Hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta hiện nay
TCCS - Là quốc gia đa tộc người, Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng với 14 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa chưa thật sự hiệu quả, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng còn một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc hoàn thiện thể chế và các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể là rất cần thiết hiện nay, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong quá trình xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới.
Khái quát hệ thống pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể
So với các hệ thống pháp luật ở lĩnh vực khác hay hệ thống pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ở các quốc gia khác thì hệ thống pháp luật của nước ta về di sản văn hóa phi vật thể ra đời muộn hơn. Tuy nhiên, vì ra đời sau nên hệ thống luật, văn bản dưới luật về di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta có thể khắc phục những hạn chế trong lịch sử, cũng như có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc xây dựng hệ thống luật pháp về di sản văn hóa phi vật thể hoàn thiện hơn, phù hợp với đặc trưng riêng của xã hội Việt Nam.
Lịch sử phát triển của pháp luật Việt Nam về di sản văn hóa có thể chia làm 3 giai đoạn chính: trước năm 1986, từ năm 1986 đến năm 1999, từ năm 2000 đến nay. Ở giai đoạn đầu tiên, năm 1945 là mốc quan trọng đánh dấu cho sự xuất hiện các quy định liên quan đến di sản văn hóa trong hệ thống văn bản pháp luật. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 65/SL, ngày 23-11-1945, “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” gồm 6 điều, thể hiện tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam mới với chính thể dân chủ cộng hòa đối với việc bảo tồn “cổ tích” (ngày nay, khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể); khẳng định việc bảo tồn “cổ tích” là công việc rất quan trọng và cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam; nêu cao trách nhiệm của Chính phủ, xã hội và mỗi người dân trong việc bảo tồn “cổ tích”. Văn bản này quy định rõ những hành vi vi phạm liên quan đến các loại hình của di sản văn hóa. Đây là cơ sở cho việc hình thành chủ trương, đường lối ở giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1986, do các biến động về mặt chính trị tại Việt Nam mà những quy định, pháp luật liên quan không có nhiều thay đổi. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, nghị quyết các kỳ đại hội Đảng và các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1986 đến 1999 đã thể hiện chủ trương và quyết tâm của Đảng trong bảo vệ các di sản và giá trị văn hóa.
Từ năm 2000 đến nay, chủ trương này của Đảng tiếp tục được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật, mốc quan trọng là việc ban hành Luật Di sản văn hóa năm 2001. Giai đoạn này, pháp luật về di sản văn hóa đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở nước ta. Đây là bước tiến quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Các quyết định, nghị quyết, thông tư về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ngày một hoàn thiện hơn. Mặc dù vậy, các quy định đã có trong Luật Di sản văn hóa và văn bản dưới luật ở nước ta về di sản văn hóa phi vật thể còn chưa đầy đủ. Nhìn chung, những quy định cụ thể được ban hành ngày càng khẳng định quyết tâm của Nhà nước ta trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể.
Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật, tạo dựng được khung pháp lý cơ bản, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Hệ thống này gồm Luật Di sản văn hóa (năm 2001), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (năm 2009) và các văn bản dưới luật. Luật Di sản văn hóa năm 2001 gồm 7 chương, 74 điều. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa sửa đổi 20 điều (ngoài ra còn bổ sung mới 5 khoản trong Điều 4, Điều 33, và Điều 36). Các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã có quy định điều chỉnh hành vi của con người giúp nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Luật xác định rõ các hành vi bị cấm trong lĩnh vực văn hóa cũng như đối với các di sản văn hóa phi vật thể và cơ chế khuyến khích cho các cá nhân, tập thể có đóng góp trong công tác truyền dạy, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Việc luật hóa các quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam phù hợp với Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã thúc đẩy việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong nước.
Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa tại Việt Nam hiện nay phù hợp với các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia. Việt Nam là một trong số quốc gia sớm phê chuẩn Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Việt Nam cũng là thành viên của Ủy ban liên chính phủ tham gia xây dựng phương hướng hoạt động và các chính sách quốc tế có liên quan đến công ước này. Cùng với việc tham gia công ước là sự bảo đảm các quy định của công ước nói trên phải được luật hóa vào pháp luật của các quốc gia thành viên. Ngay cả khi UNESCO chưa thông qua Công ước về di sản văn hóa phi vật thể thì tại Điều 4, Luật Di sản văn hóa năm 2001 đã xác định, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác. Sau đó, khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể được định nghĩa lại theo hướng súc tích và trọng tâm hơn nhằm bảo đảm các tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam phù hợp với quốc tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật đã nêu cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng trên phương châm phối hợp hoạt động giữa các bên liên quan, thể hiện sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, mang lại hiệu quả cho việc bảo vệ di sản. Sau khi được pháp luật công nhận, số lượng các di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được nhận diện tăng lên đáng kể. Các hoạt động văn hóa xoay quanh các lễ hội truyền thống, nghi lễ và các hoạt động văn hóa của di sản văn hóa phi vật thể được phát triển mạnh mẽ góp phần nâng cao giá trị văn hóa trong đời sống, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể
Về cơ bản, nước ta đã xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể khá đồng bộ, song thực tế vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh, bổ sung để việc thực thi pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này cần quán triệt các quan điểm và tuân theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
Thứ hai, bảo đảm tính kế thừa trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Đối với những ưu điểm, thành quả cần giữ vững và tiếp tục phát huy, kế thừa những văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, khoa học đã điều chỉnh được mối quan hệ hiện tại về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Từ thực tiễn triển khai rút kinh nghiệm nhằm sửa chữa những quy định chưa phù hợp, những điểm bất cập chưa đồng bộ, loại bỏ những quy định lạc hậu, kế thừa và bổ sung những nội dung phù hợp, tiến bộ, có tính khả thi và tính khoa học.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể trên nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp với Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo hướng đổi mới, tiến bộ, tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ năm, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Việc thực thi hệ thống pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có hiệu quả phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của các bên liên quan gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, nhà nghiên cứu, cộng đồng sở hữu di sản và người dân. Sự đồng lòng, chung sức của các bên sẽ giúp việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tốt nhất.
Trên cơ sở rà soát hệ thống văn bản pháp luật đã có về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cũng như dựa trên quan điểm và nguyên tắc trong hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, có một số vấn đề còn tồn tại cần chỉnh sửa, bổ sung như sau:
Một là, cần làm rõ hơn tiêu chí xác định các di sản văn hóa phi vật thể.
Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa năm 2009 xác định: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Tiêu chí “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần... không ngừng được tái tạo” thể hiện rõ đặc điểm của di sản văn hóa phi vật thể là di sản “sống”, gắn liền với đời sống của cộng đồng, hiện hữu không chỉ ở quá khứ mà cả trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, hiểu thế nào cho đúng nghĩa của “tái tạo”, giới hạn của sự tái tạo ấy đến đâu là điều cần được xác định cụ thể trong luật. Các di sản cần được chuyển giao qua bao nhiêu thế hệ thì sẽ được coi là phù hợp với tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù trong thực tế đây là việc không dễ dàng bởi việc xác định số thế hệ được chuyển giao các giá trị văn hóa về cơ bản dựa trên kí ức của cộng đồng, của những người lưu giữ và truyền tải di sản nên việc xác định thế hệ chuyển tiếp chỉ có tính chất tương đối.
Hai là, bổ sung các quy định về việc rút tên di sản văn hóa phi vật thể ra khỏi Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể để thực thi các trường hợp đối tượng không còn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cơ bản của một di sản văn hóa phi vật thể trong quá trình phát triển. Rút tên di sản văn hóa phi vật thể khi không còn đủ các điều kiện là điều cần thiết và phù hợp với sự phát triển của các loại hình di sản văn hóa. Khi một giá trị văn hóa đã không còn phù hợp với sự phát triển của cộng đồng, không được cộng đồng lưu truyền và không thể tồn tại trong đời sống văn hóa của cộng đồng thì cần phải được rút ra khỏi Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể.
Ba là, cần sử dụng đúng một số thuật ngữ trong các văn bản pháp luật (tránh nhầm lẫn hoặc sử dụng các từ ngữ mang tính đa nghĩa không phù hợp với tinh thần của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO).
Bốn là, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật, sửa đổi phù hợp để tạo thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cần phải làm rõ các khái niệm “lên đồng”, “hầu đồng” phân biệt với “thực hành tín ngưỡng thờ mẫu” làm căn cứ rõ ràng cho việc quy định hành vi vi phạm trong khoản 2a, Điều 18, Mục 3 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010, của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”; ở mức độ cụ thể như thế nào là vi phạm. Tránh trường hợp lợi dụng “thực hành tín ngưỡng thờ mẫu” để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật.
Cần làm rõ cụm từ “phục hồi hủ tục trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam” được quy định trong khoản 3, Điều 18, Mục 3 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010, về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”. Cần phải làm rõ thế nào là các hủ tục, phân biệt các hủ tục với các lời văn, lời khấn và một số hoạt động, hình thức biểu hiện của di sản văn hóa phi vật thể ở một số nhóm cộng đồng. Việc phục dựng một số lễ hội, như Lễ hội Gầu tào của người Mông, nghề chạm khắc bạc của người Mông, Lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ Pút tồng của người Dao đỏ ở Sa Pa, Lễ hội Roóng poọc của người Giáy ở Sa Pa... để bảo vệ và phát triển di sản văn hóa phi vật thể cần được tiến hành một cách khoa học, hợp lý, trên tinh thần tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong sáng tạo văn hóa. Việc áp dụng các chuẩn mới của đời sống văn hóa với nghi lễ mang nhiều giá trị tinh thần cần bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng đa dạng văn hóa của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Năm là, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến sở hữu di sản văn hóa phi vật thể cho phù hợp với nội dung sở hữu trong Luật Sở hữu trí tuệ. Bổ sung các quy định chi tiết về việc phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, như quy định về phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quản lý nhà nước và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Sáu là, làm rõ các quy định về chế độ đãi ngộ với nghệ nhân và các hoạt động tác nghiệp liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể để điều chỉnh quan hệ các bên liên quan tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”, bằng chứng nhận “tôn vinh nghệ nhân”, công nhận và sắc phong tại các một số cơ sở thờ tự/di tích là tài liệu quý hiếm cần có căn cứ pháp lý. Các văn bản quy phạm pháp luật cần quy định rõ các danh hiệu và quy định các hình thức xử lý vi phạm trong phong tặng danh hiệu đối với các tổ chức và cá nhân. Cần có quy định về cơ chế, chính sách tạo môi trường và động lực để nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền bá những giá trị văn hóa phi vật thể tới cộng đồng và xã hội./.
- Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Tỉnh Bình Định tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Kết quả, thành tựu thực hiện công bằng về lĩnh vực xã hội trong gần 40 năm đổi mới đất nước và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng