Khơi dậy và phát huy hệ giá trị nhân văn con người Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Mai Anh
Tạp chí Cộng sản
23:31, ngày 13-12-2021

TCCS -  Nhân văn là một giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Truyền thống lịch sử dân tộc cho thấy, nhân văn là sợi dây kết nối các giá trị, thế hệ khác nhau, là một trong những cội nguồn sức mạnh Việt Nam. Bản chất nhân văn Việt Nam nổi bật ở lòng nhân ái; tình yêu quê hương, đất nước; tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm; khát vọng vươn lên vì hạnh phúc của nhân dân, phồn vinh của đất nước...

Chủ nghĩa nhân văn (humanism) được coi là tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị của con người như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp. Chủ nghĩa nhân văn bao hàm cách nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt trong các quan hệ với tự nhiên, xã hội và nhân loại.

Có nhiều quan niệm về nhân văn trên thế giới nhưng cơ bản tập trung vào con người, vị thế con người trong xã hội, đóng góp của con người cho xã hội, tức là đề cập đến những giá trị tốt đẹp của từng cá nhân con người, trong đó bao gồm cả trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội.

ATM gạo miễn phí cho người dân Hà Nội gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội_Nguồn: kinhtedothi.vn

Trong quan niệm phương Đông, nhân văn bắt nguồn từ chữ “nhân” là người, “văn” là văn hóa, văn minh; giá trị nhân văn được hiểu là những giá trị văn hóa, văn minh của con người. Giá trị văn hóa thường được hiểu là bản sắc riêng, tinh hoa, bản lĩnh văn hóa của mỗi dân tộc. Việt Nam có một nền văn hiến lâu đời và lòng nhân ái, tình yêu cái đẹp, ý thức trọng đạo đức đã trở thành truyền thống nổi bật của dân tộc. Giá trị văn minh mang tính tiến bộ, thời đại, đó là tiến bộ về nhận thức, hành vi, là tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ với những thành quả rất cụ thể phục vụ đời sống con người, cải thiện, nâng cao chất lượng sống con người, là thước đo đánh giá mức độ phát triển của từng quốc gia.

Nhân văn chính là biểu hiện bản chất con người, luôn hướng đích đến sự hoàn thiện, hướng đến chân - thiện - mĩ. Giá trị nhân văn vừa là những giá trị mang yếu tố tinh thần, có sức lan tỏa mạnh mẽ, vừa góp phần tạo ra những giá trị vật chất cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Giá trị nhân văn là một trong những nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời cống hiến cho nhân dân, cho dân tộc của Người chính là biểu hiện sinh động và cụ thể nhất của chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực, cách mạng, được hình thành và phát triển trên cơ sở các giá trị nhân văn truyền thống dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bao hàm các giá trị cao đẹp nhất mà con người hướng tới, đồng thời gắn với khát vọng độc lập, tự do, khát vọng làm chủ, khát vọng mưu cầu hạnh phúc. Nguồn cội của tinh thần nhân văn cao cả đó là tình yêu thương vô hạn đối với con người, với nhân loại...

Giá trị nhân văn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ hệ tư tưởng, môi trường chính trị, bối cảnh xã hội từng thời kỳ. Hiện nay, cần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nhận thức về một xã hội nhân văn với những khát vọng phát triển trong bối cảnh mới hiện nay cần được nhìn nhận ở nhiều phương diện.

Về phương diện lý tưởng, xã hội nhân văn là ở đó con người được tự do, hạnh phúc, được phát triển với những điều kiện tốt nhất; là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; các giá trị nhân văn được quan tâm, chú trọng, đề cao, được thẩm thấu trong từng quan điểm, chính sách phát triển, được khích lệ phát huy tối đa trong từng cá nhân.

Chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cứu nạn người dân trong mưa lũ_Nguồn: zing.vn

Về phương diện văn hóa, xã hội nhân văn là trình độ phát triển cao của văn hóa. Đó là bản chất tốt đẹp của con người bộc lộ qua lối sống hằng ngày - lấy gìn giữ những giá trị truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp… làm nền tảng cho sự phát triển; qua các mối quan hệ xã hội - lấy ứng xử hài hòa của con người với con người, với tự nhiên,… làm mục tiêu phát triển.

Về phương diện xã hội, xã hội nhân văn là xã hội mà ở đó các quan hệ xã hội đều được coi trọng, đề cao với những chuẩn mực văn hóa, văn minh trong ứng xử; là xã hội luôn hướng đến đáp ứng nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân, được thể hiện từ trong những chủ trương, đường lối phát triển đến hệ thống luật pháp, môi trường xã hội…

Mục tiêu xây dựng một xã hội nhân văn được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(1). Các yếu tố cấu thành cơ bản của xã hội nhân văn là: Thứ nhất, toàn thể nhân dân đều có đời sống vật chất sung túc và đời sống tinh thần phong phú; sức mạnh tổng hợp của quốc gia không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, đối ngoại,… Thứ hai, do nhân dân làm chủ, mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển; phát triển kinh tế luôn gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thứ ba, “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Lực lượng sản xuất hiện đại ngày nay chính là khoa học - công nghệ, hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại với tính tự động hóa cao, người lao động có học vấn, có năng lực chuyên môn, tay nghề cao, có lý tưởng, tâm huyết, sẵn sàng cống hiến vì hạnh phúc nhân dân, phồn vinh đất nước... Quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp thể hiện ở cả ba mặt: tổ chức, quản lý và phân phối. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(2)Thứ tư, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới…

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, “chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn,.... Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai,... Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”(3).

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”(4).

Chủ trương khơi dậy và phát huy hệ giá trị nhân văn, lấy các giá trị văn hóa, phát triển con người toàn diện làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng nước ta. Tuy nhiên, mỗi thời kỳ, nhiệm vụ này lại có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, để khơi dậy giá trị nhân văn Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, xu thế tất yếu là sự giao thoa, tiếp biến giữa các nền văn hóa giúp bồi đắp, làm giàu thêm giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, nhưng cũng có thể làm xói mòn, thậm chí biến mất những giá trị văn hóa tốt đẹp nếu không bảo tồn, không có ý thức lưu giữ và phát triển. Chính vì vậy, cần coi trọng việc gìn giữ bản sắc văn hóa và nhân văn Việt Nam, lưu giữ và phát huy các giá trị, phẩm chất nhân văn truyền thống; phát triển con người Việt Nam toàn diện trong thời kỳ mới. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”(5).

Hai là, phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân. Giá trị nhân văn trong chính trị được biểu hiện trước hết và tập trung ở Hiến pháp. Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”(6). Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng”(7). Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao dân chủ trên cơ sở đề cao, thượng tôn pháp luật, coi đây là nền tảng quan trọng xây dựng xã hội công bằng, nhân văn.

Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang tích cực giúp nông dân thu hoạch vải thiều, khắc phục khó khăn do dịch bệnh_Nguồn: baobacgiang.com.vn

Ba là, đưa văn hóa, nhân văn thấm sâu vào hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào các mối quan hệ phối hợp công tác, đời sống xã hội, là nền tảng vững bền cho sự phát triển. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các giá trị nhân văn ở đây được thể hiện qua nhận thức, tư duy đổi mới hoạt động của từng cơ quan, tổ chức; qua việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân cán bộ, đảng viên; qua khả năng, mức độ áp dụng các phương pháp tổ chức, lãnh đạo, quản lý tiên tiến, hiện đại, phù hợp.

Bốn là, phát triển kinh tế gắn với giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội. Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường được Đảng ta xác định là một mối quan hệ lớn cần tập trung nắm vững và xử lý tốt. “Sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”(8). Điều đó thể hiện tính ưu việt và đầy nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Trong bối cảnh nền kinh tế số, kinh tế tri thức hiện nay, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ, lấy ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trở thành những nhân tố quan trọng để xây dựng một xã hội nhân văn.

Năm là, để khơi dậy các giá trị nhân văn tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, mỗi cá nhân cần thấm nhuần và không ngừng tự trau dồi các giá trị nhân văn để hoàn thiện bản thân. Mỗi người sống, làm việc với tinh thần nhân văn thì môi trường nhân văn được hình thành, cộng đồng nhân văn được thiết lập và các giá trị nhân văn sẽ không ngừng được bồi đắp, trở thành một nguồn lực và động lực cho sự phát triển của đất nước./.

-------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70
(2), (4), (5), (7)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128 - 129, 215 - 216, 143, 181
(3), (6), (8)Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 16-5-2021