Nghệ thuật cấu tứ - Nét đặc sắc của thơ Nguyễn Bính

TS. Nguyễn Trọng Hoàn Bộ Giáo đục và đào tạo
23:13, ngày 26-02-2018

TCCSĐT - Mùa xuân 2018, nhà thơ Nguyễn Bính tròn một trăm tuổi. Với hơn mười tập thơ, tập kịch bản... mà Nguyễn Bính để lại trong đó không ít bài được tái bản rất nhiều lần và với số lượng lớn - đủ thấy vị trí quan trọng của ông đối với nền thi ca Việt Nam từ những năm 30 (thế kỷ XX) trở lại đây. Nguyễn Bính hoàn toàn xứng đáng với sự vinh danh cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000).

Từ khi xuất hiện trên thi đàn, thơ Nguyễn Bính đã trở nên đặc biệt gần gũi với bạn đọc. Sức sống, sức lan toả mãnh liệt và bền bỉ của thơ Nguyễn Bính hẳn phải có nguồn gốc, căn nguyên và vận động theo những quy luật của nội dung và hình thức chiếm lĩnh đời sống, của phương thức thể hiện... kết tinh ở hình tượng nghệ thuật thông qua các phương diện: cấu tứ độc đáo, sự miêu tả sinh động, kết cấu tài tình, ngôn ngữ gợi cảm, tạo ra được những rung động đặc biệt nhằm thuyết phục và cuốn hút người đọc. Bài viết này chỉ đề cập một bình diện trong số đó: nghệ thuật cấu tứ.

Xét trong quá trình hoạt động tư duy sáng tạo hình tượng nghệ thuật, cấu tứ "làm cho tinh thần của nhà văn gặp gỡ với sự vật khách quan", "hình và ý gặp nhau" (Lưu Hiệp: Văn tâm điêu long). Còn xét trên bình diện thành quả sáng tạo, cấu tứ có thể hiểu là sự cắt nghĩa, lý giải, khái quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm. Nó là linh hồn của tác phẩm, cung cấp cách nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập, tiếp cận thế giới nghệ thuật hay mô hình nghệ thuật của tác phẩm, là quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người mà tác giả thể hiện. Về phương diện này, cũng có thể do hoàn cảnh riêng của bản thân tác giả, 12-13 tuổi đã phải theo người anh là nhà thơ Trúc Đường ra Hà Đông kiếm sống, lại hoàn toàn sống bằng ngòi bút nên Nguyễn Bính sớm thâm nhập cùng giới tài tử văn nhân, phiêu bạt khắp các miền Bắc - Trung - Nam. Hơn 20 năm phiêu bạt, Nguyễn Bính đã tạo ra một mạch thơ nói nhiều đến sự xa cách (với quê hương, gia đình, người yêu, bạn bè...) và đặc biệt là nỗi sầu xứ. Thơ ông viết: Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành/ Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới/ Chuốc mãi men say rượu ái tình (Hoa với rượu). Phải chăng hoàn cảnh riêng đã tạo ra tâm trạng - con người lữ khách luôn ám ảnh trong thơ Nguyễn Bính (trừ thơ sáng tác sau thời kỳ tập kết 1954), tạo thành một dòng suy tưởng giữa đôi bờ: một bên là những kỷ niệm, hoài niệm về người quê, tình quê, người cũ và một bên là những chiêm nghiệm trong cuộc sống thị thành và cuộc sống tha hương. Có lẽ đây là gốc gác manh nha của sự giao thoa giữa những yếu tố chân quê với sự cách tân trong thơ ông, nói khái quát là mối liên hệ giữa truyền thống và hiện đại trong thơ Nguyễn Bính mà nhiều nhà nghiên cứu từ trước tới nay thường đề cập. Từ điểm nhìn này, sẽ thấy những nét cấu tứ và triết lý nghệ thuật nổi bật của thơ Nguyễn Bính. Đó là mô hình tứ thơ "lỡ bước" thể hiện trong:

Những liên hệ với thời gian quá khứ và tương lai

Trong những bài thơ thể hiện mối quan hệ giữa thực tại với quá khứ và tương lai, Nguyễn Bính thường lấy hiện tại làm thời điểm xuất phát để xoay thi cảm về các hướng để thể hiện sự đánh giá hay ngẫm ngợi điều gì đó cụ thể. Sự việc, vấn đề được nói tới (thường trong quan hệ so sánh) mà giữa hai thời điểm là một khoảng trống hẫng hụt. Trước cảnh Hôm qua em đi tỉnh về, nhà thơ bùi ngùi nhớ về quá khứ: Nào đâu cái yếm lụa sồi/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân/ Nào đâu cái áo tứ thân/ Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen... (Chân quê) hoặc: Em đi phố huyện tiêu điều lắm/ Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi/ Mà đến hôm nay anh mới biết/ Tình ta như chuyện bướm xưa thôi (Trường huyện). Cả khi hướng về tương lai, câu hỏi cũng vẫn mở ra những khoảng trống khôn cùng: Mai mốt... con ơi! Mẹ lấy chồng/ Chúng con coi mẹ có như không/ Khuya rồi đấy nhỉ! Con đi nghỉ/ Gió bấc đêm nay lạnh ngập phòng (Bước đi bước nữa); hoặc: Đưa con ra đến cửa buồng thôi/ Mẹ phải xa con khổ mấy mươi!/ Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc/ Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi (Lòng mẹ).

Những liên hệ với thời gian hiện tại

Ngay trong thời điểm hiện tại, nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính có khi cũng tự thấy lỡ bước: Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày/ Bao giờ em mới gặp anh đây?/Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ/ Để mẹ em rằng: hát tối nay? (Mưa xuân) hoặc: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào? (Tương tư).

Ngược về quá khứ: hẫng hụt, xuôi đến tương lai: vô vọng, ngay trong thời điểm xác định: bất ổn. Kiểu cấu tứ trên đây thường là phát sinh cho hiệu quả: sự thất vọng giữa ước mơ với khả năng thực tế, sự vỡ mộng trong đời sống tâm lý tình cảm - điều đó trở thành một mạch trữ tình tiêu biểu trong thơ Nguyễn Bính. Có lẽ chính vì vậy, ý kiến cho rằng thơ Nguyễn Bính là tiếng nói "lỡ bước sang ngang" như tiêu đề một bài thơ nổi tiếng của ông cũng hoàn toàn có cơ sở. Sự ngăn cách, xa cách, lỡ làng... mà Nguyễn Bính thể hiện trong thơ vừa chân thực cụ thể vừa mang tính khái quát phổ biến nên bắt nhịp được với nhiều kênh tâm sự, tình cảm và trạng huống tâm lý - có thể đó là nguyên do trước hết của hiện tượng thơ Nguyễn Bính được nhiều người tìm đọc và cảm mến.

Thiết nghĩ, trên cơ sở những phân tích về cách lập tứ về thời gian trên đây có thể thấy được phần nào tính đa nghĩa, tính ẩn dụ hay khả năng dự báo của văn học qua thơ Nguyễn Bính trong thời điểm văn hóa xã hội giao thời lúc đó.

Mô-típ cấu tứ thực - ảo (hay không xác định)

Có thể nói: đây là mô-típ cấu tứ khá linh hoạt và độc đáo trong thơ Nguyễn Bính. Với mô-típ này, ông từng miêu tả được nhiều hình ảnh chân quê: giậu mùng tơi, dây lưng đũi, cây cau, giàn giầu... nhưng cũng từng đặt chúng bên cạnh những vật thể, yếu tố, khái niệm... không xác định nào đó để đạt hiệu quả thông tin thẩm mĩ trong thơ. Chẳng hạn: hội chèo làng Đặng trong "Mưa xuân" được miêu tả khá tỉ mỉ qua sự hồi hộp thấp thỏm đón chờ của cô gái - như là sự việc vừa xảy ra rất thật thì bỗng tác giả viết: Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ/ Mẹ bảo: Mùa xuân đã cạn ngày thì sự việc ấy lại như lọt vào thăm thẳm không cùng của vô số những sự việc đã diễn ra!

Cũng như vậy, trong bài Xuôi đò, kênh cảm hứng này cũng xuất hiện. Thật: Hôm nay dưới bến xuôi đò/ Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau lại được đặt bên ảo: Anh đi đấy, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm... Cũng có khi yếu tố xác định lại được đặt bên yếu tố không xác định, ví dụ xác định: Cô hái mơ ơi! cô gái ơi/ Chả trả lời nhau lấy một lời được đặt bên không xác định: Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng/ Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi (Cô hái mơ); hoặc: Nào đâu cái yếm lụa sồi/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân và: Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Cách lập tứ như vậy tạo ra những khả năng liên tưởng phong phú, thi vị, tạo ra sức lấp lánh, đa dạng của hình tượng thơ.

Kiểu quan hệ

Nhìn chung, cách xác lập kiểu quan hệ trong văn học phụ thuộc vào nội dung, tính chất và mục đích của phát ngôn. Với thơ, điều đó phụ thuộc vào mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp giữa chủ thể phát ngôn (nhà thơ) với đối tượng (hay nhân vật) mà thơ nói tới.

Thống kê 100 bài thơ của Nguyễn Bính, chúng tôi thấy kiểu quan hệ mà tác giả xác lập trong đó có nhiều đặc điểm lạ. Với tỷ lệ: miêu tả 19 bài, kể 34 bài và tâm tình 47 bài, bài nào cũng có từ 2 nhân vật trở lên (trong đó có thể 1 hoặc 2 nhân vật được ẩn dụ hoặc nhân hóa) trong các mối quan hệ tình cảm:

- Quan hệ yêu đương (tôi - em, tôi - cô, chàng - nàng, ta - nàng, tôi - người, anh - em, tình tôi - hồn em, ta - cô...);
- Quan hệ chị - em (người ấy);
- Quan hệ gia đình.

Riêng kiểu quan hệ tình yêu, Nguyễn Bính có nhiều sáng tạo đặc biệt: ngoài cách xưng hô hay phiếm chỉ trực tiếp ông còn sử dụng rất đa dạng các ẩn dụ hay nhân hóa kiểu như:
- Đời em - vườn hoa (Bướm nói điêu);
- Em - bóng bướm (Bóng bướm);
- Hồn tôi - hồn em (Trông sao);
- Tình tôi - hồn em (Tình tôi);
- Tôi - lá vàng (Mười hai bến nước);
- Tôi - nỗi buồn (Người hàng xóm);
- Hoa - bướm (Hết bướm vàng, Tương tư);
- Thôn Đoài - thôn Đông (Tương tư);
- Hồn tôi - vũng nước (Vũng nước);
- Em - cữ nắng (Vũng nước)...

Ngoài ra, cũng trong quan hệ này, Nguyễn Bính còn sử dụng cặp quan hệ giữa chủ thể và một người có tên cụ thể:
- Tôi - Tú Uyên (Diệu vợi)
- Tôi - Nhi (Hoa với rượu, Nuôi bướm)

Hoặc thể hiện qua quan hệ trung gian: em - chị - người ấy
(Khăn hồng).

Có thể nói: với mỗi cặp quan hệ như vậy, Nguyễn Bính thể hiện tính chất tương đối riêng của một kiểu quan hệ, một kênh thông tin hay một kênh cảm xúc, một cung bậc tình cảm. Điều này vừa làm phong phú phương thức diễn đạt, vừa thể hiện được những nội dung tinh tế phức tạp của đời sống tình cảm con người.

Triết lý nhân sinh hay quan điểm nghệ thuật

Cách nay hơn nửa thế kỉ, các tác giả Thi nhân Việt Nam đã viết về phong trào thơ mới: "Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu". Tuy không trực tiếp nói về quan điểm nghệ thuật hay triết lý nhân sinh của các nhà thơ, nhưng ý kiến trên đây là những gợi ý thú vị. Nếu triết lý trong thơ Huy Cận nghiêng về cảm quan rộng lớn tầm vóc vũ trụ, và Xuân Diệu siêu thực kiểu phương Tây: "Tôi là con chim đến từ núi lạ - ngứa cổ hát chơi" (Lời thơ vào tập Gửi hương) thì Nguyễn Bính với chất chân quê mộc mạc lại rất riêng một bản sắc.

Ấy là bản chất dân dã thấm nhuần trong triết lý nhân sinh. Ví như:

- Về nguồn gốc, hiện tượng tình cảm đặc biệt - tình yêu của con người được ông quan niệm thật tự nhiên như một lẽ thường tình đã thành quy luật vần vũ của trời đất - không thể gì đảo ngược, đổi thay: Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng (Tương tư).

- Về đức tin, được ông giải thích: Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo/ Vẫn biết là tin có chúa lòng (Chuông ngọ).

hoặc quan niệm sống thuần khiết được ông giải thích giản dị: Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê (Chân quê). Cách lập luận theo mô-típ đòn bẩy có tiên đề này của Nguyễn Bính ta thường gặp trong ca dao.

Có thể xem chân quê là tuyên ngôn sống, đồng thời cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính. Mặc dù từ tuổi hoa niên đã "đi dan díu với kinh thành", song tố chất trong con người Nguyễn Bính về cơ bản vẫn là dân dã, thôn quê. Có ý kiến cho rằng Nguyễn Bính tự mâu thuẫn ở điểm này, và cho rằng "chính người (tức Nguyễn Bính) cũng đã đi tỉnh nhiều lần lắm. Dấu thị thành chẳng những người mang trên quần áo, nó còn in tận vào trong hồn" ông như các tác giả Thi nhân Việt Nam từng khẳng định. Thiết nghĩ, đó là nét biện chứng có tính tất yếu của quy luật nhận thức - sáng tạo mà Nguyễn Bính đã thật uyển chuyển. Có thể gặp điều này trong rất nhiều sáng tác của ông - kể cả trong đoạn thơ mà các tác giả Thi nhân Việt Nam dẫn ra: Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong (Xuân về).

Phải chăng: chính những nét cấu tứ mới mẻ đó giúp người đọc thấy được “thi sĩ chân quê” này khác với Xuân Diệu và Tản Đà, không bị lạc lõng trong trào lưu thơ mới đương thời đồng thời còn thể hiện rất ấn tượng một điệu hồn da diết rất riêng Nguyễn Bính! Nhìn chung, Nguyễn Bính không thiên về cảnh quê mà thiên về tình quê, hồn quê. Điều này thoạt nghe ngỡ như mâu thuẫn, nhưng thực tế, nhà thơ đã kết lắng cảnh quê một cách nhuần nhuyễn và tinh tế trong tình quê nổi bật thông qua cách cấu tứ biến hoá linh hoạt của thể thơ truyền thống, và phải vì thế, đã đem lại một hiệu quả sáng tạo đặc sắc./.