Một số kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chiến lược công tác dân tộc và những vấn đề đặt ra

Trần Trung(*), Lê Thanh Bình(**) (*) PGS, TS, (**) ThS, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc
21:58, ngày 13-02-2019

TCCS - Để phát triển toàn diện và bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi - địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước; đồng thời là cửa ngõ giao lưu với các nước láng giềng và khu vực, ngày 12-3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược). Tiếp đó, ngày 04-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2356/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 với 9 nhiệm vụ chủ yếu và 57 đề án, chương trình được giao cho 14 bộ, ngành chịu trách nhiệm thực hiện

Kết quả và những hạn chế sau 5 năm thực hiện các chính sách của Chiến lược công tác dân tộc

Sau 5 năm (2013 - 2018) triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tập trung chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các chính sách dân tộc của Chiến lược công tác dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi những năm vừa qua có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể. Theo đó, năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Bắc đạt 8,4%, Tây Nguyên: 8,09% và Tây Nam Bộ: 7,26%. Cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp tuy giảm nhưng bình quân các tỉnh thuộc vùng vẫn chiếm trên 50%”(1).

Trong phát triển sản xuất, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được khoảng 3.854 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, hỗ trợ, nhiều mô hình được khẳng định trong thực tiễn sản xuất giúp nông dân nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.

Cùng với phát triển kinh tế, công tác xóa đói, giảm nghèo cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016), trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3% - 4% so với cuối năm 2016. Trong giai đoạn 2016 - 2018, “nguồn lực ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 21.597,557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,1% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó vốn đầu tư phát triển là 14.906,146 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.691,411 tỷ đồng)”(2).

Kết cấu hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã thay đổi rõ rệt, từng bước hoàn thiện và đồng bộ hóa. Trên 95% số xã đã có đường ô-tô đến trung tâm xã được cứng hóa, hầu hết số xã đặc biệt khó khăn đều có điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Giai đoạn 2016 - 2018, “Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1.512 triệu hộ nghèo, cận nghèo”(3).

Công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt nhiều tiến bộ. Trong đó, 100% số xã có trường tiểu học, hầu hết các xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Hệ thống trường nội trú, bán trú ngày càng phát triển. Các tỉnh dân tộc thiểu số và miền núi đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế,...

Mạng lưới y tế ngày càng phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư. Đến nay, đã “có 99,4% xã có nhà trạm y tế xã, trong đó có khoảng 60% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đến năm 2020”(4). Vì vậy, đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. Các dịch bệnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, như sốt rét, bướu cổ... cơ bản được khống chế, giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng...

Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được quan tâm bảo tồn và phát huy. Các lễ hội truyền thống, tổ chức liên hoan văn hóa, nghệ thuật, thể thao khu vực, thi trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam, đã dần được khôi phục... Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc được quan tâm đầu tư đến các xã, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện, các chính sách dân tộc trong Chiến lược công tác dân tộc vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể là:

Hệ thống chính sách dân tộc chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, vẫn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, nội dung còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ. Một số chính sách được xây dựng còn mang tính chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng, miền, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ chế phân bổ vốn, quản lý, thanh quyết toán các chương trình, chính sách còn nhiều bất cập, khó lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy được nội lực người dân, người nghèo trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ tính ưu tiên theo đúng mục tiêu đề ra, phải kéo dài thời gian thực hiện. Việc phân công, phân cấp thẩm quyền về quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực phụ trách và địa bàn để thực hiện các chương trình, dự án khác nhau có mục tiêu, tiêu chí riêng nên rất khó khăn trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành, dẫn đến sự phân tán, thiếu thống nhất trong quản lý, điều phối, giám sát, đánh giá, xây dựng định mức, phân bổ, lồng ghép chính sách và nguồn lực.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm ở vùng nông thôn còn nhiều hạn chế. Sản phẩm sản xuất ra không tập trung, khó tiêu thụ, thu nhập không bù đắp đủ chi phí sản xuất. Các mô hình sản xuất hiệu quả còn ít, chưa thực sự bền vững. Kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, nhất là ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn trên 50%, có nơi còn trên 70%. Bên cạnh đó, tỷ lệ tái nghèo cũng còn cao.

Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, nhất là đường giao thông ở vùng sâu, vùng núi cao, hải đảo còn nhiều khó khăn. Tình trạng du canh, du cư, di cư tự phát, chặt phá rừng, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, hoạt động tôn giáo trái pháp luật... diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhiều hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chưa được xử lý... Vấn đề môi trường nông thôn còn nhiều bất cập. Hiện chỉ có 35,5% số thôn có xử lý rác thải sinh hoạt.

Một số chính sách ưu đãi về giáo dục(5) dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nguồn cán bộ cho sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp còn thấp, chất lượng còn yếu kém. Nhiều tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi thiếu cán bộ giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ là người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ giỏi. Người có bảo hiểm y tế tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế.

Công tác bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, yếu…

Những hạn chế, yếu kém trên được xác định bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung chủ yếu ở một số vấn đề, đó là:

Thứ nhất, một số chính sách được xây dựng chưa bảo đảm theo đúng quy trình, dẫn đến còn mang tính chủ quan, chưa tính đến đặc điểm địa bàn, văn hóa đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống chính sách chưa đồng bộ, nhiều văn bản quản lý ban hành trước và sau thiếu sự kết nối về nội dung, nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và ban hành văn bản chưa chặt chẽ, thiếu sự tham gia của người dân các vùng dân tộc thiểu số, của các nhà khoa học trong hoạch định chính sách.

Thứ hai, một số chính sách chưa có tầm nhìn dài hạn (thường là 5 năm), còn có khoảng trống, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai kỳ kế hoạch, chưa liên thông, liền mạch. Các chính sách thường có mục tiêu lớn và nhiều nội dung, như vừa đầu tư kết cấu hạ tầng, vừa có nội dung sinh kế và an sinh xã hội nhưng thiếu cơ chế phân bổ nguồn lực để thực hiện nên việc triển khai đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách chưa thực sự phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chưa chú trọng đúng mức đến phát triển bền vững theo đặc thù của vùng, bảo vệ môi trường sinh thái và văn hóa của đồng bào các dân tộc nên chưa phát huy được nội lực người dân trong quá trình hội nhập, phù hợp với đặc điểm vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ ba, nguồn lực bố trí chưa thực sự kịp thời, còn thiếu so với yêu cầu. Đối với những chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, nguồn lực bố trí thường chỉ đáp ứng khoảng 40% - 60% kế hoạch. Việc cấp phát vốn không đủ, cấp chậm, không đồng bộ giữa vốn vay, vốn sự nghiệp và vốn đầu tư đối với một số chính sách đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả thực hiện. Một số chính sách còn nặng về hỗ trợ trực tiếp, chưa tạo động lực để người dân vươn lên tự thoát nghèo. Bố trí vốn cho các chính sách mặc dù có tăng hơn so với giai đoạn trước nhưng chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên, không chủ động về kinh phí, chưa bảo đảm cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt.

Thứ tư, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn có sự chồng chéo của cơ quan quản lý nên việc phối hợp trong thực hiện ban hành chính sách chưa thật chặt chẽ, hiệu quả, chưa thống nhất tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi. Bên cạnh đó, việc phân công chủ trì, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chính sách còn nhiều bất cập, trùng lặp về địa bàn và đối tượng. Đơn cử như, Chương trình 135 đối với đối tượng là cấp xã, thôn được giao cho Ủy ban Dân tộc chỉ đạo thực hiện, Chương trình 30a đối với đối tượng là cấp huyện (có trên 90% xã thuộc Chương trình 135) trên cùng một địa bàn nhưng phân công bộ khác chỉ đạo, tạo sự chồng chéo trong quản lý, khó thực hiện…

Thứ năm, văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện một số chính sách chưa kịp thời hoặc chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, sửa đổi thực hiện một số chính sách dân tộc chưa đạt được như mong muốn. Hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tốt, như các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, dạy nghề, nhất là đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do đang là thách thức lớn cần phải giải quyết.

Đề xuất một số giải pháp thực hiện

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:

Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược công tác dân tộc theo Quyết định 449/QĐ-TTg và Quyết định 2356/QĐ-TTg của Chính phủ. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm “tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Duyên hải miền Trung”(6). Bên cạnh đó, tiến hành phân tích kỹ những biến động mới, những xuất hiện mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách; việc đầu tư phải thật sự phù hợp, thiết thực với điều kiện kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tránh chồng chéo.

Hai là, để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần có những nghiên cứu tầm quốc gia để xây dựng một chính sách tổng thể theo mô hình Chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giải quyết cho 14 triệu đồng bào dân tộc có đời sống tốt hơn. Cần tích hợp các chương trình đầu tư cho vùng dân tộc miền núi, có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thực hiện tổng thể, sẽ đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về dân tộc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, cân đối bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đang có hiệu lực. Theo đó, thực hiện tốt nội dung Nghị quyết số 90/NQ-CP, ngày 10-7-2018, của Chính phủ để bảo đảm vốn thực hiện các chương trình từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, nguồn tăng thu, dự phòng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách để bảo đảm kinh phí cho các chính sách đã ban hành đến năm 2020. Kiên quyết không để tình trạng ban hành chính sách nhưng không cân đối nguồn lực, nợ kinh phí để thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc. Đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện những mục tiêu đã đề ra về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chương trình dự án khác. Ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho những thôn bản đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo các bộ, ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây đặc sản, chăn nuôi, du lịch... Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền; đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, gắn với mục tiêu phát triển bền vững...

Năm là, tiến hành phân công rõ đầu mối, chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ bảo đảm việc quản lý tập trung, theo nguyên tắc một cơ quan chịu trách nhiệm chính, thống nhất các nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách dân tộc thiểu số; tránh chồng chéo, phân tán, bảo đảm sự phối hợp tốt của các bộ, ngành trong triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách của Chính phủ. Theo đó, cần tích hợp, thu gọn các đầu mối quản lý, thực hiện các chính sách dân tộc để hướng tới đề xuất một chương trình mục tiêu quốc gia có thời hạn 10 năm cho giai đoạn tới để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, như giáo dục - đào tạo, nghiên cứu các ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, đồng thời huy động tài trợ từ các nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ và quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác, đối tác và diễn đàn đối thoại chính sách, các dự án phát triển cộng đồng, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Có thể thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược, hệ thống chính sách dân tộc khá đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực, bao phủ toàn địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, các chính sách đã có sự đổi mới, từng bước khắc phục được tính chồng chéo, trùng lắp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó giải quyết được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, cũng như giải quyết cơ bản những khó khăn, bức xúc nhất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời từng bước hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước, củng cố hoàn thiện hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương tới địa phương./.

------------------------------------------------------

(1) Báo cáo số 116/BC-UBDT, ngày 08-8-2018, của Ủy ban Dân tộc về Một số nội dung về tình hình thực hiện chính sách dân tộc (Tài liệu phục vụ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
(2), (3), (4) Báo cáo số 412/BC-CP, ngày 23-9-2018, của Chính phủ về Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi (2016 - 2018)
(5) Chế độ cử tuyển, dự bị đại học, trường dân tộc nội trú, chế độ ưu đãi giáo viên, cán bộ các trường chuyên biệt...
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 125, 164