Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1

Lương Thị Song Vân, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc Nguyễn Thùy Linh, Đại học Thủ đô
22:51, ngày 17-02-2017

TCCSĐT - Việc chuẩn bị vốn tiếng Việt cho trẻ em trong độ tuổi mầm non trước khi vào lớp 1 là một vấn đề không thể xem nhẹ, nhất là với trẻ em dân tộc thiểu số (đa phần chưa sõi tiếng Việt). Hiểu được những khó khăn này, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục mầm non trong nhóm trẻ em dân tộc thiểu số và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch Chiến lược quốc gia của tổ chức, giai đoạn 2016 - 2018.

Những khó khăn trong việc chuẩn bị tiếng Việt của trẻ mầm non dân tộc thiểu số

Báo cáo điều tra của Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho thấy, trong số 54 dân tộc khác nhau ở Việt Nam, thì dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% tổng dân số. Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ dân số nhưng số người nghèo của các dân tộc thiểu số lại chiếm đến 47% tổng số người nghèo của cả nước. Một trong những yếu tố góp phần gia tăng số lượng người nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số là trẻ em. Đối tượng này đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận và hoàn thành một nền giáo dục có chất lượng. Trong khi, tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học của trẻ em dân tộc Kinh đạt ở mức cao 95% thì tỷ lệ này giảm xuống còn 71% đối với trẻ em dân tộc Dao và Mông; tỷ lệ học sinh học hết bậc tiểu học của trẻ em người Kinh là 82%, thì chỉ có 60% trẻ em dân tộc thiểu số làm được điều này, kết quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số cũng thường thấp hơn, do đó các em ít có cơ hội làm giàu cho tương lai của mình và gia đình.

Hiện nay, nhiều cha mẹ các em trẻ dân tộc thiểu số ít có cơ hội đi học nên nhiều người không biết chữ, dù là tiếng mẹ đẻ hay tiếng Việt. Hơn nữa, họ lại không có kỹ năng hỗ trợ con học tập tại nhà, dẫn đến tình trạng trước khi bước vào lớp 1, trẻ dân tộc thiểu số chưa sõi tiếng Việt. Mặc dù ở trường mầm non, các cô luôn dạy các em học bằng tiếng Việt và phối hợp với cha mẹ các em để khuyến khích các em nói tiếng Việt ở nhà. Trong khi đó, báo cáo Giám sát toàn cầu về giáo dục năm 2016 của Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng, một trong những nhân tố chủ chốt trong việc giúp trẻ phát huy hết tiềm năng của các em chính là môi trường học tập tại nhà, cho phép các em tương tác và tiếp cận với các tài liệu học tập thích hợp.

Hỗ trợ trẻ mầm non dân tộc thiểu số thông qua bộ công cụ ELM

Nhằm hỗ trợ việc tăng cường kỹ năng làm quen với toán và tiếng Việt trong Chương trình phát triển trẻ thơ, giúp trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã quyết định đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác giáo dục mầm non trong nhóm trẻ em dân tộc thiểu số và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch Chiến lược quốc gia của tổ chức, giai đoạn 2016 - 2018. Mục tiêu này được thực hiện thông qua việc phát triển sách, truyện và tài liệu học tập phù hợp với lứa tuổi cũng như văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực cho giáo viên; người chăm sóc và cha mẹ, cũng như sử dụng phương pháp tiếp cận giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ; đồng thời cũng tăng cường sự tham gia của trẻ em trong việc đánh giá hiệu quả học tập và qua đó nâng cao hiệu quả công tác giáo dục mầm non trong trẻ em dân tộc thiểu số.

Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế đã triển khai dự án “Tăng cường kỹ năng làm quen với toán và đọc viết cho trẻ mầm non” tại 2 tỉnh Yên Bái và Quảng Nam để tiếp cận và hỗ trợ cho 1.957 trẻ em đang trong độ tuổi mầm non và 975 phụ huynh dân tộc Tày, Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Cơ Tu và Kinh.

Bộ công cụ này mang tên ELM (Emergent Literacy and Math) đang được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế thử nghiệm tại nhiều nước trên thế giới. Dự án đã dựa vào chương trình giáo dục mầm non hiện có để hỗ trợ thêm các phương pháp tương tác giữa trẻ từ 3-6 tuổi đang học tại trường và cộng đồng với giáo viên, cha mẹ hoặc người chăm sóc. Cùng với đó là các giải pháp can thiệp chính bao gồm việc nâng cao năng lực hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng làm quen với toán và đọc viết cho cán bộ giáo dục, giáo viên, cha mẹ và người chăm sóc; áp dụng bộ công cụ ELM trong các hoạt động dạy và học tại trường cũng như tại nhà; phát triển sách truyện phù hợp với độ tuổi và thực hiện các sáng kiến cộng đồng hỗ trợ trẻ mầm non phát triển cả về thể chất và tinh thần; đồng thời vận động chính sách dựa trên các hoạt động tại địa phương để lồng ghép việc học mà chơi của bộ công cụ ELM.

Mục tiêu của các can thiệp này là nhằm giúp trẻ sẵn sàng đến lớp thông qua việc áp dụng bộ công cụ ELM tại trường học trong quá trình giảng dạy của giáo viên và tại nhà qua sự tham gia tích cực của phụ huynh trong việc hỗ trợ con em mình vừa chơi vừa học làm quen với toán và đọc viết. Điều này cũng tạo thành mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc chung tay hỗ trợ trẻ em có một nền tảng học tập vững chắc và lâu dài ngay từ độ tuổi mầm non.

Những tín hiệu vui

Để đánh giá tính hiệu quả và tác động của bộ công cụ, tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã sử dụng Bộ công cụ đánh giá quốc tế về kết quả học sớm của trẻ (IDELA) gồm 24 hạng mục đánh giá trẻ bao gồm 4 lĩnh vực (phát triển vận động; làm quen với toán; làm quen với đọc viết; phát triển tình cảm - xã hội) và 2 hạng mục thực hiện chức năng điều hành (trí nhớ ngắn hạn; khả năng kiểm soát sự trái ngược). Ngoài ra, hệ thống đánh giá này còn giúp phát hiện sớm những lĩnh vực phát triển còn thiếu hụt ở trẻ. Từ đó, gia đình và nhà trường có thể đưa ra các can thiệp phù hợp. Điểm số của bộ công cụ IDELA là điểm trung bình mà tất cả các trẻ đạt được ở từng kỹ năng được đánh giá. Khi tất cả các kỹ năng trong từng lĩnh vực tăng lên thì sự sẵn sàng đi học của trẻ theo đó cũng được củng cố vững chắc hơn.

Sau 14 tháng can thiệp, các lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non tại các trường dự án triển khai đều tăng, thể hiện sự cải thiện trong việc sẵn sàng đi học của trẻ. Trong lĩnh vực đọc viết, điểm trung bình của trẻ về nhận biết chữ viết tăng từ 15% đến 32%; nhận biết con số là 18% lên 43%. Với lĩnh vực tình cảm - xã hội, vốn là một lĩnh vực phát triển khó, cũng đã có những kết quả khả quan ở chỉ số cảm xúc bản thân (tăng từ 19% lên 36%). Tổng điểm trung bình IDELA tăng từ 33% lên 41%.

Tuy nhiên, thông qua kết quả IDELA, ta cũng thấy rõ những lĩnh vực cần cải thiện để giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, như phần ghép hình (trong làm quen với toán), phần âm đầu (trong làm quen với đọc viết), phần vận động (trong phát triển vận động), phần giải quyết xung đột (trong phát triển tình cảm xã hội).

Nhằm thúc đẩy việc học tập ở nhà của trẻ đạt hiệu quả tốt hơn nữa, Dự án cũng tập huấn cho phụ huynh về phương pháp dạy con học tại nhà theo bộ công cụ ELM. Tại các câu lạc bộ sinh hoạt cha mẹ, phụ huynh đưa con tới và cùng người điều hành câu lạc bộ thực hành các trò chơi đơn giản dễ áp dụng cho trẻ tại nhà.

Qua khảo sát đầu và cuối kỳ, môi trường học tập tại nhà của trẻ đã có nhiều thay đổi tích cực. Trẻ được tiếp cận với nhiều loại sách truyện hơn. Đã có 62% hộ gia đình có sách truyện cho trẻ ở nhà, tăng 30% so với trước Dự án; Số sách tô màu cũng tăng từ 46% lên 70%. Trẻ cũng có thêm nhiều đồ chơi ở nhà, đặc biệt là các đồ chơi liên quan đến số và hình khối (tăng từ 49% đến 74% với số và từ 35% đến 62% với hình khối). Ngoài ra, cha mẹ và các người thân trong gia đình sử dụng các vật liệu thiên nhiên và các đồ dùng trong gia đình để dạy trẻ cũng gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, 80% - 90% phụ huynh đã biết các kỹ năng khơi gợi, hướng dẫn con các trò chơi về toán (đếm, đo lường, quy luật…) và đọc viết (nhận diện chữ cái…). Trên 85% cha mẹ đồng ý về vai trò quan trọng của mình trong việc học tập của con sau khi tham gia vào các hoạt động của Dự án.

Hiện tại, việc giúp trẻ mầm non dân tộc thiểu số chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn gặp không ít khó khăn. Để tháo gỡ những tồn tại đó, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ việc tăng cường kỹ năng làm quen với toán và đọc viết trong chương trình Phát triển trẻ thơ. Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Tài chính và nhân sự của Tổ chức Cứu trở trẻ em quốc tế tại Việt Nam, để hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số vượt qua các khó khăn, thách thức trong việc được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế tại Việt Nam đã quyết định đưa việc đẩy mạnh chất lượng giáo dục trong nhóm trẻ em này là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch Chiến lược quốc gia của tổ chức, giai đoạn 2016 - 2018; trong đó chương trình giáo dục sẽ hỗ trợ việc tăng cường kỹ năng làm quen với toán và đọc viết trong Chương trình Phát triển trẻ thơ, nhằm nâng cao tính sẵn sàng đi học của trẻ thông qua việc phát triển các sách, truyện và tài liệu học tập, phụ hớp với lứa tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số, đồng thời nâng cao năng lực giáo viên, người chăm sóc và cha mẹ./.