Khởi sắc các hoạt động du lịch đầu Xuân

NĐ tổng hợp
21:36, ngày 19-02-2018
TCCSĐT - Du lịch có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017 với gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp đà tăng trưởng đó, nhân dịp đầu Xuân, để đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân cũng như của du khách, các hoạt động văn hóa, lễ hội, xúc tiến du lịch diễn ra sôi nổi trên các địa phương cả nước.

Cần Thơ đón gần 700 ngàn lượt du khách trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

Chiều 19-02, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thành phố Cần Thơ đón khoảng gần 700 ngàn lượt khách tham quan, du lịch, tăng 10% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2017.

Theo ông Lê Minh Sơn, bình quân mỗi ngày, Cần Thơ đón hơn 99 ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch tại thành phố. Tổng số khách lưu trú tại Cần Thơ trong dịp này đạt hơn 65 ngàn lượt khách (năm 2017 là hơn 59 ngàn lượt), tăng 10% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2017. Trong đó, có hơn 16.200 lượt khách lưu trú quốc tế, tăng 10%; khách nội địa lưu trú đạt gần 49 ngàn lượt, tăng 10% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2017. Tổng thu từ du lịch trong dịp Tết này đạt 75,8 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2017.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết, trong dịp Tết, thành phố Cần Thơ tổ chức các dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các điểm, khu du lịch, cơ sở lưu trú, cơ bản đi vào nề nếp, ổn định, phù hợp với đặc điểm của địa phương, cộng đồng dân cư, nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự, công tác phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở lưu trú du lịch và khu, điểm du lịch được đảm bảo, các cơ sở kinh doanh du lịch trang trí tạo sắc xuân ngày Tết, chất lượng phục vụ được quan tâm và thực hiện tốt. Ngành du lịch Cần Thơ tập trung kiểm tra các điểm vườn du lịch trên địa bàn, chỉ đạo công tác chuẩn bị phục vụ khách trong dịp Tết về ổn định giá, công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cáo chất lượng phục vụ,…

Trong dịp Tết, ngành du lịch thành phố phân công cán bộ trực tại bến tàu Ninh Kiều và các bến tàu khác từ 5 giờ đến 8 giờ hằng ngày, theo dõi tình hình hoạt động của bến tàu, ngăn chặn tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách. Riêng tại các cơ sở lưu trú du lịch, homestay có bố trí lực lượng bảo vệ 24/24, thường xuyên kiểm tra an ninh khu vực trong và ngoài khách sạn, đề cao cảnh giác tội phạm, nâng cao tinh thần phục vụ chu đáo du khách tại các cơ sở lưu trú, tạo cho du khách sự thoải mái trong thời gian lưu trú tại khách sạn.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, thành phố có một số dịch vụ mới phục vụ du khách như: Xe điện du lịch, các chuyến du thuyền phục vụ khách du lịch tham quan, tổ chức lễ hội đèn lồng khổng lồ phục vụ du khách…

Gần 375 nghìn lượt khách du lịch đến Hà Nội dịp Tết Nguyên đán

Theo Sở Du lịch Hà Nội, dự kiến trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018, từ ngày 14 đến ngày 20-02-2018, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt gần 375 nghìn lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt gần 125 nghìn lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, khách nội địa ước đạt 250 nghìn lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.283 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tập trung vào thị trường khách du lịch trọng điểm bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Malaysia và Thái Lan.

Một số điểm tham quan trên địa bàn Hà Nội hấp dẫn khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán như: Bảo tàng Dân tộc học, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích danh thắng Hương Sơn, đền Ngọc Sơn, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... Để chào đón tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhiều chương trình và lễ hội mang không khí cổ truyển dân tộc được tổ chức như: Chương trình Tết Việt tại Hoàng Thành Thăng Long, Hội chữ Xuân Mậu Tuất tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chương trình Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và Phố sách Xuân Mậu Tuất 2018 thu hút nhiều khách du lịch và người dân trên địa bàn thành phố đến tham quan và vui chơi.

Các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đã chủ động trong công tác chuẩn bị đón dịp nghỉ lễ. Đặc biệt, ngay từ những ngày trước Tết Nguyên đán, các cơ sở lưu trú du lịch đã trang hoàng tạo không khí vui tươi mang truyền thống dân tộc Việt để chào đón Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018. Hầu hết các khách sạn 4 - 5 sao đều tổ chức các chương trình đặc biệt như: Không gian chợ Hà Thành ngày Tết được tái hiện tinh tế trong khuôn viên khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, tiệc đếm ngược chào đón năm mới cho khách lưu trú tại Khách sạn Pan Pacific, tiệc giao thừa tại Khách sạn Apricot, cùng với các gói đặt phòng Tết và trọn gói tất niên tại Khách sạn Pan Pacific và Tản Đà Resort.

Sở Du lịch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một số địa bàn trọng điểm tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán; kiểm tra 45 hướng dẫn viên du lịch, 12 lái xe vận chuyển khách du lịch, nhắc nhở các trường hợp đeo thẻ hướng dẫn viên chưa đúng quy định, không mang theo hợp đồng ký cộng tác viên với công ty lữ hành, hướng dẫn viên viết nhật ký hướng dẫn chưa đầy đủ theo lịch trình du lịch, lái xe không có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ du lịch. Tại thời điểm kiểm tra, còn điểm du lịch tồn tại tình trạng mất vệ sinh môi trường do sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân và khách du lịch.

Nô nức trẩy hội chùa Keo (Thái Bình)

Ngày 19-02 (tức mùng 4 Tết), tại Khu di tích lịch sử Chùa Keo (thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Lễ hội chùa Keo đã chính thức khai hội, thu hút hàng ngàn lượt tăng ni, phật tử và du khách thập phương về trẩy hội.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã tới ngôi chùa có từ gần 400 năm thắp nén tâm nhang bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn to lớn của quốc sư Dương Không Lộ - người đã có công xây dựng chùa Keo và cầu cho một năm mới nhiều may mắn, bình an.

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự, gồm hai cụm kiến trúc: chùa thờ Phật và Đền thờ Thánh Dương Không Lộ. Theo sử sách, Thiền sư Dương Không Lộ quê làng Giao Thủy, Phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), gia đình vốn làm nghề chài lưới. Ông đi tu từ năm 29 tuổi. Năm 1060, ông sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Đến năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông, ông trở về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (tức chùa Keo ngày nay). Ông đã đi nhiều nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ để dựng chùa, truyền bá Phật pháp và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam. Thiền sư Dương Không Lộ đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được vua phong làm Quốc sư triều Lý. Năm 1611, do sông Hồng bị sạt lở, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa này. Mãi đến năm 1632, chùa mới được xây dựng lại.

Chùa Keo là một trong những ngôi chùa của Việt Nam còn giữ lại được nguyên vẹn nét kiến trúc xưa. Chùa có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá…. Năm 2012, chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia. Năm 2017 lễ hội Chùa Keo tiếp tục được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hàng năm, Chùa Keo có hai kỳ lễ hội: Hội xuân diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch với các hoạt động văn hóa dân gian như thi bắt vịt, thổi cơm; hội thu từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Chín âm lịch mang đậm tính chất hội lịch sử, tái hiện lại cuộc đời của Quốc sư Dương Không Lộ như lễ tế, lễ rước kiệu, thi bơi trải trên sông.

Các điểm du lịch ở Cà Mau thu hút nhiều du khách

Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ ngày 14-02 đến hết ngày 17-02, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã thu hút gần 40.000 lượt du khách đến tham quan. Chỉ tính riêng trong ngày 17-02 (ngày mùng 2 Tết) lượng khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hơn 28.400 người, tăng gấp 4,5 lần so với ngày trước đó. Các điểm du lịch thu hút nhiều du khách là: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu du lịch Khai Long, khu du lịch Hòn Đá Bạc, khu du lịch Đất Mũi...

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, giao thông từ thành phố Cà Mau nối với các điểm du lịch trong tỉnh đều thông suốt, an toàn. Đặc biệt, tuyến đường bộ đã thông suốt từ thành phố Cà Mau đến Khu du lịch Mũi Cà Mau, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Mũi Cà Mau cũng như đến tham quan Khu dự trữ sinh quyển và Khu Ramsar của thế giới tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Trước Tết Nguyên đán, ngành Du lịch tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉnh trang, nâng cấp các điểm du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp để thu hút du khách. Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ du lịch chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, cải tiến các sản phẩm du lịch đa dạng mang tính đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tăng cường quản lý các hoạt động du lịch, kịp thời chấn chỉnh tình trạng các cơ sở dịch vụ du lịch nâng giá các dịch vụ một cách bất thường.

Lễ hội đường phố mang đậm âm hưởng Tây Nguyên

Từ ngày 18 đến 20-02 (tức mùng 3-5 Tết), du khách thập phương khi đến du Xuân Mậu Tuất 2018 tại Khu Du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) sẽ được đắm chìm trong Lễ hội đường phố mang đậm âm hưởng Tây Nguyên. Những tiết mục cồng chiêng hùng vĩ hòa quyện cùng những điệu xoang uyển chuyển mang đến cho du khách một cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống, văn hóa và con người nơi đây.

Với chủ đề “Lễ hội đường phố, trải nghiệm du Xuân Mậu Tuất năm 2018”, trong ba ngày diễn ra Lễ hội, du khách thập phương khi đến với Măng Đen - Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam sẽ được hòa mình vào những điệu chiêng, “say cùng những điệu xoang” trên tất cả các ngả đường. Được chuẩn bị chu đáo, với sự tham gia của hơn 90 nghệ nhân, đặc biệt là sự góp mặt của những nghệ nhân nhí, Lễ hội chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách khi đến với Măng Đen.

Chị Lê Thị Phương Vi, du khách đến từ tỉnh Gia Lai cho biết: Đây thực sự là một hoạt động rất hấp dẫn. Những ngày đầu Xuân, được đắm chìm trong những âm hưởng cồng chiêng, cùng hòa mình vào những điệu xoang thật thú vị. Nhìn những em nhỏ biểu diễn trống, chiêng thật vui mắt và cuốn hút. Hy vọng những năm tiếp theo, ngành Văn hóa Kon Tum sẽ có nhiều hoạt động như thế này vừa để phục vụ du khách, vừa góp phần bảo tồn văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.

Đến với Măng Đen, không chỉ được đắm chìm trong Lễ hội đường phố, du khách tới đây còn được hòa mình vào thiên nhiên xanh mướt. Những thác nước trắng xóa, những cành hoa anh đào rực hồng hay tản bộ dưới rừng thông vi vu ngắm những chú vịt trời tung tăng trên mặt hồ phẳng lặng. Tất cả sẽ mang đến cho du khách một ngày du Xuân thi vị.

Đến từ Quảng Ngãi, anh Nguyễn Trọng Bằng chia sẻ: Năm nay, anh chọn Măng Đen làm điểm du Xuân cho gia đình. Xa cái ồn ào của biển cả, những ngày ở Măng Đen đã mang đến cho gia đình anh một không gian thật tĩnh lặng. Ở đây có rất nhiều điểm để vui chơi như Thác Ba Sỹ hùng vỹ, tản bộ dưới hàng thông vi vu quanh mặt hồ ở Khu Du lịch sinh thái Hoàng Vũ Măng Đen hay hồ Đăk Ke ngắm những cành hoa anh đào hồng rực. Cả gia đình anh rất thích khi đến đây du Xuân.

Đây là lần đầu tiên huyện Kon Plông tổ chức hoạt động văn hóa mừng Xuân Mậu Tuất 2018. Trong ngày đầu tiên, Lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt du khách thập phương đến với Măng Đen. Hoạt động này góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây phát triển hơn nữa, bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ông Võ Kim Thạch, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Kon Plong cho biết thêm: Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá, tuyên truyền rộng rãi điểm du lịch Măng Đen đến với du khách trong nước và ngoài nước. Những năm sắp tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như thế này để thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với Măng Đen./.