Đóng góp của người cao tuổi cho gia đình và xã hội
TCCSĐT - Lớp người cao tuổi ở nước ta ngày nay là những nhân chứng lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm đầy khó khăn, gian khổ, nhưng vinh quang, vẻ vang. Nhiều người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Ngày nay đóng góp của người cao tuổi cho gia đình và xã hội vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ.
Trong bối cảnh đất nước mới độc lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ, nền kinh tế - xã hội cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, thử thách, gian khổ, hy sinh,… thậm chí ở thế ngàn cân treo sợi tóc, một mất một còn nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và sáng tạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp các thế hệ luôn sẵn sàng, hăng hái xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng kêu gọi, Tổ quốc cần, như đi bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, vào nhà máy, công - nông trường, vừa sản xuất vừa chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “với tinh thần thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; với phong trào thi đua rực lửa “3 sẵn sàng” của thanh niên, “3 đảm đang” của phụ nữ, “Phụ lão 3 giỏi”, “tay cày tay súng, cánh đồng 5 tấn” của nông dân, “Tay búa tay súng” của công nhân, “Sóng duyên hải”, “Gió đại phong”, “Trống Bắc Lý”, “Cờ Ba Nhất”… Họ thật sự là lớp người đã mang hết trí tuệ, tài năng, công sức, lòng dũng cảm sẵn sàng hiến dâng cả máu xương của mình cho sự nghiệp đấu tranh dành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Đất nước ta, dân tộc ta và cuộc sống của nhân dân ta sẽ ra sao nếu như cha ông chúng ta không trường kỳ kháng chiến chống Pháp và thắng Pháp ở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, không trường kỳ kháng chiến chống Mỹ và thắng Mỹ ở cuộc chiến đấu “Điện Biên Phủ” trên không 12 ngày đêm khốc liệt ở Thủ đô Hà Nội năm 1972 và toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, người cao tuổi là nguồn lực nội sinh quý giá, họ thật sự là những “Thư viện sống” trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, sản xuất kinh doanh, xóa nghèo, làm giàu cho quê hương, đất nước. Ngày nay, những người con của đất nước trưởng thành, thành đạt, thậm chí nổi tiếng; là những nhà khoa học, những doanh nhân giỏi,… có phần đóng góp, hy sinh thầm lặng của các thế hệ cha ông đi trước. Nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn do hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại, đã tác động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, viên chức, người lao động, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong,… Tuy nhiên, tầng lớp người cao tuổi vẫn không ngại vất vả, gian khó vẫn hăng hái “làm kinh tế”, tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, cơ sở; họ vẫn âm thầm đảm nhận vai trò trụ cột trong gia đình; giúp các con nuôi dạy cháu, chắt của mình trưởng thành, “nên người”. Không ít người cao tuổi phải tạm thời rời mái ấm gia đình, xa quê hương ra thành phố, đi lao động ở nước ngoài để kiếm tiền nuôi con ăn học. Thật xúc động khi thấy có một ông bố phải ăn ở tạm bợ nơi khoanh cống bên đường làm nghề sửa chữa xe; có người đi làm giúp việc, khuân vác, vận chuyển hàng hóa ở các chợ đầu mối,… vất vả ngày đêm, ăn tiêu tằn tiện, ngủ tạm qua đêm trong lều lán, nhà trọ chỉ 3.000đ đến 5.000đ/tối để tiết kiệm tiền nuôi con ăn học đại học, mong con, cháu sau này có “cái nghề” cho đỡ khổ!
Đặc biệt, trong khoảng gần chục triệu người cao tuổi ở nước ta hiện nay có hàng triệu người cao tuổi có trình độ đại học, cao đẳng, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của các ngành, các cấp vẫn lao động miệt mài không ngừng nghỉ, vẫn ngày đêm say sưa nghiên cứu khoa học, sáng tạo,… tích cực tham gia vào các hoạt động công tác xã hội, truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm về khoa học - công nghệ, ngành nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Điển hình như cố Giáo sư Trần Văn Khê ở tuổi 90 vẫn ngày đêm truyền thụ bản sắc văn hóa dân tộc, nhạc cụ dân tộc đến 50 nước trên thế giới, hướng dẫn nghiên cứu tinh hoa văn hóa dân tộc cho cán bộ trẻ, cho học sinh, sinh viên; Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu ở tuổi 103 vẫn lao động không ngừng nghỉ, vẫn thông thái và đang chạy đua với thời gian để truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm quý giá cho cán bộ trẻ, sinh viên… Không ít cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố,… về hưu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, thành phố, thậm chí là chỉ làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở một phường, một cụm dân cư vẫn rất nhiệt huyết, nhiệt tình giúp phong trào của Hội phát triển sôi động, mang lại nhiều lợi ích cho người cao tuổi nơi mình cư trú. Trên đất nước ta có không ít người cao tuổi ở tuổi 70, 80 vẫn đang làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại,… điều hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ của mình không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho con, cháu trong gia đình, trong họ tộc mình mà còn cho hàng nghìn lao động xã hội. Nhiều người cao tuổi ở thành phố Hội An ở tuổi 80 vẫn không ngừng sáng tạo ra những chiếc đèn lồng tinh xảo, có giá trị kinh tế cao. Hay như bác Khiêu Khiêm người dân tộc Khơ-me ở Kiên Giang 95 tuổi có hơn 60 năm bảo vệ, giữ gìn cột mốc biên giới quốc gia, dày công tuyên truyền vận động, gây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các dân tộc ở vùng biên giới. Bác Nguyễn Đức Thìn, Anh hùng lao động, nhà giáo Nhân dân - người khởi xướng phong trào thi đua “nghìn việc tốt” ở Liên đội Thiếu niên Tiền phong Trường Trung học cơ sở Tam Sơn, tỉnh Bắc Ninh (năm 1963 ) năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng hằng ngày vẫn miệt mài, say sưa có mặt ở khu Di tích lịch sử Đền Đô để hướng dẫn cho khách đến thăm quan, nghiên cứu lịch sử triều đại Vua nhà Lý… Hiện nay, nước ta có hơn 1.240.000 người cao tuổi đang tham gia các hoạt động công tác xã hội ở cơ sở, như làm bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản, tổ dân phố, tổ hòa giải, tổ khuyến học, an ninh, tự quản,… có nhiều đóng góp quan trọng bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Thực tế cho thấy, những người nghỉ hưu ở tuổi 55 - 60, về cơ bản họ còn sức khỏe, trí tuệ, nhiệt huyết đều có nguyện vọng được tiếp tục làm những công việc phù hợp để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, phụ giúp con cháu,… sống khỏe, sống có ích. Nhiều người cao tuổi xác định, nghỉ hưu là nghỉ việc ở cơ quan nhà nước hay ở đơn vị sản xuất kinh doanh theo chính sách của Nhà nước chứ không phải ngừng hoạt động. Trong nhiều trường hợp, các cụ ở tuổi thượng thượng thọ vẫn lao động, học tập không ngừng nghỉ. Họ đã chứng minh rằng, cơ thể con người có khả năng nội tại vô tận, nên tiếp tục sử dụng khả năng đó một cách liên tục không ngừng nghỉ thì mới tốt. Nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng cho biết, những người sau nghỉ hưu tiếp tục làm việc ngay năm đầu tiên giảm 3,2% bệnh tật, sau 5 năm giảm 11% nguy cơ tử vong. Ở Nhật Bản có 7 triệu người tiếp tục làm việc sau khi về hưu, Chính phủ Nhật Bản dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu lên 70 tuổi. Do vậy, những người đến tuổi nghỉ hưu cần được các cấp, các ngành và xã hội quan tâm, tạo điều kiện, sắp xếp những công việc phù hợp để họ có thể tiếp tục cống hiến tiếp từ 10 - 15 năm, các nhà khoa học có thể cống hiến tiếp 20 - 25 năm,… sẽ mang lại nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội, nhất là giai đoạn già hóa dân số đang diễn ra.
Ở nước ta, hưởng ứng Chương trình Khởi nghiệp quốc gia của Chính phủ đã xuất hiện nhiều người cao tuổi, nhóm người cao tuổi phối hợp khởi nghiệp với khôi phục ngành nghề, sản phẩm truyền thống của cha ông. Trong thời gian tới, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các khóa học tập huấn phù hợp để họ có cơ hội phát huy những tiềm năng trí tuệ, kinh nghiệm từng trải để tạo việc làm, thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống cho người cao tuổi. Hơn ai hết, Hội Người cao tuổi ở địa phương, cơ sở cần quán triệt, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương,… nhất là Chương trình Khởi nghiệp quốc gia của Chính phủ. Với tiềm năng, thế mạnh, kinh nghiệm của người cao tuổi; điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương để xây dựng những đề án, mô hình, tổ hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp nhằm tạo việc làm cho người lao động nói chung, người cao tuổi nói riêng, nâng cao thu nhập cho gia đình và xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ở các cấp Hội góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở để cuộc sống của người cao tuổi ngày càng tốt đẹp hơn.
Kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống Người cao tuổi Việt Nam - Ngày Người cao tuổi Việt Nam (6-6-1941 - 6-6-2017), các cấp Hội cần tuyên truyền sâu rộng những đóng góp to lớn của lớp người cao tuổi vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu; hy sinh hết thảy vì con, vì cháu,… nhằm giáo dục thế hệ trẻ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “kính lão trọng thọ của dân tộc”; đẩy mạnh xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa”. Đối với tổ chức Hội cơ sở, ngày 6-6 tổ chức gặp mặt thân mật, tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho các cụ cao niên; thăm hỏi động viên người cao tuổi ốm đau, bệnh tật; tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, thơ ca,… để cuộc sống của người cao tuổi thêm phong phú, tốt đẹp hơn.
Phát huy truyền thống của cha ông, với tinh thần tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, lớp người cao tuổi ngày nay cần tiếp tục phấn đấu không ngừng để thật sự là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo./.
Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ  (28/06/2017)
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga phát triển mọi mặt  (28/06/2017)
Việt Nam dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á-Âu lần thứ hai tại Hàn Quốc  (28/06/2017)
Một số hoạt động của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Cộng hòa Belarus  (28/06/2017)
Một số hoạt động của lãnh đạo Chính phủ  (28/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay