Phát huy tinh thần sáng tạo, xung kích của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục có bước tiến thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm với thanh thiếu nhi, có đóng góp xứng đáng vào những thành tựu phát triển chung của đất nước. Trình độ học vấn của thanh niên Việt Nam đã được nâng lên, tầm vóc, thể trạng được cải thiện. Tỷ lệ thanh niên được đào tạo ngày càng tăng nhanh trong cơ cấu lực lượng lao động. Phần lớn thanh niên có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, phát huy truyền thống cách mạng, thể hiện rõ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có hành động thiết thực, cụ thể vì cộng đồng.
Các hoạt động về công tác giáo dục của Đoàn tiếp tục được đổi mới về hình thức, đa dạng hóa về phương thức. Công tác xây dựng Đoàn, đoàn kết, tập hợp thanh niên đã có sự chuyển động lớn từ phía cơ sở. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”, giáo dục luôn được coi là một nội dung trọng tâm trong các nhiệm vụ của Đoàn. Theo đó, phương thức giáo dục cho thanh thiếu nhi luôn được tổ chức Đoàn chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan liên tục đổi mới. Phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai đồng bộ, phù hợp với từng đối tượng thanh thiếu nhi, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trung ương Đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, mô hình như “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; Tuyên dương dưới cờ... Hàng trăm nghìn thanh niên trên toàn quốc từ cấp Trung ương đến cơ sở đã được tuyên dương, cổ vũ, động viên, tạo động lực để thanh thiếu nhi rèn luyện, phấn đấu.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với sự sáng tạo trong cách thức, quá trình tổ chức đã đem lại hiệu quả tích cực. Các hoạt động như: “Tự hào tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh”, Hội thi “Ánh sáng soi đường”; Cuộc thi “Tự hào Việt Nam”; Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”... đã thể hiện được tính giáo dục và tự giáo dục; góp phần phát huy truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc, định hình giá trị nhân ái, nghĩa tình, tinh thần trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng trong thanh thiếu nhi. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, toàn Đoàn đã giúp đỡ được trên 350.000 gia đình chính sách với tổng giá trị hơn 701 tỷ đồng, xây mới và tu sửa 63.943 ngôi nhà tình nghĩa, tạo nên sự hưởng ứng thiết thực đối với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh
Song song với việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức Đoàn luôn chú trọng công tác xây dựng Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên. Trong đó, việc nâng cao chất lượng đoàn viên nói riêng, chất lượng chi đoàn, Đoàn cơ sở nói chung được xác định là yếu tố then chốt để hình thành tổ chức Đoàn vững mạnh, ngày càng phát triển. Hiện nay, toàn Đoàn có hơn 6,4 triệu đoàn viên sinh hoạt tại 44.454 Đoàn cấp cơ sở, 267.495 chi đoàn. Chương trình “Rèn luyện đoàn viên” đã được sửa đổi phù hợp hơn với từng đối tượng, gắn với đánh giá chất lượng đoàn viên. Một số giải pháp về quản lý đoàn viên ở cơ sở và khuyến khích đoàn viên sinh hoạt tại địa bàn cư trú hoặc nơi công tác được nghiên cứu, triển khai đạt kết quả bước đầu như: xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đoàn viên, chi đoàn liên kết 3 chi, chi đoàn 4 chủ động, chi đoàn chủ động công tác... Từ đó, tỷ lệ chi đoàn xếp loại vững mạnh đã tăng 3,92%; tỷ lệ xếp loại yếu giảm 0,37% so với đầu nhiệm kỳ. Hoạt động phát triển tổ chức Đoàn, Hội ở khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; phối hợp, chăm lo cho thanh niên công nhân, thanh niên khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo… được quan tâm, chú trọng hơn.
Công tác phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng của Đoàn Thanh niên các cấp cũng đã được triển khai với nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, thực hiện trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, xuyên suốt là việc thực hiện Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”. Để phát triển hợp tác quốc tế thanh niên, trong nhiệm kỳ, Trung ương Đoàn đã tổ chức gần 500 hoạt động giao lưu quốc tế thanh thiếu nhi với sự tham gia của trên 11.000 thanh thiếu nhi Việt Nam và quốc tế. Đoàn cấp tỉnh tổ chức được hơn 600 hoạt động giao lưu quốc tế thanh thiếu nhi, đóng góp hiệu quả vào thành công chung của công tác đối ngoại nhân dân, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống với các tổ chức thanh niên các nước láng giềng. Bên cạnh hoạt động đối ngoại, các cấp bộ Đoàn cũng tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội.
Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc
Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc là phong trào lớn do tổ chức Đoàn phát động, thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho thanh niên, phát huy tinh thần của tuổi trẻ trong việc tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng phát triển đất nước. Phong trào đã có bước phát triển mới, được dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao; góp phần khẳng định vai trò tiên phong, tinh thần tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đóng góp tích cực vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo môi trường thực tiễn phong phú, rộng lớn để phát huy, rèn luyện đoàn viên, thanh niên.
5 nội dung “xung kích” gồm: Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, các hoạt động nhằm đẩy mạnh tinh thần xung kích, tình nguyện đã được tổ chức Đoàn xây dựng phong phú, tiêu biểu như: “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị”, chương trình Tiếp sức mùa thi; các chiến dịch Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh... Mỗi hoạt động đều gắn với từng khối đối tượng thanh niên theo hướng coi trọng, phát huy nhiệm vụ chuyên môn, thế mạnh của từng khối đối tượng. Điển hình như thanh niên trường học triển khai các phong trào thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực trẻ; công chức, viên chức trẻ thi đua triển khai phong trào “3 trách nhiệm”, tích cực tham gia cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp... Bên cạnh việc đóng góp xây dựng đất nước, phát triển xã hội, những chương trình tình nguyện đã góp phần giải quyết ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của chính lực lượng thanh niên, tạo nên sự tương tác, huy động được các nguồn lực xã hội hỗ trợ thanh niên.
“Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị” là hai phong trào thể hiện rõ nét tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 5 năm qua, đoàn viên, thanh niên cả nước đóng góp hàng triệu ngày công tham gia xây dựng, sửa chữa hơn 31.500 km đường giao thông nông thôn, gần 62.000 km kênh mương nội đồng, trên 2.800 nhà văn hóa, 5.255 nhà nhân ái, nhà bán trú dân nuôi. Các cấp bộ Đoàn tập trung đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và nếp sống văn hóa trong thanh thiếu nhi. Nhiều công trình thanh niên ở địa phương đã khẳng định tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia đón nhận những nhiệm vụ khó; phát huy được giá trị theo chiều sâu với việc nâng cao hàm lượng trí tuệ, chất xám của đoàn viên, thanh niên.
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” do Trung ương Đoàn khởi xướng đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng, chỉ riêng trong 5 năm qua đã thu hút 16 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Các hoạt động được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, đa dạng các lĩnh vực và nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của dư luận xã hội. Trung ương Đoàn chủ trương đưa phong trào “Thanh niên tình nguyện” trở thành phong trào trọng điểm, cổ vũ thanh niên Việt Nam đóng góp sức trẻ, nhiệt huyết vào sự phát triển của đất nước.
Phương thức tổ chức phong trào được đổi mới theo hướng triển khai các chương trình, chiến dịch trong các đối tượng thanh niên. Bên cạnh các Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè với hoạt động Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh; chương trình Tình nguyện mùa đông, Xuân tình nguyện được mở rộng cùng với nhiều hoạt động tình nguyện tại chỗ, tình nguyện thường xuyên, tình nguyện quốc tế, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quần chúng nhân dân, trong đó, thanh niên luôn giữ vai trò nòng cốt.
Phát huy tinh thần, trách nhiệm trong xung kích xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tuổi trẻ Việt Nam đã nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; tạo sự lan tỏa cao trong xã hội, đã vận động ủng hộ cán bộ, chiến sỹ, thanh thiếu nhi và nhân dân vùng biên giới, hải đảo với tổng giá trị trên 215 tỷ đồng. Các hoạt động tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đạt kết quả rõ nét, thu hút trên 5 triệu lượt thanh thiếu nhi và nhân dân tham gia; tổ chức 46 đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Hàng chục nghìn sáng kiến, giải pháp hưởng ứng phong trào “Sáng tạo trẻ” với nhiều hoạt động phong phú mang lại giá trị hữu ích trong công việc và cuộc sống, toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điển hình như phong trào “Thanh niên Quân đội tiến quân vào khoa học và công nghệ”, Các cuộc thi Tin học trẻ, Tin học khối cán bộ, công chức trẻ, Giải thưởng Quả cầu vàng, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka , Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật...
Hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với những hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ dòng sông quê hương... Nhiều mô hình can thiệp tại cộng đồng trong bảo vệ môi trường được nhân rộng như: xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; di dời nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi không hợp vệ sinh ra xa nơi ở; xây lò đốt rác thải; thu gom xử lý rác thải; giữ sạch cánh đồng quê hương; huy động hàng triệu ngày công của thanh niên, vận động các nguồn lực xã hội với giá trị gần 21 tỷ đồng, triển khai nhiều công trình, phần việc cụ thể hỗ trợ nhân dân khắc phục tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp
Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” với những hoạt động thiết thực đã góp phần giải quyết ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng, bảo đảm quyền và lợi ích của thanh niên, huy động được các nguồn lực xã hội hỗ trợ thanh niên trong học tập, lập thân, lập nghiệp, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần, phát triển kỹ năng xã hội. Các chương trình “đồng hành” tập trung vào 4 nhóm hoạt động: Đồng hành với thanh niên trong học tập; nghề nghiệp, việc làm; nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần; phát triển kỹ năng xã hội.
Thực hiện đồng hành với thanh niên trong học tập, các cấp bộ Đoàn, Hội tổ chức thường xuyên các hoạt động tạo môi trường, điều kiện để thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng môi trường học đường lành mạnh. Trong nhiệm kỳ, trung bình mỗi năm, Đoàn, Hội khối trường học trên cả nước đã hỗ trợ nghiên cứu 18.000 đề tài khoa học. Các quỹ khuyến học, khuyến tài, giải thưởng, học bổng dành cho học sinh, sinh viên tiếp tục được mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng, trong 5 năm, gần 780.000 lượt học sinh, sinh viên đã được cấp học bổng với tổng giá trị trên 792 tỷ đồng. Thông qua chương trình “Tiếp sức đến trường”, gần 500.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa đã được trao tặng sách vở, hỗ trợ xây nhà bán trú dân nuôi, xây điểm trường...
Các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được chú trọng với hình thức tổ chức khá đa dạng. Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” được triển khai với nhiều hoạt động như truyền thông về khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên; tổ chức tư vấn, hỗ trợ thanh niên thông tin, kiến thức, kỹ năng, nguồn vốn... Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa cao. Để khởi nghiệp thành công, thanh niên cần tự tạo khả năng thích ứng với nhu cầu thị trường lao động mới. Quá trình khởi nghiệp cũng đòi hỏi thanh niên tham gia phải có sự hăng say, vượt khó, vượt qua chính bản thân mình với động lực, quyết tâm, không nên giữ tâm thế ỷ lại vào Nhà nước, vào gia đình và biên chế.
Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp là mối quan tâm trong tâm của các cấp bộ Đoàn. Xác định được nhiệm vụ này, trong nhiệm kỳ, toàn Đoàn đã nỗ lực hỗ trợ thanh niên trong lập nghiệp thông qua các chương trình dạy nghề cho trên 420.000 thanh niên, giới thiệu việc làm cho hơn 2 triệu thanh niên. Các tổ chức Đoàn từ Trung ương đến cơ sở cũng phối hợp với nhiều bộ, ngành tổ chức các hội thi tay nghề, thao diễn kỹ thuật cho thanh niên công nhân; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế. Đến nay, nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm cho thanh niên vay hơn 72 tỷ đồng; dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội trong hệ thống Đoàn Thanh niên đạt gần 20.250 tỷ đồng với 841.000 hộ vay.
Đồng hành với thanh niên phát triển kỹ năng xã hội; đồng hành với thanh niên nâng cao sức khỏe thể chất, đời sống văn hóa tinh thần cũng được tổ chức Đoàn triển khai rộng khắp với nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về kỹ năng thực hành xã hội cho thanh niên; tạo cơ hội cho các bạn trẻ rèn luyện kỹ năng thông qua trải nghiệm thực tiễn. Các trung tâm, nhà văn hóa thanh niên tổ chức nhiều hoạt động, mô hình giáo dục kỹ năng xã hội cho thanh niên. Phong trào thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi ở cơ sở. Các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, đồng hành với thanh niên công nhân được tăng cường, bước đầu hỗ trợ được một bộ phận thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần định hình tố chất, sức khỏe, trí tuệ cho thanh niên trong thời kỳ mới, tạo tiền đề để thanh niên phát huy trí lực, sáng tạo, tinh thần xung kích, tiên phong trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp./.
Kinh tế phải phát triển để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa  (11/12/2017)
Malaysia-Indonesia-Thái Lan thiết lập cơ chế thanh toán bằng nội tệ  (11/12/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản  (11/12/2017)
Khai mạc Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (11/12/2017)
Việt Nam dự Hội nghị cấp cao kết nối ASEAN-Ấn Độ tại New Delhi  (11/12/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên