Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, thiết thực thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc
Ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước
Trong suốt 71 năm qua, ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện và được thực hiện đồng bộ; góp phần vơi bớt những khó khăn, vất vả của người có công; bảo đảm cho người có công có mức sống trung bình của xã hội.
Trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, gian khổ nên các văn bản pháp luật ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn đơn giản, nội dung còn mang tính hướng dẫn là chủ yếu, tính pháp luật chưa cao; việc trợ cấp mới chỉ mang tính chất tượng trưng. Văn bản pháp luật đầu tiên về ưu đãi người có công với cách mạng là Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ngày 16-02-1947, sau đó, được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12-10-1948 quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sĩ”, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, pháp luật ưu đãi người có công đã phát triển tương đối toàn diện về các nội dung chăm sóc vật chất và tinh thần cho người có công; chính sách đối với thương binh, liệt sỹ đã được bổ sung, sửa đổi nhiều điểm hết sức cơ bản.
Bước sang thời kỳ hòa bình, xây dựng Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định công tác thương binh liệt sỹ là một trong những vấn đề lớn của đất nước. Pháp luật ưu đãi đối với người có công có những thay đổi, bổ sung để khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại. Đã hình thành một hệ thống văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước, phục vụ cho yêu cầu của giai đoạn mới. Nghị định số 236/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã qui định bổ sung, sửa đổi về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp ưu đãi và qui định thống nhất thực hiện chính sách ưu đãi trong phạm vi cả nước... Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, chính sách ưu đãi trong giai đoạn này còn tản mạn, chắp vá và còn nhiều hạn chế.
Bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, vấn đề ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và được ghi nhận trang trọng trong Hiến pháp. Nguyên tắc này đã được thể chế trong Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 10-9-1994, và được qui định cụ thể tại Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc pháp luật hóa chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Số người hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng (đã có khoảng 9 triệu người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi, trong đã có trên 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng), các nội dung ưu đãi người có công với cách mạng được luật pháp hoá, trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống (trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục-đào tạo, về việc làm, ruộng đất, tín dụng, thuế...).
Đến ngày 29-06-2005, sau 10 năm thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 thay thế Pháp lệnh năm 1994, trong đó đã mở rộng đối tượng, bổ sung người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trở thành một trong 12 diện đối tượng người có công với cách mạng. Năm 2012, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo chính sách phù hợp với thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13). Trong đó, điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khách quan, công bằng xã hội, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, hài hoà với hệ thống pháp luật Việt Nam. Mỗi diện đối tượng có điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận cụ thể. Điều kiện xác nhận và chế độ ưu đãi được mở rộng hơn, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ưu đãi xã hội đã được qui định rõ ràng, cụ thể hơn.
Đến nay, hầu hết người có công đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi đầy đủ và kịp thời. Cả nước có khoảng 9 triệu đối tượng người có công (trong đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...).
Trong giai đoạn 2011-2016 đã xác nhận và cấp mới Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 2.730 liệt sĩ; cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 112.000 liệt sĩ; thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với trên 65.000 người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; giải quyết chế độ trợ cấp người phục vụ đối với gần 8.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình; khoảng 7.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với trên 410.000 người; chế độ điều dưỡng luân phiên từ 5 năm sang 2 năm một lần đã được thực hiện với trên 1,2 triệu người từ ngày 01-01-2013; chuyển đổi mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ mức 2 cũ sang 3 mức mới cho 153.507 người; xác định được danh tính gần 1.300 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN; lấy mẫu, phân tích và lưu trữ được gần 11.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và gần 4.000 mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ...
Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi người có công hiện hành đã đáp ứng và cơ bản thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, trợ giúp người có công và tạo điều kiện để người có công tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hiện tại, vẫn còn tồn đọng một số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng. Đây là vấn đề khó khăn và phức tạp, bởi lẽ việc xác minh, xác nhận gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và những giải pháp đột phá của các cơ quan quản lý trong việc giải quyết.
Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công
Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương và đã đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công bằng những việc làm thiết thực thông qua: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; 100% các mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sỹ, 97% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Bản thân thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng cũng nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình nhân tố mới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực. Đảng, Nhà nước và quân đội đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Nhà nước đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực trong việc phát hiện, quy tập mộ liệt sỹ và ghi danh, ghi công liệt sỹ.
Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định AND, các cơ quan chức năng đã quy tập, lấy mẫu hài cốt liệt sỹ, sinh phẩm thân nhân liệt sỹ, phân tích hàng chục nghìn trường hợp, góp phần phục vụ tích cực cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ thời gian qua.
Hiện cả nước có hàng nghìn công trình ghi công liệt sỹ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền liệt sỹ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc; Truông Bồn, tỉnh Nghệ An...
Quy định mới về trợ cấp người có công với cách mạng
Để nâng cao đời sống người có công, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2018/NĐ-CP quy định mới mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27-8-2018.
Nghị định quy định rõ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng như sau: Mức trợ cấp đối với Người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945: Diện thoát ly là 1.693.000 đồng; diện không thoát ly 2.874.000 đồng.
Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ 1.515.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ 3.030.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên 4.545.000 đồng.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ) và hưởng mức phụ cấp 1.270.000 đồng.
Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình hưởng mức trợ cấp 1.515.000 đồng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng mức trợ cấp 1.270.000 đồng.
Trường hợp Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% - 50%, mức trợ cấp 1.581.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% - 90%, mức trợ cấp 3.465.000 đồng…
Trợ cấp ưu đãi hàng năm được quy định như sau: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng là 500.000 đồng.
Trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là 300.000 đồng.
Về trợ cấp ưu đãi một lần, Nghị định quy định: Trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn; hỗ trợ chi phí báo tử 1.000.000 đồng.
Đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến chết trước ngày 01-01-1995; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến được truy tặng, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn…
Còn Nghị định số 70/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2018.
Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01-7-2018.
Hơn 355,4 tỷ đồng tặng quà cho người có công với cách mạng
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng là hơn 355,4 tỷ đồng.
Dự kiến, tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm này là hơn 355,4 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2018.
Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.
Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức quà 400.000 đồng để tặng quà cho các đối tượng sau:
Thứ nhất, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trước ngày 28-7-2018 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Thứ hai, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Thứ ba, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Thứ tư, thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Trong khi đó, mức quà 200.000 đồng để tặng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đại diện thân nhân liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân) cũng sẽ được hưởng mức quà này./.
Thượng đỉnh Trump-Putin: Cơ hội tháo gỡ thế đối đầu Nga-Mỹ  (15/07/2018)
TP. Hồ Chí Minh: Hơn 60.000 sinh viên tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh  (15/07/2018)
Tổng thống Mỹ tuyên bố ý định tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai  (15/07/2018)
Chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  (15/07/2018)
Người dân Cộng hòa Dominicana tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  (15/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay