Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội
TCCS - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Xuyên chủ trương phát triển nông thôn hiện đại, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, gắn xây dựng nông thôn mới với việc nâng cao đời sống nhân dân. Trước những thách thức trong giai đoạn mới, huyện Phú Xuyên cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới năm 2025 có trên 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chú trọng phát triển nông nghiệp - nông thôn hiện đại, nâng cao đời sống nông dân
Sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Xuyên được tập trung chỉ đạo, thực hiện, trở thành phong trào rộng khắp trên toàn huyện, được nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện huy động được 2.562 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó, nguồn lực ngân sách nhà nước là 2.191 tỷ đồng, nguồn lực ngoài ngân sách là 371 tỷ đồng, chiếm 14,5%. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn thay đổi rõ rệt, khang trang, hiện đại hơn. Huyện đã đầu tư làm mới, cải tạo, nâng cấp đường trục xã, liên xã, gồm: 55,6km đường trục thôn, liên thôn; 159,5km đường ngõ, xóm; cứng hóa 577,3km trục chính nội đồng. Đến nay, 100% tuyến đường huyện, đường trục xã, đường liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện, đường trục thôn, xóm, đường liên thôn, đường trục chính nội đồng đều đạt chuẩn, bảo đảm phương tiện giao thông đi lại thuận tiện, phục vụ tốt đời sống, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhân dân. Về thủy lợi, huyện tiến hành đầu tư nâng cấp, cải tạo 10 trạm bơm; đầu tư kiên cố hóa hơn 20km kênh mương cấp 3. Hệ thống lưới điện nông thôn được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng đủ nhu cầu về điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Hệ thống cơ sở vật chất trường học được đầu tư, đáp ứng yêu cầu dạy học và hoạt động của nhà trường. Huyện tiến hành xây mới và nâng cấp, cải tạo 28 nhà văn hóa thôn, cải tạo 8 chợ nông thôn, bảo đảm nhu cầu giao thương của nhân dân. 100% số xã, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính và có dịch vụ viễn thông, Internet phục vụ nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh từ 4,98% năm 2015 xuống còn 0,77%.
Trong quá trình thực hiện, huyện Phú Xuyên lựa chọn 2 nội dung đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Một là, xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước nông thôn mới thay cho quy ước làng văn hóa; hai là, thực hiện Đề án cơ giới hóa nông nghiệp. Nhờ đó, nền sản xuất nông nghiệp của huyện bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao và cơ giới hóa. Từ năm 2012 đến nay, huyện Phú xuyên tập trung thực hiện dồn đổi ruộng và Đề án mạ khay cấy máy, tạo luồng sinh khí mới cho sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, như: Chăn nuôi ở xã Quang Lãng, Hồng Thái; rau an toàn Minh Tân, Khai Thái; thủy sản ở Tri Trung, Chuyên Mỹ, Phú Túc; vùng trồng lúa chất lượng cao ở các xã Phượng Dực, Đại Thắng, Tri Trung, Hoàng Long, Nam Phong, Hồng Minh, Văn Hoàng, Châu Can... Toàn huyện có 95 trang trại đạt tiêu chí nông thôn mới, với tổng giá trị sản lượng hàng hóa đạt 141 tỷ 822 triệu đồng. Nhiều mô hình mới được áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng măng tây xanh, rau trái vụ; rau cần an toàn, dưa leo, bí xanh an toàn, bưởi Diễn, cam Canh... Giá trị sản xuất đạt từ 200 - 230 triệu đồng/ha, có mô hình đạt 400 - 500 triệu đồng/ha.
Huyện tiếp tục duy trì, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống và du nhập thêm một số nghề mới, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm làng nghề có thương hiệu trên thị trường như giầy da Phú Yên, may mặc Vân Từ, sơn - khảm Chuyên Mỹ, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân, cơ kim khí Đại Thắng,… được giới thiệu, tiêu thụ ở các quận nội thành Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Một số bất cập và định hướng phát triển trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển nông nghiệp của huyện Phú Xuyên chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ. Sự liên kết giữa các hộ, cơ sở sản xuất chưa thật sự chặt chẽ; chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường chưa cao. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tác động của ô nhiễm nguồn nước, của tập quán và tư duy sản xuất quy mô nhỏ, manh mún dẫn đến khó khăn trong việc gom dồn đổi ruộng để xây dựng mô hình sản xuất tập trung. Xu hướng bỏ ruộng không gieo cấy, gây lãng phí đất sản xuất tại một số xã có chiều hướng gia tăng, song chưa có biện pháp giải quyết triệt để…
Dự báo trong 5 năm tới, huyện Phú Xuyên đối mặt với nhiều thách thức. Phát triển công nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn do địa bàn giáp ranh vùng trọng điểm công nghiệp của tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, giá thuê đất sản xuất kinh doanh cao dẫn đến khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu, thiếu đồng bộ. Hiệu quả sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế do chưa có sản phẩm đặc trưng. Công tác xây dựng hạ tầng và phát triển cụm công nghiệp làng nghề chưa được đẩy mạnh do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Xuyên khóa XXIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Xuyên lần thứ XXV xác định, giai đoạn 2021-2025, huyện Phú Xuyên sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có trên 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, khâu đột phá là tập trung phát triển, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo bước đột phá cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch làng nghề, coi đây là nền tảng của tăng trưởng kinh tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực. Phấn đấu 10% số làng nghề được công nhận là điểm đến du lịch; có một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề đặc trưng, có thương hiệu trên thị trường.
Thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả theo quy hoạch. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăn nuôi hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hai là, quan tâm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn - đô thị, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn - đô thị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác quản lý và sử dụng tài nguyên; nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát công trình xây dựng; tăng cường bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên (S1, S2, S3); quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường trọng điểm (đường quốc lộ 1A, đường trục phía Nam Cienco5, đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường tỉnh lộ 428, 429…); các đồ án điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch; quy hoạch ngành, lĩnh vực… Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, công khai các quy hoạch để tổ chức, công dân tiếp cận, giám sát việc thực hiện.
Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm cho các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nếu để xảy ra vi phạm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm. Phối hợp với các nhà đầu tư trong công tác xử lý rác thải, tiếp tục đầu tư các điểm thu gom rác thải theo quy hoạch.
Ba là, xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Huy động, khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó chú trọng sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Vận động, huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, nguồn đóng góp của nhân dân, trong đó xác định nguồn lực xã hội hóa là nguồn lực chính, nguồn lực nhà nước là nguồn hỗ trợ.
Bốn là, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân và lao động khu vực nông thôn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ. Thường xuyên quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống văn minh và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở khu vực nông thôn./.
Chuyển biến nếp sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Xuyên (thành phố Hà Nội)  (29/09/2021)
Hà Nội đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững  (27/09/2021)
Một số kinh nghiệm bước đầu của Hà Nội trong phòng, chống dịch COVID-19  (26/09/2021)
Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19  (23/09/2021)
Thành phố Hà Nội: Thúc đẩy các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa  (23/09/2021)
Hà Nội áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến  (22/09/2021)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên