TCCSĐT - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trách nhiệm bảo vệ và quản lý Di sản thế giới

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Theo đó, khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Vùng đệm của khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với việc lập quy hoạch tổng thể di sản thế giới theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về di sản văn hóa.

Trường hợp di sản thế giới đồng thời có khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển thì chỉ lập 1 quy hoạch tổng thể di sản thế giới, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh với bảo vệ tài nguyên du lịch, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa và quy định pháp luật khác có liên quan.

Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới. Cụ thể, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới có nhiệm vụ lập phương án và tổ chức triển khai thực hiện phương án bảo vệ và quản lý di sản thế giới ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn của di sản thế giới, kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại di sản thế giới và báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền những nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới di sản thế giới.

Tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá, trưng bày, giới thiệu về di sản thế giới; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu trữ tài liệu về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể liên quan phục vụ công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di sản thế giới; bảo quản, nghiên cứu, sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, mẫu vật địa chất, động vật, thực vật tại di sản thế giới và trưng bày, triển lãm lưu động bên ngoài phạm vi di sản thế giới; tổ chức trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể gắn với di sản thế giới.

Hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách tham quan du lịch tại di sản thế giới; tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động du lịch dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập, giải trí tại di sản thế giới; đánh giá tác động của hoạt động du lịch đối với di sản thế giới và đề xuất phương án giảm thiểu tác động làm suy giảm giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới (nếu có).

Tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới được tổ chức bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ; quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật. Tham gia quản lý, liên kết và giám sát các hoạt động đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển sinh vật trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới; phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới...

Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ và quản lý di sản thế giới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10-11-2017.

Kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các quyết định kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật: Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19-5-2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng; Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg sửa đổi, theo đó, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương gồm: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức sau: Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia làm Ủy viên Hội đồng.

Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg cũng sửa đổi thành phần Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo cơ quan công an, cơ quan quân sự, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Đài Phát thanh và Truyền hình.

Mời lãnh đạo các cơ quan, tổ chức: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan Thi hành án dân sự, Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Luật gia, Hiệp hội doanh nghiệp làm Ủy viên Hội đồng. Đối với địa phương có đường biên giới thì mời đại diện lãnh đạo cơ quan Bộ đội biên phòng làm Ủy viên Hội đồng. Đối với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh mời lãnh đạo Đoàn luật sư tham gia làm Ủy viên Hội đồng.

Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg quy định Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng; thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch Hội đồng phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về việc thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp không thể tham dự các phiên họp Hội đồng, Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản về cơ quan thường trực Hội đồng để tổng hợp, báo cáo Hội đồng. Ý kiến của Ủy viên Hội đồng là ý kiến chính thức của cơ quan, tổ chức nơi công tác.

Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm tư vấn, tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan, tổ chức mà mình là đại diện làm thành viên Hội đồng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý hoặc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thành viên, hội viên của tổ chức mình; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân; hàng năm tổng hợp kết quả, báo cáo Hội đồng và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành hoặc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thành viên, hội viên của tổ chức mình.

Kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1430/QĐ-TTg về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Theo đó, kiện toàn Hội đồng gồm thành phần quy định tại Quyết định 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định 42/2017/QĐ-TTg.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng. Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Hội đồng họp định kỳ 2 lần/năm, họp đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng hoặc theo ý kiến của tối thiểu 1/2 thành viên Hội đồng. Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng./.