Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục ở trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên
17:50, ngày 25-03-2019
Tư tưởng về giáo dục là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được xây dựng trên cơ sở, nguyên tắc về lý luận giáo dục của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tư tưởng giáo dục của của Người đã trở thành nền tảng tư tưởng của nền giáo dục mới cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng thành một hệ thống lý luận từ những vấn đề chung, cơ bản đến từng vấn đề về phương pháp giáo dục, được cụ thể hóa thành những mục tiêu đào tạo, hiện thực hóa trong đời sống, góp phần đào tạo những thế hệ thanh thiếu niên học sinh “vừa hồng, vừa chuyên”. Tư tưởng về giáo dục của Người đã trở thành cơ sở để Đảng và nhà nước ta xây dựng quan điểm, đường lối, chủ trương và chính sách về giáo dục.
Tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh rất đa dạng, phong phú
Về vị trí, vai trò của giáo dục. Hồ Chí Minh là người đã khai sinh ra nền giáo dục ở nước ta. Người luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của giáo dục trong sự phát triển của cá nhân và xã hội. Bài thơ: “Dạ bán” - một tuyên ngôn về giáo dục con người của Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị trí của giáo dục đối với sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân. Theo Người: Ngủ thì ai cũng như lương thiện,/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dư, hiền;/ Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn;/ Phần nhiều do giáo dục mà nên.
Từ việc xác định được vị trí của giáo dục, Người đã chỉ rõ vai trò quan trọng của bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, trong Di Chúc người căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Cho nên, ngay khi nước nhà giành được độc lập, Người đã chỉ ra nhiệm vụ phải làm cấp tốc trong lúc này là “kiến thiết ngoại giao”,” kiết thiết kinh tế”, “kiến thiết quân sự”, “kiến thiết giáo dục” nhằm nâng cao dân trí.
Nội dung và nguyên tắc giáo dục. Tôn chỉ của mục tiêu giáo dục dân chủ nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo dục là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người. Do vậy, cần tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng cho người học để phụng sự đoàn kết và góp phần vào sự tiến hóa chung của nhân loại.
Trong sự nghiệp "Trồng người" Hồ Chí Minh luôn bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức, Người khẳng định cái cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ ý thức tự lập, tự cường, quyết không chịu làm nô lệ. Trong lúc dạy học thì chớ để học trò có tư tưởng vị quốc như bọn phát xít. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ, khuyên học trò tăng gia sản xuất, giáo dục cho họ kính trọng sự cần lao.
Trong giáo dục cần phải chú trọng cả tài lẫn đức. Người coi đức là gốc, nhưng Người cũng rất quan tâm đến tài năng, trí tuệ và luôn tạo điều kiện để cho mỗi người rèn luyện tài năng, đem tài năng cống hiến cho xã hội, vì đạo đức là nền tảng cho tài năng phát huy và tài năng là thể hiện cụ thể của đạo đức trong hiệu quả hành động. Vì vậy, hai mặt đức với tài thống nhất không tách rời nhau, tạo điều kiện cho nhau, giúp cho con người hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường (24-10-1955), Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm có: Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung; Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới; Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp. Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công.
Người yêu cầu: Thày cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề. Chỉ có yêu nghề, mới tạo ra niềm đam mê sáng tạo và phục vụ giáo dục. Yêu nghề là đòn bẩy quan trọng để mọi người hoàn thành nhiệm vụ được giao phó trong giáo dục.
Phương pháp và nghệ thuật giáo dục. Trong hệ thống quan điểm về giáo dục của Hồ Chí Minh, quan điểm về phương pháp giáo dục có một ý nghĩa quan trọng đối với những người thực hiện trọng trách “Trồng người”.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục con người là một công việc hệ trọng và khó khăn, mục đích của giáo dục là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác. Do vậy, trong giáo dục Người yêu cầu phải nhận thức được đối tượng của giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Nội dung giáo dục phải rõ ràng, dễ hiểu, không sáo rỗng. Giáo dục phải chú ý đến đặc điểm của đối tượng, phải biết dạy cho ai, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh.
Hồ Chí Minh đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng nhằm xây dựng phương pháp giáo dục của nền giáo dục mới của cách mạng. Từ khi dạy học ở trường Dục Thanh, cho đến những bài giảng lý luận chính trị cho thanh niên yêu nước, giác ngộ cách mạng ở Quảng Châu, hay những bài nói chuyện của Người ở các hội nghị, các lớp tập huấn sau này… Người đã luôn chú ý áp dụng phương pháp giáo dục: Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau. Giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.
Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về nghệ thuật giáo dục. Trong mọi lĩnh vực nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng, Người luôn thể hiện một nghệ thuật trong giao tiếp mềm dẻo, linh hoạt nhưng dứt khoát… Người yêu cầu phải giáo dục bằng tình yêu thương, gắn bó, trên nền tảng đó thực hành phê bình và tự phê bình.
Theo Hồ Chí Minh để thực hiện tốt sự nghiệp trồng người: Cán bộ giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn cho là giỏi rồi dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng để cải tạo mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội.
Vận dụng tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong công tác giảng dạy và đào tạo ở Trường cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên
Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên là một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực Kế toán - kiểm toán; Tài Chính ngân hàng; Quản trị - kinh doanh tổng hợp và thông tin kinh tế; Điện tử viễn thông; Nghiệp vụ bưu chính; Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để quá trình giáo dục và đào tạo của nhà trường đạt hiệu quả cao, Ban giám hiệu nhà trường cùng tất cả cán bộ giảng viên trong nhà trường luôn xác định giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt của nhà trường.
Với mục tiêu của hoạt động giáo dục là: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp nhân dân, tổ quốc và nhân loại, mỗi cán bộ giảng viên tham gia công tác giảng dạy tại trường đều ý thức được sứ mệnh của sự nghiệp đào tạo của nhà trường. Họ luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề mà vẻ vang của người làm công tác giáo dục là chăm lo giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những công dân tốt, người lao động tốt, người cán bộ tốt của nhà nước.
Mỗi cán bộ giảng viên luôn đam mê, sáng tạo trong giảng dạy để thực hiện tốt nguyên tắc và phương pháp giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra: Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế, thực hành dân chủ trong giáo dục... Vận dụng nguyên lý học đi đôi với hành, mỗi thày cô giáo đã luôn đồng hành cùng học sinh trong lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm đồng thời tạo môi trường giúp các em vận dụng những tri thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn để giải quyết các công việc trong thực tế đời sống.
Nhà trường xác định học đi đôi với hành là phương hướng căn bản trong phương thức đào tạo. Chính vì vậy, nhà trường đã xây dựng những khu nhà xưởng thực hành cho các chuyên ngành như kỹ thuật điện tử viễn thông, khu chế biến nấu ăn, khu vực buồng, bàn, khách sạn… Sau mỗi phần học lý thuyết, học sinh, sinh viên các chuyên ngành lại được trải nghiệm thực tế với công việc. Điều này đã thúc đẩy niềm đam mê của học sinh, sinh viên trong học tập và cũng góp phần nâng cao kỹ năng nghề cho các em học sinh, sinh viên khi ra công tác. Không chỉ gắn liền lý thuyết với thực tập tại trường, Nhà trường còn tổ chức cho học sinh, sinh sinh và giảng viên đi thực tế tại cơ sở như các doanh nghiệp, siêu thị… Đẩy mạnh giải pháp phát triển giáo dục kết hợp giữa nhà trường và xã hội.
Cán bộ giảng viên nhà trường luôn không ngừng thi đua, phấn đấu, học tập và rèn luyện để làm tốt trọng trách của sự nghiệp “Trồng người”. Hàng năm nhà trường đã tổ chức rất nhiều hội thi, đợt sinh hoạt chuyên môn để cán bộ giảng viên trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Cán bộ giảng viên thường xuyên ra cơ sở học tập, lĩnh hội những kinh nghiệm và nội dung tri thức mới từ sản xuất, kinh doanh để hoạt động giảng dạy sát với thực tế.
Giá trị của một nền giáo dục không phải dạy và học được nhiều sự kiện, kiến thức mà là đào luyện cho tinh thần biết tư duy, điều đó đã đòi hỏi mỗi cán bộ giảng viên phát huy được vai trò chủ động, tích cực, độc lập của học sinh, sinh viên, luôn lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm của quá trình giáo dục.
Cán bộ giảng viên trong nhà trường đã vận dụng sáng tạo nguyên tắc giáo dục bằng tình cảm. Đây là một nghệ thuật trong giáo dục. Giáo dục các em bằng chính tấm gương từ các thày các cô trong tu dưỡng đạo đức, rèn luyện chuyên môn. Các thày cô giáo đã xây dựng được mối quan hệ thân ái, gần gũi, yêu thương các em học sinh, sinh viên trên tinh thần dân chủ đi liền với kỷ cương và kỷ luật.
Với những lý luận về giáo dục của Hồ Chí Minh và đặc biệt là tấm gương nhà giáo dục Hồ Chí Minh đã tạo dựng những bài học kinh nghiệm và phương pháp quan trọng trong giáo dục cho sự nghiệp “Trồng người”. Tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh đã soi sáng công cuộc phát triển giáo dục và đào tạo của nhà trường nói riêng và của nền giáo dục mới xã hội chủ nghĩa nói chung. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục của Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên./.
Yêu cầu chấm dứt thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng  (24/03/2019)
72 cán bộ Đoàn tiêu biểu được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2019  (24/03/2019)
Đầu tư 8.100 tỷ đồng xây khu công nghiệp nông-lâm nghiệp ở Chu Lai  (24/03/2019)
Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng làm việc tại Kiên Giang  (24/03/2019)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam  (23/03/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên