đó, Hà Nội đang hướng tới xây dựng Thủ đô thành thành phố thông minh, hiện đại, ngang tầm với các thủ đô, thành phố thông minh trên thế giới.
Xu thế phát triển thành phố thông minh trên thế giới
Hiện nay, chưa có một sự thống nhất về khái niệm thành phố thông minh, dù việc phát triển các thành phố thông minh đã và đang diễn ra trên khắp thế giới.
Khái niệm thành phố thông minh bắt đầu được sử dụng từ những năm 1960 và 1970 khi Văn phòng Phân tích Cộng đồng Mỹ sử dụng cơ sở dữ liệu, chụp ảnh từ trên không và phân tích cụm để thu thập dữ liệu và phát hành báo cáo về định hướng nguồn lực, phát triển các dịch vụ, giảm nhẹ thiên tai và giảm nghèo (1).
Thành phố thông minh tiếp tục được nhắc đến vào những năm 1990, khi vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông liên quan đến kết cấu hạ tầng hiện đại trong thành phố được cho là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình xây dựng đô thị thông minh. Tính đến nay, có rất nhiều định nghĩa về “thành phố thông minh” được đưa ra, như “thành phố thông minh” (Smart City/Intelligent City), đôi khi còn được đề cập đến bằng các cụm từ: “thành phố tri thức” (Knowledge City), “thành phố kết nối” (Wired City), “thành phố thông tin phổ biến” (Ubiquitous City), “thành phố bền vững” (Sustainable City), “thành phố kỹ thuật số” (Digital City), “thành phố hiện đại” (Modern City), “thành phố hòa nhập” (Inclusive City), “thành phố học tập” (Learning City)… Dù tên gọi khác nhau nhưng có thể thấy, yếu tố tiên quyết của việc xây dựng thành phố thông minh là bảo đảm công nghệ và kết nối internet. Nói cách khác, công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất của chiến lược phát triển thành phố thông minh. Từ góc độ phát triển bền vững, công nghệ giúp giảm tải tình trạng ô nhiễm môi trường, ít tiêu thụ và sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, tài nguyên hơn, thông minh hơn trong lưu thông… Do đó, thành phố thông minh có thể hiểu là sự cân bằng thông minh giữa nền tảng công nghệ và mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện điều kiện sống đô thị. Theo nghĩa chung, thành phố thông minh là thành phố sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp, nâng cao chất lượng và hiệu suất của các dịch vụ đô thị, giải quyết các vấn đề của thành phố, như năng lượng, giao thông và các tiện ích nhằm giảm lãng phí và tiêu thụ tài nguyên cũng như chi phí tổng thể. Qua đó, bảo đảm, nâng cao chất lượng sống cho người dân thông qua công nghệ thông minh, góp phần phát triển bền vững, hiệu quả của thành phố.
Tựu trung, khái niệm thành phố thông minh được định nghĩa là đô thị áp dụng công nghệ cao trong quản lý, có sự liên kết giữa các hệ thống thông tin với nhau, đồng bộ trong quy hoạch kết cấu hạ tầng và hệ thống quản lý, tập trung tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng cũng đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo mọi điều kiện để người dân được học tập và phát huy khả năng sáng tạo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Như vậy, có thể thấy, mục tiêu dài hạn của xây dựng thành phố thông minh là phát triển bền vững, trong đó bảo đảm những lợi ích như: 1- Bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Quá trình đầu tư vào thành phố thông minh sẽ thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia (các doanh nghiệp khởi nghiệp, trường đại học, trung tâm cạnh tranh…). Trên cơ sở đó, tạo việc làm và các động lực nghề nghiệp mới cho xã hội; 2- Tiết kiệm nguồn tài chính cho chính quyền. Thành phố thông minh cho phép chính quyền địa phương tiết kiệm ngân sách quản lý và vận hành; 3- Bảo đảm lợi ích cho người dân. Người dân sẽ thụ hưởng những thành quả do phát triển thành phố thông minh mang lại, như bảo đảm về y tế, môi trường sống, giáo dục… Ba trụ cột này đều nhằm phát triển bền vững.
Hiện nay, chưa có sự thống nhất trong việc đưa ra tiêu chí xác định thành phố thông minh. Đánh giá mức độ tiệm cận đến mô hình đô thị thông minh của các thành phố châu Âu, các nghiên cứu về đô thị thông minh thường đưa ra 6 nhóm trụ cột/đặc điểm chính của một đô thị thông minh, bao gồm:
Thứ nhất, quản trị thông minh. Đó là sự tham gia của chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả và tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính. Đặc điểm quản trị thông minh được đánh giá dựa trên các tiêu chí về sự tham gia của người dân trong quá trình quản lý đô thị, các dịch vụ tiện ích và hoạt động hành chính.
Một đô thị có quản trị thông minh là đô thị mà cư dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến vào các hoạt động quản lý nhằm giúp đô thị vận hành hiệu quả hơn. Để đạt được mục tiêu trên, công nghệ thông tin và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị thông minh
Thứ hai, nền kinh tế thông minh. Đặc điểm nền kinh tế thông minh xét đến những yếu tố thể hiện tính cạnh tranh, như: Đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, năng suất và tính linh hoạt của thị trường lao động cũng như sự hội nhập trong thị trường nội địa và quốc tế.
Thứ ba, giao thông thông minh hướng đến mục tiêu xanh, sạch, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải. Hệ thống giao thông thông minh trong đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển thông thường mà còn cung cấp thông tin về giao thông cho người dân thông qua các ứng dụng, nâng cấp hệ thống giao thông sẵn có trở nên hiện đại và mang tính bền vững hơn, trong đó người dân có thể thay đổi dễ dàng giữa các cách di chuyển sao cho tiết kiệm thời gian và chi phí nhất. Để thực hiện được điều này, hệ thống giao thông thông minh phải cung cấp nguồn dữ liệu thông tin dựa trên thời gian thực tế của các phương tiện để người dân có thể truy cập vào hệ thống này và lựa chọn phương tiện di chuyển hiệu quả hơn. Do đó, hệ thống này mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và chính phủ.
Thứ tư, môi trường thông minh. Môi trường thông minh được đánh giá dựa trên tiêu chí điều kiện môi trường sống, diện tích mảng xanh, vấn đề ô nhiễm và tính hiệu quả của các biện pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm. Tương tự như các đặc điểm của đô thị thông minh, một đô thị có đặc điểm môi trường thông minh là đô thị áp dụng công nghệ cao trong quản lý môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Cũng có quan điểm cho rằng, đô thị thông minh phải sử dụng “năng lượng thông minh” (Smart Energy) bao gồm các nguồn năng lượng có thể tái sử dụng, phải áp dụng hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông trong các mạng lưới truyền tải năng lượng (Energy Grids) khi đo lường, giám sát và kiểm soát ô nhiễm. Công nghệ thông tin và truyền thông được áp dụng để tạo ra các “tòa nhà xanh”, các “quy hoạch đô thị xanh”.
Thứ năm, người dân thông minh. Đó là tiêu chí dựa vào tỷ lệ dân số có trình độ giáo dục phổ thông, kỹ năng ngoại ngữ, tham gia vào học tập trọn đời, thành thạo kỹ năng vi tính, tỷ lệ bằng sáng chế ứng dụng trên mỗi người dân. Trụ cột về người dân thông minh không chỉ đơn thuần dựa trên trình độ học thức của cư dân đô thị, mà còn đánh giá trên mức độ tương tác với cộng đồng của mỗi cá nhân và sự liên kết giữa người và người trong xã hội. Thành phố có đặc điểm người dân thông minh là đô thị mà các cá nhân ở đó có cơ hội được học tập suốt đời, chính quyền phải tìm cách làm tăng khả năng hội nhập xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, tạo cơ hội và động lực nâng cao tinh thần sáng tạo của người dân, đồng thời, người dân được bảo đảm có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu mở mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, người dân thông minh là những cá nhân có các kỹ năng về giao tiếp điện tử và có thể làm việc trong môi trường áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Thứ sáu, cuộc sống thông minh, bao gồm các điều kiện để bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân. Cuộc sống thông minh phải lành mạnh và an toàn với nhà ở chất lượng cao, người dân có vốn xã hội biểu hiện qua mức độ gắn kết xã hội cao. Ở đô thị có cuộc sống thông minh, các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được quản lý một cách “thông minh”, môi trường đô thị bền vững cần được tạo ra với các kế hoạch “thông minh” cho đường sá, không gian công cộng, cơ sở vật chất. Quan trọng hơn hết, các kế hoạch phát triển và quản lý đô thị cần hướng tới một mục tiêu chung là cải tiến và đánh giá được các mặt về chất lượng sống cư dân đô thị.
Sáu trụ cột trên thường được áp dụng trong việc đánh giá một đô thị thông minh theo thông lệ quốc tế; mặt khác, chúng cũng chính là mục tiêu phát triển của đô thị. Sáu trụ cột trên thường được xây dựng dựa trên ba nền tảng quan trọng: Công nghệ, thể chế và con người. Trong đó, công nghệ bao gồm: kết cấu hạ tầng, công nghệ thông minh, công nghệ di động, công nghệ ảo, mạng kỹ thuật số; con người bao gồm: Nguồn nhân lực và vốn xã hội; thể chế bao gồm: Quản trị, chính sách và các quy định. Ba nền tảng này đóng vai trò như phương tiện, công cụ giúp đạt được sáu mục tiêu là sáu trụ cột của đô thị thông minh (1).
Mục tiêu chính của thành phố thông minh là tối ưu hóa các chức năng của thành phố và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân bằng cách sử dụng các công nghệ thông minh và phân tích dữ liệu.
Sự thông minh của một thành phố được xác định bằng cách sử dụng một loạt đặc điểm, bao gồm: Kết cấu hạ tầng dựa trên công nghệ thông tin và truyền thống; sáng kiến về môi trường; giao thông công cộng hiệu quả; mọi người dân có thể sống và làm việc trong thành phố, sử dụng các nguồn lực của thành phố. Tóm lại, thành phố thông minh sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tạo dựng, triển khai và thúc đẩy các hoạt động phát triển nhằm giải quyết các thách thức đô thị và tạo ra một kết cấu hạ tầng bền vững.
Trong nhiều thập niên qua, tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số ngày càng là một vấn đề mà các nước phải đối mặt. Dự đoán đến năm 2050, 66% dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố. Với tình trạng gia tăng đô thị hóa và dân số nhanh chóng, sự phát triển bền vững trở thành thách thức đối với các thành phố, từ vấn đề môi trường, giao thông, nhà ở, cho đến bảo đảm nguồn cung năng lượng. Để ứng phó với các thách thức về quản trị đô thị đương đại, cải thiện môi trường, bảo đảm tính bền vững, tăng cường lợi thế cạnh tranh, yêu cầu đặt ra đối các thành phố trên thế giới hiện nay là phải đổi mới và phát triển thành thành phố thông minh.
Phát triển đô thị thông minh ở Hà Nội: Những vấn đề đặt ra hiện nay
Phát triển đô thị thông minh, hướng đến tăng trưởng xanh ở Việt Nam là bước đi cần thiết để bắt nhịp với xu thế chung của quốc tế. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đô thị thông minh, như Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1-8-2018, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Đối với Hà Nội, đây là định hướng để Thủ đô có kế hoạch, lộ trình cụ thể phát triển đô thị thông minh. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định, đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo định hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Ngày 21-11-2022, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018 - 2020), hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, như nền tảng kết cấu hạ tầng, các cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, các hệ thống thông minh trong những lĩnh vực thiết yếu: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, môi trường và an ninh, trật tự. Giai đoạn 2 (2020 - 2025), hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (sau năm 2025), phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.
Trong thời gian qua, Hà Nội nỗ lực từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại, xứng tầm là Thủ đô có vị thế trong khu vực và thế giới. Diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác xây dựng quy hoạch quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn kỷ cương xã hội được tăng cường, nếp sống, văn minh đô thị có chuyển biến tương đối tích cực. Mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp đang tiếp tục được cụ thể hóa.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng đứng trước nhiều rào cản trong xây dựng đô thị thông minh. Đó là: 1- Diện tích sau khi mở rộng địa giới hành chính lên tới hơn 3.300 km2 và tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học nhanh chóng khiến Hà Nội đối mặt với nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường… Vì thế, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội hiện nay là bảo đảm sự phát triển bền vững, tạo ra một đô thị xanh, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và những biến đổi của môi trường, khí hậu. Hệ thống giao thông Hà Nội như một mạng lưới ken đặc các phương tiện giao thông, đang khiến Hà Nội trở nên chật chội, “khó thở”. Đây là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ trước yêu cầu phát triển bền vững; 2- Theo đánh giá của chuyên gia, hiện nay việc xây dựng và phát triển các đô thị vệ tinh vẫn chưa thực sự rõ ràng, đồng bộ, chưa có nhiều sức hút đối với người dân, khiến dân số nội đô vẫn ngày càng tăng. Trên thực tế, phần lớn các dự án hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng các căn hộ thông minh đơn lẻ. Còn đối với một thành phố thông minh thì việc kiểm soát, vận hành và ứng dụng công nghệ phải được tiến hành trên toàn bộ không gian của khu đô thị đó. Do vậy, vấn đề quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện, bối cảnh tình hình để từ đó có lộ trình cụ thể, phát triển đúng hướng, tạo ra sự đồng bộ trong phát triển đô thị.
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện lộ trình xây dựng thành phố thông minh đã được đặt ra, Hà Nội đã và đang triển khai các giải pháp:
Thứ nhất, phát triển công nghệ. Một trong những bước đột phá của Hà Nội là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị, trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tạo ra phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch, tiết kiệm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển công nghệ chính là yếu tố then chốt để vận hành thành phố thông minh. Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP theo Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Hà Nội đề ra mục tiêu trong những năm tới, ngành công nghệ thông tin phải đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP (2).
Thứ hai, xây dựng chính quyền điện tử. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về chính quyền điện tử. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, ngày 6-9-2021, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, xây dựng theo Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 với mục tiêu “đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử Hà Nội, đưa thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển chính quyền điện tử, tạo tiền đề phát triển chính quyền số, thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực”.
Thứ ba, triển khai xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh với các ứng dụng tiên tiến. Hà Nội đã thông qua nhiều chủ trương quan trọng với các giải pháp mang tính chiến lược nhằm giải quyết những vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn nạn nhức nhối hiện nay. Hà Nội đang triển khai xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh với các ứng dụng tiên tiến, như: Hệ thống giám sát, điều hành giao thông sử dụng camera giám sát, trung tâm điều khiển giao thông, hệ thống radio để thu thập thông tin, điều hành giao thông và cung cấp thông tin cho người sử dụng; thành lập Trung tâm quản lý đường cao tốc Hà Nội quản lý an toàn giao thông, xử lý tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa với các công nghệ hiện đại phân loại phương tiện giao thông tự động, hệ thống camera giám sát, cân tự động, bảng thông báo điện tử…
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, sự hiểu biết, năng lực sáng tạo và hành vi ứng xử văn minh trong điều kiện sống ở đô thị, đủ trình độ, kỹ năng để vận hành những thiết bị hiện đại. Thành phố đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ. Từ việc tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý có tư duy công nghệ, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin, cho tới việc kết nối với mạng lưới các nhà khoa học, trí thức trẻ để tập hợp trí tuệ xây dựng thành phố thông minh...
Với quyết tâm chính trị cao, Hà Nội đang nỗ lực đi tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh. Tầm nhìn thông minh, bước đi, lộ trình thông minh, nền tảng thông minh sẽ tạo ra một không gian sống xanh, thông minh, hiện đại, nhân văn, mang bản sắc Thủ đô nghìn năm văn hiến, trong đó người dân tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh và là người thụ hưởng và gìn giữ những thành quả, giá trị lợi ích đó./.
------------------
(1) TWI: “What is the Smart City? - Definition and Examples (Tạm dịch: Thành phố thông minh là gì? - Định nghĩa và những ví dụ), https://www.twi-global.com/technical-knowledge/faqs/what-is-a-smart-city
(2) Trọng Đạt: “Siêu kế hoạch để Hà Nội phát triển đột phá bằng công nghệ”, tuần báo Vietnamnet, ngày 7-6-2020, https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/sieu-ke-hoach-de-ha-noi-phat-trien-dot-pha-bang-cong-nghe-646929.html
Chiến thắng trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bài học về công tác dự báo chiến lược để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa  (15/12/2022)
Tỉnh Vĩnh Long phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể  (10/12/2022)
Đối ngoại quốc phòng của Thủ đô Hà Nội trong tình hình mới  (08/12/2022)
Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội - Thực tiễn và kinh nghiệm  (05/12/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên