TCCSĐT - Già hoá dân số đang nổi lên là một trong những thách thức mang tính toàn cầu. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25% dân số.

Một trong những thách thức của già hóa dân số là bảo đảm chăm sóc y tế. Hoạt động chăm sóc y tế cho người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm để duy trì tuổi thọ và sức khỏe, phòng chống bệnh không lây nhiễm cho người già. Tuy nhiên, do tốc độ già hóa dân số ở nước ta nhanh dẫn tới hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc y tế của người cao tuổi.

Người cao tuổi và gánh nặng bệnh tật

Theo báo cáo của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), năm 2017, Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số. Già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như: Tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, các dòng di cư quốc tế… Tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Đồng bằng sông Hồng là khu vực có tỷ lệ người cao tuổi đông nhất, chiếm 28% và thấp nhất là khu vực Tây Nguyên chỉ có 4%. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi nước ta thấp (64 tuổi); đặc biệt có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất…

Sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật kép của người cao tuổi Việt cũng cao. Nước ta có khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Như vậy, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Gánh nặng bệnh tật kép này sẽ đe dọa nguồn ngân sách vốn đã eo hẹp của các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó ở nước ta, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Năm 2014, cả nước chỉ có 49/63 tỉnh có khoa lão tại các bệnh viện tỉnh và 60,8% người cao tuổi có bảo hiểm y tế.

Hệ thống an sinh xã hội ở nước ta cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; một bộ phận xã hội còn quan niệm sai lệch về người cao tuổi; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy…

Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn thách thức như 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi đó xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ, chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân cao gấp 2,2 lần so với nam giới. Đặc biệt, việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi bởi quan niệm của người Á Đông, bao gồm cả người Việt Nam thì gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già…

Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là bệnh không lây nhiễm và mạn tính nên chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có những yêu cầu khác biệt, đặc thù về chăm sóc sức khỏe so với các nhóm tuổi khác. Vì vậy, ngành y tế cần đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà…); đồng thời phối hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở y tế và dựa vào cộng đồng.

Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh cho người cao tuổi

Đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi khác với các lứa tuổi khác như lão hóa các cơ quan, tính chất đa bệnh lý, các hội chứng đặc trưng ở người cao tuổi; sử dụng nhiều thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến. Đặc biệt, bệnh nhân cao tuổi (thường là từ 80 tuổi trở lên) thường có các hội chứng lão khoa đặc trưng (hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước) có nguy cơ tai biến điều trị cao… Đồng thời, sau khi được điều trị nội, ngoại khoa tại các cơ sở y tế khác, các bệnh nhân này có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng phụ thuộc hoàn toàn về thể chất và tâm thần, rất khó hồi phục. Chính vì vậy, việc thành lập mô hình khoa lão trong bệnh viện sẽ giúp người cao tuổi được chăm sóc một cách toàn diện và liên tục.

Hiện nay, cả nước có 106 khoa Lão đã được thành lập tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện Trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Bên cạnh đó, số người cao tuổi được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là trên 213.000 lượt; được khám chữa bệnh tại nhà là gần 80.000 lượt; người cao tuổi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế là gần 8 triệu lượt. Qua khám chữa bệnh phát hiện trên 1 triệu lượt người cao tuổi có bệnh mạn tính không lây nhiễm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số địa phương hiện vẫn chưa bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như khám sức khỏe định kỳ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa Lão còn thiếu; bác sỹ, điều dưỡng học về chuyên ngành lão khoa còn thiếu nên chưa tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cộng đồng…

Để giải quyết những thách thức, khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, ngành y tế cần tổ chức có hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng các bệnh không lây nhiễm. Nâng cao năng lực của tuyến cơ sở trong quản lý các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi; phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đồng thời, cần quan tâm đến chính sách bảo hiểm y tế, dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với người cao tuổi. Đặc biệt, cần phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mạn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng, nhân lực đáp ứng nhu cầu quản lý bệnh không lây nhiễm ở giai đoạn bệnh tiến triển…

Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017- 2025

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025”. Đề án được triển khai trên toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ưu tiên các tỉnh thành phố có tỷ lệ người cao tuổi cao, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều người cao tuổi gặp khó khăn hoặc người cao tuổi là người dân tộc thiểu số.

Theo đó, đối tượng tham gia đề án gồm: Người cao tuổi, gia đình có người cao tuổi; cấp ủy, chính quyền và ban ngành đoàn thể; cán bộ dân số, y tế các cấp; cộng đồng nơi người cao tuổi sinh sống. Nội dung đề án tập trung vào các hoạt động như: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

Đồng thời, đề án giúp nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Ngoài ra, đề án còn xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình; thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn năm nay của dân tộc Việt Nam

Tại Hội nghị "Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng" do Bộ Y tế tổ chức ngày 25-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn năm nay của dân tộc Việt Nam với những đạo lý “Kính lão, đắc thọ”, “Kính trên, nhường dưới”. Trong những năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam có rất nhiều chính sách quan tâm, chăm sóc và đặc biệt phát huy vai trò người cao tuổi.

Theo Phó Thủ tướng, già hoá dân số đang nổi lên là một trong những thách thức mang tính toàn cầu. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Vì vậy, chủ đề người cao tuổi được đặt ra tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại Việt Nam với mục tiêu để khu vực châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh, để người cao tuổi sống khỏe mạnh. Vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số.

“Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề già hoá, dường như ngành y tế và cộng đồng tập trung nhiều đến các thách thức trong chăm sóc sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ cho người cao tuổi. Chúng ta phấn đấu để tuổi thọ dân số ngày càng cao nhưng phải sống khoẻ và có ích”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Những năm qua, vai trò của y tế cộng đồng, mô hình y học gia đình ngày càng được khẳng định trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, hạn chế lưu trú tại bệnh viện, nhất là đối với điều trị các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Cùng với đó, hệ thống các khoa, bệnh viện lão khoa, cơ sở chăm sóc dưỡng lão, hệ thống nhân lực chăm sóc riêng cho người cao tuổi được củng cố và phát triển. Hiện có 46/63 tỉnh, thành phố thành lập lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh và gần 30 nhà dưỡng lão tư nhân.

Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở, không chỉ làm công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu mà còn chăm sóc người cao tuổi, nhất là người mắc các bệnh mãn tính, với tinh thần làm sao “trong môi trường bệnh viện, người cao tuổi cảm thấy sự chăm sóc và tình cảm ấm áp như ở nhà”, Phó Thủ tướng mong muốn./.