Khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ
TCCSĐT - Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Hiện nay, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, miền.
Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, 100% Chi hội Phụ nữ xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã cam kết thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện 3 sạch là “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” nhằm đáp ứng tiêu chí số 17 về môi trường.
Các hộ gia đình đã chủ động di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn và đào hố rác. Với những hộ nghèo, gia đình khó khăn, hội viên, phụ nữ xã, bản sẵn sàng đóng góp tre nứa, mái lợp và ngày công xây dựng chuồng trại, bảo đảm không nuôi, nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, không gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường trong gia đình và ngoài ngõ xóm. Tất cả 1.299 hộ đã đào hố rác, đạt 100%. Hội viên, phụ nữ đóng góp ngày công xây dựng hố rác tập thể tại các nhà văn hóa xã, bản để bảo đảm rác luôn được đổ đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Không chỉ sạch nhà, sạch bếp, hội viên, phụ nữ xã còn duy trì, nhân rộng mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn” giúp sạch đường, sạch xóm. 14/14 bản trong xã đã có tuyến đường tự quản. Định kỳ 2 lần/tháng, hội viên, phụ nữ tự giác chia thành các tổ, nhóm vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm và khơi thông cống rãnh.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Đen Giàng Thị Mo cho biết, ban đầu việc vận động, tuyên truyền hội viên, phụ nữ thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Phát huy sức mạnh tập thể, cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Chiềng Đen đã tổ chức nhiều cuộc vận động với nhiều hình thức từ tuyên truyền phối hợp tại các cuộc họp xã, bản đến phát thanh trên loa đài và cung cấp tờ rơi…giúp người dân thay đổi nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường. Ở nhiều bản xa, dân cư nằm rải rác, đường giao thông đi lại khó khăn, cán bộ, hội viên, phụ nữ không quản ngại đến từng hộ gia đình để tuyền truyền các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chiềng Đen Quàng Văn Biu, cùng với các tổ chức, đoàn thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Đen đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ sự vận động, tuyên truyền tích cực và nỗ lực không ngừng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cảnh quan trên địa bàn đã trở nên xanh - sạch - đẹp. Cán bộ, hội viên, phụ nữ xã, bản đã chung tay góp phần đáp ứng một trong những tiêu khí khó như tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Dự kiến vào tháng 11-2017, xã Chiềng Đen sẽ được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La Quàng Thị Vân đánh giá: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình, cũng như góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới và văn minh đô thị. Các cấp hội phụ nữ tỉnh đã có nhiều mô hình mang lại lợi ích thiết thực như: “Đoạn đường phụ nữ xanh - sạch - đẹp”, “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Hộ gia đình không chăn nuôi gia sức dưới gầm sàn”, “Mái nhà xanh 5 không, 3 sạch”... Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Đen là điển hình trong phong trào thi đua “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Với tinh thần đoàn kết và xây dựng, hội viên, phụ nữ xã đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống sạch từ trong mỗi gia đình.
Hơn 7.700 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững
Hơn 19.000 hộ nghèo do nữ làm chủ hộ được vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền trên 75 tỷ đồng, qua đó đã thoát nghèo bền vững. Đây chỉ là một trong số hàng chục chương trình, mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2016. Nhờ đó đời sống của phụ nữ trên địa bàn đã có những đổi thay tích cực.
Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai, công tác giúp hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các cấp Hội đã tiến hành đổi mới nội dung, phương thức hỗ trợ bằng cách lồng ghép các chương trình, đề án, nguồn vốn tập trung xây dựng các mô hình liên kết, tổ hợp tác giúp phụ nữ sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường, ký kết 19 chương trình phối hợp với các sở, ngành. Hội đã hỗ trợ vay vốn cho những gia đình do nữ làm chủ hộ để phát triển kinh tế gia đình, tiến tới thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ Hội cơ sở được đánh giá là yếu tố quan trọng góp phần tạo ra những đổi thay về đời sống của phụ nữ tỉnh Đồng Nai.
Chị Lê Thị Ngọc Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ, đời sống của chị em trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực hơn do được tiếp cận với các chương trình, chính sách của tỉnh. Qua các nguồn vốn vay, các dự án phối hợp các ngân hàng, các dự án phi chính phủ tạo điều kiện cho nữ làm kinh tế ở từng cơ sở, từng địa bàn cụ thể có những mô hình thiết thực, sát với thực tế, phù hợp với từng đối tượng hội viên phụ nữ. Ngoài phát triển kinh tế, trình độ học vấn, vị thế của phụ nữ cũng ngày một nâng cao và được khẳng định; các cấp Hội còn gây dựng hơn 370 mái ấm tình thương với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng, tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo với số tiền trên 40 tỷ đồng.
Bằng những nỗ lực sáng tạo, đầu tư cho các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã và đang thực hiện tốt mục tiêu “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức Hội”, để tổ chức Hội thực sự là chỗ dựa vững chắc của hàng trăm ngàn hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Chị Võ Thị Kim Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Long Khánh cho biết, Hội gắn việc thực hiện chỉ tiêu với việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi để chị em thấy đến với Hội được quan tâm cả về vật chất, tinh thần. Từ đó trở thành chỗ dựa cho chị em, giúp họ gắn bó với tổ chức Hội, ngày càng thu hút đông đảo phụ nữ đến với tổ chức Hội.
Tiên phong mở hướng đi mới ở vùng đất khó
Hơn 4 năm nay, người dân thôn Sủng Hoảng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã quen với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn trong trang phục dân tộc Dao đỏ luôn gương mẫu, nhiệt tình trong mọi hoạt động của địa phương. Đó là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Sủng Hoảng Chảo Kiếu Mẩy.
Chị Chảo Kiếu Mẩy (sinh năm 1966) sinh ra trong một gia đình người Dao đỏ nghèo ở xã Phìn Ngan. Do thôn, bản xa trường học, lại thêm kinh tế khó khăn, phải đến hơn 10 tuổi, Mẩy mới bắt đầu học lớp 1. Thôn chỉ có vài người học hết bậc Tiểu học, chị Mẩy là một trong số đó.
Người dân Sủng Hoảng vẫn gọi sa nhân tím là cây “thoát nghèo” bởi nhiều năm qua, các giống cây mới được đưa về trồng tại đây đều không mang lại hiệu quả. Chỉ đến khi sa nhân tím được chị Mẩy mang về trồng thử nghiệm vào năm 2003 đã mở hướng đi mới cho vùng đất khó này.
Chị Mẩy cho biết, trước đây, được nghe một vài người bạn ở các xã khác nói chuyện về cây sa nhân tím dễ trồng, mang lại hiệu quả cao. Chị Mẩy bàn với chồng mua sa nhân tím về trồng. Sau một thời gian, cây tỏ rõ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Nhận thấy vùng đất này thích hợp với loại cây sa nhân tím, gia đình chị quyết định mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sau hơn 10 năm, gia đình chị đã phát triển được trên 3 ha sa nhân tím, đến nay cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.
Là hộ trồng sa nhân tím đầu tiên trong thôn, chị Mẩy cung cấp giống cây cho những hộ khó khăn, đồng thời tận tình hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, hầu hết các hộ dân trong thôn đều trồng sa nhân tím. Mỗi gia đình trong thôn trồng cây sa nhân tím cho thu nhập khoảng gần 20 triệu đồng/năm. Nhờ trồng cây sa nhân tím, nhiều gia đình trong thôn đã giảm nghèo và thoát nghèo.
Không chỉ đồng hành cùng bà con trong phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ Sủng Hoảng Chảo Kiếu Mẩy còn tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan. Sủng Hoảng hôm nay đã có 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Nhiều em được học hết các bậc học phổ thông và theo học tại các trường chuyên nghiệp. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều sử dụng biện pháp phòng tránh thai…
Sủng Hoảng không những là thôn xa, khó khăn nhất của xã nghèo Phìn Ngan mà nơi đây còn chịu nhiều thiệt hại bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên với những cơn lũ lịch sử các năm 2004, 2008 và năm 2016. Để ổn định cuộc sống cho người dân sau những ngày mưa lũ, chính quyền địa phương chủ trương di dời người dân đến nơi ở mới. Khu tái định cư của 34 hộ dân Sủng Hoảng 2 cách nơi ở cũ gần chục km. Đi hay ở, đó là quyết định không dễ dàng đối với nhiều gia đình. Vì tất cả ruộng nương, hoa màu, chuồng nuôi nhốt gia súc…của người dân đều ở đây. Tuy nhiên, xác định tính mạng con người là trên hết, cùng với sự tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể, Chi bộ Sủng Hoảng dưới sự chỉ đạo của Bí thư Chảo Kiếu Mẩy đã tích cực tuyên truyền người dân chuyển về nơi ở mới. Đồng thời, mỗi Đảng viên trong chi bộ là hộ dân đi đầu trong việc chuyển về nơi ở mới. Bí thư Chi bộ Sủng Hoảng Chảo Kiếu Mẩy là một trong người đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới.
Đầu tháng 7-2017, chị Mẩy còn được tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Sủng Hoảng. Mặc dù vất vả, bận rộn, vừa lo việc đồng ruộng, việc nhà, chăm sóc gia đình nhưng chị Mẩy luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của một Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.
Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phìn Ngan cho biết, đồng chí Chảo Kiếu Mẩy là nữ Bí thư Chi bộ thôn, bản đầu tiên của xã nhưng rất mạnh dạn trong công tác, luôn đề xuất những nội dung, công việc có lợi cho dân, xứng đáng là điểm tựa của người dân vùng rốn lũ Sủng Hoảng. Ngoài ra, gia đình đồng chí Mẩy còn tích cực trong phát triển kinh tế, là tấm gương cho người dân noi theo./.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết thúc chuyến thăm Kazakhstan  (19/10/2017)
The Asian Banker trao giải thưởng Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam lần thứ 2 cho Vietcombank  (19/10/2017)
Đối thoại Việt Nam - Hoa Kỳ lần 7 về châu Á - Thái Bình Dương  (19/10/2017)
Tọa đàm về thành tựu đổi mới của Việt Nam và quan hệ với Hà Lan  (19/10/2017)
Vay thấu chi qua thẻ VietinBank lên đến 500 triệu đồng  (19/10/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên