Đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0
TCCS - Đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nghề cần được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng tăng trưởng và phát triển bền vững. Tự chủ, chuẩn hóa và doanh nghiệp là ba khâu tạo ra đột phá cho giáo dục nghề nghiệp.
Một số kinh nghiệm quốc tế
Tại các quốc gia phát triển, đào tạo nghề rất được chú trọng, được xem là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như tạo dựng nền tảng cho giới trẻ phát triển sự nghiệp, ổn định cuộc sống ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Tại nhiều quốc gia, học sinh được phân luồng từ rất sớm và được hỗ trợ chọn nghề và lộ trình học nghề phù hợp.
Xin-ga-po là quốc gia trong khu vực thành công với chính sách phát triển nhân lực nghề. Tại Xin-ga-po, có đến 65% số học sinh phổ thông chọn học nghề. Để khuyến khích việc học nghề và hỗ trợ đào tạo nghề, Chính phủ Xin-ga-po đưa ra ba chương trình lớn là tôn vinh người lao động học nghề và tiếp tục ra làm nghề, đầu tư lớn cho giáo dục nghề nghiệp (hệ thống giáo dục nghề ở Xin-ga-po gồm 3 trường cao đẳng thuộc Viện Giáo dục kỹ thuật (ITE) và một số trường kỹ nghệ) và có chính sách kỹ năng nghề tương lai.
Đức là một quốc gia phát triển ở trình độ cao nhờ làm tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Tại Đức, hệ thống đào tạo nghề kép được xem là mô hình đào tạo hiệu quả hàng đầu thế giới. Hệ thống đào tạo nghề kép nhờ tập trung vào chất lượng đào tạo và chế độ đãi ngộ tốt nên thu hút được giáo viên nghề chất lượng cao. Đội ngũ giáo viên nghề được chọn kỹ trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, như ít nhất phải có kinh nghiệm làm việc 5 năm, có đủ năng lực sư phạm và chuyên môn để tham gia giảng dạy. Tiêu chuẩn năng lực sư phạm và chuyên môn đối với giáo viên nghề về cơ bản gồm chứng chỉ thợ chính thức của ngành, 1,5 năm đào tạo thêm vào buổi tối tại trường kỹ thuật và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.
Na-uy là một trong những quốc gia có mô hình dạy nghề khá tiên tiến, đáp ứng hiệu quả yêu cầu hội nhập và phát triển. Một thống kê cho thấy có gần 90% số thanh niên Na Uy vào học trường nghề khi bước qua tuổi 15 - 16. Sau khi học nghề xong, học sinh có thể tiếp tục học đại học (với việc học bổ sung một số môn khoa học chung, như toán, vật lý, địa lý...). Hệ thống giáo dục - dạy nghề của Na-uy đang sử dụng mô hình 2+2, tức là 2 năm học ở trường và 2 năm học thực tế tại doanh nghiệp.
Ô-xtrây-li-a là quốc gia có phương pháp học nghề ưu việt, học viên được học với chuyên gia, được thực hành trong môi trường công việc thực sự ngay trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nghề có sự phối hợp quan hệ đối tác tốt với các nghiệp đoàn nhằm giúp cho học viên có kinh nghiệm nghề thực tế để thuận lợi trong quá trình tuyển dụng. Đặc biệt, tại các trường nghề ở Ô-xtrây-li-a, các ngành, nghề đào tạo phong phú, đa dạng, có nhiều ngành đang dẫn đầu thế giới.
Thực trạng đào tạo nghề chất lượng cao ở Việt Nam
Việt Nam đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Đến nay 13 hiệp định thương mại tự do mà nước ta ký kết đã có hiệu lực, nhiều hiệp định mới đã được ký kết hoặc đang đàm phán. Đồng thời, Việt Nam đang tiến vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đang đẩy mạnh hỗ trợ cho khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta bắt đầu phát triển. Hơn nữa, Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” và nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong hơn hai thập niên qua.
Đào tạo nghề góp phần quan trọng cung ứng nhân lực cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giúp Việt Nam thoát “bẫy thu nhập trung bình”. Trong ba năm gần đây, đào tạo nghề đã có nhiều đổi mới thành công. Kết quả tuyển sinh đạt gấp 2 lần giai đoạn trước đó. Phần lớn các trường nghề, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị đã thoát được tình trạng khó khăn trong tuyển sinh để bắt đầu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô. Đào tạo nghề đang chịu tác động ngày càng lớn của hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhân tố, như thị trường quốc tế rộng lớn và có tiêu chuẩn cao, sự dịch chuyển tự do của lao động có tay nghề trong khu vực, sự xuất hiện của nhiều ngành, nghề mới chưa từng có, tự động hóa nhiều công đoạn sản xuất, áp lực việc làm đối với giới trẻ, năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong khu vực,... đã, đang và sẽ tác động trực tiếp, đòi hỏi các giải pháp đột phá về đào tạo nghề, từ đổi mới khung pháp lý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đổi mới và hội nhập quốc tế về đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cả nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về lộ trình học nghề và cơ hội việc làm đối với nhân lực nghề.
Ngày 23-5-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 761/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 (Đề án 761). Theo đó, 45 trường công lập đã được lựa chọn để ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao, có đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Trong giai đoạn 2014 - 2019, công tác đào tạo nghề chất lượng cao đã đạt được một số kết quả nổi bật:
- Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có bước chuyển biến tích cực với trên 75% số sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
- Số lượng tuyển sinh tăng hằng năm. Năm 2017 quy mô tuyển sinh tăng gần gấp hai lần so với năm 2015. Từ năm 2018, quy mô tuyển sinh tăng bình quân từ 10% đến 15%. Riêng các chương trình đào tạo chất lượng cao luôn có kết quả tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao. Năm 2018, kết quả tuyển sinh là 176.741 sinh viên (tăng 10% so với năm 2017 và chiếm 8% so với tổng số tuyển sinh trên cả nước). Hầu hết sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn trước và sau khi tốt nghiệp thời gian ngắn.
- Nhà nước đã lựa chọn 251 lượt ngành, nghề tại 49 ngành, nghề trọng điểm các cấp độ thuộc 45 trường để hỗ trợ đầu tư, trong đó 154 lượt nghề tại 27 ngành, nghề cấp độ quốc tế, 60 lượt nghề tại 18 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN và 37 lượt tại 28 ngành, nghề cấp độ quốc gia.
- Các trường đã tiếp nhận chuyển giao đào tạo 34 nghề trọng điểm quốc tế (12 nghề từ Ô-xtrây-li-a, 22 nghề từ Đức). Quy mô đào tạo hệ chuyển giao quốc tế hiện nay là 2.000 sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cao đẳng của Ô-xtrây-li-a hoặc Đức; 682 giảng viên được đào tạo đồng bộ ở trong và ngoài nước; 45 trường đã được đối tác quốc tế đánh giá đạt chuẩn để tổ chức đào tạo.
- Các trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước. Trong đó, 21 trường vận hành quy trình quản lý chất lượng của Anh, 8 trường thí điểm kiểm định quốc tế đã cơ bản đạt được các chuẩn theo đánh giá của các chuyên gia Anh và Đức.
- 3 trường cao đẳng thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24-10-2014, của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Các trường đều đạt được thành tích vượt trội cả về kết quả tuyển sinh, chất lượng đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
- Hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã quan tâm và trực tiếp tham gia đào tạo nghề, như Vingroup, Sungroup, FPT, Samsung, Mường Thanh, Thaco, FLC... Các dự án đầu tư có nhu cầu nhân lực chất lượng cao đã cơ bản được đáp ứng. Hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường được tăng cường theo hướng tăng cường đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo theo đặt hàng... Hầu hết các chương trình đào tạo chất lượng cao đã có thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp trên 30%, thời lượng thực hành đạt trên 50% chương trình.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng việc triển khai đào tạo nghề chất lượng cao vẫn còn nhiều khó khăn, đó là:
- Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015 nhưng còn thiếu nhiều chuẩn và tiêu chuẩn, định mức, quy định. Các định mức liên quan tới chuyển giao chương trình, đào tạo theo chuẩn quốc tế chưa có nên quá trình thí điểm, triển khai các vấn đề mới bị chậm.
- Tiêu chí của trường chất lượng cao tại Quyết định số 761/QĐ-TTg chưa quy định một số nội dung liên quan đến việc gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo; thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tin học hóa các hoạt động quản lý của nhà trường và xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Qua kết quả đánh giá tại 45 trường cho thấy, một số tiêu chuẩn chưa đánh giá được, như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp đạt bậc 2/5, hệ cao đẳng đạt bậc 3/5 của tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; tỷ lệ học sinh, sinh viên và nhà giáo đạt trình độ tiếng Anh, tin học theo chuẩn TOEIC, IC3. Việc ứng dụng số hóa mới dừng lại mô phỏng, giáo trình điện tử, chưa tiếp cận với quan điểm số hóa trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
- Danh mục các nghề trọng điểm đã phải thay đổi 2 lần do các bộ, ngành, trường xác định nghề trọng điểm chưa sát với thực tiễn và yêu cầu trong tương lai.
- Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề biến động do thực hiện các chủ trương sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Khi các trường đang được đầu tư thành trường chất lượng cao sáp nhập với cơ sở đào tạo có năng lực đào tạo yếu kém sẽ dẫn đến nguồn lực bị chia sẻ, không đủ đáp ứng theo yêu cầu mục tiêu ban đầu.
Các trường được đầu tư để cung ứng đào tạo nghề chất lượng cao có sứ mệnh dẫn dắt, lan tỏa và tác động đến toàn hệ thống trong khi hệ thống cần phải chú trọng phát triển về số lượng và quy mô đào tạo. Điều này trở thành một thách thức không nhỏ trong bối cảnh và điều kiện của Việt Nam. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh nói chung và thứ 97/140 về trụ cột kỹ năng (trong đó, về các chỉ số mức độ đầu tư của công ty cho đào tạo và phát triển nhân viên xếp thứ 81/140, về chất lượng đào tạo nghề xếp thứ 115/140, về kỹ năng sinh viên đại học xếp thứ 128/140).
Định hướng và giải pháp đào tạo nghề chất lượng cao trong giai đoạn tới
Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các trường, các nghề trọng điểm, chất lượng cao; các trường được tự chủ cao và chủ động gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo. Công tác kiểm định chất lượng và chuẩn hóa được xác định triển khai đồng bộ, bám sát các chuẩn quốc tế để góp phần nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân được khuyến khích tham gia đào tạo nghề chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Từ quan điểm trên, xác định các định hướng cơ bản đối với đào tạo nghề trong thời gian tới là:
Thứ nhất, đổi mới đào tạo nghề cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo; tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo nghề; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; chuẩn hóa đào tạo nghề theo hướng hội nhập quốc tế; tạo sự đột phá về chất lượng nhân lực nghề.
Thứ hai, phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo để đáp ứng nhu cầu của cả người lao động và người sử dụng lao động; chú trọng kỹ năng nghề suốt đời nhằm nâng cao năng suất lao động; gắn kết chặt chẽ đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo hiệu quả đào tạo nghề.
Thứ ba, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ để hình thành các trường chất lượng cao; các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; chú trọng phát triển kỹ năng nghề cho các đối tượng và ngành, nghề đặc thù.
Thứ tư, đổi mới đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và năng suất của nhân lực nghề là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và cần sự chung tay gánh vác trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông, phụ huynh, học sinh và người lao động.
Từ các quan điểm, định hướng nêu trên, đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới và phát triển đào tạo nghề trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế cho đào tạo nghề phát triển. Trong đó, tập trung hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; ban hành cơ chế tự chủ đối với các cơ sở đào tạo nghề công lập, bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nghề và tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với các cơ sở đào tạo nghề và chất lượng đào tạo nghề; đổi mới cơ cấu, phương thức cấp kinh phí và đầu tư ngân sách nhà nước cho đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề chất lượng cao nói riêng; xây dựng chiến lược quốc gia về đào tạo nghề chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030.
Hai là, đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm. Trong đó, chú trọng rà soát, sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề công lập theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng tỷ lệ các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Tăng cường công tác dự báo, quy hoạch và định hướng các cơ sở đào tạo nghề, tập trung vào các ngành, nghề có nhu cầu lớn trong thời gian tới, như công nghệ thông tin, du lịch và quản lý khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao, y tế và chăm sóc sức khỏe,...; khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề thiết kế các chương trình đào tạo có khả năng thu hút người học khá, giỏi để có nguồn nhân lực chất lượng, góp phần giảm lãng phí nguồn lực xã hội khi nhiều người học khá, giỏi tốt nghiệp đại học nhưng phải làm việc trái chuyên môn, sở trường, ngành, nghề.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 4-6-2019 của Chính phủ, “Về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025” là đến năm 2020 số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt tỷ lệ 35% và đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40%; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, trình Chính phủ nghị định quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Bốn là, tiếp cận chuẩn quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề. Xây dựng, ban hành các điều kiện bảo đảm chất lượng trong đào tạo nghề theo hướng tiếp cận các chuẩn khu vực ASEAN4 và các nước phát triển trong nhóm G20; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đào tạo nghề đồng bộ, đầy đủ và tin cậy nhằm phục vụ tốt công tác nghiên cứu, thống kê liên quan tới chất lượng đào tạo nghề và nguồn nhân lực nghề; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề thí điểm triển khai các chương trình đào tạo nhận chuyển giao từ nước ngoài để rút kinh nghiệm nhằm triển khai đại trà, tạo nguồn nhân lực nghề đạt chuẩn quốc tế cho thị trường trong nước và quốc tế.
Năm là, đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên nghề chất lượng cao. Tập trung hỗ trợ đào tạo đội ngũ giáo viên nghề chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo giáo viên nghề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo giáo viên nghề; khuyến khích, hỗ trợ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề trong việc sử dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Sáu là, gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về cơ hội và lộ trình học nghề, cơ hội việc làm và lộ trình nghề nghiệp đối với nhân lực nghề, góp phần quảng bá, tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo nghề; liên tục cập nhật các yêu cầu kỹ năng nghề mới và các xu thế tuyển dụng lao động nghề mới, xây dựng danh mục kỹ năng nghề cho cả hiện tại và tương lai làm cơ sở thiết kế, cập nhật các chương trình đào tạo nghề phù hợp với thực tiễn; tăng cường thông tin về các chương trình đào tạo nghề hướng tới các đối tượng yếu thế, như người dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ vị thành niên ngoài nhà trường, người khuyết tật,... để tạo cơ hội tiếp cận học nghề và việc làm cho mọi đối tượng trong xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau./.
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam