Lễ hội cộng đồng Tây Nguyên

Linh Nga Nie Kdam
21:21, ngày 09-10-2018

TCCSĐT - Xuất phát từ tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, hoạt động lễ hội đối với các tộc người thiểu số Tây Nguyên (bao gồm toàn bộ các nhóm ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo ở dải đất miền Trung) có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống cộng đồng và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Các lễ hội cộng đồng chính tính theo thời gian một năm

Các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên có lối sống cố kết cộng đồng rất bền vững. Trong toàn bộ các lễ thức, lễ hội diễn ra trong năm để cầu xin và đáp ứng hệ thống vô số các vị thần linh (yang), mọi lễ hội liên quan đến việc phục vụ cho lợi ích của toàn thể cộng đồng, luôn luôn được đề cao và bao giờ cũng được các vị thủ lĩnh (chủ bến nước, tù trưởng…) và hội đồng già làng hết sức coi trọng.

Do có cùng một địa bàn cư trú trên phía Đông dãy núi Trường Sơn, cùng chung tín ngưỡng đa thần, các tộc người ở Tây Nguyên có sự tương đồng văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là trong lĩnh vực các lễ hội. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, bất cứ những gì liên quan đến sản xuất và đời sống, người Tây Nguyên đều phải có sự cầu xin để được các yang cho phép tiến hành, xong việc hay được việc phải tạ ơn; vi phạm luật lệ cộng đồng khiến các yang nổi giận phải tạ tội… từ đó mà diễn ra dày đặc các lễ thức, lễ nghi, lễ hội.

Hệ thống các lễ hội Tây Nguyên có thể chia làm ba nhóm là các lễ nghi và lễ hội theo nông lịch; các lễ nghi và lễ hội theo vòng đời; các lễ nghi và lễ hội đối với những mối quan hệ ngoài cộng đồng. Cả ba nhóm lễ nghi và lễ hội này đều nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, phục vụ cho hai đối tượng chủ yếu là toàn thể cộng đồng và gia đình cá thể.

Lễ Cầu mưa:

Lễ này thường diễn ra vào dịp tháng 3, tháng 4 hằng năm, khi thiên nhiên bắt đầu chuyển mùa, việc dọn sạch rẫy cũ hoặc khai hoang rẫy mới được mọi gia đình bắt tay vào thực hiện.

Lễ cầu mưa sẽ tiến hành vào thời điểm sau khi một nửa số gia đình trong buôn, bon, kon, plei đã làm xong việc dọn cỏ, đốt rẫy (rẫy mới phát lần đầu, rẫy hiện đang trỉa lúa sau khi thu hoạch mùa trước, để lại những gốc rạ, nay phải cuốc lên và đốt đi như một hình thức bổ sung tro cho đất; rẫy bỏ hoang nhiều năm cho đất tự hồi phục, nay đến thời hạn luân chuyển…). Chủ làng sẽ cùng với các thầy cúng và một số già làng chuẩn bị cho lễ này. Lễ có thể diễn ra gần bến nước ngoài buôn, cũng có thể tổ chức tại sân nhà rông hoặc ngay tại sân nhà hay trong nhà của chủ bến nước (tùy theo tập quán cư trú của mỗi tộc người).

Lễ vật hiến sinh chuẩn bị cho lễ cầu mưa lớn nhất chỉ là một con heo từ 3 - 5 gang (khoảng 60kg) gà, rau và những ghè rượu không hạn chế số lượng, do toàn thể cộng đồng đóng góp (tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, không có quy định nào về mức độ hay số lượng bắt buộc, người không có của sẽ đóng góp bằng công phục vụ). Thầy cúng sẽ khấn những lời bày tỏ nguyện vọng của cả cộng đồng cầu mong nhanh chóng có mưa để tiến hành gieo trỉa, một năm mưa gió thuận hòa, đủ nước cho cây lương thực, thực phẩm sinh sôi, phát triển, phục vụ nhu cầu ăn, uống hằng ngày của con người.

Lễ này ít yếu tố cấu thành hội (vì chỉ là của một đơn vị cơ sở buôn, bon, kon, plei) tuy cũng có đánh chiêng, có sự giao lưu giữa toàn thể thành viên trong cộng đồng tụ tập tại nơi diễn ra lễ thức, để chứng kiến. Lễ thường diễn ra chỉ trong một ngày.

Người Ba-na Rngao ở Kon Tum còn có lễ cầu mưa rất đặc biệt. Trước tiên phải cúng thần sấm (Book Glaih), nếu trời vẫn không mưa sẽ phải cúng thêm cả tình nhân của thần Sấm là Yang Đăk để nhờ xin hộ với thần làm ra mưa. Lễ vật hiến sinh là một con dê trắng và một con heo trắng.

Lễ mừng lúa mới:

Đối với các tộc người theo nhóm ngữ hệ Môn - Khmer, lễ ăn cơm mới thường được chủ làng, chủ giọt nước đứng ra tổ chức chung cho cả cộng đồng. Lễ thường được tổ chức vào dịp cắt những gùi lúa đầu tiên (khác với lễ đóng cửa kho lúa của từng nhà sau khi đã thu hoạch xong).

Lễ thường diễn ra ở sân nhà rông hoặc ở nhà chủ giọt nước (chủ làng), vào dịp tháng 11 hoặc đầu tháng 12 dương lịch, có thể kéo dài trong 2 - 3 ngày, tùy theo mức độ mùa màng dự kiến sẽ thu được. Lễ vật hiến sinh trong ngày tổ chức ăn cơm mới có thể là heo, bò, đối với các nhóm tộc người ngữ hệ Môn -Khmer thì nếu được mùa lớn (thu được 100 gùi lúa trở lên) phải có ăn trâu.

Đây là một trong những lễ hội cộng đồng lớn của mọi tộc người trong năm bởi sự no đủ đã nhìn thấy rõ. Con người cũng đến lúc cần được nghỉ ngơi sau một quãng thời gian vất vả lao động, tạ ơn các vị thần linh đã phò trợ, giao đãi với dòng họ và bạn bè đã hỗ trợ trong năm.

Trong lễ hội này, người ta thường mời cả các buôn cận kề, họ hàng hoặc con cái đã đi lấy vợ, lấy chồng ở các làng khác tới cùng chung vui; hoạt động giao lưu, kết nghĩa cũng diễn ra.

Lễ cúng bến nước (uống nước giọt, cúng máng nước):

Nước là một nhu cầu thiết yếu của con người nên cúng bến nước là một lễ tạ rất quan trọng của mọi cộng đồng đối với các vị thần linh coi sóc bến nước, giọt nước hay máng nước.

Lễ này có thể diễn ra những ngày cuối năm, khoảng tháng 12 dương lịch, nhưng cũng có thể được tổ chức vào đầu năm mới, khoảng tháng 2 hoặc 3, sau khi đã thu hoạch hoàn tất mùa vụ.

Đến ngày đã định, cả làng phải tham gia vào việc dọn vệ sinh sạch sẽ trong ngoài buôn, bon, kon, plei, dọc con đường từ buôn đến bến nước, nhất là xung quanh các ống nước (giọt nước), phát quang cây cỏ dại, thay thế những ống nước bị hư hỏng, khơi thông lại dòng chảy của nguồn nước, dòng chảy của nước thải.

Hình thức cúng diễn ra ở mỗi tộc người có thể khác một số tiểu tiết nhưng chủ yếu vẫn là tổ chức ngay cạnh giọt nước, bến nước, gốc đa hoặc gốc cây blang giữa đường từ giọt nước về, để cảm tạ thần bến nước và tiếp tục cầu xin một năm mới có đủ nước dùng cho người, cho cây cối. Con vật hiến sinh trong lễ này thường là heo, không ăn trâu bò. Lễ diễn ra từ 1 - 2 ngày.

Đây chỉ là ba lễ thức quan trọng nhất, trong nhiều những lễ hội của đa số cộng đồng các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Ngoài ra tùy từng hoàn cảnh và thời gian, còn có lễ mừng dựng xong nhà rông mới (khi lập làng mới), lễ mừng chiến thắng (những khi có chiến sự xảy ra), lễ mở cửa rừng vào thời điểm đầu mùa săn (tháng 01 - 02), lễ kết giao giữa làng này với làng kia… đều phải có lễ vật hiến sinh là heo, trâu, bò và không thể thiếu những âm thanh của ching chiêng, những vòng múa suang của các cô gái, các trò chơi so tài của những chàng trai… Những lễ hội này người ta đều có mời các làng cận kề cùng tham dự trong tiếng ching chêng vang lừng và rượu chảy rong róc trong cần nứa uốn cong.

Thực trạng các lễ hội cộng đồng hiện nay ở Tây Nguyên

Cho dù tính cố kết cộng đồng chưa hoàn toàn mất đi trong đời sống xã hội của các tộc người bản địa Tây Nguyên nhưng các lễ thức và lễ hội cộng đồng (vốn là nơi giao lưu gặp gỡ, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của cả cộng đồng) nhiều năm qua cũng đã bị biến dạng, thậm chí biết mất dần trong đời sống ở khá đông các buôn, bon, kon, plei.

Đa số ở các buôn, bon, kon, plei, nhất là những nơi đã cải đạo Thiên chúa giáo hoặc Tin lành, người ta không còn tổ chức các lễ cúng theo kiểu truyền thống, dù là lễ thức cộng đồng hay lễ thức của gia đình cá thể, cho dẫu là tạ ơn hay cầu xin; hoặc nếu có thì cũng theo những hình thức tương tự như người miền xuôi (như các lễ cưới, thôi nôi, tang ma, mừng thọ…). Tại một số vùng sâu, vùng xa thì còn một vài lễ cúng kho lúa, lễ xả xui hoặc mừng nhà ưng, gươn mới… Trừ các lễ do ngành văn hóa tổ chức nằm trong khuôn khổ chương trình khôi phục văn hóa, còn những lễ khác chỉ diễn ra trong phạm vi một gia đình, nhiều lắm là một dòng họ (trong một làng), có khi chỉ vài ba người già ngồi nhâm nhi với nhau bên ghè rượu. Dường như đa số bà con, nhất là lớp trẻ, không mấy mặn mà với các lễ hội truyền thống.

Không có môi trường diễn xướng dành riêng như trước đây nên tiếng ching chêng, những câu hát dân gian đối đáp nam nữ và các điệu múa suang cổ truyền cũng không còn nhiều dịp được cất lên, trừ những liên hoan nghệ thuật dân gian hay nghệ thuật quần chúng do ngành văn hóa các cấp tổ chức thường niên hoặc định kỳ theo lịch hoạt động.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân đáng kể nhất là tín ngưỡng truyền thống đã thay đổi, các vị yang linh thiêng xưa kia không còn hiện diện trong phần lớn đời sống tinh thần của cư dân Tây Nguyên. Cùng với những sự đổi thay khác về phương thức sản xuất, về tập quán, lối sống… các lễ hội Tây Nguyên nói chung, lễ hội cộng đồng nói riêng, thực tế nhiều năm nay không còn hiện diện trong đời sống cộng đồng nữa. Công bằng mà nói, tại các tỉnh Tây Nguyên, ngành văn hóa và các cấp chính quyền cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều cố gắng để khôi phục lại một số lễ hội truyền thống quan trọng nào đó tại cộng đồng. Ở một vài địa phương, chính quyền có sáng kiến ủng hộ bà con một khoản kinh phí, còn lại các già làng kêu gọi dân đóng góp để tổ chức lại một lễ hội cộng đồng như lễ cúng bến nước hoặc ăn cơm mới… Nhưng việc này chưa được thực hiện được thường xuyên. Đa phần các lễ hội đều chưa xuất phát từ nhu cầu của chính cộng đồng mà có phần còn là những cuộc “trình diễn” lễ hội để quay phim, hay diễn ra một cách gượng ép và sai lệch. Thậm chí có những lễ hội được các đạo diễn dàn dựng, hướng dẫn nghệ nhân thực hiện theo kịch bản, rồi khoác cho cái tên và tấm áo “lễ hội dân gian” để phục vụ du lịch.

Hiện nay ở Tây Nguyên có mặt khá đông cộng đồng các tộc người thiểu số miền núi phía Bắc (dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…) mà tổng số dân của mỗi tộc người đã cao hơn gấp nhiều lần người dân tộc tại chỗ. Ở những cộng đồng này cũng tiềm ẩn một bộ phận lớn cấu thành nền văn minh nương rẫy ở Việt Nam không kém phần độc đáo và phong phú. Tuy nhiên, trên thực tế, các dân tộc này hiện cũng không tránh được việc đứng trước nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền trong quá trình di cư khỏi quê hương bản quán.

Một thực tế nữa là những cư dân của nhiều vùng, miền đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, đặc biệt là đi tự do, tìm đất sản xuất khá đông đảo. Trong những chuyến đi khảo sát mới đây, tại vùng sẽ khai thác bô-xít ở Đắk Nông, chúng tôi đã gặp rất nhiều cư dân gốc Thanh Hóa, Bình Định, Hà Tĩnh, Hà Nam… khi hỏi đến những đặc trưng văn hóa rất nổi trội của quê quán cũ, đều chỉ nhận được những cái lắc đầu. Dù đã ổn định sản xuất đến hơn 10 năm, nhưng đời sống còn khó khăn, chưa có điều kiện bảo tồn và phát huy có giá trị văn hóa truyền thống của tộc người, của quê hương. Thậm chí có thanh niên còn không biết quê mình có đặc trưng văn hóa gì. Đây là điều mà chúng ta rất cần tính đến bởi việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong lĩnh vực lễ hội cộng đồng nói riêng và văn hóa dân gian nói chung, đối với đồng bào di cư, ngụ cư cũng quan trọng không kém người dân tại chỗ.

Một vài kiến nghị

Như vậy, có thể thấy, cách tốt nhất để bảo tồn là trả lại đời sống cho văn hóa lễ hội truyền thống, có sự hiện diện thật sự theo nhu cầu của cộng đồng ngay tại chính các buôn, bon, kon, plei Tây Nguyên. Bởi lễ hội xưa kia tồn tại được từ đời này sang đời khác vì liên quan thiết thực đến quyền lợi sống còn, được toàn thể cộng đồng tự nguyện đóng góp, sẻ chia cả ý thức trách nhiệm lẫn của cải vật chất để tham gia thực hiện. Họ vừa là chủ thể lại vừa là khách thể của lễ hội. Ngày nay, muốn làm được như vậy, không phải chỉ có chính quyền đầu tư kinh phí là sẽ tổ chức được lễ hội thực sự nếu lòng dân còn e ngại, không ưng, nhất là đối với khu vực miền núi, dân tộc, vùng đã chuyển đổi tín ngưỡng.

Do vậy, thứ nhất, các phương tiện thông tin đại chúng cần và nên có nhiều hơn những chương trình tuyên truyền một cách chân thực, sống động để nâng cao nhận thức của nhân dân, để người dân thấy tự hào với truyền thống văn hóa tốt đẹp của chính mình, đặc biệt là hiểu đúng giá trị của “văn hóa lễ hội”.

Thứ hai, lãnh đạo các địa phương nên bàn bạc thống nhất với ngành văn hóa, chọn một ngày truyền thống của cư dân tại chỗ, gắn với các ngày lễ trong dương lịch hoặc âm lịch, hoặc ngày thành lập cơ sở để tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc” định kỳ của chính địa phương mình, vừa tăng cường giao lưu văn hóa vùng, miền, vừa củng cố mối đại đoàn kết toàn dân, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Thứ ba, tại các buôn, bon, kon, plei, cần khuyến khích bà con tổ chức các lễ hội tập thể hoặc hình thành những lễ hội mới của cả cộng đồng, như lễ mừng thọ những cụ cao tuổi trong ngày 01-10 (ngày Quốc tế Người cao tuổi); lễ tôn vinh các bà mẹ vào ngày 08-3; lễ uống nước giọt vào những ngày gần Tết Nguyên đán hay lễ ăn cơm mới vào dịp thu hoạch xong mùa vụ…

Tất cả những lễ này có thể tổ chức đơn giản, giảm bớt phần lễ, chú trọng tăng phần hội và sự giao lưu thân thiện, luân phiên giữa các làng, các dân tộc (kể cả tại chỗ và di cư) lân cận. Đặc biệt, cần tăng cường việc giới thiệu những đặc trưng văn hóa riêng của vùng, miền trong một cộng đồng mới rộng hơn, đa dạng hơn.

Thứ tư, đối với vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, cần bổ sung đội ngũ những cán bộ chuyên nghiệp tham gia công tác bảo tồn văn hóa truyền thống là chính những người dân tộc tại chỗ, vừa được đào tạo về nghiệp vụ, vừa có sự am hiểu sâu rộng về văn hóa tộc người, bảo đảm thuyết phục được bà con tin và làm theo.

Lễ hội sẽ có giá trị với cộng đồng nếu đáp ứng được nhu cầu tâm linh và thể hiện lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa tộc người, đồng thời phải do chính bà con - những chủ thể của lễ hội bàn bạc cách thức tổ chức, lựa chọn chi tiết gì của lễ thức cần giữ lại, điều gì không cần, sắp xếp lớp lang, tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc khôi phục lại môi trường diễn xướng trong các lễ hội mang tính cộng đồng, sẽ góp một phần thích đáng vào mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian cổ truyền, không chỉ của nền văn minh nương rẫy đang có nguy cơ biến mất khỏi đời sống cộng đồng các tộc người, mà cả không gian văn hóa làng Việt nói chung./.