Vai trò, trách nhiệm của báo chí với quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch COVID-19
TCCS - Đại dịch COVID-19 là một trong những cuộc khủng hoảng y tế nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại của loài người, làm đảo lộn cuộc sống của hàng tỷ người và lấy đi tính mạng của hàng triệu người trên thế giới. Từ góc độ truyền thông, đại dịch COVID-19 cũng dẫn đến cuộc khủng hoảng thông tin, nhất là trong môi trường truyền thông xã hội hiện nay. Thông tin thiếu kiểm chứng, giả, sai lệch về dịch bệnh lan tràn, gây hoang mang và làm suy giảm niềm tin của người dân vào các thiết chế xã hội. Chính trong bối cảnh đó, báo chí càng cần khẳng định và làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Khủng hoảng thông tin trong đại dịch COVID-19
Ngày 15-2-2020, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, khoảng 3 tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: “Chúng ta không chỉ chiến đấu với một đại dịch; chúng ta còn phải chiến đấu với một nạn dịch thông tin. Tin giả lan nhanh hơn và dễ dàng hơn loại virus này và không kém phần nguy hiểm”[1]. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu đã kéo theo một cuộc khủng hoảng thông tin mà theo định danh của WHO là “nạn dịch thông tin” (infodemic)[2].
Các cuộc khủng hoảng thông tin luôn có thể bùng phát bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, bởi thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 phát tán với tốc độ chóng mặt trong thời gian qua, nhất là trên không gian mạng và khi các chính sách quản lý và biện pháp kiểm soát chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Khủng hoảng thông tin trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới, cản trở việc thực thi các chính sách phòng, chống dịch, đồng thời gây xói mòn niềm tin của công chúng vào các thiết chế, như y tế, báo chí… Tin giả trên các phương tiện truyền thông xã hội lan truyền nỗi sợ hãi, gieo rắc sự hoang mang như “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến khủng hoảng thông tin bùng phát. Nạn dịch thông tin đôi khi mang đến hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả chính dịch bệnh, ảnh hưởng đến hàng triệu người và khiến “việc kiểm soát và phong tỏa các cuộc khủng hoảng y tế công cộng khó khăn hơn”[3].
Đại dịch COVID-19 gây ra những nỗi sợ hãi về nguy cơ lây nhiễm và tử vong. Một nghiên cứu chỉ ra, “nỗi lo sợ làm tê liệt năng lực tư duy và đánh giá lý tính, khiến mọi người tin vào những thông tin cực đoan, thông tin sai lệch và sai sự thật hơn là những dữ kiện khách quan”[4]. Nỗi sợ hãi này được lan truyền và nhân rộng không chỉ bởi các phương tiện truyền thông xã hội, mà còn bởi cả nhiều tờ báo chính thống của các nước. “Truyền thông dựa trên nỗi sợ hãi” vẫn là một trong những phương thức thu hút sự chú ý của công chúng và hậu quả là, các cuộc khủng hoảng xã hội nảy sinh do sự bùng phát của dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn do nỗi sợ hãi dịch bệnh.
Những thông tin sai lệch, phản khoa học, vô căn cứ và không được kiểm chứng lan truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng làm hỗn loạn môi trường truyền thông, gây ra tâm trạng hoang mang, hoảng sợ trong xã hội. Đến lượt nó, tâm trạng hoang mang này lại kích động những hành vi cực đoan, như phân biệt đối xử, thù địch, bạo hành người gốc châu Á [5]; đốt cột phát sóng 5G [6] hay bài trừ vaccine… WHO mô tả thực trạng này như “đại dịch thứ hai” đi liền với đại dịch COVID-19. Theo WHO, nạn dịch thông tin là tình trạng quá tải và hỗn độn thông tin, khiến công chúng khó hoặc không thể phân biệt được thông tin thật, giả.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters năm 2020 cho thấy, khoảng 1/3 số người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội ở Argentina, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ nhận được những thông tin sai lệch hoặc cố tình lừa dối về dịch bệnh. Nhìn chung, người dân có trình độ học vấn thấp ít tiếp cận thông tin từ các cơ quan báo chí mà chủ yếu tiếp cận thông tin về dịch bệnh thông qua các mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin. Đặc biệt, giới trẻ phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội và thông tin từ các nhóm trên ứng dụng thoại Internet (OTT) [7]…
Nạn dịch thông tin gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng trên nhiều phương diện. Quy mô, liều lượng, tốc độ của thông tin, đặc biệt là thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội vượt quá khả năng xử lý của con người. Công chúng đứng trước ma trận thông tin mà ngay cả những người có trình độ cũng có thể bị đánh lừa. Tính chất đa dạng, đa chiều, phức tạp của thông tin trên không gian mạng tạo cơ hội và môi trường cho các thông tin sai lệch, phản khoa học tiếp tục sinh sôi.
Khi hiểu biết khoa học về virus corona và đại dịch COVID-19 còn chưa đầy đủ, thậm chí còn khác nhau, ngay cả trong giới khoa học, thì ranh giới giữa thông tin thật và thông tin giả càng trở nên mong manh. Các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, WhatsApp… bị đối tượng xấu sử dụng để tung tin đồn thất thiệt, lan truyền thông tin sai lệch, phản khoa học có thể dẫn đến xu hướng hình thành các nhóm có quan điểm cực đoan trên không gian mạng, như các nhóm bài trừ vaccine…
Nếu không được ngăn chặn và kiểm soát kịp thời, nạn dịch thông tin có thể làm suy yếu, xói mòn niềm tin của công chúng vào các thiết chế như y tế, báo chí và chính quyền. Tình trạng suy giảm niềm tin trên gắn liền với 4 xu hướng có mối liên hệ với nhau: Sự bất đồng ngày càng gia tăng về dữ kiện và việc diễn giải dữ kiện, dữ liệu; sự xóa nhòa ranh giới giữa ý kiến và sự thật; sự gia tăng mức độ và ảnh hưởng của trải nghiệm cá nhân; sự suy giảm niềm tin vào báo chí [8]. Ở các quốc gia có nền báo chí tư nhân, các xu hướng này càng rõ nét do các cơ quan báo chí theo đuổi tôn chỉ và lợi ích khác nhau, bị chi phối bởi các thế lực kinh tế và chính trị.
Vai trò, trách nhiệm của báo chí trong quản trị khủng hoảng thông tin
Mặc dù gây ra những thách thức không nhỏ nhưng khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí. Báo chí cần và phải là lực lượng chủ lực trong quản trị thông tin, trước hết thông qua việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan về tình hình dịch bệnh. Vai trò chủ lực của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể… trong cuộc chiến chống COVID-19 thể hiện trên các phương diện: Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các giải pháp của Chính phủ; điều hòa dư luận và thúc đẩy đồng thuận xã hội như một nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch và tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Thứ nhất, báo chí cung cấp thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, cùng với hệ thống y tế, quân đội và công an, báo chí luôn có mặt ở tuyến đầu chống dịch. Thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến phức tạp từng ngày, từng giờ của dịch bệnh giúp công chúng nắm bắt tình hình đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng. Báo chí cũng chuyển tải thông tin về các giải pháp của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo ra sự thống nhất nhận thức và hành động từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, báo chí có vai trò quan trọng trong việc phản ánh đời sống dân sinh, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của nhân dân đến các cấp có thẩm quyền. Đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực và cá nhân trong xã hội. Những người dân yếu thế là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và cần được bảo vệ nhất để bảo đảm an sinh xã hội. Khi giúp người dân cất lên tiếng nói của mình, báo chí góp phần quan trọng vào việc nâng cao trách nhiệm giải trình của các chính quyền địa phương, dân chủ hóa đời sống xã hội và nuôi dưỡng niềm tin của người dân vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các biện pháp của Chính phủ.
Ở mức độ cao hơn, báo chí cần thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội với các giải pháp phòng, chống dịch. Không phải là chuyên gia y tế, nhà khoa học và có thể không có kiến thức chuyên môn sâu về dịch bệnh, nhưng nhà báo có thể trở thành cầu nối, tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, chuyên gia hiến kế, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch. Vượt lên mức độ phản ánh, báo chí hướng tới trở thành báo chí phân tích và tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để chung sức trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thông tin báo chí về dịch bệnh COVID-19 còn nặng về phản ánh, thiếu thông tin có chiều sâu hay mang tính phản biện cao. Bên cạnh đó, cần xác định rõ việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội không đồng nghĩa với việc báo chí chỉ thiên phản ánh những thông tin tiêu cực hay khoét sâu một chiều vào những hạn chế, thiếu sót của công tác phòng, chống dịch. Báo chí cần phản ánh khách quan, chân thực, chỉ ra hạn chế trong công tác phòng, chống dịch phải gắn liền với phân tích nguyên nhân và gợi mở hướng giải quyết; đồng thời coi trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt, nhân lên những điển hình, lan tỏa những nhân tố tích cực, tạo sự bình ổn tâm trạng xã hội và niềm tin vào chiến thắng đại dịch.
Thứ hai, báo chí có vai trò quan trọng trong việc điều hòa dư luận và thúc đẩy đồng thuận xã hội, tạo động lực cho công tác phòng, chống dịch. Là dịch bệnh có quy mô và diễn biến phức tạp chưa từng có, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi cá nhân trong xã hội. Mỗi làn sóng dịch bùng phát đều gây nên tâm trạng hoang mang, lo lắng của người dân, tạo nên trạng thái căng thẳng tâm lý xã hội. Trong bối cảnh đó, báo chí cần thông tin chính xác và với liều lượng, tần suất hợp lý, vào thời điểm phù hợp. “Cần tập trung làm tốt hơn công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch trong tình hình mới, biểu dương, khích lệ, động viên, khen thưởng các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch, các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực”[9]. Thực tiễn của đợt bùng phát dịch thứ tư cho thấy, khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng ở các tỉnh, thành phố phía Nam và một loạt địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, thì dư luận xã hội diễn biến vô cùng phức tạp. Hàng loạt vấn đề lớn, tình huống mới và khó xuất hiện, gia tăng sức ép đối với hệ thống chính trị, y tế và an sinh xã hội. Chính trong bối cảnh này, báo chí cần thể hiện và khẳng định vai trò chủ đạo của mình trong việc điều hòa tâm lý, tâm trạng xã hội và kêu gọi tinh thần, ý chí đoàn kết, sẻ chia trong phòng, chống dịch.
Mặt khác, báo chí góp phần nuôi dưỡng, tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị. Niềm tin và sự đồng thuận của người dân có vai trò quyết định tới thành công của công tác phòng, chống đại dịch.
Giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của báo chí trong quản trị khủng hoảng thông tin
Trong bài viết nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội”[10].
Để bảo đảm vai trò chủ lực của báo chí trong quản trị khủng hoảng thông tin, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, cần khẳng định và đề cao tính khuynh hướng của báo chí. Tính khuynh hướng thể hiện ở việc báo chí cung cấp thông tin gì, trên lập trường nào, vì mục đích gì và vì lợi ích của ai. Trong bài nói tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam, ngày 16-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo... phải có lập trường chính trị vững chắc”[11]. Khi xác định rõ tính khuynh hướng, mỗi cơ quan báo chí cần thông tin, tuyên truyền vì nhiệm vụ chung phòng, chống dịch, tránh những thông tin gây bất lợi cho nhiệm vụ quan trọng trên.
Thứ hai, báo chí cần gia tăng hàm lượng khoa học trong thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh. Những thông tin báo chí đưa ra không chỉ chân thực, khách quan, mà còn cần có cơ sở khoa học chắc chắn giúp công chúng báo chí có nhận thức đúng đắn, chính xác về dịch bệnh. Khi thông tin khoa học về dịch bệnh được phổ biến rộng rãi thì những thông tin sai lệch, phản khoa học sẽ bị đẩy lùi. Nhà báo cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn trọng để bảo đảm bài viết chính xác, tin cậy, tránh những thông tin thiếu cơ sở khoa học, gây hoang mang dư luận, tạo nên những khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Thứ ba, báo chí cần nêu cao trách nhiệm xã hội của mình, thể hiện trước hết ở việc đưa tin, bài có trách nhiệm, tránh hiện tượng “trục lợi thông tin”, lợi dụng bối cảnh đại dịch, sự lo lắng của người dân để thông tin thiếu chính xác, giật gân, câu khách, thông tin gây chia rẽ, bất đồng thuận... vì các mục đích khác nhau. Càng trong các bối cảnh phức tạp của đại dịch, vai trò định hướng nhận thức và hướng dẫn hành động của báo chí càng trở nên quan trọng.
Thứ tư, cần tăng cường tổng kết lý luận về báo chí trong kỷ nguyên số và sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, tạo cơ sở để có những định hướng, chính sách phát triển và quản lý báo chí phù hợp. Các mô hình quản lý báo chí truyền thống có thể không còn phù hợp với các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội, do chủ thể, đối tượng và nội dung của dạng thức truyền thông này biến đổi rất nhanh chóng, đa dạng, liên kết vô hướng…, do đó cần cách thức quản lý vừa bảo đảm các nguyên tắc hoạt động của báo chí, nhưng cũng vừa hết sức linh hoạt; đồng thời đề cao sự tương tác, đề cao vai trò phản hồi (feedback) của công chúng báo chí. Khi năng lực tiếp cận, phân tích, đánh giá truyền thông được nâng lên, công chúng sẽ có khả năng đề kháng, miễn nhiễm trước tin giả, thông tin sai lệch./.
---------------------------
[1] https://www.who.int/director-general/speeches/detail/munich-security-conference
[2] “Nạn dịch thông tin” là một thuật ngữ mới, kết hợp giữa hai thành phần “thông tin” (information) và “dịch bệnh” (epidemic) để phản ánh trạng thái trong đó một vài dữ kiện kết hợp với nỗi sợ hãi, hoang mang và tin đồn được kích hoạt bởi công nghệ thông tin hiện đại. Thuật ngữ này được nhà nghiên cứu chính trị David J. Rothkopf sử dụng lần đầu tiên trong bài viết “Khi dư luận bật lại” (When the buzz bites back) đăng trên báo Washington Post, ngày 11-5-2003.
[3]https://www.washingtonpost.com/archive/opinions/2003/05/11/when-the-buzz-bites-back/bc8cd84f-cab6-4648-bf58-0277261af6cd
[4] Seoyong Kim, Sunhee Kim: The Crisis of Public Health and Infodemic: Analyzing Belief Structure of Fake News about COVID-19 Pandemic, Sustainability, https://doi.org/10.3390/su12239904, 2020
[5]https://tuoitre.vn/nan-nhan-goc-a-ho-doi-xu-voi-toi-nhu-suc-vat-20210323100019886.htm
[6]https://nhandan.vn/thong-tin-so/cot-song-5g-o-anh-bi-dot-vi-niem-tin-mu-quang-vao-tin-gia-454464
[7] Rasmus Kleis Nielsen, Richard Fletcher, Nic Newman, J. Scott Brennen, Philip N. Howard: "Navigating the "Infodemic"": How People in Six Countries Access and Rate News and Information about Coronavirus", Reuters Institute for the Study of Journalism, 2020
[8] Jennifer Kavanagh, Michael D. Rich: Truth Decay: An Initial Exploration of the Diminishing Role of Facts and Analysis in American Public Life", https://www.rand.org/pubs/research_reports/RR2314.html, 2018
[9] Tổng Bí thư chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt về phòng, chống dịch COVID-19, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 24-8-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/823943/tong-bi-thu-chu-tri-hop-lanh-dao-chu-chot-ve-phong%2C-chong-dich-covid-19.aspx
[10] https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/phat-huy-hon-nua-vai-tro-cua-bao-chi-trong-su-nghiep-doi-moi-xay-dung-va-bao-ve-dat-nuoc-235567
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 166
Tính phản biện xã hội của báo chí hiện nay  (15/07/2021)
Yêu cầu đặt ra với báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số  (10/03/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên